Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hãy lui lại đằng sau Thầy mà vác thập giá

§ Phaolô Phạm Xuân Khôi

Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXII Thường Niên – A (Mt 16:21-27)

Tuần trước chúng ta chứng kiến cảnh Chúa Giêsu khen Thánh Phêrô vì lời tuyên xưng đức tin của ngài, và hứa đặt ngài làm nền tảng mà trên đó Người sẽ xây Hội Thánh Người, cùng trao cho ngài chìa khoá Nước Trời. Tuần này Chúa Giêsu mắng Thánh Phêrô cách nặng lời vì ngài đã suy nghĩ theo thế gian mà không suy nghĩ theo Thiên Chúa. Mặc dù Thánh Phêrô được Chúa Cha soi sáng cho biết rằng Chúa Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”, nhưng quan niệm của ngài và các môn đệ khác về Đấng Kitô vẫn là quan niệm của người Do Thái hồi đó: một Đấng Kitô sẽ phục hồi nước Israel. Ngay cả sau khi Chúa sống lại, các môn đệ vẫn hỏi Người, “Thưa Thầy, có phải Thầy sẽ khôi phục vương quốc Israel lúc này không?” (Cv 1:6). Để cho các môn đệ khỏi bị cám dỗ vì bã vinh hoa, Chúa Giêsu tiên báo cho các ngài về cuộc khổ nạn của Người, đồng thời nói trước cho các ngài rằng ai muốn theo Người đến vinh quang thì phải chấp nhận đau khổ trước, nghĩa là “phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Người” (x. Mt 16:24).

Mt 16:21 - Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại.

Trước kia Chúa Giêsu chỉ nói bóng gió (Mt 12:40), nhưng bây giờ Người nói tỏ tường và chi tiết cho các môn đệ về cái chết của Người (xem Mk 8:31-32; Lk 9:22). Thánh Marcô còn thêm là Người nói cách công khai. Chúa nói rõ về cái chết của Người vì nó sẽ xảy ra trong lần lên Giêrusalem này. Nhưng Người cũng cho biết rằng sau ba ngày Người sẽ sống lại. Như thế đau khổ và cái chết của Chúa không phải là hết mà là một tiến trình đi tới Phục Sinh. Cũng thế, những đau khổ chúng ta chịu trên đời này vì yêu mến Chúa cũng sẽ dẫn đến phục sinh, nếu không thì cuộc đời hoàn toàn vô nghĩa.

Có một điều trớ trêu là những người làm khổ Chúa lại là các kỳ lão, thượng tế và luật sĩ, là những người lãnh đạo dân Thiên Chúa. Ngay từ đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, những người Pharisêu, nhóm Hêrôđê, cùng các tư tế và luật sĩ đã cùng nhau bày mưu hại Người. Vì việc Người trừ quỷ, chữa bệnh trong ngày sabath, thân mật với người thu thuế và tội lỗi…, mà nhiều kẻ nghi Người bị quỉ ám. Họ tố cáo Người là phạm thượng, ngôn sứ giả, tay chân của Satan, chống lại Lề Luật, Ðền Thờ và niềm tin vào Một Thiên Chúa. Nhưng không phải đa số dân Do Thái, mà chỉ có các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Giêrusalem đã coi nhiều lời nói và và việc làm của Người là "dấu hiệu chống đối" (x. GLCG 574-576).

Ngày nay Chúa cũng đang đau khổ vì một số người lãnh đạo trong Dân Mới của Chúa là Hội Thánh. Có biết bao người đang nắm các chức vụ trong các cộng đồng, các giáo xứ, không phải để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân mà để tìm hư danh. Chính vì thế mà trong nhiều giáo xứ có những tranh chấp giữa giáo dân với giáo dân và giữa giáo dân với các linh mục. Có nhiều linh mục coi tác vụ của mình như là một nghề nghiệp chứ không phải ơn kêu gọi, nên mới có những linh mục hống hách, thiếu đạo đức, mê tiền, nhiều khi cả sắc dục, lạm dụng tính dục trẻ em, bất phục tùng bề trên…. Có nhiều thần học gia ở các trường Đại Học Công Giáo nổi tiếng công khai chống lại giáo huấn của Hội Thánh…. Họ là những kỳ lão, thượng tế và luật sĩ của thời đại chúng ta. Nhiều môn đện chân chính của Chúa cũng đang bị khinh ghét và tẩy chay bởi những người này khắp nơi.

Mt 16:22 - Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu".

