Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hãy vui mừng luôn. Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa

§ Phaolô Phạm Xuân Khôi

Chú giải Thánh Thư Chúa Nhật III Mùa Vọng – Năm A (1 Tx 5, 16-24 )

Hôm nay Hội Thánh dùng đoạn kết của Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Thánh Thêxalônica để dạy dổ chúng ta. Thánh Phaolô dành chương 5 để chỉ dạy cho các tín hữu phải sống thế nào trong khi chờ đợi Ngày của Chúa. Trong bài Thánh Thư hôm nay, Thánh Nhân tóm tắt tất cả giáo huấn của ngài trong ba điều là vui mừng, cầu nguyện và cảm tạ. Ba điều này là những mức đo đời sống thiêng liêng của từng Kitô hữu và từng cộng đồng tín hữu. Con đường đi tìm chân lý là con đường chông gai, cần cố gắng và kiên tâm, và đặc biệt là cần ơn Chúa. Nhưng chúng ta không phải phiền muộn và lo âu như những người không có niềm hy vọng vì chúng ta biết chắc rằng Chúa là chân lý đang chờ chúng ta ở cuối con đường. Không những thế, Người còn đồng hành với chúng ta và dẫn chúng ta đến đích, cùng ban Thánh Thần và ân sủng để giúp chúng ta đi trọn con đường.

Câu 16 - Anh em hãy vui mừng luôn

Hãy vui mừng lên. Đây không phải là một niềm vui tạm bợ chóng qua, nhưng là một niềm vui vĩnh cửu. Được giao hòa với Thiên Chúa nhờ Đức Kitô là một niềm vui. Được Chúa yêu là một niềm vui, mà ý thức rằng mình đang được Chúa yêu còn là một niềm vui không có gì diễn tả được. Là Kitô hữu mà không vui mừng luôn được thì chưa thật sự là Kitô hữu. Còn gì hạnh phúc hơn được làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Còn gì sung sướng hơn là có Chúa Giêsu làm anh yêu quý, làm bạn thân tình. Còn gì sướng hơn được Chúa và Mẹ Hội Thánh hướng dẫn và ban lương thực cho mỗi ngày.

Người Việt Nam chúng ta thường cầu nguyện xin ơn vì có quá nhiều phiền muộn và lo âu trong mình. Dù lo âu, đau khổ cách nào đi nữa, chúng ta cũng vẫn phải chạy đến cùng Chúa với niềm vui và lòng phó thác vì biết chắc rằng Chúa Quyền Năng là Cha Nhân Từ của mình, và người sẽ không để chúng ta thiếu thốn điều chi (x. Tv 23:1). Một người để buồn phiền đè nặng lòng mình khi cầu nguyện thì khó mà được Thiên Chúa nhận lời vì người đó không chấp nhận Thánh Ý Chúa. Người vui mừng luôn là người tin tường vào Thiên Chúa và biết rằng Thiên Chúa sẽ lo liệu cho mình (x. Mt 6:25 -34).

Câu 17 - Hãy cầu nguyện không ngừng

Tại sao phải cầu nguyện không ngừng? Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời trong Tin Mừng Thánh Luca (Lc 18:1-8).

Làm sao thế nào để cầu nguyện không ngừng? Ngày nào chúng ta cũng bận rộn với quá nhiều công việc, làm sao mà có giờ cầu nguyện? Thật ra chẳng ai có giờ mà cầu nguyện không ngừng nếu chúng ta hiểu cầu nguyện là đọc kinh hay đi Lễ. Nhưng nếu hiểu cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa, là kết hợp với Người và cùng với Người làm mọi việc thì chúng ta đang cầu nguyện không ngừng. Thánh Escrivá viết: “Đời Kitô hữu phải là một đời cầu nguyện không ngừng, bằng cách cố gắng sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa từ sáng đến tối và từ tối đến sáng. Một Kitô hữu không thể là một người cô đơn vì người ấy sống trong sự tiếp xúc cộng đồng với Thiên Chúa, là Đấng vừa ở gần chúng ta vừa ở trên Thiên Đàng […]. Ở giữa ngày làm việc của mình, khi người ấy chiến thắng tính ích kỷ, khi người ấy vui hưởng tình bằng hữu vui vẻ của người khác, một Kitô hữu phải khám phá ra Thiên Chúa (Đức Kitô đang đi qua, 116).

