Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hãy làm cho những nẻo đường đời có thể đi được

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

Chúa Nhật II Mùa Vọng/B (Mc 1,1-8)

Hằng năm, trong bốn tuần lễ Mùa Vọng liên tiếp, tất cả mọi Kitô hữu trên khắp hoàn cầu đều hân hoan sửa soạn mừng Chúa Giáng Sinh, mừng đón ngày Thiên Chúa xuống thế làm người. Ðó là khoảng thời gian mà Giáo Hội - với một chương trình phụng vụ rất sống động - dành để giúp các tín hữu sửa soạn đón nhận ơn Chúa Giáng sinh đến trong tâm hồn họ và nhất là đón chờ biến cố Chúa tái quang lâm trong ý nghĩa thế mạt.

Nhưng trên thực tế, sự tấp nập sửa soạn bên ngoài dễ làm cho người ta hiểu sai ý nghĩa chính yếu của ngày Ðại Lễ, tức làm cho người ta có cảm tưởng là Con Thiên Chúa mỗi năm lại giáng sinh một lần. Không! Cũng như mỗi người trong chúng ta, Ðức Giêsu chỉ được sinh ra một lần, xưa kia cách đây hơn 2000 năm, ở Bét-lê-hem thuộc Pa-lét-ti-na. Khoảng 35 năm sau đó Người chết trên thập giá, bị kết án vì tội "xúc phạm tới Thiên Chúa."

Tuy nhiên, cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá của Ðức Giêsu không phải là điểm chấm tận. Ngay những ngày liền sau đó các Kitô hữu đã tuyên nhận: Thiên Chúa đã không để cho Ðức Giêsu bị chôn vùi trong sự hư nát, nhưng đã cho Người sống lại từ cõi chết để bước vào một cuộc sống mới, và trong ngày sau hết Người sẽ trở lại trong vinh quang. Ðiều đó muốn khẳng định rằng Ðức Giêsu không đến mỗi năm một lần vào ngày Lễ Giáng Sinh, nhưng Người sẽ trở lại trong ngày tận thế để hoàn tất thời gian.

Như vậy, thời gian từ khi Ðức Giêsu từ biệt thế gian để trở về với Cha Người cho đến ngày Người trở lại trong vinh quang để phán xét nhân loại, là thời gian chuyển tiếp, là thời gian chờ đợi, là Mùa Vọng. Trọn vẹn cuộc sống trần thế của chúng ta thực sự là thời gian chuyển tiếp, là thời gian sửa soạn chờ đợi biến cố tái quang lâm của Ðức kitô, là một Mùa Vọng dài! Từ hơn 2000 năm đã qua, tất cả những ai đặt hết hy vọng vào Ðức Kitô, luôn vẫn sống trong Mùa Vọng, trong sự chờ đợi ngày Người trở lại trong vinh quang để hiện thực lời Người đã hứa: "Nếu Thầy ra đi để dọn chỗ cho các con, thì Thầy sẽ trở lại và đem các con cùng về với Thầy, để Thầy ở đâu, thì các con cũng ở đó"

