Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hãy trở nên bằng hữu của Đức Kitô

§ Lm Jude Siciliano, OP

Chúa Nhật 6 PhụC Sinh (B)
Cv 10: 25-26, 34-35, 44-48; Tv 98; 1 Gioan 4: 7-10; Gioan 15: 9-17

Anh chị em thân mến,
Sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại những hoạt động của Chúa Thánh Thần trên các Tông Đồ và những Kitô hữu đầu tiên. Đó chính là hành động của Thiên Chúa trong chúng ta, và nhắc cho chúng ta nhớ lúc Giáo hội sơ khai còn non yếu, nhờ Lời Chúa Giêsu hứa trước khi Ngài về trời: "Còn anh em, hãy…cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống." (Lc 24:49)

Lời Chúa Giêsu hứa không phải là chút an ủi cho các Môn đệ trước khi Ngài ra đi. Hay để hướng dẫn cho các ông cách thực hiện những điều Ngài đã dạy bảo. Nhưng đây chính là lời hứa là Ngài sẽ gởi Chúa Thánh Thần đến với các Môn đệ. Và trong khi các ông đang tề tựu bên nhau (Cv 2:1), Chúa Thánh Thần đã ngự xuống như "lưỡi lửa" và như "tiếng gió mạnh ùa vào". Các Môn đệ và cả chúng ta nữa, cần sức mạnh ấy để rao giảng Nước Trời cho toàn dân thiên hạ. Thần lực của Chúa Thánh Thần là động lực thúc đẩy Giáo Hội đi khắp thế gian để rao giảng và làm phép rửa nhân danh Chúa Giêsu.

Trong bài đọc thứ nhất, chúng ta nghe về việc Chúa Thánh Thần dẫn đưa Phêrô đến để nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa nơi dân ngoại. Co-nê-li-ô là một đại đội trưởng một cơ đội của Sê-Da. Ông và cả gia đình đều được coi như là những "người đạo đức và kính sợ Thiên Chúa". Họ chấp nhận đạo đức và tín ngưỡng của người Do Thái, và có lẽ họ cũng đã đến đền thờ Do Thái. Dù vậy, Co-nê-li-ô vẫn còn là người ngoại, nên Phêrô và các người khác trong cộng đòan không nghĩ ông và gia đình ông được ơn cứu rỗi của Chúa. Nên nhớ: sau khi Chúa Giêsu về trời, các Môn đệ Ngài vẫn còn là một nhóm trong cộng đòan Do Thái.

Nhưng, đoạn trước bài đọc hôm nay, ghi lại Co-nê-li-ô có thị kiến: ”một thiên sứ của Thiên Chúa vào nhà ông và nói: Vậy bây giờ ông hãy sai người đi Gia-phô mời một người tên là Si-môn, cũng gọi là Phê-rô" (Cv 10:5). Phê-rô cũng có thị kiến trong cùng giờ đó (Cv 10:19). Vì thế, khi có hai người của Co-nê-li-ô đến nhà Phê-rô để mời ông, Phê-rô nhận lời ngay. Làm thế nào Phê-rô khẳng định được đó là ý Chúa qua hai thị kiến: một cho Co-nê-li-ô, và một cho Phê-rô là tiếp nhận người ngoại vào cộng đoàn Môn đệ Chúa Giêsu. Bằng chứng là khi Phê-rô đến nhà Co-nê-li-ô gặp ông và cả gia đình đạo đức của ông, thì Chúa Thánh Linh xuất hiện và “Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe Lời Thiên Chúa" (Cv 10:44)

Hãy thử xem lại câu chuyện: Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe Lời Thiên Chúa. Và Thánh Thần không chỉ ở trong Phụng vụ và Giáo hội; Thánh Luca diễn tả Chúa Thánh Thần trong lễ Hiện Xuống như "tiếng gió mạnh ùa vào…và những hình lưỡi giống như lưỡi lửa" (Cv 2: 1-3); Mà Ngài còn xuất hiện bất kỳ nơi nào, như gió và lửa.

