Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa

§ Lm Jude Siciliano, OP

CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY C
Is 43: 16-21; Pl 3: 8-14; Ga. 8: 1-11

Hôm nay, Chúa Giêsu thay đổi hướng nhìn của chúng ta. Thay vì nhìn xung quanh và chỉ ra tội lỗi cũng như những sai lầm của người khác, thì Người hướng dẫn chúng ta nhìn vào tận thâm sâu khung cảnh nội tâm của mỗi người. Đâu là những gai góc và vật cản cần được nhổ đi và ném ra ngoài?

Hôm nay là Chúa Nhật thứ năm mùa Chay và nếu chúng ta đang kiểm điểm lương tâm trong Mùa Chay thì, dưới ánh sáng của Mùa Chay, hẳn là giờ đây chúng ta đã ý thức được đâu là chỗ chúng ta phải thay đổi và đâu là sự giúp đỡ chúng ta cần để vượt qua những sai lầm.

Những kẻ chống đối Chúa Giêsu thì giỏi xem xét luật tôn giáo và áp dụng những luật đó cho người khác, nhưng họ lại không giỏi sử dụng những luật đó để hướng dẫn hành vi của mình. Họ cũng tài tình chọn lựa những điều luật được áp dụng theo ý của họ và buộc tội những người khác. Trong Tin Mừng hôm nay, điều gì xảy đã ra cho người đàn ông có quan hệ bất chính? Có vài khía cạnh đáng khó chịu trong câu chuyện này: chúng ta đang kể về người đàn bà “bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.” Phải chăng người ta gài bẫy cho cô ta? Phải chăng đây cũng là một cái bẫy dành cho Chúa Giêsu? Ở đây, chúng ta có một ý tưởng hay về việc những kẻ chống đối Chúa Giêsu đã đã không hướng cái nhìn về phía chính họ..

Chúa Giêsu muốn chuyển hướng sự chú ý của họ vào hai điểm. Trước tiên, đối với chính họ, Người nói, “Ai trong các ông sạch tội thì cứ lấy đá ném trước đi.” Sau đó Người cúi xuống viết trên đất. Người đã cho họ một cơ hội để nghĩ về đời sống của chính họ, giống như một mùa chay nhỏ để tĩnh tâm. Sau một lát suy nghĩ, những người lớn tuổi bỏ đi trước. Phải chăng tuổi già cho họ sự khôn ngoan để nhận ra sự thật mà Chúa Giêsu đang nói đến. Có lẽ không phải thế. Có thể họ đã có quá nhiều tội lỗi trong lương tâm của họ và chẳng cần nhiều thời giờ cũng đã nhận ra. Vì vậy họ bỏ đi. Cuối cùng, tất cả đều bỏ đi.

Thật tiếc, vì nếu họ ở lại, ý thức được tội lỗi của họ, như người phụ nữ đã nhận ra tội của chị, thì họ có lẽ cũng đã nhận được điều mà người phụ nữ ấy đã nhận được. “Tôi cũng không lên án chị. Chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.” Chúa Giêsu cũng không ném đá mặc dù Người có thể làm thế vì chỉ có mình Người là không có tội. Người cũng không nói rằng Thiên Chúa sẽ ném hòn đá nào hay không. Lòng nhân từ đã được thể hiện. Không còn bị nô lệ cho quá khứ tội lỗi, “Hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa.”

Nhưng người phụ nữ chưa từng yêu cầu lòng nhân từ. Chị chỉ đứng đó cùng với những tội lỗi của chị dưới sự hiện diện của đấng nhân lành. Và chị ta đã được hưởng lòng nhân ấy. Điểm thứ hai mà Chúa Giêsu muốn hướng cái nhìn của chúng ta đến là lòng nhân từ của Thiên Chúa. Nếu anh chị em đứng dưới ánh nắng mặt trời, anh chị em sẽ bị rám nắng hoặc thậm chí bị cháy nắng. Nếu anh chị em ở trong sự nồng ấm của ơn tha thứ của Thiên Chúa, khi anh chị em ý thức được tội lỗi của mình, thì anh chị em sẽ nhận được ơn tha thứ đó. Chúng ta chỉ cần nhận biết tội lỗi của chúng ta và tin tưởng rằng có lòng nhân từ dành cho chúng ta trong đức Kitô.

Mùa Chay được coi là thời gian giúp chúng ta nhận ra tội lỗi của mình. Cứ như thể chúng ta đang đứng trước mặt Chúa Giêsu, giống như người phụ nữ kia. Bây giờ, Người hỏi chúng ta, “Mùa Chay này có đổi mới gì trong tâm hồn hay không?” Sau đó người cúi xuống viết trên đất, để chúng ta có thời gian mà suy nghĩ về những việc đã qua. Trong những tuần lễ này có lẽ chúng ta đã ý thức rõ hơn về những thiếu sót của mình: những ích kỷ, sự thờ ơ với những người xung quanh; thiếu lòng quảng đại, quá đam mê vật chất và của cải, quá hẹp hòi với thế giới rộng lớn và môi trường xung quanh của chúng ta… Rồi chúng ta nhận được ân sủng dồi dào của Mùa Chay này thấm đẫm cuộc sống của chúng ta và đòi chúng ta phải thay đổi. Chúng ta có cảm thấy tội lỗi không? Sau khi viết trên đất để cho chúng ta thời gian suy nghĩ, Chúa Giêsu nhìn thấy tấm lòng ăn năn của chúng ta và trao cho chúng ta một điều tương tự với điều Người đã trao cho người phụ nữ, đó là sự tha thứ. Và Người cũng truyền cho chúng ta: “Đừng phạm tội nữa.”

