Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hạt Lúa Mì!

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

Chúa Nhật V Mùa Chay: (Ga 12,20-33)

Ðầu bài Tin Mừng hôm nay nhắc đến một cử chỉ lịch thiệp. Ðó là lúc những người Hy-lạp, vì muốn tìm hiểu ý nghĩa tôn giáo của người Do-thái trong ngày đại lễ thờ kính Thiên Chúa chân thật, đã đến Giê-ru-sa-lem và hòa mình vào trong cộng đoàn đang cùng dâng lễ.

Bây giờ họ muốn được tiếp cận với Ðức Giêsu, nhưng lại do dự không dám trực tiếp thưa chuyện với Người, mặc dù chắc chắn rằng Ðức Giêsu cũng hiểu ngôn ngữ Hy-lạp của họ. Vì thế họ đã nhờ các Tông đồ làm môi giới. Tất cả đã đến cùng Ðức Giêsu và thưa Người: "Thưa Thầy, các người Hy-lạp đây muốn gặp Thầy".

Sự phản ứng của Ðức Giêsu đã làm mọi người phải sửng sốt. Người nó: "Ðã đến giờ Con người được tôn vinh!" Nhưng điều đó có nghĩa là gì?

Sự "được tôn vinh" ở đây được dựa trên ba lý do:

1. Ðức Giêsu được nhìn nhận là Con Thiên Chúa, và không chỉ nơi người Do-thái, nhưng cả nơi mọi dân tộc, bắt đầu từ người Hy-lạp.

2. Nhưng trước khi Ðức Giêsu được nhìn nhận như thế, Người phải chịu chết đã. Ðối với Ðức Giêsu, sự chết là một sự tôn vinh, vì Người đã giữ vững lòng trung thành tuyệt đối với Chúa Cha vượt sang cả bên kia biên giới sự chết nữa.

3. Sau khi phục sinh khải hoàn từ cõi chết, Người được đón rước vào trong vinh quang của Chúa Cha và được đặt làm vua cả trời đất.

Theo quan điểm của Phúc Âm Gioan, cả ba ý nghĩa của sự tôn vinh này đều có tương quan chặt chẽ vào nhau. Chính sự tương quan chặt chẽ đó đã giúp chúng ta hiểu được những lời tiếp theo của Chúa. Tuy nhiên, ở đây nhiều bản dịch tiếng Việt có thể gây ra sự khó hiểu, nếu không nói là sự hiểu lầm, nhất là câu: "Ai yêu quí mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường (có nơi dịch là ghét) mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời" (Ga 12,25). Phải chăng chúng ta cần phải ghét bỏ hay khinh thường sự hiện hữu của mình trên cõi đời này, chứ không được phép yêu quí nó? Không, dĩ nhiên là không. Chắc chắn rằng Ðức Giêsu không hề nghĩ như thế. Nếu ai nghĩ như vậy thì không còn là người tín hữu bình thường nữa, nhưng là một người bệnh hoạn; không phải là người đạo đức, nhưng là người vô ơn. Trái lại, câu nói của Chúa chỉ muốn nói đến một sự dính bén thái quá vào cuộc sống hưởng thụ, hay vào chính cả cuộc sống, một cách nô lệ, và sao nhãng hay bỏ quên những giá trị cao cả siêu việt, dù trong phạm vi trọng đại hay trong phạm vi bình thường quen thuộc.

Ở đây, vấn đề được đề cập tới là thái độ phải quyết định: Hoặc thế này hoặc thế kia, hoặc chọn điều này và bỏ điều kia, hay ngược lại; nghĩa là thái độ phải dứt khoát chọn lựa làm nhân chứng cho một điều cao cả trọng đại và đương nhiên qua đó phải hy sinh điều này và được lợi lộc điều nọ, được lợi lộc đàng này nhưng lại phải hy sinh đàng kia, vâng, có thể là cả chính mạng sống mình nữa! Trong những trường hợp như thế thì định luật được áp dụng là: Nếu ai trong trường hợp còn hồ nghi và thiếu rõ ràng mà coi trọng ước vọng sống cũng như ước vọng hạnh phúc của mình hơn cả Giới răn Thiên Chúa, người đó tự đánh mất ý nghĩa sâu xa nhất và đánh mất cả chính cái thực thể của cuộc sống mình. Dĩ nhiên đó là một sự thật chua chát! Và chính vì thế Ðức Giêsu đã nói với tất cả những người đang trong tình trạng tương tự về hạt lúa mì: "Nếu hạt lúa không được gieo vào lòng đất và chết đi, nó sẽ chỉ trơ trơ một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó sẽ sinh ra nhiều hoa trái". Ðó là một lời nói mà Người đã nói ra như để an ủi chính mình và tiếp đến là để an ủi các môn đệ của Người, những người rồi đây cũng sẽ đi trên con đường Người sắp phải đi qua, và cuối cùng là để an ủi tất cả những ai trong suốt dòng thời gian sẽ phải đứng trước một tình huống như Người, là phải chọn lựa giữa sự trung thành với sứ vụ được Thiên Chúa giao phó hay sự sống của mình.