Vậy Mùa Vọng, thời gian chờ đợi Chúa ngự đến, không chỉ là thời gian kéo dài từ ba hay bốn tuần lễ trước Ðại Lễ Giáng Sinh. Mùa Vọng cũng không chỉ là thời gian chờ đợi và sửa soạn Ngày Sinh Nhật của Ðức Giêsu. Mùa Vọng, chính là thời gian của đời tôi. Mùa Vọng, chính là từng ngày, từng giờ phút cụ thể của sự có mặt của tôi ở đây và bây giờ, trên mặt đất này.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan Tẩy Giả nhắc bảo các thính giả của ngài hãy ý thức rằng mọi thời giờ đã được ban cho con người là khoảng thời gian đã được Thiên Chúa ấn định, là thời gian mà trong đó mọi phải-trái và mọi phúc-tội đều sẽ được công minh phán xét, khi Ðức Kitô, vị Quan Án chí công xuất hiện. Nói cách khác, đó là thời gian có tính cách quyết định để chuẩn bị đi gặp gỡ Ðức Kitô! Bởi vậy, bài thuyết giáo của Gioan Tẩy Giả được tường trình lại trong bài Tin Mừng hôm nay, thực sự là một bài thuyết giáo mùa vọng đúng nghĩa. Ðó cũng là những lời được nói cho chúng ta, những thính giả của thế kỷ XXI này. Thánh sử Mác-cô đã tường thuật cho chúng ta đầy đủ nội dung của bài thuyết giáo đó với những lời nói đầy gợi hình của Tiên tri I-sai. Chúng nhắc nhủ: hãy sửa soạn ngày Chúa đến, hãy dọn đường cho Ðức Chúa; nghĩa là: lũng sâu hãy san cho bằng, núi đồi hãy bạt đi cho phẳng, chỗ quanh co hãy sửa lại cho ngay và chỗ gồ ghề hãy làm cho bằng phẳng. Những gì là đổ nát thừa thải hãy dọn đi cho sạch. Chúng ta phải ra tay vần chuyển đi những đá sỏi nằm cản bước đường đời của chúng ta.

Ở đây, tôi nghĩ đến người đàn bà đau ốm nằm liệt giường từ nhiều năm nay. Ðặc biệt vào dịp lễ Giáng Sinh, lòng bà càng đau khổ hơn nữa, vì không còn được cùng con cái sum vầy. Hồi tưởng lại quãng đời khi còn mạnh khỏe trước kia, bà đã cùng cả gia đình vui mừng sống những ngày lễ trọng đại nhất trong năm, khi bà lòng tràn ngập sung sướng nhìn những cặp mắt thơ ngây của con cái bà đang trông chờ quà Giáng Sinh từ tay mẹ, v.v… Những hồi tưởng đó càng làm cho lòng bà thêm tê tái. Và những ý nghĩ dằn vặt bà: Tại sao tôi phải hứng chịu bấy nhiêu đau khổ thế này? Tại sao tôi phải ra nông nỗi này? Tại sao đời tôi trở nên một gánh nặng hầu như bất khả kham thế này? Tuy thế, cho đến nay đã bao năm trôi qua, bà vẫn tìm cho mình được sự bình tĩnh và chấp nhận cuộc đời với những may rủi của nó, như đã được an bài bởi một quyền lực từ Trên Cao, mà bà không được phép bàn hỏi và tham khảo ý kiến. Nhưng bây giờ mỗi lần Lễ Giáng Sinh tới, nỗi đau khổ của bà lại trở nên như một hố sâu chực nuốt chửng bà, như một vực thẳm không đáy mà sự sợ hãi đang tìm cách xô bà xuống! Bởi vậy, cuộc sống của bà sẽ ra sao đây nếu như thiếu đi bao nhiêu người mà giờ đây đang quây quần bên bà trong ngày lễ trọng đại nhất trong năm: Chồng bà, các con cái bà, bà con làng xóm, những người y tá và bao bạn bè thủa trước? Qua sự hiện diện của họ kèm theo những lời an ủi động viên chân thành, tất cả họ đều giúp bà lấp đầy cái hố sâu của nỗi đau khổ của bà, tất cả họ đều cùng góp tay bắc một nhịp cầu nối liền hai bờ vực thẳm không đáy của nỗi sợ hãi của bà. Phải chăng những người đó đã không sửa soạn đường cho Chúa đến?