Lạy Thầy, không thể được là dịch câu ιλεως σοι κυριε. Dịch sát nghĩa là Lạy Chúa, xin thương xót chính Mình. Thánh Phêrô đã biết rằng Người là Ðức Kitô nên nghĩ rằng Người có quyền năng để bảo vệ chính mình Người khỏi mọi mưu mô thâm độc của người Do Thái. Ở đây Thánh Phêrô khuyên Người dùng quyền đó để tự cứu mình như Người đã làm ở Nadareth, hay đã làm cho dân chúng. Có sách dịch là “Xin Thiên Chúa thương” cũng đúng nhưng không rõ nghĩa, vì Ðức Kitô cũng là Thiên Chúa. Thánh Phêrô nói thế vì ngài vẫn hiểu về vai trò của Ðức Kitô như những người Do Thái khác hiểu. Ngài không thể tưởng tượng được là Thiên Chúa có thể để cho người phàm làm hại mình.

Mt 16:23 - Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người".

Phản ứng của Thánh Phêrô không có gì là sai lầm cả. Đó chỉ là phản ứng của một môn đệ nhiệt thành yêu Thầy, và không muốn Thầy phải đau khổ và chết như thế. Ðức Cha GB Bùi Tuần cho rằng Thánh Phêrô muốn xây dựng và bảo vệ uy tín của Thầy mình (Nói với Giáo Dân, tr,.43). Chính vì lý do đó mà ngài đã vô tình cản trở sứ vụ cứu độ của Thầy mình là làm theo Ý Ðức Chúa Cha. Chúa Giêsu trách mắng ngài bằng cách gọi ngài là “Satan” nghe ra có vẻ quá đáng. Có lẽ Chúa không mắng Thánh Phêrô, nhưng vì Người thấy “Satan” đang nấp sau lời nói vô tội của Thánh Phêrô mà cám dỗ Người, để Người không tuân phục Thánh Ý Chúa Cha, tìm cách tránh Thánh Giá này, nên Người đã thẳng tay xua đuổi nó. Mục đích của Chúa Giêsu xuống trần là để làm theo Thánh Ý Đức Chúa Cha. Người nhất quyết vâng phục Chúa Cha cho đến chết, dù phải chết trên thập giá. Satan đã một lần cám dỗ Người dùng quyền phép của Mình mà làm sai chương trình của Chúa Cha (x. Mt 4:1-11). Hôm nay nó lợi dụng sự hiểu biết nông cạn của Thánh Phêrô mà cản bước Người. Việc này cho chúng ta thấy rằng ma quỷ có thể dùng cả những lời nói vô tình của những người thân yêu nhất của chúng ta mà cám dỗ chúng ta phạm tội. Thái độ của Chúa dạy chúng ta rằng khi bị ma quỷ cám dỗ hãy thẳng tay xua đuổi chúng mà không do dự gì cả.

Đôi khi vì quá hăng say mà chính chúng ta cũng hành động như Thánh Phêrô, cản trở công việc của Thiên Chúa và làm cớ cho người khác vấp phạm. Có khi vì muốn giúp đỡ Hội Thánh mà chúng ta đem hết khả năng ra phục vụ. Vì tin vào khả năng của mình và sợ hỏng việc nên chúng ta ôm đồm đủ thứ mà không dám trao việc cho người khác. Vì cho rằng mình tài giỏi nên chúng ta chỉ làm việc theo sáng kiến của mình mà không hỏi ý kiến những người kinh nghiệm hơn mình. Đôi khi vì tự ái chúng ta cảm thấy bị xúc phạm khi những người khác đưa ra ý kiến, dù là ý kiến xây dựng. Chúng ta vô tình đã biến lòng nhiệt thành của mình thành một tảng đá ngăn cản những chương trình của Thiên Chúa. Chúa Giêsu hôm nay cũng bảo chúng ta “hãy lui lại đàng sau Thầy” như Người đã bảo Thánh Phêrô. Nghĩa là hãy để Chúa dẫn chúng ta theo đường lối của Người, chứ đừng đi trước Người. Sở dĩ chúng ta làm như thế vì chúng ta chỉ biết suy nghĩ và hiểu biết theo cách của loài người, chứ không theo cách của Thiên Chúa. Muốn theo cách của Thiên Chúa thì cần phải kết hợp mật thiết với Ngài. Mà muốn kết hợp mật thiết với Ngài thì cần cầu nguyện, cầu nguyện liên lỉ. Từ đó, Đức Kitô và Chúa Thánh Thần sẽ ngự trong chúng ta để rồi chúng ta sống mà không còn chúng ta sống, nhưng Đức Kitô sống trong chúng ta (x. Gal 2:20).

Mt 16:24 - Bấy giờ Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy.

Muốn hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa thì chúng ta phải trở thành những môn đệ chân chính của Đức Kitô. Chúa muốn môn đệ của Người phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Người (x. Mk 15:21; Lk 9:23). Thánh Luca còn thêm chữ hằng ngày. Từ bỏ chính mình là phải quên mình đi, quên quyền lợi, danh dự, và cả mạng sống mình vì Chúa. Ai theo Chúa mà còn có cái tôi, còn tự ái, thì không phải là môn đệ thật của Chúa.

