Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hãy Sẵn Sàng

§ Lm Giuse Đinh Lập Liễm

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúng ta đọc: Lc 12,35-38.

Sau khi Đức Giêsu giảng dạy dân chúng về vấn đề đừng ham mê của cải, hãy tin tưởng vào Chúa quan phòng và hãy tích trữ của cải cho đời sau, thì ở đây Chúa nhắc nhủ phải thực hiện giáo huấn đó để luôn luôn sẵn sàng cho giờ chết của mình.

Bài Tin mừng ghi lại những lời Chúa dạy về việc phải luôn luôn sẵn sàng cho giờ từ giã cõi đời này để bước vào sự sống đời sau.

Dụ ngôn minh họa cho sự “Tỉnh thức” như một người đầy tớ đang đợi chủ đi ăn cưới không biết sẽ về vào lúc nào, vì tiệc cưới ở Do thái kéo dài không biết đến bao giờ mới kết thúc: có khi kết thúc buổi chiều, có khi mãi tới nửa đêm hay muộn hơn nữa.

Người đầy tớ ấy “thắt lưng cho gọn và thắp đèn cho sẵn”, đó là tư thế sẵn sàng làm việc và sẵn sàng phục vụ để khi chủ về thấy lối mà vào nhà.

Nếu biết rõ lúc nào chủ về thì dễ hơn nhiều, vì chỉ cần đến lúc đó mới thắt lưng và đốt đèn. Nhưng vì không biết chừng nào chủ về nên phải sẵn sàng luôn. Khi vừa nghe thấy dấu hiện chủ về đến nơi là phải mau mắn đón chủ. Như thế tỉnh thức đi kèm với sẵn sàng và nhanh nhạy.

Dụ ngôn này nói đến việc phải tỉnh thức để đón chủ về. Chúng ta phải hiểu là mọi người phải sẵn sàng chờ đợi Chúa đến. Chúa có thể đến trong ba trường hợp:

1. Chúa đến lần thứ hai để phán xét kẻ sống và kẻ chết.
2. Chúa đến kêu gọi chúng ta trong ngày sau hết của đời mình.
3. Chúa đến viếng thăm để ban ơn cho ta trong cuộc sống hằng ngày.

Vì thế, trong cả ba trường hợp ấy, chỉ có ai tỉnh thức, sẵn sàng và nhanh nhạy mới gặp được Chúa và được Chúa thưởng công cho.

Lời Chúa được ngỏ với con người xuyên qua cuộc sống mỗi ngày, nên cũng luôn mang tính bất ngờ. Chính trong những cái thường nhật, nhỏ bé, độc điệu mỗi ngày, con người được mời gọi để nhận ra lời ngỏ của Chúa. Chính trong những cái bất ngờ của cuộc sống mà con người được mời gọi để nhận ra tiếng Ngài.

Xin Ngài cho chúng ta luôn có đôi mắt rộng mở để nhìn thấy Ngài trong những biến cố cuộc sống. Xin Ngài cho chúng ta đôi tai tinh tường để biết lắng nghe tiếng mời gọi của Ngài trong từng phút giây cuộc sống. Xin Ngài cho chúng ta quả tim và đôi tay rộng mở để biết chia sẻ cho thân nhân là hiện thân của Ngài (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).

II. KINH NGHIỆM TRƯỜNG ĐỜI.

1. Ai đã có dịp đi sinh hoạt Hướng đạo, chắc không bao giờ quên được khẩu hiệu của họ là “Sẵn sàng’ hay “Sắp sẵn”. Chúng ta phải phục những người đi sinh hoạt hướng đạo, họ là những ngươi dẫn đường nên luôn phải nhanh nhạy, tháo vát, biết đối phó với mọi hoàn cảnh một cách bình tĩnh. Chắc chắn những gnười có “bằng rừng” thì phải thuộc loại này.

2. Trong chiến tranh, yếu tố “sẵn sàng” lại càng được chú trọng. Có khi thời gian sớm hay muộn mấy phút có thể quyết định thắng bại của cuộc chiến.

Đại tướng Mac Arthur, một vị tướng thời danh của Hoa kỳ, sau đệ nhị thế chiến đã nói lên kinh nghiệm của ông: “Lịch sử trong những thảm bại của chiến tranh có thể tóm gọn trong hai chữ: “QUÁ MUỘN”. Quá muộn vì chưa sẵn sàng, quá muộn vì chưa chuẩn bị đủ.

3. Jules César cũng là vị tướng tài danh của đế quốc Rôma đã nói lên một câu thời danh, xem ra là mâu thuẫn, nhưng nó nói lên kinh nghiệm già dặn của một vị tướng: “Si vis pacem, para bellum”: nếu anh muốn hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh. Chuẩn bị chiến tranh đây có nghĩa là phải đề phòng xa, phải chuẩn bị sẵn sàng, không thể để cho địch quân tấn công bất ngờ. Một khi đã chuẩn bị sẵn sàng thì phe địch không dám tấn công dễ dàng.

