Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hai Ngàn Năm Hiển Dung

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay (Năm C). Luc 9, 28b-36

Ở Trung Quốc, nghệ thuật biến diện được xếp vào hàng bí mật quốc gia và những nghệ nhân bậc thầy như Wai Shui-Kwan có thể thay đổi diện mạo 20 lần trong vòng năm đến sáu phút. Nhưng đó cũng chỉ là thay đổi mặt nạ. Khuôn mặt và kể cả thân thể con người có thể bị biến dạng do bệnh tật, do tai nạn, nhưng đáng sợ nhất có lẽ là di chứng của những vụ đánh ghen bằng cường toan. Nó không chỉ làm biến dạng dung nhan của một con người, mà còn hủy hoại cả một cuộc đời, trở nên “sống không bằng chết”.

Đầu thập niên 60 thế kỷ trước, miền Nam xôn xao về vụ ca sĩ Cẩm Nhung bị tạt a-xít, nhân tình nhân ngãi bỏ rơi, bạn bè người thân xa lánh, thân tàn ma dại. Hình như đó là vụ duy nhất mang tính dã man nầy trước năm 1975. Ngày nay,nếu mở Internet và gõ “tạt axít”, người gan dạ nhất cũng hết hồn, vì dày đặc những trang tin,như một thứ “mốt trả thù thời thượng”, mà thủ ác cũng như nạn nhân thuộc đủ hạng tuổi, tội ác phát xuất từ đủ nguyên nhân và mức độ man rợ của hành vi nầy thì không còn gì để bàn. Không chỉ khuôn mặt và cuộc đời những nạn nhân nầy bị biến dạng, mà cả xã hội đang bị biến dạng, hay nói đúng hơn: những hành vi man rợ nầy phản ảnh thực trạng giáo dục, đạo đức của xã hội duy vật, vô thần ngày nay. Không phải là tương quan giữa lửa và khói (không có lửa làm sao có khói), mà là tương quan nhân - quả (gieo gió gặt bão). Chúa Giêsu đã nói :”Nào ai hái được trái nho nơi bụi gai, hoặc trái vả nơi bụi găng sao? Cũng thế, cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt” (Mt 7,17- 18).

Nhưng có một nghịch lý là hai ngàn năm Chúa Giêsu biến hình, Hiển Dung trên núi Taborê, thì cũng có thể nói bằng ấy thời gian Lời Chúa, lời giảng dạy của Giáo Hội bị biến dung. Và nếu không liên tục được uốn nắn, chỉnh sửa - nhiều khi phải sử dụng tới những biện pháp mạnh, những hình phạt, những vạ tuyệt thông,v..v.. – thì liệu giờ phút nầy, người ta có thể còn nhận ra Khuôn Mặt Đấng Kitô, Dung Nhan của Mẹ Hội Thánh, Tin Mừng của Chúa, giáo lý và giáo huấn của Giáo Hội nữa chăng? Khoan đã trả lời vội . Hãy nhìn xem những anh em Kitô hữu các giáo phái Tin Lành : họ như những mãnh kính vụn, ngày càng nhăm nhó đến mức dù có thiện chí đến đâu, cũng khó lòng mà hàn gắn,nối kết lại. “Đại kết” thì được ( vì là phong trào),nhưng nói đến hiệp nhất, tức là gồm đủ khía cạnh thần học, tín lý, bí tích, xem ra “nghìn trùng xa cách”. Nhưng không phải chỉ có lỗi của anh em Tin Lành, mà trong lịch sử hai ngàn năm của Giáo Hội, những bè rối,những ly giáo,những tà thuyết, luôn tự xưng là “chính thống”, đã muốn bẻ cong Lời Chúa và Thánh Truyền. Giáo Hội đã mất biết bao công sức, thời gian, để nắn lại khuôn mặt Giáo Hội bị biến dung qua những vụ việc ấy. Các bè rối có thể bị khuất phục, nhưng những vết thẹo để lại, thì không dễ gì biến mất và như Satan, chúng chờ dịp thuận tiện để xuất hiện và tác oai tác quái trở lại.