Thập Giá hay “Thánh Giá là hy tế duy nhất của Ðức Kitô, ‘Ðấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người"’ (1Tm 2:5). Nhưng, vì khi nhập thể, Con Thiên Chúa "’đã kết hợp với tất cả mọi người’ (Gaudium et Spes 22,2), nên đã ‘ban cho mọi người khả năng được thông phần vào mầu nhiệm Vượt Qua cách nào đó chỉ có Chúa biết thôi"’ (Gaudium et Spes 22,5). Người mời gọi môn đệ ‘vác thập giá mình mà theo Người’ (Mt 16:24), vì "’Người đã chịu đau khổ vì chúng ta, đã để lại một gương mẫu cho chúng ta dõi bước theo Người’ (1 Pr 2:21). Thật vậy, Người muốn cho những kẻ đầu tiên được hưởng nhờ hy tế đó, cùng thông phần vào hy tế cứu độ của Người (x. Mc 10,:39; Ga 21:18-19; Cl 1:24). Ðiều ấy được thể hiện tột bực nơi Thân Mẫu của Người, Ðấng đã thông phần vào mầu nhiệm đau thương cứu độ của Người mật thiết hơn ai khác (x. Lc 2:35): ‘Ngoài thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời’ (T. Rôsa thành Lima)” (GLCG 618).

Ngày nay, thập giá của chúng ta có thể là những việc đáng lẽ chúng ta phải làm mà chúng và không muốn làm vì thấy nặng nhọc. Cũng có thể là những hy sinh lớn lao như mạng sống của mình. Nhưng thông thường thì thập giá là chính bổn phận của chúng ta, cùng với những khó khăn, bệnh tật, đau khổ, hiểu lầm, thù ghịch, ghen ghét và khó chịu… mà chúng ta gặp hằng ngày.

Vác thập giá là vui lòng chấp nhận tất cả để chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa. Một môn đệ thật là người khi theo Chúa trong nghèo khổ thì không cảm thấy túng thiếu; khi theo Chúa trong dư dật thì không thấy kiêu căng; khi theo Chúa trong đau khổ, thì không thấy nhục nhã; khi theo Chúa trong vinh quang thì không thấy hãnh diện; nhưng luôn an bình và vui mừng vì được theo Chúa.

Nhờ quyền năng của Thánh Thần, chúng ta có thể làm được những viêc tốt lành. Ðấng đã tháp chúng ta vào Cây Nho thật, sẽ giúp chúng ta trổ sinh "hoa quả của Chúa Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, quảng đại, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hòa, tiết độ" (Gl 5:22-23). Chúa Thánh Thần là sự sống của chúng ta; chúng ta càng từ bỏ ý riêng (x. Mt 16:24-26) thì "Chúa Thánh Thần càng hướng dẫn đời chúng ta"(Gl 5:25) (x. GLCG 736).

Mt 16:25 - Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống.

Người muốn cứu mạng sống mình là người ích kỷ, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến mình. Chúa nói rõ là không ai giữ được mạng sống mình cả. Nhưng ai liều thân vì Chúa, làm mọi sự theo Thánh Ý Chúa, thì sẽ được sống, vì chính Chúa là sự sống (x. Ga 1:4; 11:25), và Người có quyền ban sự sống cho ai tuỳ theo ý Người (x. Ga 5:21). Sự sống mà Chúa nói ở đây là sự sống đời đời.

Mt 16:26 - Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?

Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Câu này dịch theo cách dịch của các học giả Kinh Thánh hiện đại nên tối nghĩa. Sự sống ở đây không có nghĩa là sự sống thể xác mà là sự sống linh hồn. Đáng lẽ phải dịch là: Nếu ai được lợi cả thế gian, mà mất linh hồn mình, thì được ích gì?

“Thánh Kinh thường dùng thuật ngữ linh hồn để chỉ sự sống con người (x. Mt 16:25-26; Ga 15:13) hoặc toàn diện con người (Cv 2:41). Nhưng cũng dùng để chỉ cái thâm sâu nhất (Mt 10:26-38), giá trị nhất nơi con người (x. Mt 10:28; 2Mca 6:30), nhờ đó con người là hình ảnh Thiên Chúa cách đặc biệt: "linh hồn" là nguyên lý thuần linh nơi con người” (GLCG 363).