Ngoài ra, Thánh Giêrônimô viết: “Thánh Tông Đồ bảo chúng ta phải cầu nguyện luôn. Đối với những người thánh thiện, ngay cả lúc ngủ cũng là cầu nguyện. Tuy nhiên chúng ta phải có những thời giờ nhất định để cầu nguyện được trải ra trong ngày để, dù khi chúng ta bận rộn với những nhiệm vụ khác, thì thời khắc biểu mà chúng ta tự đặt ra cho mình sẽ nhắc nhở chúng ta về lời kêu gọi làm nhiệm vụ [cầu nguyện] ấy (Thư, 22,37).

Câu 18 - Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa…. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về tất cả anh em trong Chúa Giêsu Kitô.

Làm sao mà chúng ta có thể cảm tạ Chúa trong mọi việc?

Như đã nói ở câu 16 rằng chúng ta vui mừng luôn vì biết rằng Thiên Chúa thương yêu và lo lắng cho chúng ta. Và nếu Ngài thương yêu và lo lắng cho chúng ta như một người Cha đối với một đứa con, thì tại sao chúng ta lại không tạ ơn Chúa như con tạ ơn cha? Thật ra Chúa còn thương chúng ta hơn một người cha thương con mình nhiều, vì không có một người cha nào phải chết cho con mình cả, nhất là cho một đứa con ngỗ nghịch như chúng ta, nhưng Chúa đã chết cho chúng ta.

Thánh Bernađô nói: “không ai, nếu chỉ cần suy nghĩ một chút, mà không thể tìm được một lý do chính đáng để tỏ ra lòng biết ơn với Thiên Chúa” (Bài Giảng Chúa Nhật Thứ Sáu sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 2,1). Thực ra có gì tốt đẹp chúng ta có mà không do Thiên Chúa ban? (x. 1 Cor 4:7).

Có nhiều sách dịch là “trong mọi hoàn cảnh” thay vì “trong mọi việc” cũng đúng nghĩa. Thiên Chúa không những ban cho chúng ta mọi ơn lành cách nhưng không mà còn an bài mọi sự tốt lành cho chúng ta, như Thánh Phaolô nói: “Chúng ta biết rằng tất cả mọi sự đều nhằm làm ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa, là những người được mời gọi theo ý định của Ngài” (Rm 8:28). Vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa làm mọi sự đều nhằm ích lợi cho chúng ta. Ngay cả những khó khăn và đau khổ mà chúng ta gặp phải hằng ngày, cũng là những dịp Chúa ban để cho chúng ta tập luyện các nhân đức cam đảm, kiên nhẫn,…, và nhất là giúp chúng ta khiêm nhường nhận ra giới hạn của mình, đồng thời có dịp kết hợp với Sự Thương Khó của Đức Kitô như một của lễ thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa. Ngay cả đối với những sự dữ chúng ta gặp do tội ác gây ra, tuy Thiên Chúa không là tác giả của tội ác, nhưng Ngài có cách xoay chiều những hậu quả của chúng để làm ich cho những ai yêu mến và tin tưởng Ngài. Thánh Escriva nói: “Nếu mọi sự tốt đẹp, chúng ta hãy vui mừng và chúc tụng Thiên Chúa là Đấng làm cho chúng được phát triển. Còn nếu chúng không tốt đẹp thì sao? Chúng ta cũng vẫn vui mừng và chúc tụng Thiên Chúa vì Ngài cho phép chúng ta chia sẻ sự ngọtngào của Thánh Giá của Ngài” (Con Đường, 658).

