Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Học Cho Đi

§ Phêrô Vũ văn Quí

(CN 1TN – Mc 1, 7-11)

Theo thánh sử Marcô, nghi thức phép rửa của Gioan Tẩy Giả có hai phần là xưng thú tội lỗi để tỏ lòng sám hối được ơn tha tội và nhận chìm vào trong nước để nói lên ý nghĩa của sự chết, nói lên sự thanh tẩy, sự giải thoát khỏi dơ bẩn của quá khứ đã đè nặng và làm méo mó cuộc sống siêu nhiên. Chính vì vậy, khi Đức Giêsu chứng kiến nhiều người từ khắp miền Giuđê và Giêrusalem kéo đến với Gioan (Mc 1, 4-5), tôi tin chắc rằng Người đã vô cùng đau khổ về những gì nghe và thấy được, bởi sau này khi đi rao giảng, Đức Giêsu cũng đã nhiều lần phải chạnh lòng thương; như trước khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều lần đầu, thánh Marcô đã tường thuật: “ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dậy dỗ họ nhiều điều” (6, 34).

Như thế, trước hình ảnh xưng thú tội lỗi và rồi dìm mình trong nước mong được tái sinh của rất nhiều người có mặt lúc đó, Đức Giêsu cũng đã “chạnh lòng thương” tận sâu trong trái tim như lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn Người. Với trái tim của Đấng chăm sóc linh hồn quặn đau như thế mà Đức Giêsu đã tiến lại gần cùng bước vào chỗ đứng của tội nhân và xin ông Gioan làm phép rửa cho Người. Đức Giêsu cùng đau khổ với con người hèn yếu và tội lỗi, dù Người không hề phạm tội (2Cr 5, 21). Hơn nữa, Người thực hiện cách thức vượt trội cao cả nhưng hàm chứa lời tiên báo về một “phép rửa nữa phải chịu” (Lc 12, 50) này không phải do tác động của lời rao giảng của Gioan mà là vì Người tự nguyện “giữ trọn đức công chính” (Mt 3, 15).

Quả thật, chính tình yêu vâng phục thánh ý Chúa Cha và chính trái tim Đấng chăm sóc linh hồn bằng cách ôm lấy tội trần gian mà Đức Giêsu đã bước xuống sông Giođan để lãnh nhận phép rửa bằng nước của Gioan, đã giúp tôi cảm nhận ra ý nghĩa Mầu Nhiệm Thập Giá, vì thanh dọc biểu tượng cho Tình Yêu vơi Thiên Chúa, còn thanh ngang biểu tượng cho Tình Yêu với con người.

Với cảm nghiệm sâu xa được Trái Tim của “Vị Mục Tử, Đấng Chăm Sóc Linh Hồn anh em” (1Pr 2, 25) qua nghi thức nhận phép rửa, ĐGH Bênêđictô XVI đã viết trong tác phẩm “Đức Giêsu thành Nazarét” như sau:

Nhìn các biến cố này trong ánh sáng Thập Giá và Sống lại, người Kitô hữu nhận ra những gì đã xẩy ra: Đức Giêsu đã gánh lấy mọi tội lỗi của con người trên vai mình. Người đã mang những tội lỗi này xuống vào trong sâu thẳm của Giođan. Người đã khai mạc hoạt động công khai của mình, bằng cách bước vào trong chỗ đứng của tội nhân. Cung cách khai mở của Người là sự tiên báo về Thập Giá.”

Nhiều người vẫn tự hỏi người ta làm thế nào để rửa tội cho một đứa trẻ, một đứa bé tí tẹo như con búp bê, chẳng biết gì cũng chẳng biết nói. Nó muốn gì cũng không thể nói lên được. Nó hoàn toàn lệ thuộc vào mẹ nó. Nó chẳng tự làm được một cái gì. Nó sẽ chết nếu người ta bỏ mặc nó trong một vài ngày. Vậy rửa tội cho một đứa bé như thế nghĩa là gì? Theo thánh Phaolô (Rm 6), thì việc đó có nghĩa là dìm nó vào nước, nghĩa là dìm nó vào trong Chúa, nghĩa là đặt Thiên Chúa vào trong trái tim nó. Để làm gì vậy? Để nó trở nên một người mang Chúa!

Quả là một đứa trẻ, không phải chỉ biết ăn, uống, ngủ nghỉ, mà nó còn là một con người có thể mang được, cho dù nó mới sinh ra được vài giờ, nó có thể mang cả bầu trời trong tim nó, nó có thể mang được Thiên Chúa và đem niềm vui, chí ít cho cha mẹ nó. Đó là ý nghĩa của Phép rửa tội đó. Vì thế, nhờ phép rửa tội, Chúa Giêsu đã muốn cho chúng ta học biết cho, khi Người cho chúng ta bám rễ sâu vào trong Người bởi Người là “Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29). Như vậy một khi ta đã cho đi, một khi ta đã quên mình, quên đến nỗi không còn nhìn thấy mình, không còn nghĩ tới mình nữa, chỉ còn tìm cách làm ơn hay đem lại sự bình an, niềm vui cho người khác như Con Chiên Thiên Chúa, thì lúc đó chắc chắn rằng Thần Khí đang ngự trong tâm hồn ta và tự trong trái tim hay chạnh lòng thương, ta lại được nghe tiếng từ trời phán rằng: “Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1, 11).

Thế cho nên, thánh Phêrô đã ân cần khuyên nhủ những Kitô hữu là: “Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người”. (1Pr 2, 21)

Trải qua thời gian, người kế vị thánh Phêrô, ĐTC Gioan Phaolô II đã giáo huấn trong Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân, số 11 như sau:

“Nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta trở thành con cái nam nữ của Thiên Chúa, trong Người Con duy nhất, là Đức Giêsu Kitô. Ra khỏi giếng rửa tội, mỗi người Kitô hữu đều nghe được tiếng nói xưa kia đã vang lên ở bờ sông Giođan: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Lc 3, 22), và như vậy họ hiểu rằng mình đã được kết hợp với Người Con yêu dấu, được làm nghĩa tử (Gl 4, 4-7), và là em Đức Kitô. Như thế, chương trình vĩnh cửu của Thiên Chúa được thể hiện nơi lịch sử của mỗi người: “Những ai Người đã biết từ trứơc, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8, 29).

Chính Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho những người đã được Thánh Tẩy trở nên con cái nam nữ của Thiên Chúa, đồng thời trở thành chi thể của Thân Mình Đức Kitô.”

Lạy Chúa là Cha Giầu Lòng Nhân Ái của chúng con,

Xin cho chúng con luôn biết khiêm nhường và tự hạ với lòng sám hối chân thành tận sâu trong tâm hồn và trái tim.

Xin Cha cũng ban Thần Khí của Đức Kitô để Ngài biến đổi trái tim chúng con biết chạnh lòng thương những người còn đang gặp đau khổ vì những đam mê xác thịt, vì những dục vọng đớn hèn mà xã hội thực dụng đang ra sức lôi cuốn họ vào.

Đồng thời, xin Ngài tăng thêm sức mạnh nơi đôi chân cũng như đôi tay, để chúng con vững bước ra đi và quảng đại đến cùng với họ hầu xứng đáng dõi bước theo Đức Giêsu Kitô, Đấng Chăm Sóc Linh Hồn chúng con.

Chì bằng vào nhận chìm trong nguồn nước, tức cùng đồng hành với những người cùng khổ, chúng con mới được Cha chúc lành: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” Amen.

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, 11/01/2009

Phêrô Vũ văn Quí

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 09.01.2009. 10:02