Nhưng với sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông, thì những sai lầm cố tình hay do thiếu hiểu biết, được phát tán nhanh chóng và sâu rộng, khiến cho mọi phản ứng, sửa sai, cải chính đều không kịp thời. Nọc độc cứ thế truyền đi. Không ít người vui mừng vì thấy bắt chẹt, chỉ trích được Đức Thánh Cha và làm cho Giáo Hội quằn quại rên xiết. Người ta còn nhớ một linh mục và là nhà thần học như Hans Kung, đã đem Vị Cha Chung hoàn vũ, Đức Gioan-Phaolô II ra “đấu tố” và hài đủ mười…tội! Người ta nhớ lại phong trào thần học giải phóng ở Nam Mỹ, do một số linh mục đề ra và linh hoạt, đã gây tổn hại thế nào cho các tín hữu. Hậu quả nhãn tiền ngày nay thấy rõ trong các quốc gia Nam Mỹ, những nước đại đa số là Công giáo, nay nhờ các linh mục đó mà dần bỏ Chúa, lìa xa Giáo Hội, chống cưỡng giáo huấn Giáo Hội. Sự bất tuân của những người như giám mục Lefèbvre, sự giảo quyệt dâm ô của giám mục Milingo, tất cả không chỉ bôi tro trét trấu lên dung nhan Giáo Hội, bôi bẩn Tin Mừng, mà làm cho bao người vì xấu hổ, hồ nghi, mà bỏ đạo. Họ rất đau khổ, vì dung nhan Giáo Hội mà cha ông và bản thân họ đã gắn bó, nay bị biến dung đến mức thảm hại.

Khuôn mặt “sáng trong không có thợ giặt trần thế nào làm được” (x. Lc 9) nay dúm dó, đen xỉn, lạ lẫm và không còn đáng tin ở nhiều nơi trên thế giới : sau Hoa Kỳ, lại đến Ái Nhĩ Lan, rồi ở Đức, ở Úc,…những vụ bê bối giáo sĩ, tu sĩ lạm dụng tình dục, không chỉ phạm những tội ác ghê tởm, mà sự bất xứng của họ khiến cho kẻ trong người ngoài Giáo Hội khó lòng nhận ra đâu là sự thánh thiện tinh tuyền của Giáo Hội. Lươn bò để nhớt lại. Trong thuật ngữ chuyên môn, từ ”đơ” được dùng để chỉ tình trạng những đồ vật được làm bằng chất dẻo, đã mất hết tính đàn hồi, mất hết khả năng hữu dụng trong kết cấu máy móc, chỉ còn đáng bị vứt bỏ, vì tuyệt nhiên không còn dùng được vào việc gì. Những giáo sĩ, tu sĩ sống bê tha dục vọng cũng chỉ có thể định nghĩa là đã bị “đơ”, mất hết xúc cảm, mất hết ý thức trách nhiệm và cả bị câm điếc vì những gì những người như họ gây ra cho Giáo Hội, cho các tín hữu, cho mọi người. Làm sao giải thích họ vẫn ngày ngày mở miệng đọc “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, khi mà họ dựng cả những bức tường cản trở Nước Trời đến trong thế gian, nếu không phải lòng họ đã “đơ”?

Một trong các chức năng của các công đồng là làm công cụ để uốn nắn những lệch lạc, sửa chữa những sai lầm và thích nghi với thời đại. Nhưng công đồng không phải là một cơ chế linh động của Giáo Hội, vì do rất nhiều nguyên nhân, - kẻ cả những nguyên nhân kinh tế,xã hội, chính trị - việc triệu tập một công đồng hết sức tốn kém và phức tạp. Trong những khoảng thời gian khá dài giữa các công đồng ( 21 công đồng trong hơn 20 thế kỷ), nhiều trào lưu, phong trào xuất hiện và phát triển, đặc biệt về triết học, thần học và cả văn chương nghệ thuật, với không ít những sai lạc về đức tin, luân lý, như những lỗ rò rỉ mà Giáo Hội không đủ giờ, đủ sức, đủ phương tiện để trám bịt hết. Cứ như vậy, dung nhan Giáo Hội bị biến dung từng chút một. Đã có những thời các giáo phẩm,các linh mỵc và tu sĩ chạy theo thế gian, chức quyền, danh vọng và chọn lối sống xa hoa (tất nhiên đời sống độc thân linh mục cũng bị vi phạm không ít), làm gương mù gương xấu cho mọi tầng lớp xã hội và không ai còn nhận ra được một Giáo Hội của một Chúa Giêsu Kitô sinh ra nghèo hèn,sống đạm bạc, chết trần trụi khốn khổ trên thập giá.

Các ngươi hãy nghe Lời Người” (Lc 9, 35).

