Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hãy Để Phép Rửa Bằng Lửa Của Chúa Giêsu Thanh Luyện Chúng Ta

§ Lm Jude Siciliano, OP

Thưa quý vị,
Quý vị mong được nghe thấy gì khi nói lời xin lỗi vì một sai lầm nghiêm trọng nào đó? “Để tôi suy nghĩ thêm đã.” Hay “nếu anh/chị đã làm thế, tôi sẽ tha thứ cho.” Không lẽ quý vị lại chẳng thích những lời ngắn gọn, ngọt ngào và êm tai như thế này sao: “Thôi hãy quên đi, việc cũng đã qua rồi.” Nghe có vẻ như chán ngắt nhưng lại có ý nghĩa: quá khứ rõ ràng đã ở sau lưng chúng ta và chúng ta có thể khởi sự lại. Như một biểu ngữ cũ cách đây vài năm ghi rằng, “Hôm nay là ngày đầu tiên trong quãng đời còn lại của bạn.” Với cách nói có vẻ bóng bảy hơn, hôm nay qua ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa đang nói lên một điều tương tự: “Mặc cho tội lỗi và sự bất tín của các ngươi, hãy vứt bỏ quá khứ lại phía sau. Hãy khởi sự lại. Ta sẽ làm cho nó thành hiện thực”

Làm thế nào mà Chúa có thể thực hiện những việc ra như không thể: đền tội và giải thoát chúng ta khỏi tội? Thiên Chúa thực hiện điều đó dường như một mình. Ngôn sứ mô tả ý định của Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ cứu con người nhờ một Đấng mà nơi Đấng ấy Chúa sẽ “đặt Thần Khí của Người.” (“Đây là tôi tớ Ta đã nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và hết lòng quý mến, Ta cho thần khí Ta ngự trên Người, Người sẽ làm sáng tỏ công lý trước mặt muôn dân…”) Người tôi tớ sẽ trở thành ánh sáng cho muôn dân. Nhân thân của người tôi tớ không rõ ràng: Ngôn sứ có lẽ đã nói đến ơn gọi của chính mình. Một số người đã nghĩ rằng đất nước Israel được cho là hoàn thành vai trò giải thoát người bị giam cầm và đưa dân tộc về với Thiên Chúa. Có lẽ một nhóm nhỏ hơn, số người công chính còn sót lại trong đất nước, được gọi để lãnh vai trò đưa dân quay về với việc thờ phượng của tôn giáo đích thực và công chính.

Ngày nay, nhìn qua lăng kính đức tin Công giáo, chúng ta mừ đức Giêsu như một đấng mà cuộc đời và sứ vụ của Người sẽ thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn kết thúc cảnh lưu đày và thất sủng của Israel. Đức Kitô hoàn thành vai trò đó bằng việc giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi của chính chúng ta và hơn nữa - giải thoát khỏi chính cái chết chung cục. Thánh Gioan tẩy giả đã hoàn trọn lời hứa của Isaia, vì trong đức Giêsu tất cả mọi dân sẽ thấy bàn tay cứu độ của Thiên Chúa.

Việc mừng lễ Chúa chịu phép rửa hôm nay khép lại mùa Giáng sinh và cũng là một “sự hiển linh khác” của Đức Chúa. Hôm nay không phải cảnh lặng lẽ trong hang lừa với vài chàng mục đồng chứng kiến. Nhưng, phép rửa được cử hành như một nghi lễ công cộng với nhiều người xung quanh. Những người này ý thức được bóng tối tội lỗi trong cuộc đời của họ bằng cách đón nhận phép rửa của ông Gioan trong dòng sông Giodan. Đức Giêsu cũng bước vào dòng nước ấy, và sau khi Người nhận phép rửa, Thánh Thần ngự xuống trên Người. Đức Giêsu là “người tuyển chọn” như được Isaia hứa trước; Người là “ánh sáng cho muôn dân nước”

Chúng ta là những người mù tối trước Thiên Chúa nay được mở mắt ra. Chúng ta, những người không nghe được tiếng Chúa, nay có thể nghe được Chúa nói ngay khởi đầu của sứ vụ công khai của đức Giêsu, “tôi sẽ đặt tất cả mọi sự đằng sau tôi.” Hay, như biểu ngữ ngộ nghĩnh kia đã nói: “Hôm nay là ngày đầu tiên trong quãng đời còn lại của tôi.” Với đức Giêsu người không có tương lai, sẽ có! Làm thế nào Thiên Chúa có thể thực hiện một sự đổi mới lạ lùng không thể có được này, không chỉ cho dân Israel mà còn cho “mọi dân nước?” Phép rửa mà hôm nay đức Giêsu lãnh nhận đã manh nha cho chúng ta thấy dự định của Thiên Chúa.

Trước hết là sự xuất hiện của Gioan, vị sứ giả được tấn phong, công bố cho dân đấng mọi nguòi hằng mong đợi “đang đến.” Hãy tưởng tượng ra sự hăng hái và hào hứng như thế nào. Người sẽ trông như thế nào? Người có cầm một thanh gươm? Đến bằng xe ngựa? Đi sau là một đoàn quan giải phóng được trang bị võ khí? Sẽ cần bao nhiêu kèn trumpet để thổi mừng Người đến?

