Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hãy Sám hối và Canh tân trong khi chờ đợi Chúa đến

§ Lm Anthony Nguyễn Ngọc Dũng, sdb

Bài giảng tuần 2 Mùa Vọng

Giáo Hội nhận ra rằng con người không sống trên những sự thật trừu tượng nhưng trên những hình ảnh cụ thể. Một cách cụ thể, con người (nhất là những người trẻ) luôn tìm cho mình một thần tượng cụ thể để noi theo. Vì thế, trong phụng vụ từ Chúa Nhật II-IV Mùa Vọng, Giáo Hội đặt trước chúng ta hai hình ảnh thật sống động, là hai “thần tượng” để chúng ta noi theo. Hai “thần tượng” để noi theo trong việc chuẩn bị cho “ngày Chúa đến” đó là: Gioan Tẩy Giả, hình ảnh vĩ đại và trổi vượt trong Mùa Vọng (Tin Mừng Mùa Vọng II và III) và Me Maria (Tin Mừng Mùa Vọng IV). Nhưng cả hai chỉ đến trung tâm và điểm đến của mùa vọng, đó là, Đức Kitô (Ngày Giáng Sinh). Quả thật, Thánh Gioan Tẩy Giả và Mẹ Maria là hai kiểu mẫu vĩ đại của sự hiện hữu Mùa Vọng; cả hai chi phối phụng vụ Mùa Vọng. Giờ đây, chúng ta cùng nhau suy gẫm về phụng vụ hôm nay sẽ mang lại sự biến đổi và mới mẽ gì cho cuộc sống của chúng ta.

Tin mừng hôm nay tập trung vào Thánh Gioan Tẩy Giả. Giáo Hội đặt Thánh nhân trước chúng ta như một “thần tượng” thật sống động với sứ điệp đầy thách thức. Ngài thực hiện một loại sứ mệnh mang tính “rất đàn ông.” Ngài kêu gọi mọi người đến với metanoia (lòng sám hối). Đây cũng chính là sứ điệp đầu tiên mà Chúa Giêsu rao giảng khi Ngài bắt đầu sứ vụ công khai của mình: “Thời gian đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần, hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mk 1:15). Đây chính là sứ điệp chính của Chúa Nhật II Mùa Vọng: sứ điệp về metanoia trong khi chờ đợi Chúa đến.

Metanoia có nghĩa là gì? Đó là lời kêu gọi đến với một sự thay đổi tận căn về lối suy nghĩ, cách làm việc, nói năng, và yêu thương. Nó cũng có thể hiểu như sự trở lại mang tính cách hoán cải hay hối lỗi. Đây chính là sứ điệp quan trọng của Mùa Vọng mà chúng ta thường quên. Là những người Kitô hữu, chúng ta phải liên tục thay đổi lối suy nghĩ và nhãn quan của mình, nếu chúng ta muốn gặp được Thiên Chúa khi Ngài đến. Vì tự bản tính chúng ta luôn luôn có khuynh hướng khẳng định chính mình, đưa ra cái này hoặc cái kia ra, làm cho chúng ta thành trung tâm của sự chú ý. Nếu chúng ta muốn tìm thấy Thiên Chúa, chúng ta phải luôn luôn trải qua một sự trở lại của nội tâm, quay lại và di chuyển theo hướng ngược lại – hướng của Thiên Chúa – và ngay cả chuyển hướng toàn bộ ý niệm về cuộc sống của chúng ta. Đức Thánh Cha Benedict XVI nói rằng: Hãy thay đổi lối suy nghĩ của bạn, cách nhìn của bạn, để rồi bạn nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới; hơn nửa, bạn hãy thay đổi lối suy nghĩ của bạn để Thiên Chúa có thể trở nên hiện diện trong bạn và qua bạn trong thế giới.

Chính Thánh Gioan Tẩy Giả không được miễn khỏi việc thay đổi lối suy nghĩ và cách sống quen thuộc của mình, để được biến đổi. Sự thay đổi trong lối suy nghĩ và cách sống của thánh nhân bắt đầu với việc: như tiếng kêu trong hoang địa, thánh nhân phải công bố về một người mà chính thánh nhân không biết rõ cách tường tận đây có phải là Đấng Thiên Sai không. Nhưng sự đau khổ thật của Thánh Gioan Tẩy Giả, sự biến đổi thật của toàn bộ sự hiện hữu của thánh nhân trong tương quan với Thiên Chúa, bắt đầu với hoạt động của Đức Kitô trong thời gian khi thánh nhân ở trong tù. Bóng tối của nhà tù không phải là bóng tối đáng sợ nhất mà Thánh Gioan Tẩy Giả đã chịu đựng. Bóng tối thật, điều mà Martin Buber đã gọi là “sự che khuất (nhật thực) của Thiên Chúa,” chính là điều làm cho thánh nhân “nghi ngờ” về sứ mệnh của mình và căn tính của Người mà thánh nhân đến để chuẩn bị.