Năm 2004, Culp bị người chồng bắn vào mặt, phá hủy mũi, má, miệng và mắt của Chị, với hàng trăm mãnh đạn và xương, chỉ còn mí mắt trên, trán, môi dưới và cằm nguyên vẹn. Ngày 10.12.2008, Chị trải qua một ca phẫu thuật kéo dài 22 giờ nhằm thay thế 80% gương mặt của Chị bằng xương,cơ, dây thần kinh, da và các mạch máu từ một người phụ nữ mới qua đời và sau đó Chị còn phải trải qua 30 cuộc phẫu thuật để chỉnh lại gương mặt. Bất cứ dự biến dạng, biến dung nào cũng tốn kém công phu để chỉnh sửa cho tương đối so với nguyên bản. Những biến dung trong Giáo Hội cũng không phải là ngoại lệ. Và ngoài các công đồng chung, thì các nhà giải phẫu đại tài là các giáo hoàng,những người được Chúa chọn, như Người đã chọn Thánh Phêrô. Nhiều người chẳng những cố tình không hiểu biết,cảm thông và chia sẻ lo âu và gánh nặng với Đức Thánh Cha, mà còn gây ra đủ rắc rối, làm phiền lòng cho Vị Cha Chung. Hình ảnh Đức Thánh Cha Biển-Đức nhân danh Giáo Hội cúi thấp đầu xin tha những tội lỗi mà Người ghê tởm hoặc không hề phạm, vì “con dại cái mang” và để chỉnh đốn, sử sai, bảo tồn dung nhan tốt lành, đẹp đẽ, thánh thiện của Giáo Hội, vừa cảm động lại vừa nhức nhối. Hình ảnh Vị Thuyền Trưởng vững tay lái giữa muôn bão táp cuồng phong, đang dẹp yên sóng gió và đem lại an bình cho Giáo Hội và cả thế giới, tạo được sự kính trọng của mọi giới, trả lại dần khuôn mặt bị biến dung của Giáo Hội, trả lại khuôn mặt của Chúa Kitô ngày Hiển Dung cách nay 2000 năm.

Chúa muốn mọi tín hữu vâng nghe Đấng Người “tuyển chọn” (Lc 9, 35 a), vì một Giáo Hội Duy Nhất – Thánh Thiện – Công giáo – Tông Truyền. Cố tổng thống Mỹ Kennedy từng có một câu nổi tiếng: "Đừng hỏi đất nước có thể làm được gì cho bạn. Hãy hỏi bạn có thể làm được gì cho đất nước.". Mỗi tín hữu Công giáo đều biết rõ Thiên Chúa và Giáo Hội đã làm gì cho mình. Mùa Chay nầy, hãy tự vấn lương tâm : chúng ta đã làm gì cho Chúa và cho Giáo Hội? Chính sự chỉ biết đến mình, dửng dưng đối với Giáo Hội, đã làm biến dung Đạo Chúa và Giáo Hội. Lỗi nầy, ta sẽ quy trút cho ai.

Hãy Hát Lời Tình Yêu - Thánh Vịnh 37:

Lời cầu nguyện nầy đem đến cho ta một cái gì đó độc nhất và đáng thật vọng. Linh hồn thở hổn hển cất lên những tiếng kêu bi thảm nầy, và có vẻ như vỡ vụn ở mỗi lời nói, đang ở cuối bờ không chỉ tuyệt vọng, mà gần như là bên bờ báng bổ. Và lời cầu nguyện có vẻ như kết thúc, mà an bình vẫn không thấy trở lại, đối diện với hư không…Người ta không nói lại những lời nóng bỏng nầy, người ta không hiệp thông với những chuyển động nầy, vốn làm cho con tim bị co bóp mãnh liệt và làm giảm con tim cũng không kém phần mãnh liệt, mà không cảm thấy như một nỗi âu lo muộn phiền. Sự đau khổ lớn lao đến mức người ta sợ rắng khi diễn đạt nó, sẽ có thể xúc phạm Thiên Chúa và gây gương mù gương xấu: vì vậy tốt hơn hết là nên im lặng. Thế nhưng sự dữ vẫn lấn lướt : nó làm cho linh hồn bùng nổ. Ôi cuộc đời mới lầm than làm sao! Tuy vậy vẫn không tránh né nó được. Thánh vịnh nầy kết thúc bằng một tiếng kệu xé lòng. Một lời báng bổ ư? Không, mà là một lời cầu nguyện. Ai cầu nguyện,thì Thiên Chúa ở với người ấy. Vì thế đích thực là Thiên Chúa không từ chối đi theo chúng ta ngay cả tới đó!

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.03.2010. 09:38