Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hãy luôn vững tin trong mọi thử thách đau khổ!

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

Chúa nhật III Mùa Phục Sinh/A
(Lc 24,13-35)

Chắc hẳn bài Tin Mừng về hai môn đệ Em-mau lại khơi dậy trong chúng ta những tình cảm và tư duy mới. Có lẽ trong những cảm xúc hoang mang và đầy thất vọng của hai môn đệ Em-mau phản ảnh những gì đang làm bức xúc nhiều Kitô hữu ngày nay!

Vâng, hai người lữ hành trên đường về Em-mau lòng đầy thổn thức, đau buồn và thất vọng tột độ. Họ đã đặt hết mọi hy vọng vào Ðức Giêsu Na-da-rét. Họ tin Người là Messia, là Ðấng Thiên Sai, Ðấng đã được hứa từ bao thế kỷ qua và nay đến lúc Người sẽ ra tay giải thoát dân Ít-ra-en khỏi ách thống trị ngoại bang Rôma. Hẳn đã đến lúc thiết lập lại sức mạnh, sự huy hoàng và sự ấm no thịnh vượng cho Ít-ra-en. Bởi thế, họ đã sẵn sàng bỏ lại tất cả để theo Ðức Giêsu: Gia đình, nghề nghiệp và cuộc sống quen thuộc xưa nay của mình.

Thế nhưng giờ đây, Ðức Giêsu đã bị giết chết một cách nhục nhã như thể một tên tử tội. Thầy của họ đã thất bại hoàn toàn! Tất cả thế là hết! Bao hy vọng ôm ẵm từ ba năm nay đều tan thành mây khói! Và còn đau buồn hơn nữa, là chính đức tin của họ vào Thiên Chúa cũng bị lung lay! Tại sao Thiên Chúa lại có thể bỏ rơi Vị Cứu Tinh dân tộc mà Người đã tuyển chọn? Thiên Chúa ở đâu, khi Ðức Giêsu kêu lên trong cơn cùng khổ ở trên thập giá: "Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ rơi con?" (Mt 15,34). Tất cả những sự kiện đó chắc hẳn đã làm nẩy sinh trong họ tư tưởng: Hoặc Ðức Giêsu không phải là Ðấng Messia, hoặc Thiên Chúa không phải là Ðấng họ từng tin tưởng!

Vì lòng đầy ứ bao tư tưởng nghi ngờ thất vọng như thế, nên tin tức về ngôi mộ chôn xác Chúa trở nên trống không và sự loan báo của Thiên Thần là Ðức Giêsu đã sống lại, đối với họ không phải là điều nghiêm chỉnh hay có thể lật lại được cục diện. Quả thực "mắt họ như bị mù lòa, nên không nhận ra Người được" (Lc 24,16). Họ hoàn toàn bị giam hãm và cầm tù trong những quan niệm đầy tính cách trần thế của họ về nước Ít-ra-en mới mà Ðấng Messia sẽ thiết lập, như họ đã tâm sự: "Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người sẽ là Ðấng cứu chuộc Ít-ra-en!" (Lc 24,21). Sự tuyệt vọng khủng khiếp đó đã làm cho họ đâm ra cay đắng đến nỗi trở nên mù lòa. Ðối với họ chỉ còn một lối thoát duy nhất: Phải xa rời Giê-ru-sa-lem, nơi chôn vùi bao hy vọng về tương lai của họ!

Chân thành mà nói, ngày nay nhiều Kitô hữu trong chúng ta cũng đang mang trong mình tâm trạng tương tự như thế khi họ đưa mắt nhìn về Giáo Hội. Họ đã đặt biết bao nhiêu hy vọng vào Công Ðồng Vatican II. Họ đã hy vọng sẽ có một Giáo Hội mới, tân tiến, hoàn toàn thông thoáng, mở rộng mọi cánh cửa cho mọi trào lưu tư duy nhân loại; một Giáo Hội có sức thu hút mạnh mẽ đối với các tâm hồn, hoàn toàn bênh vực cho những người nghèo khổ cô thế cô thân; một Giáo Hội biết xóa bỏ mọi tục lệ cũ kỹ trong quá khứ và được canh tân một cách tuyệt căn, như cho phép phụ nữ làm Linh mục, cho phép những người ly dị được tự do chịu các phép bí tích, chấp nhận sự sống chung của những người đồng tình luyến ái, v.v… Ðó là những hy vọng của họ. Thế nhưng trong thực tế? Trước mắt họ, họ chỉ nhìn thấy một Giáo Hội khư khư ôm giữ những hình thức khô cứng của quá khứ; một Giáo Hội không biết đón nhận những sáng kiến tân thời của các tín hữu cấp tiến; một Giáo Hội không biết cởi mở đối với nữ giới, để họ cũng được tham dự vào các chức vụ hàng tư tế, v.v… Vâng, nhiều người đã nghĩ và đã có những cái nhìn như thế về Giáo Hội.

