Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hãy quay lưng lại với các giá trị hư ảo và các quyền lực giả trá

§ Lm Jude Siciliano, OP

Chúa Nhật 6 Phục Sinh – C
Cv 15:1-2, 22-29; Kh 21: 10-14, 22-23;Ga: 14: 23-29

Chúng ta đang ở vào đoạn gần cuối Sách Khải Huyền. Tuần tới chúng ta sẽ nghe các câu kết của sách. Những tuần qua, tác giả Gio-an đã trò chuyện với chúng ta từ nơi ngài bị phát lưu ở đảo Pát-mô. Vì đã không chịu thần phục La-mã và vì từ chối gọi Xê-da là “Chúa” nên Ngài đã bị đày đến đó. Ngài ra đi, để lại anh chị em Ki-tô hữu của mình cũng đang chịu bách hại (1,9). Thế nên chẳng có gì lạ khi các thắc mắc được đặt ra: Tại sao Thiên Chúa lại có thể để cho những người tốt lành như thế phải chịu đau khổ cơ chứ? Tại sao kẻ dữ thịnh đạt hoài? Ai sẽ giành chiến thắng chung cuộc, Thiên Chúa hay các địch thủ của Người? Gio-an đã viết sách Khải Huyền hầu giúp trả lời cho các vấn nạn thách thức niềm tin ấy. Các vấn nạn này không chỉ rộ lên ở thời xưa, nhưng cũng là các vấn nạn đặt ra cho chúng ta nữa.

Sách Khải Huyền cho thấy, Gio-an đã cố gắng an ủi những giáo hội bị bách hại. Các giáo hội này mới có thể hiểu được các tư tưởng bí nhiệm ngập tràn trong Sách, còn những kẻ bách hại họ thì không. Viết cho các giáo hội gặp cảnh khổ đau, Gio-an đã khuyến khích họ kiên trì và hy vọng. Cơn bách hại vẫn còn đe dọa các Ki-tô hữu đó đây trong thế giới hôm nay và cũng vậy sách Khải Huyền có thể đem lại cho họ niềm an ủi và hy vọng. Sách khải huyền cũng ngỏ lời động viên đến giáo hội đương đại của chúng ta nữa, vì chúng ta cũng đang chịu dày vò vì những thương tích bên trong. Các thương tích này xuất phát từ nỗi đớn đau nhục nhằn có nguyên do bởi những vụ scandal mà chúng ta đang hứng chịu tại nhiều giáo phận rải rác khắp nơi trên thế giới. Những gì sách Khải Huyền soi sáng cũng có thể củng cố lòng quyết tâm của chúng ta trong lúc đương đầu với trào lưu phi tín ngưỡng và thái độ dửng dưng của thế giới quanh ta.

Sách Khải Huyền là một mảng thuộc văn chương khải huyền. Khải Huyền có nghĩa là “vén màn; tỏ lộ ra” và Khải Huyền là một cố gắng để “mạc khải” ý nghĩa lịch sử cho những ai đang trải bước qua những giờ phút kinh hoàng thống khổ. Sách Khải Huyền không phải là lời tiên báo chính xác về các biến cố tai ương trong tương lai, như những người bảo thủ bám vào nghĩa đen của sách Khải Huyền chủ trương. Đừng quên, Đức Giê-su đã nói với chúng ta rằng, chúng ta không thể biết được ngày giờ chính xác Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử vũ hoàn (Mc 13,32).

Sách Khải Huyền khởi đi từ ngai Thiên Chúa trên trời (1,12tt), tức là nơi lịch sử nhân loại đã khởi đi và sẽ tiến về. Gio-an thuật lại các thị kiến mà ngài đã chứng kiến về cuộc chiến giữa thiện và ác. Qua lối văn được mật mã hóa, Ngài có ý nói về La-mã (Con Thú) và Xê-da (Chương 13-17). Ngài cho đó là các địch thù của Thiên Chúa, như thể chính chúng là tất cả các quyền lực dưới đất đang hòng thay thế đường lối của Thiên Chúa. “Con Thú” là bất kỳ quyền lực nào phát sinh sự dữ; ấy là thù địch của Thiên Chúa qua mỗi thế hệ và cũng đã thu được nhiều thuộc hạ, tức những ai xiêu lòng trước cám dỗ của nó.