Câu 19 - Đừng dập tắt Thánh Thần

Như Chúa Giêsu đã nói: “không có Thầy các con không làm được việc gì” (Ga 15:5), vì thế chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa trong mọi sự. Là Kitô hữu, chúng ta đã chịu Phép Rửa của Đức Kitô, tức là Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần (x. Ga 1:33). Tuy Chúa Giêsu đã dạy dỗ các Tông Đồ và dạy dỗ chúng ta, nhưng chúng ta vẫn không hiểu được những gì Chúa dạy nếu không có Chúa Thánh Thần là  Đấng “mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy. Ngài sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhớ cho các con tất cả những gì Thầy đã nói cùng các con” (Ga 14:26) như Chúa Giêsu đã hứa. Vậy Chúa Thánh Thần chính là Đấng ban sức mạnh cho chúng ta, giúp chúng ta hiểu biết, tác động trong chúng ta, khuyến khích chúng ta, ngăn cản chúng ta và đôi khi khiển trách chúng ta.

Chúa Thánh Thần là ngọn lửa cháy trong lòng chúng ta. Dập tắt Thánh Thần tức là coi thường những lời dạy bảo của Ngài, coi thường những thôi thúc của Ngài trong đáy lòng chúng ta, cùng coi thường hay lạm dụng những hồng ân và đặc sủng Ngài ban. Có hai cách để dập tắt Thánh Thần. Cách thứ nhất là chối bỏ ân sủng của Ngài, chối bỏ tình bằng hữu với Thiên Chúa, tức là cố tình phạm tội trọng. Làm như thế chẳng khác gì tạt nước lạnh vào lửa để cho nó tắt. Còn cách thứ hai là không thêm nhiên liệu vào lửa để cho lửa tắt. Ngọn lửa Thánh Thần chỉ có thể cháy được trong lòng chúng ta khi có nhiên liệu. Nhiên liệu ấy là cầu nguyện, là việc học hỏi và thực thi Lời Chúa, là các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể. Thiếu những nhiên liệu này, con người, dù không phạm tội trọng, cũng dần dần ra nguội lạnh khô khan làm tắt ngọn lửa Thánh Thần trong hồn mình.

Câu 20 - đừng khinh khi các lời tiên tri

Sách Thánh Kinh Jerusalem dịch là “đừng khinh hồng ân nói tiên tri”. Có lẽ cách dịch này đúng hơn, vì ơn nói tiên tri là một đặc sủng Thiên Chúa ban để sinh ích lợi cho Hội Thánh (x. 1 Cor 14:1-39). Ơn nói tiên tri là ơn quan trọng vì Chúa ban ơn này cho chúng ta để rao giảng Lời Chúa và để khuyến khích nhau. Thường chúng ta hiểu lầm là chì có các Linh Mục và tu sĩ mới có nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa. Đương nhiên là một trong các nhiệm vụ chính của các Linh Mục và tu sĩ là rao giảng Lời Chúa. Nhưng thật ra tất cả mọi người đều có nhiệm vụ này. Khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, mỗi người chúng ta được Chúa trao cho trách nhiệm tiếp tục ba sứ vụ của Người là Vương Giả, Ngôn Sứ và Tư Tế. Ở đây chúng tôi chỉ xin nói đến nhiệm vụ ngôn sứ mà thôì. Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn tiên tri để chu toàn nhiệm vụ ngôn sứ này. Nhiệm vụ dạy dỗ con cái của cha mẹ cũng là nhiệm vụ tiên tri. Nhiệm vụ can ngăn khuyên bảo và an ủi bạn bè cũng là nhiệm vụ tiên tri, đặc biệt là nhiệm vụ giáo dục và dạy Giáo Lý.

