Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hiệp thông trọn vẹn trong Chúa Ba Ngôi

§ Lm Jude Siciliano, OP

Chúa Nhật Thiên Chúa Ba Ngôi A
Sách Xuất hành:34:4-6,8-9; Daniel:3:52-55; 2 Cor:13:11-13; Ga 3:16-18

Thưa quý vị,

Một linh mục đồng nghiệp kể cho tôi nghe rằng, hồi ông còn là sinh viên thần học, tham dự một khóa thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo sư thỉnh giảng chỉ định cho sinh viên một tập sách dày để nghiên cứu. Giữa khóa học, bà giáo sư rời khỏi vaị trò đứng lớp chính khóa và chuyển sang lãnh vực chia sẽ. Bà nói với các sinh viên rằng, khi làm linh mục và được trao trách nhiệm giảng giải về lễ Chúa Ba Ngôi, thì tốt hơn nên giả đò mình bị cảm cúm.

Bà giáo sư ý thức được sự khó khăn trong việc giải nghĩa ngày lễ hôm nay. Thực vậy, làm thế nào chúng ta hiểu được mầu nhiệm đang cử hành? Thánh Augustinô có ý kiến như sau: “Anh chị em thân mến, vậy thì chúng ta có thể nói chi về Thiên Chúa? Nếu anh chị em hiểu điều mình nói, thì điều đó không phải là Thiên Chúa. Nếu hiểu được thì thực ra chúng ta hiểu cái chi khác, chứ không phải Thiên Chúa. Nếu bạn quả quyết nắm bắt được Ngài, bạn đang lừa dối mình đó. Nếu chúng ta muốn tìm một cái tên xứng đáng để đặt cho Ngài, chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm ra. Vậy thì chúng ta làm sao nói được điều mình chẳng hiểu?” (Sermo 52, 6,16). Vậy làm thế nào chúng ta rút ra được bài học cho ngày lễ hôm nay?

May thay, các bài đọc rất sống động và cụ thể, và chìa khóa là tập trung vào chúng và giảng về chúng. Đừng lý thuyết lôi thôi. Tin mừng thánh Gioan bảo rằng Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã sai con một của Ngài đến thế gian, chia sẻ thân phận với chúng ta và ban Thánh Thần để cứu rỗi nhân loại. Nếu suy nghĩ kỹ về những điều trên đây, thì người ta có thể ngộ ra Thiên Chúa là một gia đình (God is a family). Gia đình ấy đựng nên và cứu rỗi nhân loại. Qua bí tích Thánh Tẩy, mọi người được sáp nhập vào gia đình hạnh phúc ấy. Sau này Chúa Giêsu nói rõ hơn khi sai các môn đệ đi khắp thế gian rao giảng Tin mừng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân thành môn đệ, rửa tội cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,18). Như thế gia đình Thiên Chúa gồm ba ngôi vị: Cha, Con và Thần Khí. Hạnh phúc và hy vọng của nhân loại là được gia nhập gia đình ấy. Cho nên lễ Chúa Ba Ngôi là căn bản của đạo, là ngày lễ đẹp nhất trong năm, lễ vượt qua mọi nhỏ nhen, vụn vặt của cuộc đời và sống thân mật với Thiên Chúa Tình Yêu: Cha, Con và Thánh Thần.

Bài đọc 1 trích sách xuất hành, kể lại việc Thiên Chúa hiện ra trên núi Sinai với ông Môisê lần thứ hai, tay ông cầm hai bia đá mới, hai bia cũ ông đã đập nát rồi vì tức giận con cái Israel thờ con bò vàng. Thiên Chúa lại làm giao ước mới với Môisê, và Môisê vâng lời Thiên Chúa tổ chức một dân riêng cho Ngài. Nhưng cũng như chúng ta, Môisê chẳng biết Đấng kêu gọi mình là ai? Ông xin cho được xem thấy mặt Thiên Chúa. Bài đọc viết: “Đức Chúa ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là Đức Chúa. Đức Chúa đi qua trước mặt ông và xướng: Đức Chúa! Đức Chúa, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín. Ông Môisê vội vàng phục xuống đất thờ lạy”.