Xin nhớ cho rằng, sách Khải Huyền là một “mạc khải” giúp chúng ta thấy được những nỗi khổ đau trong quá khứ và hiện tại của chúng ta bằng cặp mắt đức tin, tin vào sự thiện hảo, lòng yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa như khiên che thuẫn đỡ. Khải Huyền cũng nói về tương lai với những lời quả quyết chứ không phải là những lời tiên báo chính xác. Gio-an nhắc nhớ chúng ta rằng, trong khi chúng ta không có quyền định đoạt tương lai, thì Thiên Chúa lại thực hiện điều ấy.

Căn cứ vào dấu chứng hiện tại, đúng là khó để biết được ai sẽ giành chiến thắng chung cuộc, Thiên Chúa hay Con Thú. Giữa cảnh đọa đầy sầu thảm, Gio-an đã viết lên một thư liệu chất chứa niềm tin khả thị ở tương lai để bênh đỡ tinh thần của các Ki-tô hữu đang sầu đau suy kiệt. Ngài bảo đảm với chúng ta rằng, rồi đây trong tương lai, Đức Ki-tô sẽ lại đến. Thoạt đầu, chúng ta đã thấy Người như Con Chiên bị giết (5,12), nhưng khi Người lại đến, chúng ta sẽ trông thấy Người trong vinh quang của Người. Người sẽ đến trong uy quyền, cỡi trên con ngựa trắng của Người, và Người sẽ được gọi là “Đấng Trung Thành và Chân Thật” và “Vua các vua, Chúa các chúa” (19,11-16). Sẽ có một cuộc chung thẩm khi mọi người tề tựu trước nhan Thiên Chúa, đấy là nơi người lành kẻ dữ chịu xét xử. Những ai được ghi tên trong Sách Sự Sống của Con Chiên (20,12) thì sẽ lãnh nhận phần thưởng dành cho họ.

Bây giờ chúng ta đến với trích đoạn Khải Huyền dành cho Chúa Nhật này. Câu chuyện đang tiến đến hồi kết và làm nổi bật sứ điệp hy vọng của sách Khải Huyền. Như chúng ta đã nghe trong tuần rồi, Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt chúng ta và xua trừ sự chết. Sẽ không còn kêu than nữa và mọi sự được đổi mới. Giờ đây chúng ta được trao ban thị kiến về Thiên Chúa và Con Chiên hằng lưu ngụ ngay giữa chúng ta, ấy cũng là chủ điểm giáo lý về niềm tin vào Thiên Chúa nhập thể của chúng ta. (Đề tài này cũng được tìm thấy trong Hr 11-12). Nơi thành Giê-ru-sa-lem trên trời, Thiên Chúa sẽ hoàn tất điều Người đã khởi sự và chúng ta sẽ hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và anh chị em chúng ta. Trời mới đất mới sẽ xuất hiện và Giê-ru-sa-lem mới sẽ từ trời mà xuống như Ê-dê-ki-en đã thị kiến (Ed 40,2). Nơi thành ấy, Thiên Chúa sẽ ở cùng chúng ta và sẽ ủi an tất cả những ai đau khổ. Như Gio-an nói trong câu 22,5: “Sẽ không còn đêm tối nữa, họ không cần ánh sáng đèn hay ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu soi trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời.”

Con Chiên, Đấng là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, Người đã đổ máu trên thập giá, cũng sẽ hiện diện nơi Giê-ru-sa-lem mới. Chúng ta không thể tự cứu mình khỏi vòng tội lụy, và chúng ta cũng chẳng thể đơn thương độc mã mà đánh bại sự dữ nơi thế gian này. Thế nhưng điều chúng ta không thể đạt được với khả năng riêng của chúng ta, thì Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta. Chúng ta là những người thụ lãnh ân sủng của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chiến thắng khải hoàn và đã xóa bỏ tội lỗi của chúng ta.

Chuỗi ngày hết sức thống khổ cùng muôn vàn thử thách không chỉ xảy ra trong thời của Gio-an, mà vẫn còn kéo dài cho đến hôm nay. Gio-an đã kết thúc “mạc khải” của ngài với một thị kiến nảy sinh niềm hy vọng về những gì rồi đây sẽ thành hiện thực cho chúng ta. Không ai đòi chúng ta phải làm sáng tỏ hết thảy các biểu tượng trong sách Khải Huyền. Các biểu tượng ấy sẽ rất lý thú khi tìm hiểu trong những lúc rỗi rãi! Tuy nhiên ẩn tàng ở phần cuối quyển sách về các thị kiến này lại là những lời chất vấn chúng ta trong thánh lễ hôm nay. Chúng ta có tin vào phần kết của câu chuyện này là, nhờ Thiên Chúa, sự thiện sẽ chế ngự điều ác hay không? Ngay cả khi dấu chứng về cuộc khải hoàn đang đến hiện rất ảm đạm, liệu chúng ta có thể giữ lấy niềm hy vọng của chúng ta nơi Thiên Chúa không nào? Sách Khải Huyền cũng là một lời mời gọi đáp trả lại những điều chúng ta đã nghe và đã đón nhận trong cuộc sống mỗi chúng ta. Trong Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta có được kinh nghiệm cá nhân về một tình yêu tự hiến của Thiên Chúa. Cuộc đời chúng ta sẽ là một kiểu mạc khải về niềm hy vọng? Chúng ta sẽ làm chứng cho những người khác qua những cách xử sự, qua lời nói và việc làm của chúng ta chứ?