Có nhiều cách để khinh chê các lời tiên tri hay ơn nói tiên tri:

1. Lạm dụng ơn nói tiên tri để tìm tư lợi, thí dụ như dùng tòa giảng để làm giàu cho cá nhân hay gia đình, làm việc để tìm danh vọng…;

2. Có nhiệm vụ nói Tiên Tri, nhưng coi thường bổn phận của mình, thí dụ như các Linh Mục không chịu khó soạn bài giảng, các Giáo Lý viên không soạn bài và trau dồi thêm về sự hiểu và biết Đức Kitô;

3. Lơ là không chịu học hỏi Lời Chúa và lắng nghe các giáo huấn của Hội Thánh;

4. Biết Lời Chúa mà không đem ra thưc hành;

5. Giảng dạy theo ý mình chứ không theo Ý Chúa và Hội Thánh.

Trong buổi nói chuyện với các Giáo Sĩ của Giáo Phận Rôma ngày 13 tháng 5 năm 2005, ĐTC Bênêđictô đã nhấn mạnh về nhiệm vụ ngôn sứ và chỉ thị cho chúng ta phài làm sao để không coi thường nhiệm vụ này:

“Các Linh Mục, Phó Tế, Giáo Lý viên và Tu Sĩ phải một mặt rao giảng và làm nhân chứng. Nhưng đương nhiên là để làm thế, họ phải lắng nghe, theo một nghĩa hai chiều: một chiều, với tâm hồn mở rộng cho Đức Kitô, lắng nghe tận đáy lòng Lơi Người để được đồng hóa và biến đổi cùng hình thành chính con người mình; chiều khác, lắng nghe lắng nghe nhân loại ngày nay, những người lân cận, những người trong giáo xứ mình, những người mình đươc trao cho một bổn phận nào đó.

Đương nhiên, việc lắng nghe thế giới hôm nay cũng xuất hiện trong chúng ta, chúng ta lắng nghe mọi vấn đề, mọi khó khăn trái ngược với Đức Tin. Và chúng ta cũng phải nghiêm chỉnh tự mình gánh vác những vấn đề này.”

Câu 21 - nhưng hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt hãy giữ lại

Vì thế điều sống còn cho các tín hữu là không dập tắt lửa của Chúa Thánh Thần, nghĩa là không coi thường các đặc sủng của Ngài. Trong các đặc sủng ấy có ơn phân biệt thần khí (1 Cor 12:10), là ơn giúp chúng ta xem xét mọi sự xem điều gì là hay là giở. Có nhiều người trong chúng ta khi làm việc chỉ nghe theo những ý kiến hợp ý mình mà không nghiệm xét mọi sự như Thánh Phaolô dạy. Có người khác thì lại đem tất cả những gì mới mẻ ra thử nghiệm trước khi phân biệt được điều nào là tốt, điều nào là xấu.

Câu 22 - Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức

Một trong những tiếu chuẩn Thánh Phaolô đưa ra ở đây là tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức. Chúng ta không có quyền lấy mục đích để biện minh cho phương tiện. Dù để đạt được một mục đích vĩ đại đến đâu đi nữa mà phải dùng một phương tiên xấu rất nhỏ, chúng ta cũng vẫn phải tránh, vì làm như thế là trái ngược với Thánh Ý Chúa.

Đặc biệt là trong xã hội ngày nay, các chính trị gia đã mập mờ đánh lận con đen, làm cho chúng ta lạc vào mê hồn trận khi phải phân biệt các sự dữ về luân lý có ảnh hưởng đến những vấn đề xã hội. Nguyên tắc này của Thánh Phaolô phải được triệt để áp dụng. Người Công Giáo không được phép trực tiếp hay gián tiếp cộng tác với sự dữ, nhất là những sự dự tự bản chất như phá thai, giết chết êm dịu, thử nghiệm tế bào gốc của các phôi thai…. Lo lắng cho người nghèo hay tranh đấu cho công bằng xã hội mà chà đạp quyền sống của những người nhỏ bé nhất như các bào thai, chỉ là những hình thức đạo đức giả, là những chiêu bài mị dân chứ không phải là bác ái thật.

Câu 23 - Xin chính Thiên Chúa bình an thánh hoá anh em toàn diện, để thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ toàn vẹn trong ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến.

