Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hãy vâng nghe Lời Người

§ Lm Jude Siciliano, OP

Chúa Nhật 2 Mùa Chay C
St 15: 5-12, 17-18; Pl 3: 17-4:1; Lc 9: 28b-36

Cùng với thánh Phêrô, thánh Giacôbê và thánh Gioan, hôm nay chúng ta cũng nhập đoàn với Chúa Giêsu đi lên núi để cầu nguyện. thường thì trong tin mừng Luca mỗi câu chuyện đều bắt đầu bằng việc cầu nguyện. Đó cũng là cách thánh Luca cho chúng ta biết sẽ có điều quan trọng diễn ra đối với các tông đồ cũng như cho chúng ta. Vì thế chúng ta cũng hãy hành xử như các tông đồ; chúng ta bị đánh thức và chúng ta lắng nghe. Cảnh tượng bỗng chố xảy ra: hai nhân vật vĩ đại nhất của lịch sử Israen hiện ra đàm đạo với đức Giêsu về những gì đang chờ Người ở Giêrusalem. Các ngài không ở đó để bàn bạc về những vấn đề tôn giáo thường ngày. Đó không phải là lúc để thảo luận hay cứu xét nhưng là lúc để suy nghĩ nghiêm túc về những gì sắp xảy đến. Môisê và Êlia ở đó cũng giống như hai thiên thần trong vườn Giệt Sêmani, để giúp đức Giêsu đối diện với những gì sắp xả đến cho Người. Thánh Luca mô tả đó như biến có xuất hành của ngài.

Với những ai đọc Kinh Thánh thì hai từ Xuất Hành nhắc nhớ về biến cố quan trọng trong lịch sử của dân Do-thái. Đó là lúc Đức Chúa dẫn dắt dân đang chịu cảnh nô lệ đến với tự do. Đó là hành trình dẫn họ băng qua sa mạc để có được những hiểu biết sơ khởi về Thiên Chúa. Thiên Chúa là sức mạnh của họ khi họ yếu đuối. Ngài cho họ thức ăn khi đói và ban nước uống khi họ khát. Sau khi cố gắng vượt qua hành trình ấy, họ được vào Đất Hứa.

Đức Chúa giải thoát họ khỏi ách nô lệ không phải vì họ hùng mạnh, không phải vì họ xứng đáng, cũng chẳng phải do mẫu gương tuyệt vời về lòng tin của họ - nhưng là vì sáng kiến của Thiên Chúa. Qua kinh nghiệm sống trong sa mạc, dân đã có thể biết một Thiên Chúa, Đấng đã mạc khải tên mình cho Môisê: “Ta là Đấng Tự Hữu.” Nghĩa là “Ta sẽ luôn ở với các ngươi.” Nên không lạ gì bài Tin Mừng hôm nay với âm vang của cuộc Xuất Hành được chọn cho Chúa Nhật Mùa Chay này. Trong đó có một lời hứa cho chúng ta, khi chúng ta suy niệm về như cầu cần được giải phóng của chúng ta. Thiên Chúa Đấng đã dẫn dắt Israen ra khỏi cảnh nô lệ cũng sẽ giải thoát chúng ta khi chúng ta ý thức hơn đến sự cần thiết phải hoán cải trong Mùa Chay. Điều đó cả Israen và chúng ta không tự mình làm được, nhưng Thiên Chúa sẽ thực hiện.

Xin đừng nhìn cuộc hành trình của dân Israen cách lảng mạn khi chúng ta đứng ở một khoảng cách an toàn cách họ cả hàng ngàn năm. Dữ kiện Kinh Thánh cho chúng ta biết về những cám dỗ thường ngày của họ, những lần bất trung với Thiên Chúa, những phàn nàn chống đối Môisê và Đức Chúa. Họ ngày càng chán ngán cuộc hành trình của mình, với những đấu tranh thường nhật và nỗi bấp bênh. Mỗi ngày qua đi họ lại cảm thấy lo sợ, “liệu ngày mai chúng ta có bị lạc đường và bị diệt vong trong sa mạc hay không?” Cám dỗ bỏ cuộc trở nên rất mạnh mẽ và việc trở lại chính nơi mà họ làm nô lệ xem ra lại hợp lý. Ít nhất ở đó họ cũng có một chút thức ăn và biết được mỗi ngày họ sẽ được gì. Họ biết được công việc thường ngày và biết họ phải làm gì. Còn ở trong sa mạc không có sự bảo đảm đó, nhưng chỉ có sự bấp bênh, nguy hiểm và vất vả. Nhưng chính trong sa mạc cùng với tất cả những khốn khổ khốn nạn ấy họ mới khám phá ra rằng Thiên Chúa sẽ hoàn tất lời hứa mà Người đã ký kết với họ. “Ta là Đấng sẽ ở với các ngươi luôn mãi.”

Chính lối suy nghĩ và hành xử cũ đã cho họ sự thoải mái, ngay cả khi họ phạm tội và giới hạn. Còn cuộc hành trình đòi họ phải đẩy lùi những lối nghĩ và cách làm cũ ấy để sống can đảm và thích nghi mỗi ngày. Đôi khi lối nghĩ và hành xử cũ vẫn cám dỗ người ta ngừng cố gắng, dễ đầu hàng và trở về đường lối cũ.