Trong khi đó, những người khác lại kêu trách phàn nàn về số phận mình hẩm hiu. Họ đã hy vọng là Thiên Chúa công minh sẽ ban thưởng cho đời sống đức tin trung kiên gương mẫu của họ. Vâng họ đã sống một cuộc sống rất đàng hoàng tử tế, vuông tròn mười điều răn Chúa cũng như tuân giữ mọi điều Giáo Hội dạy. Nhưng trong thực tế hằng ngày, họ chỉ thấy mất mát thua thiệt. Trong khi những kẻ sống ngang tàng, nguội lạnh lại thành công, sung sướng!

Còn nhiều người khác, tương tự như Ðức Giêsu xưa, đã kêu cầu đến Thiên Chúa trong cơn cùng khổ của họ. Nhưng Người đã chẳng lắng tai nghe lời họ, khiến họ có cảm giác như khi họ kêu điện thoại cho một người nào đó, nhưng lại không có ai ở nhà hoặc không có ai muốn cầm ống lên nghe cả; lời kêu cứu của họ chỉ còn là tiếng vang trong sa mạc! Và có lẽ họ cũng đã tìm an ủi nơi những người đại diện của Giáo Hội. Nhưng họ đã không tìm gặp được ai thực sự biết lắng tai nghe họ và biết thông cảm với họ theo cách thức mà họ hằng mong muốn chờ đợi!

Cuối cùng, còn có nhiều người khác thì tâm hồn đầy những chán nản ê chề về những trống rỗng vô nghĩa của cuộc đời. Người ta có thể so sánh họ với hai người môn đệ trên đường tiến về Em-mau, có khác chăng là khác ở chỗ: họ đã tự lừa dối mình, khi họ đi tìm sự an ủi và sự giải sầu qua những hoạt động cũng như những phương tiện lệch lạc, rẻ tiền và tạm thời, chứ không qua việc lắng nghe Lời Chúa, tâm sự với Ðấng Phục Sinh và tham dự việc Bẻ Bánh với Người, như hai người lữ hành Em-mau.

Bài Tin Mừng tường thuật rằng Ðức Giêsu đã đến đồng hành và trao đổi câu chuyện với hai người môn đệ Em-mau. Nhưng họ đã không nhận ra Người. Còn chính Người đã giải thích cặn kẽ cho họ hiểu rằng tất cả những điều đang làm cho họ và các môn đệ khác lo âu và thất vọng, nhất thiết "phải xảy ra". Ðó chính là điều Ðức Giêsu đã từng nói trước kia nhiều lần. Nhưng xem ra họ đã quên hết hay không muốn nhớ những điều đó, bởi vì chúng không trùng hợp với quan niệm và những chờ đợi của họ. Cũng vì thế, họ đã không thể hiểu được những lời báo trước về sự Phục Sinh của Ðức Giêsu, tức:

tất cả những điều đã được loan báo đó hoàn toàn vượt ra ngoài khả năng hiểu biết của họ!

"Thập giá Ðức Giêsu là nguồn ơn cứu độ" (x. Mt 10,38; Rm 6,8; Gl 2,20.5,24tt). Phải chăng chân lý đó đã chi phối được mọi tâm tư và toàn bộ con người của chúng ta? Phải chăng chân lý đó là nguồn động lực đỡ nâng chúng ta, củng cố chúng ta trong khi gặp phải những đau khổ thử thách trên đường đời, trong cuộc sống hằng ngày?

Chân lý đó sẽ không bao giờ có thể chi phối hay thấm nhập được vào con người chúng ta, nếu chúng ta chỉ nhắm tới và đặt hết mọi hy vọng vào những điều trước mắt, những điều chóng qua đời này, chứ không biết nhìn đến mục đích tối hậu của cuộc đời! Vâng, nếu chúng ta chỉ hướng lòng nhìn tới những điều hiện tại, chúng ta sẽ liều mình lạc xa mục đích cuộc sống và phải lần mò bước đi trong đêm tối của sự vô tri và chán nản. Chỉ từ mục đích chân thật của cuộc sống mà chúng ta được kêu mời tìm đạt tới, mới có được ánh sáng chân lý chiếu giãi trên nỗi đau khổ mà chúng ta đang phải đối mặt. Bởi vậy, trong cuộc sống hằng ngày cũng cần phải có những cái "phải chấp nhận", cả với những thách đố nặng nề của chúng nữa, thí dụ: Bệnh tật đau ốm, các tai họa, những thất vọng chán chường, sự cô đơn buồn tủi trong tuổi già và còn bao nhiêu điều khác nữa.

Nhưng, là một điều lầm lẫn nếu khi chúng ta phải đối mặt với các thử thách nặng nề như thế trong cuộc sống, mà lại chỉ tự an ủi mình bằng những tư tưởng hay lời nói đạo đức thuần tuý! Vâng, thật là một thái độ không phù hợp với tinh thần Kitô giáo, khi người ta bằng lòng và chấp nhận nỗi đau khổ một cách quá giản tiện và thụ động, chứ không chịu đem hết nỗ lực để loại bỏ những điều ác hại ra khỏi thế giới, một việc làm cần thiết và vốn nằm trong tầm tay của mình.