Mục đích của cuộc đời chúng ta là được thánh hóa toàn diện, nghĩa là được trở nên hoàn thiện như Cha chúng ta ở trên trời (Mt 5:48). Mà khuôn mẫu hoàn thiện này chính là Đức Kitô. Nhưng chúng ta không thể tự mình trở nên hoàn thiện được, mà cần ơn thánh hóa của Thiên Chúa, ơn thánh hoá toàn diện, cả về tinh thần, linh hồn và thể xác. Nhưng con người muốn được thánh hóa thì cần phải hợp tác với ơn Chúa và cố gắng làm lành cùng tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức.

Có một số người dựa vào câu này mà cho rằng con người còn có ba phần là tinh thần, linh hồn và thể xác. Thực ra chúng ta chỉ có linh hồn và thể xác, nhưng “Ðôi khi linh hồn được phân biệt với tinh thần. Thánh Phaolô cầu nguyện để "trọn con người chúng ta: tinh thần, linh hồn và thân xác" được hồng ân nâng đỡ, giữ gìn, không có điều gì đáng chê trách vào ngày Chúa Quang Lâm (1Th 5:23). Hội Thánh dạy rằng sự phân biệt này không đem lại sự nhị phân trong linh hồn (x. Cđ Constantinôpôli IV năm 870: DS 657). Thuật ngữ "tinh thần" muốn nói là con người, ngay từ khi tạo dựng, đã được Thiên Chúa qui hướng về cùng đích siêu nhiên (x. Cđ Vatican I:DS 3005;x.GS 22,5), và linh hồn nhờ ơn sủng được nâng lên để kết hợp với Người (x. Piô XII, Enc "Humari Generis", 1950; DS 3891)” (GLCG 367).

Câu 24 - Đấng đã kêu gọi anh em, chính Người là Đấng Trung Tín. Chính Người sẽ thực hiện.

Đấng “kêu gọi anh em” theo văn phạm của Hy Lạp có nghĩa là Đấng “đã đang và còn tiếp tục kêu gọi” chúng ta. Ơn kêu gọi của Thiên Chúa không chỉ là một lời kêu gọi vào một thời điểm duy nhất của cuộc đời, mà một lời mời gọi nên thánh liên tục.

Đấng Trung Tín là Đấng luôn luôn giữ lời hứa của Ngài, vì thế mà Thánh Phaolô đoan chắc rằng “Ðấng đã bắt đầu làm một công việc tốt lành nơi anh em, cũng sẽ tiếp tục hoàn thành công việc ấy cho đến ngày của Ðức Giêsu Kitô” (Phil 1:6).

Kết Luận

Với một niềm tin tưởng của những người con luôn trông cậy vững vàng vào Cha Nhân Lành, chúng ta cùng Đức Nữ Trinh Maria “nhảy mừng trong Chúa” là Đấng Cứu Độ chúng ta, vì Người đã làm cho chúng ta những điều trọng đại (x. Lc 1:46-48). Chúa đã đến, Chúa đang ngự giữa nhân loại, nhưng nhiều người vẫn chưa nhân biết Người. Hôm nat Thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta đừng coi thường ơn nói tiên tri là ơn làm cho người khác nhân ra Chúa ở giữa họ qua lời nói, việc làm và chính đời sống của chúng ta. Muốn thế thì chúng ta phải cộng tác với ân sủng để mỗi ngày một giống Đức Kitô một hơn.

Câu hỏi để thảo luận

1. Thường bạn cầu nguyện thế nào? Xin ơn nhiều hay tạ ơn nhiều?

2. Trong khi gặp đau khổ hay khó khăn trong đời sống, bạn giải quyết cách nào? Bạn đến với Chúa trước hay đến với những người khác?

3. Trong tất cả những lời khuyên của Thánh Phaolô ở đây, lời khuyên nào thích hợp với bạn nhất? với đoàn thể của bạn? với giáo xứ của bạn? Tại sao?

4. Trong bài Thánh Thư này, Thánh Phaolô dạy bạn điều gì về mục đích và niềm hy vọng của Kitô hữu?

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 14.12.2008. 23:03