Hôm nay, trong Phụng vụ Lời Chúa, khi được đọc lên trong cộng đòan, sách Công Vụ Tông Đồ nhắc cho chúng ta việc Thánh Thần ngự xuống giữa chúng ta và trong lòng chúng ta như "lửa" và "gió mạnh" để thổi nguồn sống mới, đem sức mạnh đức tin cho chúng ta. Và Thánh Thần Chúa làm cho chúng ta, cũng như các Kitô hữu lúc ban sơ, đủ quyết tâm ra đi rao giảng về Chúa Giêsu Kitô cho toàn thế giới trong kế hoạch lớn của Thiên Chúa. Vì thế chúng ta hãy cộng tác với Ngài để thực hiện.

Chúng ta hãy mở lòng trí để lãnh nhận Lời Chúa và Thánh Thần. Nếu khi xưa Thánh Thần Thiên Chúa đã mở lòng trí Phê-rô và Giáo Hội sơ khai biết đón nhận người ngoại vào cộng đoàn, thì biết đâu Thánh Thần Chúa cũng sẽ làm những điều lạ trong thế giới và Giáo Hội nhỏ bé hôm nay.

Sáng nay, báo chí đăng tin Tổ chức Y Tế Quốc Tế loan tin quan trọng là dịch cúm heo đang lan tràn khắp trái đất. Nhiều quốc gia đã tìm cách ngăn ngừa bệnh cúm cho công dân họ. Khi nạn dịch xảy ra, sẽ có nhiều người bị bệnh, vậy ý Chúa như thế nào trong trường hợp này? Cũng như, mỗi khi có những biến cố lớn xảy ra như động đất, sóng thần, hạn hán v.v..., thì chúng ta thường gọi đó là việc của Chúa. Chúng ta thường gán cho Chúa mỗi khi có những chuyện xấu xảy ra. Thử hỏi có phải chính Chúa đã gởi đến những cơn bão lớn tàn phá bang Texas, và gây tử vong nhiều người không? Có phải Chúa đã xử dụng quyền năng của Ngài như vậy chăng?

Theo đức tin, tôi biết Thiên Chúa chỉ có một việc làm là: Ngài đã xuống trần gian, làm người như chúng ta, cam nhận đau khổ và cái chết. Và rồi Ngài sống lại, đem đến cho chúng ta một đời sống mới. Phúc âm có nói đến hành vi lớn lao của Chúa: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình."(Ga 15,13) Chúa Giêsu đã làm điều này cho chúng ta. Hành vi yêu thương này mới là "Việc Chúa Làm".

Chúng ta không đến nhà thờ cầu nguyện để làm đẹp lòng Chúa, hầu được Chúa thương và giúp đỡ. Cũng không nài van để được Ngài đoái đến. Chính đời sống, sự đau khổ và sự chết của Chúa Giêsu là tin mừng lớn mà chúng ta lại được nghe hôm nay. Đó là Chúa đã thương chúng ta. Không vì chúng ta thương Ngài trước rồi Chúa mới đáp lại. Mà vì Chúa đã thương chúng ta trước nhất. Nếu chúng ta còn do dự thì hãy nhìn vào Chúa Giêsu: Ngài đã chứng tỏ tình yêu đó quá rõ ràng, do vậy, chúng ta phải làm gì để chứng tỏ là chúng ta đã nghe lời đó. Phải thay đổi cuộc sống như thế nào để đáp lại tình thương mà Ngài đã ban cho chúng ta một cách nhưng không? Khi một người đang yêu, chúng ta thấy họ có sự thay đổi: Người đó vui vẻ hơn, kiên nhẫn hơn và dịu dàng hơn v.v.. nổi bật lên một cách tự nhiên không gượng ép. Vậy nơi chúng ta; trong tình Chúa yêu thương; đã nỗi bật được những đức tính gì?