Những người liên hệ đã tới và lặng lẽ bước xuống dòng nước để được thánh Gioan rửa tội. Chính xác không phải là một việc ngự đến hào nhoáng! Thánh Luca không nhằm mô tả việc Chúa Giêsu chịu phép rửa nhưng là sau phép rửa Người chịu, đức Giêsu đang cầu nguyện. Phép rửa thực sự lại là biến cố nhỏ nhoi. “Biến cố chính” đối với Luca là việc Thánh Thần công bố về đức Giêsu. Như thường xuất hiện trong tin mừng Luca, những biến cố quan trong thường diễn ra trong bối cảnh của việc cầu nguyện (6:12; 9:28; 22:32). Đối với những môn đệ của Chúa Giêsu, với Giáo hội thời sơ khai cũng như với chúng ta cầu nguyện là một điều rất cần thiết vì chúng ta là tôi tớ phục vụ những người khác. Không có việc cầu nguyện như thế, chúng ta có nguy cơ bị chọn nhầm nơi và đo sự thành công của những nỗ lực nơi chúng ta bằng những tiêu chuẩn sai lệch – như số lượng, sự tán dương hay cảm giác mãn nguyện.

Nếu những người nghe thông điệp của Gioan đã phán đoán bằng tiêu chuẩn của riêng họ và ước muốn những gì đấng Messia sẽ trông như thế nào và hoàn thành công việc ra sao, thì có lẽ họ đã hoàn toàn vụt mất đức Giêsu. Cầu nguyện pahỉ đi đôi với sứ vụ của các tông đồ và là nguồn hướng dẫn thường xuyên cho chúng ta trong suy nghĩ và hành động. Cầu nguyện giúp người môn đệ mỡ mắt và mở tai ra để chúng ta có thể nhận ra đức Giêsu khi Người xuất hiện ngay cả trong bộ quần áo của thường dân và trong biến cố hàng ngày.

Thánh Gioan làm phép rửa bằng nước ở sông Giodan. Nhưng ngài trả lời những người đến hỏi rằng, ngài chỉ làm phép rửa bằng nước, đấng “quyền thế hơn” sẽ đến Nguòi sẽ làm phép rửa bằng Thánh Thần và lửa. đức Giêsu rất khác với những ngôn sứ, với cả Gioan, đi trước Người. “Phép rửa bằng lửa” – đó là cách chúng ta mô tả một người cảm nghiệm cái gì đó gay go và mới mẻ, kiểm chứng khí phách của họ.Trong ngôn ngữ Thánh kinh “lửa” cũng là yếu tố thanh tẩy. Nó tiêu diệt ma quỷ và những gì đối nghịch với Thiên Chúa. Những người đón nhận phép rửa Chúa Giêsu sẽ được thanh luyện như vàng luyện trong lửa, những tạp chất bị đốt cháy đi nhưng vàng thì còn lại. “Lửa” trong phép rửa của Chúa Giêsu thiêu cháy những gì có vẻ như cứng cỏi nhất – là tội lỗi.

Phép rửa sám hối của Gioan chuẩn bị cho Đấng đang đến, đấng ấy có thể mang lại sự thanh tẩy trọn vẹn và làm biến đổi cuộc sống con người. Ngay cả khi chúng ta hối tiếc vì đã làm điều sai, vẫn có một sức mạnh ghê gớm lôi kéo chúng ta trở lại con đường xưa cũ và đổ vỡ. Phép rửa của đức Giêsu với Thánh Thần và lửa sẵn sàng làm mới và giúp chúng ta phá bỏ đường lối cũ và khởi đầu một lối hành động mới, suy nghĩ mới. Thánh Gioan gọi Thần Khí là “thánh”, không chỉ vì Thần Khí là thánh thiện, nhưng vì, qua sự thánh thiện nơi Thần Khí chúng ta cũng có thể nên thánh thiện.

Thánh Luca mô tả việc Thánh Thần ngự xuống trên đức Giêsu, “ dưới hình chim bồ câu.” Những người mà đức Giêsu, người tôi tớ, được gửi đến cũng sẽ cần được chạm tới cách dịu dàng. Sau hết, những kẽ bị lãng quên và những ai ở bên lề cuộc sống, những người bị khinh miệt và khổ đau, những người bệnh tật và già nua bị bỏ rơi, những kẻ tội lỗi biết ăn năn hối cải và những ai chống trả với tội lỗi. Với những người ấy, đức Giêsu như một “tôi tớ” dịu dàng mà Isaia đã hứa. Thiên Chúa sai đức Giêsu đến để hoàn tất việc giải cứu chúng ta, không phải bằng gươm giáo hay với thanh la não bạt, nhưng như một tôi tớ khiêm hạ nên những người cùng thời có thể không thấy – và cũng có thể như thế với phần lớn nhân loại trong thời chúng ta.

Đây vẫn chỉ ở những chương đầu của Tin mừng Luca, nhưng chúng ta thấy bản chất của hành trình mà chúng ta sẽ đi cùng Giêsu: đó sẽ là đi dưới ảnh hưởng của Thánh Thần. Trong mọi lời nói và công việc, Chúa Giêsu luôn cho thấy sự hiện hữu lâu bền của Thần Khí nơi Người. Sau cái chết và sống lại của Người, các môn đệ được đức Kitô phục sinh bảo cho biết hãy ở Giêrusalem đợi “điều đã hứa” (Lc 24:49). Ngay phần đầu của quyển sách thứ hai của Luca, Sách Tông đồ Công vụ, Thánh Thần sẽ, như đức Giêsu hứa, xuống trên cộng đoàn đang tụ tập trong phòng trên lầu. “Hình lưỡi lửa xuất hiện và tản ra đậu xuống từng người một. Ai nấy được tràn Thánh Thần” (Cv 2:3-4). Như thánh Gioan đã nói, Chúa Giêsu sẽ làm phép rửa bằng “Thánh Thần và lửa”. Amen.

Lm Jude Siciliano, OP
Hoàng Vinh, OP chuyển ngữ

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 11.01.2010. 09:47