Ðây là một lời cảnh cáo rất quan trọng của Chúa. Nhiều dịch giả Kinh Thánh ngày nay dịch chữ ψυχη là sự sống thay vì linh hồn ở câu này vì họ quá chú trọng đến Phương Pháp Phân Tích Bản Văn mà không để ý đến Truyền Thống Hội Thánh. Thực ra chữ ψυχη có nghĩa là hơi thở, sự sống, đời sống, linh hồn. Như thế phải theo mạch văn và truyền thống mà dịch. Theo mạch văn, dịch là đời sống thì quá tối nghĩa, mà dịch là linh hồn thì sáng sủa hơn, vì đời sống thiêng liêng chính là linh hồn, nhưng nếu không nói rõ thì người đọc có thể hiểu lầm là sinh mạng. Người ta đổi mạng của nhau là thường, nhưng không ai đổi được linh hồn. Các giáo phụ La Tinh như Thánh Giêrônimô, Thánh Augustinô, Thánh Ambrôsiô, và Thánh Thôma Aquinô đều dịch là anima – linh hồn trong câu này. Các giáo phụ Hy Lạp không có trở ngại gì vì các ngài dùng tiếng Hy Lạp.

Mục đích chính của chúng ta khi sống trên đời này là làm mọi sự để được rỗi linh hồn. Làm ăn, ngủ nghỉ, dựng vợ, gả chồng,... tất cả là làm theo Thánh Ý Thiên Chúa. Nếu chúng ta đạt được tất cả mọi sự ở đời mà mất linh hồn thì thật khốn nạn cho chúng ta!

Mt 16:27 - Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm".

Ðức Kitô lên trời với cả nhân tính, thông phần vào quyền năng của Thiên Chúa. Người là Chúa và cũng là Ðầu Hội Thánh, nên Người vẫn lưu lại trần thế trong Hội Thánh. Từ khi Ðức Kitô lên trời, ý định của Thiên Chúa bước vào giai đoạn hoàn thành. Tuy đã hiện diện trong Hội Thánh, nhưng triều đại của Người chưa hoàn tất "một cách đầy quyền năng và vinh hiển". Triều đại này còn bị các thế lực sự dữ tấn công dù cơ bản chúng đã bị Người đánh bại. Vì vậy, các tín hữu cầu xin Ðức Kitô mau trở lại. Theo Ðức Kitô, thời hiện tại là thời của Thánh Thần và của chứng nhân, cũng là thời Hội Thánh gặp nhiều thử thách và chiến đấu. Ðây là thời gian chờ đợi và canh thức. Từ khi Người lên trời, ngày trở lại vinh quang của Người luôn gần kề, dù ta không biết rõ thời giờ. Ngày trở lại của Người tùy thuộc vào việc "toàn thể Israel" nhận biết Người, sau khi các dân ngoại gia nhập đông đủ. Trước khi Ðức Kitô trở lại, Hội Thánh phải trải qua một cuộc thử thách cuối cùng, rồi mới được bước vào vinh quang (x. GLCG 668-677)

Với tư cách là Ðấng Cứu Thế, Ðức Kitô có toàn quyền xét xử hành vi và tư tưởng của con người. Khi đến phán xét kẻ sống và kẻ chết trong ngày tận thế, Người sẽ phơi bày mọi tâm tư thầm kín, và thưởng phạt mỗi người theo việc họ làm, tùy họ đón nhận hay từ chối ân sủng của Người. (x. GLCG 678-679).

Lạy Chúa, nhiều lần con đã theo ý mình mà trở thành cớ làm cho nhiều người vấp phạm và cản trở công việc của Chúa. Xin Chúa giúp con biết “từ bỏ mình hằng ngày, vác Thập Giá mình” mà theo Chúa với một lòng đầy phó thác như Mẹ Chí Thánh của Chúa, và với một lòng nhiệt thành như Thánh Phaolô, Tông Đồ Dân Ngoại của chúng con. Amen.

Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận

1. Trong câu 21 Chúa Giêsu báo cho các môn đệ điều gì? Tại sao?

2. Thánh Phêrô có ý tốt hay xấu trong câu 22? Nếu bạn thật sự yêu mến và lo lắng cho Chúa, bạn có làm như Thánh Phêrô ở câu này không?

3. Tại sao Chúa Giêsu trả lời Thánh Phêrô như thế? Có phải Chúa gọi Thánh Phêrô là Satan không? Nếu không thì Người gọi ai?

4. Trong tất cả các suy nghĩ của chúng ta, bao nhiêu phần trăm là suy nghĩ theo Thiên Chúa và bao nhiêu phần trăm là theo loài người?

5. Những hoạt động và thái độ nào là trọng tâm của một môn đệ của Ðức Kitô? Làm sao để từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Chúa?

6. Một Kitô hữu làm gì để mất mạng sống mình vì Ðức Kitô? Ðiều gì có thể làm cho người ta mất linh hồn? Thường người ta đổi linh hồn mình để lấy cái gì?

7. Lời Chúa trong câu 26 ảnh hưởng gì đến việc xắp đặt những ưu tiên của đời bạn?

8. Câu 27 có chứng tỏ cho bạn thấy rằng tin Chúa mà thôi thì chưa đủ để rỗi linh hồn không?

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 28.08.2008. 10:53