Chúng ta không biết người phụ nữ ấy ra đi và có thay đổi đời sống của chị hay không. Nhưng còn chúng ta thì sao? Liệu chúng ta có đón nhận sự tha thứ mà Mùa Chay đã giúp chúng ta ý thức được đó là sự cần thiết cho chúng ta hay không? Liệu chúng ta có đón nhận sự trợ giúp mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để có thể biến đổi cuộc đời mình trở nên tốt hơn không?

Chúng ta đang ở trong thời điểm thuận lợi của Mùa Chay. Ngay trong Thánh lễ này, Lời Chúa soi dẫn và khích lệ chúng ta và lương thực mà chúng ta chia sẻ củng cố sự quyết tâm của chúng ta cũng như mang lại cho chúng ta niềm hy vọng. Nếu Lời đã nói với chúng ta điều gì trong Mùa Chay này, thì đó là sự nhắc nhớ chúng ta rằng, trong Chúa Kitô, mọi sự đều có thể! Có lẽ, đó cũng là những gì mà Thánh Phaolô được.

Trên đường tới Đamát Phaolô đã được biến đổi, cái nhìn của ngài chuyển sang hướng khác. Trước đó, ngài đã là một người Do Thái nhiệt thành trong thành Tácsô. Ngài cũng là một công dân Rôma. Ngài cũng đã được những bậc thầy vĩ đại của Dothái như thầy Ga-ma-li huấn luyện (Cv 22,3). Vì thế, Phao-lô thực sự có đầy đủ quyền hành khi đi đến Đamát để bắt những Kitô hữu (Cv 9). Lối nhìn của ngài hợp với bản thân ngài, với những gì ngài biết và những gì ngài suy nghĩ. Ngài đã thực hiện nghĩa vụ tôn giáo của mình.

Hãy tưởng tượng cảnh Phao-lô ngạc nhiên và bối rối khi Chúa Kitô nói với ngài và biến đổi đời sống của ngài 180 độ trên đường đến Đamát. Sự thay đổi tận căn đó khiến ngài viết cho Philipphê về quá khứ của mình theo cách này “vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người.” Phao-lô đang trên đường tìm bắt các Ki-tô hữu tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa. Nhưng trong thư gửi Philipphê, chính Phaolô cũng đang xác định một niềm tin như thế; không phải chỉ trong lá thư này, nhưng trong tất cả những lá thư của ngài. Với cái nhìn mới mẻ, ngài thừa nhận rằng sự công chính không xuất phát từ sự tuân phục lề luật, cũng không phải đến từ người giảng dạy lề luật nhưng là từ Thiên Chúa “dựa trên lòng tin.”

Phao-lô không còn theo đuổi sự công chính mà ngài nghĩ rằng có được nhờ công khó của mình; sự công chính ấy không đến từ chính ngài nhưng từ những công việc của Thiên Chúa nơi ngài (3,9). “Không phải sự công chính của tôi dựa trên lề luật nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Ki-tô, sự công chính do Thiên Chúa ban…” Thánh Phao-lô đã khám phá ra rằng trong Chúa Ki-tô, Thiên Chúa đã tỏ lộ mình ra như một Thiên Chúa của ân sủng và lòng từ bì thương xót. Thiên Chúa đã làm những điều kỳ diệu và luôn luôn ban cho chúng ta lòng nhân từ nếu chúng ta để Thiên Chúa thực hiện điều đó trên cuộc đời mình. Nếu chúng ta đón nhận lòng nhân từ của Thiên Chúa, thì cũng giống như

Phao-lô chúng ta cũng sẽ trở nên thụ tạo mới, được tái sinh trong đời sống mới mà giờ đây chúng ta chia sẻ trong Chúa Ki-tô phục sinh. Việc chọn lựa bài đọc từ thư Phi-lip-phê ngày hôm nay cho thấy rằng, thánh Phao-lô đã biết việc tái sinh vẫn chưa hoàn tất nơi chính ngài. Điều mà chúng ta cũng phải ý thức trong mùa Chay này là vẫn còn nhiều việc cần được thực hiện nơi chúng ta. Chúng ta biết rằng Chúa Ki-tô cũng biết những việc đó. Người không kết tội nhưng vì kết hiệp của chúng ta với Người nên Chúa Ki-tô hứa hoàn tất công trình cứu độ đã được khởi sự trong chúng ta. Đó là hy vọng mà Phaolô đã theo đuổi khi ngài nói “…quên đi những chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu.”

Tôi thích kiểu diễn tả của thánh Phao-lô về “phần thưởng từ trời cao” của Thiên Chúa. Trong khi mùa chay có nguy cơ kìm chúng ta lại trong vũng bùn của tội lỗi thì thánh Phao-lô nói với chúng ta đừng nhìn lại những gì “rác rưởi.” Thay vào đó, ngài muốn chúng ta lắng nghe sứ điệp tin mừng của ân sủng và đón nhận ơn tha thứ nhưng không dành cho chúng ta. Để rồi, giống như vận động viên hoàn thành cuộc đua, chúng ta có thể “cố sức tiến về phía trước,” đặt trọn tầm mắt và niềm hy vọng vào tương lai của chúng ta và “phần thưởng của Thiên Chúa từ trời cao đang mời gọi.” Vì thế, thánh Phao-lô từ bỏ những gì ngài cho là có được nhờ việc tuân phục lề luật, với hy vọng rằng một ngày nào đó ngài sẽ có được sự tất cả là chính Đức Ki-tô.

Lm Jude Siciliano, OP
Anh em Học Viện Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 18.03.2010. 16:19