Bất chấp những gì đang diễn ra hiện thời, liệu chúng ta có thể tin vào những gì Gioan mô tả cho chúng ta, liệu chúng ta có thể tin vào Thiên Chúa là Đấng sẽ thâu về chiến thắng chung cuộc hay không? Sách Khải Huyền nhấn mạnh đến lòng thành tín yêu thương của Thiên Chúa được tỏ bày nơi Đức Giêsu tự nguyện chịu khổ hình vì chúng ta, là Con Chiên hiền lành bị đem đi giết. Tình yêu của Thiên Chúa là điều dành cho chúng ta bây giờ và sẽ là điều dành cho chúng ta trong tương lai nữa.

Sách Khải Huyền được viết theo truyền thống các văn phẩm khải huyền trong Cựu Ước, như sách Đa-ni-en chẳng hạn. Sách mạc khải một câu chuyện nhất quán về Thiên Chúa từ viễn cảnh của cả truyền thống Do-thái giáo lẫn Ki-tô giáo. Tại Giê-ru-sa-lem xưa, không có lầu đài nào thánh thiêng hơn Đền Thờ, tức trung tâm tôn giáo của Ít-ra-en. Thế nhưng trong sách Khải Huyền, Gio-an cho chúng ta biết rằng, “Trong thành, tôi không thấy có đền thờ.” Gio-an đã thấy Giê-ru-sa-lem mới có hình thể lập phương, biểu trưng cho sự toàn hảo. Tự thân thành ấy có thể mang hình dáng như Đền Thờ Cực Thánh. Tại Giê-ru-sa-lem mới, Thiên Chúa sẽ tỏ hiện trước toàn dân một cách trực diện và có thể tiếp cận được, đấy là lời hứa mà Đức Giê-su đã nói với người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng, “Này người phụ nữ, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem” (Ga 4,21).

Sách Khải Huyền một mặt tiếp bước chân ta kiên vững nơi những trận chiến hiện thời để sống đời sống Ki-tô hữu, mặt khác sách cũng tập trung hướng nhìn của chúng ta về những gì sẽ đến. Vẻ ngoài của thế gian là các quyền lực ngạo nghễ sẽ bị đánh bại cho dù hiện giờ chúng đang dương oai. Rồi đây, chúng ta sẽ cùng nhau cư ngụ trong bình an với Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Thiên Chúa chẳng những sẽ không còn chỉ ở trong khuôn viên Đền Thờ, nhưng còn hiện diện với tất cả những ai lưu ngụ trong thành thánh. Có một câu ngạn ngữ vẫn thường nhắc nhớ chúng ta: chiếc áo không làm nên thầy tu, các lầu đài chẳng làm nên nhà thờ. Giáo Hội của chúng ta nhận Đức Giê-su như tâm điểm, là đầu và là “ngọn đèn” tỏa rạng (21,23) mà hiện nay hay trong tương lai chúng ta đều cần đến.

Gioan mời gọi chúng ta quay lưng lại với các giá trị ảo và các quyền lực giả trá của thế gian, thay vào đó chúng ta hướng về Thành Thánh mới là nơi Thiên Chúa ngự. Nếu chúng ta tin vào thị kiến của Gioan cũng như tin một ngày nào đó thị kiến ấy sẽ thành toàn, thì (ngoài Chúa và giáo hội người thiết lập ra) làm sao chúng ta có thể chọn điều gì khác hay ai khác được nữa cơ chứ? Gio-an đã xé toạc bức màn ra cho chúng ta và chúng ta có thể ngắm nhìn nơi cực thánh với tâm điểm là Thiên Chúa, Người cũng là trọng tâm đời sống của chúng ta nữa. Amen.

Lm Jude Siciliano, OP
Anh Em Học Viện Đaminh chuyển ngữ

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 08.05.2010. 12:02