Rõ ràng, tính cách khác biệt hoàn toàn của Chúa Giêsu so với những gì Thánh Gioan Tẩy Giả có trong đầu về Ngài là điều dằn vặt và gây đau khổ nhất cho ngài suốt những đêm dài trong tù – sự che khuất của Thiên Chúa. Trong sự đau buồn của mình, Thánh Gioan Tẩy Giả gởi sứ giả đến với Đức Chúa: “Ngài có phải là Đấng phải đến không hay chúng tôi sẽ phải mong chờ mong đấng nào khác?” (Mt 11:3). Đây là vấn nạn mà tất cả chúng ta hỏi trong những giây phút tăm tối của đời mình: Lạy Chúa, Ngài ở đâu? Con còn phải chờ đến bao giờ?

Chúa Giêsu trả lời cho vấn nạn này bằng việc dùng lời của ngôn sứ Isaiah để nói về căn tính của mình và sứ mệnh kêu mời đến metanoia của Thánh Gioan Tẩy Giả: Ngài là Đấng Cứu Độ hoà bình, nhân lành và giàu lòng thương xót, là Đấng “không kêu lên hoặc lên tiếng, hoặc làm cho mình được nghe thấy trên đường phố” (Is 42:2), nhưng sẽ đi giảng dạy và làm việc thiện. Và Ngài thêm những lời quan trọng này: “Phúc cho người không bị vấp ngã vì tôi.” Điều này nhắc nhở cho Thánh Gioan Tẩy Giả và cho mỗi người chúng ta rằng: con người có thể bị vấp ngã vì Ngài. Ngay cả khi Ngài đến, Chúa Giêsu không mang đến sự rõ ràng tuyệt đối cho những vấn nạn, những đau khổ của chúng ta. Chính sự không “rõ ràng” này làm cho chúng ta có thể vấp ngã vì Ngài. Nhưng “phúc cho người không vấp ngã vì tôi” là câu nói mà Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng: chúng ta được phúc nếu chúng ta “ngừng đòi hỏi” những dấu lạ và sự rõ ràng hiển nhiên tuyệt đối khi sống tốt để làm chứng cho Ngài nhưng bị bách hại. Nói cách khác, chúng ta được chúc phúc dù ngay cả trong bóng tối của cuộc sống, chúng ta vẫn tiếp tục đi theo con đường theo Chúa mà mình chọn với trọn niềm tin và tình yêu.

Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay nhắc nhở cho mỗi người Kitô hữu chúng ta rằng: không có con đường nào khác để đến với sự thân tình với Thiên Chúa ngoài con đường ngừng việc tìm kiếm sự rõ ràng bên ngoài cho cuộc sống của mình. Chúng ta chỉ tìm thấy Chúa, Đấng là nền tảng cho cuộc đời, chỉ khi chúng ta bắt đầu quay từ những gì là hữu hình đến những gì là vô hình. Chỉ khi chúng ta hành động theo cách thức này thì những lời nói vĩ đại của Thánh Gioan Tẩy Giả vén mở ý nghĩa trọn vẹn của nó: “Ngài phải lớn lên, nhưng tôi phải nhỏ lại” (Ga 3:30). Mức độ chúng ta sẽ biết Thiên Chúa sẽ tuỳ thuộc vào mức độ chúng ta được giải phóng khỏi chính mình. Điều này đưa chúng ta trở về với chủ đề chính của Mùa Vọng: Chúng ta sẽ biết Thiên Chúa đến mức độ mà chúng ta để dành chổ cho Ngài hiện diện trong chúng ta. Một người có thể dùng cả đời mình để tìm kiếm Thiên Chúa một cách vô ích nếu người đó không để cho Thiên Chúa tiếp tục trong cuộc sống của mình sự hiện diện mà Thiên Chúa bắt đầu ở trong người đó.

Lm Anthony Nguyễn Ngọc Dũng, sdb

Tags: Năm C MV2

Đọc nhiều nhất Bản in 08.12.2018 16:22