Vậy thì Đức Chúa này là ai mà năng tỏ mình ra cùng Môisê, là Đấng nào mà chọn một dân tan tác, cứng cổ, lỳ lợm làm dân riêng để xây dựng thành cơ nghiệp? Ngài chính là Đức Chúa đã chọn chúng ta, ở với chúng ta bất chấp những thiếu sót và bất xứng của chúng ta để dựng nên thành nhân loại mới! Thiên Chúa này chúng ta cũng không thể hiểu, không thể nắm bắt, vì Ngài luôn hành động trong đường lối yêu thương, lạ lùng và mầu nhiệm. Ngay cả khi chúng ta phản bội và bất trung. Thiên Chúa ấy luôn ngự trong đám mây, không thấy được nhưng luôn cảm nghiệm được. Tuy nhiên, cảm nghiệm thế nào? Câu chuyện hôm nay tỏ rõ điều đó: “Ta là Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín”. Môisê đã cảm nghiệm như thế, dân Do Thái thấy rõ điều đó, thì nhất định ngày nay cũng như vậy thôi. Ngài luôn kiên trì, thương xót, luôn đi bước trước để đến với nhân loại. Không khi nào nản chí vì tội lỗi của họ. Ngài trung thành với chúng ta ngay cả khi chúng ta thiết lập những ngẫu tượng như tiền tài, sắc dục, tiếng tăm. Ngài dùng quyền năng để thu gom những tộc tan nát và xây dựng lại thành dân thánh thiện, an lành. Trước tình thế sa đọa và vô đạo hiện nay của thế giới, liệu chúng ta có được phép thất vọng? Chắc chắn là không, và mỗi lần mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta phải khơi dậy niềm hy vọng vĩ đại. Chẳng ai được phép nghi nan, chán nản. Vì Thiên Chúa của Môisê, của Đức Giêsu, của Hội thánh là Thiên Chúa tích cực và duyên dáng. Đúng không nào? Không ai có khả năng chống lại Ngài. Cho nên Môisê sau khi nhận thức dân ông mỏng giòn, phản bội và Thiên Chúa kiên trì xót thương thì đã quyết định hành động như chúng ta thường làm khi cảm nhận nhu cầu của mình và sự rộng lượng của Thiên Chúa, là kêu nài: “Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Ngài, thì xin Chúa cùng đi với chúng con”. Chúng ta có thể không xứng đáng được Thiên Chúa ưu ái, nhưng cứ mạnh dạn kêu cầu Thiên Chúa cùng đồng hành trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Thiết nghĩ Chúa chẳng nỡ chối từ vì bản chất Ngài là hay cứu giúp.

Nếu chúng ta chú tâm đọc Kinh Thánh và ngẫm nghĩ sự phát triển của nó, thì dễ nhận ra rằng Thiên Chúa của Tân Ước không chỉ “đi qua” như Cựu Ước mà còn cắm lều giữa nhân loại, vì Emmanuel là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, với loài người. Nếu Lời Chúa đáp trả Môisê là đồng hành với dân tộc Do Thái về Đất Hứa, thì trong Tân Ước, Ngài mặc lấy xác thịt loài người, lăn lộn với thân phận con người cho đến cái chết, thì liệu ai còn dám nghi ngờ mình không có Chúa ở cùng? Mình cô đơn giữa trường đời? Quả thực Tân Ước mạc khải Thiên Chúa rõ ràng trong con người đức Giêsu Kitô. Nên chúng ta phải tin lời Kinh Thánh và sống lời Thánh Kinh chỉ dạy, nếu không, thì chỉ là tên giả hình, lừa đảo bàn dân thiên hạ vì tự xưng là môn đệ Chúa, dân riêng của Ngài, mà trên thực tế thì không phải.

Gương Thánh Phaolô còn y nguyên giá trị. Ngài viết cho tín hữu thành Côrintô hai lá thư, vạch mặt những kẻ giả hình. Lúc ấy tín hữu trong thành cãi cọ và tranh giành nhau. Một phe theo xác thịt sống buông thả và câu nệ vào luật cũ như cắt bì, kiêng khem. Phe thứ hai sống theo tinh thần Phaolô, tin Đức Kitô không những như Đấng thực hiện các dấu lạ, mà còn như Đấng giải phóng qua khổ nạn, chịu chết và phục sinh của mình. Ông tin Đức Giêsu chính là Thiên Chúa mạc khải mình trong Đức Giêsu Kitô.