Thế nhưng khoảng cách ngàn năm của chúng ta thực ra cũng không phải là an toàn bởi vì chúng ta, cá nhân cũng như cộng đoàn, cũng lại được mời gọi để thực hiện một hành trình sa mạc. Giống như tổ tiên dân Dothái, chúng ta cũng là những kẻ lữ hành trong sa mạc. Chúng ta cũng luôn được mời gọi từ bỏ những lối sống quen cũ của mình, những lối sống không thể giúp chúng ta tồn tại mà chỉ khiến chúng ta đói khát trong sa mạc của cuộc sống hiện đại này. Mùa Chay giúp chúng ta hiểu được những gì khiến chúng ta có thứ cảm giác sai lầm về sự an toàn thì nên bỏ lại phía sau, vì chúng ta đang bước vào một miền đất mới. Phá vỡ những thói quen và lối sống cũ quả là khó khăn và mất thời gian. Nên chúng ta cũng có thể bị cám dỗ chùn bước và trở lại với lối sống cũ. Thế nhưng nếu chúng ta nghiêm túc thực hiện, thì cuộc hành trình, thì Mùa Chay sẽ thực sự đáng giá khi chúng ta thấy được cuộc sống mới ở cuối hành trình, đó là cuộc họp mừng Lễ Phục Sinh của chúng ta.

Chúng ta bỏ lại phía sau thế giới mà ta đã rất quen thuộc và lắng nghe tiếng nói khích lệ chúng ta tiếp tục hành trình, dẫu rất khó khăn. Trong giọng nói ấy chúng ta cũng nghe thấy một lời hứa “Ta là Đấng sẽ ở với ngươi luôn.” Đó cũng là lời mà Môisê và Êlia đã nghe và đã đi theo. Tiếng nói ấy cũng phát ra trên đỉnh núi để hướng dẫn các tông đồ và chúng ta, “Đây là Người con ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người.”

Ngay sau biến cố này, đức Giêsu cương quyết hướng về Giêrusalem. Trong cuộc hành trình ấy, Người biết thế nào là bị người thân thiết nhất bỏ rơi, kế hoạch của Người thất bại và cuối cùng bị chết tức tưởi trên thập giá. Ngay sau cuộc hành trình sa mạc của Người, Người đã được Thiên Chúa tôn vinh. Cuộc vượt qua của Nguòi đã hoàn tất. Khác với dân Do Thái, đức Giêsu đã trung thành với lời mời gọi của mình, tin tưởng Thiên Chúa và đặt mọi sự trong tay Người. Đó là những gì mà Môisê và Êlia nói với đức Giêsu về những gì Người sẽ “hoàn thành” ở Giêrusalem.

Bên cạnh cách đánh giá của chúng ta, những gì đức Giêsu đã làm trong cuộc đời Người có vẻ như thất bại hơn là hoàn tất. Khi chúng ta nói đến những thành quả vĩ đại thì thường nghĩ đến việc hoàn tất một dự định có ý nghĩa; một việc làm tốt phải được mọi người tán thưởng. Thường thì mọi người hay đề cập đến việc tăng số lượng, ngay cả trong gia đình Giáo hội của chúng ta. Chúng ta quan tâm xem: có bao nhiêu người đến với lớp giáo lý? Cộng đoàn chúng ta có bao nhiêu thành viên? Có bao nhiêu tham dự viên trong chương trình học tập của giáo xứ trong năm nay? Mùa chay này, chúng ta được mời gọi để bước vào một cuộc xuất hành, cả trên bình diện cá nhân lẫn cộng đoàn. Chúng ta xin Thiên Chúa “hoàn tất” những thay đổi mà chúng ta mong muốn.

Khi chúng ta xem xét kỹ lưỡng hiện tại và tương lai của mình, thì thấy những gợi ý mà chúng ta cần thay đổi trong Mùa Chay thánh này. Thánh Phêrô đã cảm thấy hạnh phúc và không muốn thay đổi, nhưng muốn giữ mọi sự yên như thế. Ông sẵn sàng ở lại nơi ông đang ở, thay vì tiếp tục lên đường với đức Giêsu tiến về Giêrusalem. Mùa Chay cũng cho chúng ta cơ hội để làm những việc mà đức Giêsu và các tông đồ đã làm: lánh ra một nơi để cầu nguyện, phản tỉnh và lắng nghe – và rồi tiến đến giai đoạn tiếp theo trên cuộc hành trình của chúng ta.

Cương vị môn đệ đòi hỏi mỗi ngày phải vượt từ cái tôi cũ kỹ của chúng ta đến đời sống mới mà đức Kitô đã mang lại. Biến cố Biến Hình đòi chúng ta phải lắng nghe tiếng nói từ đám mây và lắng nghe xem đức Giêsu muốn chúng ta bước theo Người như thế nào. Chúng ta đều biết việc lắng nghe phải bắt đầu từ sự thinh lặng. Thánh Luca cho chúng ta biết các môn đệ đã đi vào tĩnh lặng. Các ngài cũng giống như chúng ta, trong một trạng thái chạng vạng, nửa tỉnh nửa mê, các ngài nghe thấy cũng có thể đã không nghe. Mùa Chay là thời gian để hành động, nhưng hành động khởi đi từ việc lắng nghe Lời Chúa cách chăm chú hơn – cả Kinh Thánh lẫn nơi những người khác. Chúng ta đang lắng nghe điều gì? Đó là nghe tiếng gọi chúng ta từ tình trạng nô lệ và hướng dẫn chúng ta đến với không gian tự do khỏi tội lỗi.

Tại tiệc Thánh Thể này chúng ta hướng về Thiên Chúa để có sự sống, tin tưởng sâu sắc hơn và cầu xin sự giúp đỡ để giữ thinh lặng; để mở ra không gian lắng nghe Lời Chúa, Lời hướng dẫn chúng đi qua cuộc xuất hành của mình. Một lần nữa, hôm nay chúng ta đặt niềm tín thác vào Đấng đã nói: “Ta là Đấng sẽ ở cùng các ngươi luôn mãi.”.

Lm Jude Siciliano, OP
Anh em học viện Đaminh chuyển ngữ

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 27.02.2010. 03:59