Hôm nay, khi chúng ta thưa "lạy Chúa Giêsu, vậy con phải làm gì để chứng tỏ tình Chúa yêu thương chúng con"? Ngài sẽ trả lời: "hãy giữ giới răn của Thầy". Ắt chúng ta sẽ nghĩ ngay đến 10 điều răn, và tự xét mình xem có vấp phạm ở giới răn nào không? Tôi đã làm trái điều gì? Nhưng Chúa Giêsu không xét đến 10 điều răn ấy, coi xem chúng ta có vấp phạm hay thiếu sót không. Nhưng trái lại, Ngài nói đến một điều răn tích cực hơn là "hãy thương yêu nhau". Đó là giới răn đáp ứng được nhiều khía cạnh, tạo nhiều dịp cho chúng ta có thể thực hành những gì chúng ta đã lãnh nhận nơi Chúa một tình yêu vô điều kiện.

Nếu không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình, thì tôi có thể đáp lại giới răn của Chúa Giêsu bằng cách tự xét mình xem: Tôi phải hy sinh cái gì của cuộc sống tôi cho tha nhân? Bỏ đi: tính kỳ thị, tránh né việc giúp đỡ tha nhân, sự giận hờn, ganh tị với người khác, những điều cáo gian, thâu vén của cải vật chất v.v..? Chúa Giêsu không hề đưa danh sách các điều răn để chúng ta xét rồi tự nói "đây, tôi đã phạm điều này". Trái lại, Ngài cho một điều răn tổng quát là "hãy thương yêu tha nhân như Thầy đã thương con". Thử hỏi chúng ta có bảo đảm được rằng đã giữ được điều răn đó chưa? hay dám nói: "tôi tự xét là đã làm được điều này rồi" - Không? Sự đòi hỏi của tình yêu là vô cùng. Không người bạn đời nào trong chúng ta có thể nói: "Đây, tôi yêu mình như thế là quá đủ rồi, không thể đòi hỏi hơn được nữa"? Tình yêu là ngọn lửa cháy trong lòng chúng ta, làm chúng ta luôn khao khát được thương yêu nhiều hơn và không có quy ước định lượng thông thường. Do vậy chúng ta cần có Chúa Thánh Thần giúp chúng ta đón nhận tình yêu Chúa và luôn khao khát triển nở tình yêu ấy đến cho tha nhân.

Chúa Giêsu không muốn chúng ta có cuộc sống cứ phải cực khổ cố gắng làm mọi sự cho đúng như một nô lệ, vì sợ bị phạt nếu chúng ta vấp phạm. Ngài gọi chúng ta là "bạn hữu". Tình bằng hữu này không phải là loại tình cảm yếu đuối, hẹp hòi, thiếu sự nâng đỡ, phát sinh tiêu cực, nhằm thỏa mãn dục tính. Mà là tình bạn hai chiều, thương yêu và kính trọng nhau. Giúp mở rộng tầm nhìn và những vận hội mới, những sáng tạo mới, nâng đỡ khi chúng ta cần. Nó đưa chúng ta về cuộc sống đời thường, giúp chúng ta thoát ra khỏi chính mình khi tâm hồn đã khép kín, kéo chúng ta thoát khỏi sự chán nản, đối thoại trong những lúc trao đổi tâm tình, và tình bằng hữu đó đã mở ra cho chúng ta một thế giới mới trong cuộc sống.

Chúng ta đã là bạn hữu của Chúa Giêsu. Nhờ Ngài đã mời: "Thầy gọi anh em là bạn hữu". Nhờ Thánh Linh Ngài, chúng ta có thể làm việc như bạn của Ngài và mổi ngày nên giống Ngài hơn. Hay, như Lời Chúa hôm nay, vì là bạn hữu của Chúa, chúng ta "sẽ sinh được hoa trái, và hoa trái sẽ tồn tại". Trong Tiệc Thánh hôm nay, chúng ta hãy mời Chúa Giêsu hướng dẫn chúng ta cách chết đi những mặt nào trong đời sống để cuộc sống của chúng ta trổ sinh hoa trái mới, hầu làm Thiên Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta hãy cầu nguyện:"Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết thương yêu nhau, xin giúp chúng con sống tình thương ấy để mọi người biết chúng con là bạn của Chúa."

Lm Jude Siciliano, OP

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 14.05.2009. 12:39