4. Những bậc tiền bối thời xưa, những nhà chính trị lão luyện, những nhà thông thạo chiến lược đã biết thực hành câu châm ngôn: “Bình thời luyện võ, loạn thế độc thư”: thời bình thì nên luyện võ, còn thời loạn thì nên đọc sách.. Sở dĩ thời bình phải luyện võ nghệ vì đất nước phải có một lược lượng binh hùng tướng mạnh để không cho địch quân dám tấn công. Ngược lại, trong thời gian chiến tranh thì phải đọc sách nghĩa là phải nghiên cứu chiến lược để tái thiết sau chiến tranh.

5. Ở nước Hy lạp cổ xưa có hai thành phố nổi tiếng: thành Spartes và thành Athènes. Hai thành phố có hai lối giáo dục khác nhau: dân thành Spartes chuyên về võ nghệ, còn thành Athènes chuyên về văn chương. Dân thành Spartes thực hành chủ trương của hoàng đế César xưa: “Si vis pacem, para bellum”: nếu anh muốn hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh, họ đã có một chương trình huấn luyện quân sự một cách gắt gao, mọi người phải sống một đời có kỷ luật cao, luyện tập tinh thần và thể xác cho vững chắc để trở thành những quân nhân dũng cảm, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc. Nhờ đó, họ đã biến Spartes thành một thành phố đáng nể phục,không một lực lượng nào dám đến tấn công họ.

III. PHẢI CHUẨN BỊ SẴN SÀNG.

Đời là một chuyến đi. Chuyến đi nào cũng phải có đích điểm và phải được chuẩn bị kỹ càng. Ai không biết làm như thế sẽ bị gọi là người ngu dại.

Cũng thế, người ta phải đặt một dấu hỏi: “Người ta sống trên đời để làm gì” ? Thế mà có nhiều người không trả lời được câu hỏi đó, vì họ không biết tạo sao mình sống, mình sống để làm gì, rồi sau này sẽ ra sao ? Họ đi vào ngõ cụt và chỉ biết sống cho qua ngày giống như cây cỏ mà triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre gọi là “cuộc đời đáng nôn mửa”.

Nếu có đức tin, người ta sẽ trả lời được: “Người ta sống ở đời để nhận biết, thờ phượng, kính mến Đức Chúa Trời trên hết mọi sự và yêu anh em như mình, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp, để sau này sẽ được hưởng hạnh phúc đời đời”.

Hạnh phúc thật của con người không phải là ở đời này, nhưng là ở đời sau. Như vậy, đời sống con người trên trần gian này chỉ là một cuộc hành trình, và cuộc hành trình này chỉ chấm dứt khi linh hồn lìa khỏi xác. Cuộc hành trình nào cũng phải có đích điểm nghĩa là phải đi tới đâu ? Cuộc hành trình của chúng ta là đi tới Nước Trời, nên luôn phải sắm sẵn hành trang.

Khi một người định đi tham quan một nước ngoài trong một thời gian, chắc chắn người đó phải chuẩn bị rất kỹ. Người ấy sẽ nói nhiều về nước đó, đọc nhiều tài liệu về tập quán, phong tục của nước ấy.

Nhưng nhiều người nói rằng hy vọng một ngày kia sẽ vào Nước Trời, mà không bao giờ nói về nước ấy, cũng không đọc tài liệu hướng dẫn duy nhất là Kinh Thánh, như thế làm sao nói được là có hy vọng hay là sẽ vào Nước Trời.

Truyện: Ông chủ đi về đâu ?

Một người có quyền thế danh vọng ở đời bỗng nhiên chết bất ngờ. Người quản gia vội vàng báo cho thuộc hạ trong nhà tin buồn này. Người ấy nói:

- Theo các anh thì ông chủ chúng ta sẽ đi về đâu ?
Các thuộc hạ đáp:
- Ôâng ấy lên trời chứ đi đâu nữa !
Người quản gia nói:
- Không đâu. Tôi chắc chắn ông ta không lên trời.
Những người thuộc hạ ngạc nhiên hỏi:
- Làm sao quản gia biết là ông chủ không lên trời ?

Người quản gia nói:

- Thường thì đi đâu xa, chủ của chúng ta thường nói về nước sẽ đến và chuẩn bị rất là cẩn thận. Nước Trời là cõi xa xôi, nhưng tôi không bao giờ thấy ông chủ của mình nói gì về nước đó, cũng không thấy ông ta chuẩn bị gì cả. Làm thế nào mà ông ta vào Nước Trời được ?