Hậu quả là một dân tộc mới, hợp nhất và bình an trong Thiên Chúa: “Nguyện xin ơn sủng của Đức Kitô, Chúa chúng ta. Tình yêu của Chúa Cha. Ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” ở cùng các tín hữu. Câu chúc này là kết thúc lá thư thứ hai trong bài đọc hôm nay. Nếu như Phaolô ở vị trí Môisê thì dân thành Côrintô phản ứng ra sao? Liệu họ có phản ánh là dân riêng được Chúa tuyển chọn và xây dựng? Cái chi sẽ duy trì họ trong nếp sống làm chứng nhân cho cuộc đời khổ nạn và cái chết của Chúa? Đó là nội dung của câu chúc vừa nêu: ơn sủng của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính ân sủng của Ba Ngôi mà Giáo Hội hiện tại được đoàn kết, bình an và rao giảng Tin Mừng. Cho nên các thành viên của Giáo Hội, nhất là hàng giáo sĩ, tu sĩ phải phản ánh ân sủng ấy qua nếp sống của mình. Chúng ta là dân Israel mới cư ngụ dưới chân núi Sinai, bây giờ là đồi Calvariô, tuy mỏng giòn và tranh giành, nhưng phải noi gương Môisê: “Lạy Chúa, nếu quả thật chúng con được nghĩa với Chúa, thì xin đi cùng chúng con”. Xin tha thứ những yếu đuối và xúc phạm của chúng con, và nhận chúng con như dân riêng Ngài. Do đó, chúng ta hiểu tại sao không như trong Cựu Ước, Chúa không ở trong đám mây, bay cao trên núi Sinai và Môisê chỉ cảm nghiệm như Chúa “đi qua”. Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy Thiên Chúa bằng xương bằng thịt dạy bảo Nicôđêmô trông đợi điều gì, sống làm sao, hành động thế nào để được Chúa cứu rỗi. Nếu như Ngài ở trên mây cao, chúng ta dính vào trái đất, thì có ly do khiến chúng ta không nghe lời Thiên Chúa. Chúng ta sẽ vật lộn với thế gian, ma quỷ, tình dục một mình và chắc chắn bị bại trận. Nhưng đàng này Thiên Chúa xuống sống giữa nhân loại, chỉ bảo và ban Thánh Thần đến giúp đỡ, chúng ta không còn lý do chối từ. Đúng như đức Giêsu nói với Nicôđêmô: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một để thế gian nhờ Người Con ấy mà được vào Nước Trời”. Khi yêu, người ta làm những việc ngoại thường để chứng tỏ tình yêu. Bản tính của yêu mến là như vậy. Thế thì chúng ta chẳng thể nghi ngờ tình yêu của Chúa Ba Ngôi dành cho mình. Bổn phận mỗi người là đáp trả tình yêu ấy. Lễ Chúa Ba Ngôi là cơ hội tốt để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn.

Lòng biết ơn là sống xứng đáng với danh hiệu Con Thiên Chúa. Ngài là một vị thần linh rất thực tế. Chúng ta chẳng thể làm con Ngài trừ phi ăn ở thánh thiện. Cầu nguyện suông chưa đủ, còn phải sống đời sống như Chúa Giêsu, tuân giữ các lời Chúa truyền dạy. Thông thạo lời Ngài không đủ, nhưng còn phải khu trừ tội lỗi nữa. Thánh Phaolô chúc lành cho tín hữu Côrintô nhân danh Chúa Ba Ngôi, như trước đó ông truyền cho họ phải sửa chữa lại nếp sống. Bởi lẽ nếp sống thánh thiện đòi hỏi tinh thần thờ phượng giống như Chúa Giêsu, luôn tôn thờ Đức Chúa Cha. Làm thế nào chúng ta cầu nguyện: “sáng danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần” cho chân thật, nếu nếp sống xấu xa? Chúng ta không thể giả đò trước mặt Chúa. Vậy thì sống tốt lành là căn bản để mừng lễ Ba Ngôi, một lễ đã có từ lâu đời.

Lòng tin của chúng ta phải được triển khai ra hành động. Vì thế Chúa Giêsu nói: “Ai tin vào Con Người họ sẽ sống đời đời”. Làm thế nào được sống vĩnh cửu nếu không thánh thiện? Nhiều người lầm tưởng rằng kiếp sống đời đời là thế giới tương lai và người ta chiếm được nhờ công lao đầy mình. Đó là một sai lầm nguy hiểm. Thánh Gioan không nghĩ thế. Phúc Âm của ông viết rằng sự sống đời đời hoặc không phải chết, hệ tại vào việc tin vào Chúa Giêsu ngay lúc này. Tức là biết mình được Thiên Chúa kêu gọi làm con và dần dần được tình yêu Thiên Chúa biến đổi. Chúng ta sẽ trở nên ngày càng kiên nhẫn hơn, biết thứ tha hơn, rộng lượng bác ái hơn, chịu đựng gian khổ hơn, đáng yêu hơn, vv… Tất cả những tính nết đó biến đổi chúng ta nên giống Chúa Giêsu, nhiên hậu sẽ sống muôn đời.

Người ta thường chỉ nghe được tiếng họ quen, còn các tiếng khác họ “điếc”. Còn bạn có quen nghe tiếng Chúa Ba Ngôi mời gọi hay không? Hay chỉ nghe tiếng tiền bạc, hận thù, sắc dục? Hy vọng bạn luôn nghe thấy tiếng Chúa. Amen.

Lm Jude Siciliano, OP

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 16.05.2008. 07:41