Chúng ta thử đưa mắt nhìn vào thiên nhiên: Tất cả mọi hoa trái do mẹ đất sinh ra thật xinh đẹp tốt tươi, nhưng chúng cũng phải chết đi, phải tự giải thể chính mình để sinh sôi nẩy nở nhiều hoa trái mới khác, vì tất cả chúng đều mang trong mình hạt mầm sinh trưởng hàng ngàn vạn hạt lúa mì khác. Vậy, tuy mỗi hạt lúa mì là cả một sản phẩm kỳ diệu của thiên nhiên, nó không được phép trơ trơ tồn tại cho chính mình. Sứ mệnh của nó là khi đến phiên, nó cần phải chết đi để nhiều vô số hạt lúa mì khác có cơ hội sinh ra, và sau đó chính những hạt lúa mì này lại tiếp tục chết đi để sản xuất ra nhiều gấp bội các hạt lúa mì khác nữa. Và cái chu kỳ "chết đi và biến đổi" này cứ lại phải bắt đầu mãi. Ðó chính là biện chứng của hạt lúa mì! Ðó chính là luật lệ của thiên nhiên! Tất cả mọi người - dù Do-thái, Hy-lạp, hay bất cứ ai biết suy nghĩ - đều có thể hiểu được điều đó.

Luật thiên nhiên đó cũng được áp dụng cho con người. Chúng ta có thể bảo vệ được một phần lớn cho mạng sống của mình trước các nguy hiểm đang đe dọa. Nhưng trước sự chết, trước cái hạn định mà Tạo Hóa đã đặt ra cho chúng ta được sống trên cõi đời này, một thứ hạn định chúng ta không được phép biết và nó sẽ đến rất nhanh trong bất cứ lúc nào và đồng thời sẽ mang theo tất cả, chúng ta không thể bảo vệ cho mình được. Vì thế, nếu ai vẫn cố tình dùng hết mọi khả năng để tìm cách chạy trốn hay tránh né luật thiên nhiên này, người đó chỉ bít kín chính mình và làm hại cuộc sống mình. Ðiều đó thường xảy ra trong cuộc sống thường nhật và nó càng trở nên hiển nhiên hơn trong khi đòi phải có một quyết định có liên quan đến toàn diện cuộc sống.

Ðó là sự thật! Khi điệu ra đứng trước vành móng ngựa của tòa án nhân dân trong chế độ Ðức Quốc Xã, cha Delp đã có thể được thả tự do ngay, nếu như ngài chỉ đồng ý bỏ Dòng và không làm việc cho một nước Ðức khác với nước Ðức quân phiệt nữa. Nhưng vị Linh mục can trường đã từ chối điều đó và đã bị treo cổ. Hoặc như Ðức Cha Romeo ở San Salvador chỉ cần làm thinh trước sự bóc lột và đàn áp những người công nhân nghèo khổ, thì ngài đã không bị những viên đạn của nhóm người quyền hành Schwadronen sát hại ngay lúc ngài đang dâng lễ trên bàn thờ. Vâng, chúng ta còn có thể trưng dẫn biết bao nhân chứng khác cho chân lý này: Trong cuộc sống con người còn có điều cao cả siêu việt hơn sự nghỉ ngơi và sự sống cá nhân riêng tư của mỗi người.

Dĩ nhiên những chứng nhân can trường đó không tự đi tìm kiếm cho mình sự tử đạo hay cái chết như thế, bởi vì các ngài không phải là những kẻ quá khích ham chết, muốn dùng cái chết của mình để càng gây thêm hận thù và quá khích. Không! Các ngài là những con người hiền hòa, yêu quí cuộc sống, đồng thời các ngài cũng là những con người không sợ hãi lùi bước trước mọi nguy hiểm đến tính mạng. Những hoạt động và những gì các ngài làm đều mang lại hoa trái phong phú cho nhân loại, cho một cuộc sống có nhân bản và có phẩm giá hơn. Chính vì thế, những sức mạnh của sự dữ đã tìm cách diệt trừ họ. Tuy nhiên cái chết của các ngài càng làm cho các hoạt động của mình thêm phong phú hơn nữa. Nếu các ngài đã muốn tránh né cái chết, đã muốn cứu sống chính mình, có lẽ hoa quả của các hoạt động của các ngài chẳng những chỉ bé nhỏ tầm thường, nhưng nội tâm của các ngài cũng rất có thể đã bị bất an. Nhưng giờ đây gương hạnh can đảm của các ngài đã sáng chói, được tôn vinh và nhất là đã động viên và khích lệ được bao người khác.

Nói tóm lại, trước hết hạt lúa mì phải được gieo vào lòng đất mẹ và chết đi để có thể trở nên phong phú hơn. Vâng, trước hết Ðức Giêsu phải bị giết đi, hầu tất cả thế gian có thể nhìn thấy được sự vinh quang của Người, sự cả sáng của các thương tích Người. Khắp nơi trên thế giới con người đã học hiểu được chân lý đó. Khắp nơi trên thế giới con người đều nhìn thấy được sự chết và sự phục hồi sự sống trong thiên nhiên như là hình ảnh về sự chết và sự sống lại của những ai thuộc về Thiên Chúa. Có biết bao người tuy không phải là Kitô hữu cũng đã hiểu thấu được điều đó.

Nhưng ở đây một vấn nạn được đặt ra là trong một thời đại không phải sống dưới chế độ vật chất vô thần, nhưng dưới chế độ hưởng thụ vật chất thái quá, liệu tất cả những người Kitô hữu chúng ta còn hiểu được luật về sự hạt lúa mì nữa hay không?

Lm Nguyễn Hữu Thy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 26.03.2009. 23:38