Dĩ nhiên, trong cuộc sống con người còn hiện hữu một giới hạn hay một biên giới nào đó mà khả năng nhân loại của chúng ta không sao vượt qua được, không sao giải thích được và vì thế cũng không sao có thể loại bỏ được, nhưng phải chấp nhận. Ðó chính là lúc đức tin vào Ðức Giêsu Kitô phục sinh nâng đỡ và bổ sức cho chúng ta để vui lòng chấp nhận sự thử thách, chịu đựng sự đau khổ.

Lời nguyện cầu của Ðức Giêsu trên thập giá là một tiếng kêu trong sự khốn cùng, phát xuất từ một con tim đầy đau khổ. Ðiều đó chứng minh rằng chính Ðức Giêsu cũng không tránh khỏi sự sợ hãi, bị Thiên Chúa bỏ rơi! Nhưng đàng khác, trong chính nỗi đau thương cùng cực đó, Người đã phó thác hoàn toàn vào sự an bài đầy khôn ngoan và yêu thương của Thiên Chúa, như trong buổi chiều hôm trước tại vườn cây dầu Người đã cầu nguyện với sự xác tín sâu xa: "Lạy cha, không phải ý con được thể hiện, nhưng là ý Cha" (Lc 22,42).

Và tâm tình tin tưởng phó thác tuyệt đối đó vào Thiên Chúa, vào Cha của Người, còn được khẳng định lại một lần nữa qua những lời nói cuối cùng của Người trên thánh giá, trước khi tắt thở: "Con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha" (Lc 23,46).

Ðó cũng chính là điều đức tin chờ đợi nơi chúng ta, tức chúng ta hãy trả lời cho "câu hỏi tại sao" đầy nhiêu khê rắc rối của cuộc đời bằng những lời của Kinh Lạy Cha: "Nguyện cho ý Cha được thể hiện!"

Vâng, chắc chắn chúng ta sẽ không thể tiếp tục tiến xa hơn được nữa, nếu chúng ta chỉ dừng lại nơi "câu hỏi tại sao": Tại sao lại là tôi? Tại sao tôi không làm chi nên tội, mà Thiên Chúa lại phạt tôi như thế nầy? Con người thường chỉ nhìn thấy những tình tiết cụ thể trước mắt, chứ ít khi nhìn được tổng quát con đường đời của mình. Còn Thiên Chúa luôn nhìn thấy suốt toàn diện cuộc sống con người và những vui buồn Người gửi đến cho chúng ta đều nhằm gây ích lợi cho chúng ta. Vả lại, chúng ta đừng quên rằng khi Thiên Chúa đã gửi đến cho chúng ta những thử thách và những đau khổ thế này thế kia, thì Người tự quyết định, chứ Người không bao giờ dò hỏi ý kiến chúng ta trước, để xem liệu chúng ta có bằng lòng hay không.

Vì thế, chỉ ai biết tin tưởng vào Thiên Chúa thì hoàn toàn phó thác tất cả cho Người. Nhờ tinh thần tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa như thế, người đó sẽ có được đầy đủ nghị lực để chịu đựng được các thử thách đau khổ của mình, để bền tâm bước đi trên con đường thập giá.

Ðúng vậy, chúng ta đừng lấy làm ngạc nhiên, nếu nhiều khi vì lý do đức tin mà chúng ta phải hứng chịu những thiệt thòi mất mát trong cuộc sống. Chúng ta đừng lấy làm ngạc nhiên, nếu chúng ta dù tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa mà vẫn phải gánh chịu mọi thử thách đau khổ, chứ không hề được chuẩn chước. Nhưng trong những khi bị thử thách đau khổ, chúng ta hãy luôn xác tín rằng chúng ta không hề bị bỏ rơi, nhưng luôn có Ðức Kitô cùng đồng hành, như lời Người đã hứa: "Thầy ở với chúng con mọi ngày cho tới tận thế" (Mt 28,20), hay: "Thầy sống và chúng con cũng sẽ sống" (Ga 14,19). Hai môn đệ Em-mau đã xin người bạn đồng hành chưa quen biết: "Xin bạn hãy ở lại đây với chúng tôi!" Và trong khi cùng ngồi ăn với người bạn đồng hành "mắt họ liền mở ra và họ liền nhận ra Người" (Lc 24,29-31). Qua đó, vị thánh sử muốn quả quyết với các Kitô hữu rằng mỗi người tín hữu cũng như mỗi cộng đoàn Kitô giáo sẽ chỉ có thể cảm nghiệm được sự hiện diện của Ðức Kitô giữa họ một cách chắc chắn, khi họ cùng nhau cử hành mầu nhiệm Thánh Thể trong tâm tình thân ái huynh đệ.

Bởi vậy, trong Thánh Lễ chúng ta cử hành hôm nay, Ðức Kitô thật sự đang hiện diện giữa chúng ta. Nhưng chỉ những ai biết mở rộng lòng mình để đón nhận Tin Mừng Phục Sinh của Người và cùng với Người cũng như với tất cả các anh em của Người tham dự Thánh Lễ, Bữa Tiệc Thánh, thì mới có thể cảm nhận được sự hiện diện thực sự của Người!

Lm Nguyễn Hữu Thy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 04.04.2008. 06:15