IV. ĐỢI CHỜ TRONG TIN YÊU.

Đời người là một cuộc đợi chờ, mà cuộc đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó. Đợi chờ chính là cuộc thử nghiệm của tình yêu, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hay một điều gì mà mình hết lòng yêu thương hay quí chuộng. Với ý nghĩa đó, đợi chờ phải là một cuộc chuẩn bị thực sự. Người mẹ chờ đợi đứa con sắp chào đời bằng cách chuẩn bị tất cả những gì cần thiết để bao bọc săn sóc con mình; một người chờ đợi bạn đến thăm bằng cách chuẩn bị thật chu đáo để đón tiếp bạn.

Lịch sử cứu độ là một cuộc đợi chờ: từ các tổ phụ đến các tiên tri trong Cựu ước để cứu nhân loại khỏi ách tội lỗi. Từ các tông đồ cho đến chúng ta ngày nay, tất cả đều mong đợi Chúa lại đến để qui tụ nhân loại trong thành Giêrusalem thiên quốc, nơi con người sẽ sống hạnh phúc trường cửu với Thiên Chúa.

Đối với chúng ta, ngày Chúa đến có thể được hiểu dưới hai khía cạnh: Ngài đến trong ngày tận thế, và Ngài đến trong ngày chết của từng người. Chúng ta mong đợi Chúa đến, nhưng khi nào Ngài đến, chúng ta không biết. Có điều chắc chắn là Ngài đến, trong một cuộc viếng thăm thân tình, bởi vì chỉ có những người thân tình mới dành cho nhau những cuộc thăm viếng bất ngờ. Điều quan trọng là chúng ta phải luôn sẵn sàng với đèn sáng trong tay, để khi Chúa đến, chúng ta sẽ được vui mừng trong cuộc hạnh ngộ.

Truyện: Biết lo xa.

Tại một quốc gia kia ở Tây bán cầu, có một người giầu sống độc thân. Ông ta bỏ tiền ra mua một phần đất rộng rãi trong một nghĩa trang. Hàng tuần ông sẽ đến viếng nơi ông sẽ gửi thân xác khi lìa đời. Ôâng mua cỏ lạ trồng chung quanh ngôi mộ tương lai của mình, và ngày ngày ông đến mộ để tưới xén cho cỏ mọc xanh tươi đều đặn. Đến ngày tảo mộ, ông mua một bó hoa thật đẹp đặt lên trên chỗ đất ấy và đứng ngắm nghía rồi nói:“Ta thích thưởng thức sắc đẹp của hoa bây giờ, đang lúc ta còn sống, chứ đến khi ta chết rồi dầu có bao nhiêu tràng hoa phúng điếu cũng không còn thưởng thức gì được”.

Một hôm ông vào tiệm bán hòm để mua một chiếc quan tài rồi gửi tại đó và nói: “Đây là chiếc nhà mới của ta”.

Ngày nào đi qua tiệm bán quan tài, ông cũng ghé vào đứng ngắm nghía chiếc hòm của mình một lúc và miệng nói lẩm bẩm: “Sống cái nhà, già cái hòm, sớm muộn gì rồi mình cũng sẽ vào đó” (Báo Rạng đông, số 91, 1973, tr 3).

Chúng ta đồng ý với người giầu trên với ý nghĩ: “Sống cái nhà, già cái hòm, sớm muộn rồi mình cũng vào đó”. Đấy là một thực tế, một thực tế phũ phàng, nhưng không ai có thể tránh được. Chỉ có một việc là phải chuẩn bị cho ngày đó. Chúng ta hãy nghe công đồng Vaticanôâ 2 dạy chúng ta về mầu nhiệm của sự chết:

“Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên cao tới tột độ. Con người không những bị hành hạ bởi đau khổ và sự tiến dần đến tan rã của thân xác, mà hơn thế nữa, còn bị dầy vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời. Theo bản năng của lòng mình, con người có lý do để lo sợ cũng như từ chối sự hủy hoại hoàn toàn và sự tiêu diệt vĩnh viễn của bản thân. Mầm sống vĩnh cửu mà con người mang trong mình không thể giàn lược nguyên vào vật chất, nên nó nổi lên chống lại sự chết. Mọi cố gắng của kỹ thuật, dù rất hữu ích, cũng không thể làm nguôi được nỗi lo âu của con người, bởi vì đời sống sinh vật, dù có được kéo dài thêm đi nữa, cũng không thể thỏa mãn được khát vọng một cuộc sống mai hậu đã được in sâu trong lòng con người” (Hiến chế Vui mừng và Hy Vọng, số 18).

Lm Giuse Đinh Lập Liễm

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 02.04.2009. 13:45