Tiếp đến, tôi nghĩ tới người đàn ông nọ, bị thất nghiệp từ bao năm qua. Cuộc sống của gia đình và tương lai của các con cái không còn nằm trong tầm tay của ông nữa, ông không còn đủ khả năng để bảo đảm được gì nữa! Lại thêm nợ nần chồng chất. Ông tìm cách tránh né tiếp cận với bà con lối xóm và bạn bè. Ông cảm thấy mình trở nên vô dụng, bị thừa thãi và quá đau khổ chán chường. Vì thế, ông đã tìm an ủi và lãng quên sự đời trong chén rượu. Cuộc sống đối với ông đã trở nên một chướng ngại vật không hy vọng có thể vượt qua được nữa, một đỉnh núi cao mà với sức riêng, ông sẽ không sao có đủ sức cũng như đủ khả năng để trèo lên được. Ðời ông sẽ ra sao nếu như không có "nhóm tự nguyện cùng giúp nhau", gồm tất cả những người biết nhìn nhận mình mắc chứng nghiện rượu và cùng chung vai sát cánh với nhau để san bằng con đường dốc dẫn lên cao, để cùng nhau vượt qua được ngọn núi cao của những tiêu cực kia! Phải chăng những người đàn ông kia đã không soạn sửa đường cho Chúa đến?

Sau cùng tôi nghĩ tới người thiếu nữ nọ, đã trở thành người đàn bà quá sớm khi nàng có quan hệ với một người đàn ông. Khi đã có thai, cha mẹ nàng ép buộc phải kết hôn. Nhưng một đời sống chung, nhất là một đời sống vợ chồng mà không có sự trưởng thành chín chắn cá nhân, không thể là một giải pháp đúng đắn, không thể gọi được là con đường ngay thẳng. Sau một ít năm thì những bất quân bình trong đời sống chung kia không sao có thể chấp nhận được nữa. Ðiểm cuối ngõ cụt của con đường quan hệ giữa hai người đầy bao trái ngang và đau khổ, mà lúc bắt đầu họ đã không nhìn ra được, thì nay đã tới! Giờ đây, người thiếu nữ năm nào đã trở thành một người đàn bà chín chắn, có nghề nghiệp hẳn hoi và tự mình nuôi dạy con. Cô ta chấp nhận hoàn cảnh của mình. Con đường sống của cô từ từ trở nên sáng sủa, bằng phẳng hơn. Dĩ nhiên, cô ta đã không được như thế, nếu như cô đã không có được sự cảm thông, sự nâng đỡ và khuyến khích của cha mẹ, của anh chị em trong gia đình, của bạn bè và bà con lối xóm, v.v… Tất cả họ đã biết thông cảm cho hoàn cảnh tế nhị, phức tạp và khó khăn của người phụ nữ trẻ. Cũng nhờ thế mà nàng có đủ can đảm và nghị lực để làm lại cuộc đời. Phải chăng những người kia đã không soạn sửa đường cho Chúa đến?

Dĩ nhiên, không phải tất cả mọi hố sâu trong cuộc sống con người đều quá sâu thẳm như thế, không phải tất cả các đồi núi đều quá cao như thế, không phải tất cả mọi nẻo đường cong queo, gồ ghề như trong các thí dụ vừa nói trên. Nhưng dầu sao trong mỗi cuộc sống của con người đều có những thung lũng, những đồi núi và những lối đi đầy chông gai.

Sống như những con người của Mùa Vọng, sống như những con người đang chờ đợi gặp mặt Ðấng Thiên Sai và dọn mình cho cuộc gặp gỡ đó, có nghĩa là: Hãy mở rộng con mắt, mở rộng đôi tai, nhất là phải biết mở rộng con tim để đón nhận những tổn thương và những cản trở to nhỏ trong cuộc sống của mình cũng như trong cuộc sống của những đồng loại khác. Và điều đó lại có nghĩa là thực sự đặt tay vào các tảng đá và các đống đổ nát đang đè nặng lên cuộc sống chúng ta và ngăn cản bước đường của chúng ta, để thu dọn và làm cho những con đường sống của chúng ta trở thành những chính lộ thẳng tắp. Một người đã đi trước chúng ta và chỉ cho thấy sự việc xảy ra thế nào! Người là Ðấng đã đến, xưa kia cách đây hơn 2000 năm; Người cũng là Ðấng hôm nay đang đến – qua chúng ta; Người là Ðấng sẽ đến một lần sau cùng, khi thời gian chấm tận. Bạn đã sẵn sàng ra đón tiếp Người chưa?

Lm Nguyễn Hữu Thy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 05.12.2008. 11:16