Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Gương chứng nhân của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

§ Lm Phạm Văn Phượng

1. Truyền đạo

Chúng ta có thể coi đạo Công Giáo được truyền vào Việt Nam từ thế kỷ 16, còn trước đó thì rất mơ hồ. Một vài tác giả cho rằng: các môn đệ của Thánh Tôma từ Ấn Độ theo các tàu buôn đã đến truyền giáo cho người Việt Nam.

Theo Đại Việt Sử Ký thì Sĩ Nhiếp là người thờ kính Chúa Trời, có xây một đền tại dinh của ông. Trong đền này có hình Gia tô thập tự. Ông chết năm 226, thọ 90 tuổi. Tuy nhiên đó mới chỉ là ức đoán mà thôi. Việc truyền giáo chỉ thực sự khởi sắc vào thời hậu Lê thuộc thế kỷ 16, khi các cha dòng Tên theo các tàu đã đến và giảng đạo tại Việt Nam.

Thời hậu Lê, tuy cấm đạo nhưng chưa khắc nghiệt lắm vì hoàn cảnh loạn lạc. Sau đó Tây Sơn đánh đổ nhà hậu Lê, đã ban cho tự do tôn giáo, nhưng không được bao lâu, nhà Tây Sơn cũng ra lệnh cấm đạo. Từ thời hậu Lê cho tới nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian 162 năm, đã có 11 lần cấm đạo, những chưa gắt gao cho lắm.

Nhờ giám mục Bá Đa Lộc giúp đỡ, Nguyễn Phúc Ánh đánh thắng nhà Tây Sơn, lên làm vua và khởi đầu cho triều đại nhà Nguyễn. Vì thế, vua Gia Long không cấm đạo mà còn bênh vực và nâng đỡ. Có người nói rằng khi gần chết nhà vua đã trở lại, nhưng không có bằng chứng chắc chắn nào cả.

Sang thời Minh Mạng, lúc đầu nhà vua không cấm đạo, nhưng chung quanh nhà vua, toàn những vị quan thù ghét đạo, luôn tìm cách vu khống cho người có đạo, thành thử nhà vua đã ngả theo và ra sắc chỉ cấm đạo trong cả nước.

Thời Thiệu Trị cũng vậy, lúc đầu nhà vua cũng không cấm đạo, nhưng kể từ ngày tàu Pháp tấn công cửa Hàn Tứ tại Đà Nẵng, nhà vua tức giận và đã cấm đạo một cách gắt gao. Nhà vua treo thưởng cho ai bắt được một linh mục Pháp là 30 nén bạc. Công việc chua đi đến đâu, thì nhà vua lâm bệnh và qua đời.

Thời Tự Đức, khi mới lên ngôi, nhà vua tỏ ra rất khoan hồng, mở cửa ngục tù cho giáo dân ra về, hy vọng những ngày đen tối sẽ chấm dứt. Thế nhưng, chẳng được bao lâu, hoàng hậu và các quan không đồng ý. Vì sợ có chia rẽ, nên nhà vua lại ban hành lện cấm đạo một cách gắt gao, không kém gì các bạo vương Rôma ngày xưa.

Trải qua hơn ba thế kỷ, hằng trăm ngàn người đã phải lìa xa quê hương, sống lén lút nơi rừng thiêng nước độc, để trốn tránh sự truy lùng như những giáo dân vùng La Vang Quảng Trị. Còn những người bị bắt, thì đã phải chịu những cực hình dã man, không kém gì các thánh tử đạo của Giáo Hội trong thời buổi sơ khai. Vậy đâu là những lý do khiến cho vua quan ra lệnh cấm đạo.

1. Lý do thứ nhất đó là vì óc thủ cựu và hẹp hòi. Họ luôn cho rằng chỉ mình mới tốt và đúng, còn người khác thì xấu và sai. Hơn nữa do ảnh hưởng của Nho giáo, phàm những gì thánh hiền đã nói hay đã viết, đều là khuôn vàng thước ngọc cần phải tuân theo.

2. Lý do thứ hai đó là vì thái độ giận cá chém thớt. Thuở ban đầu các vua Minh Mạng, thiệu Trị và Tự Đức đều không cấm đạo, nhưng sau đó, vì không ngăn chặn được sự tấn công của người Pháp, nên vua quan quay ra thù ghét những người mà họ cho rằng đã theo đạo của Tây và khép vào tội phản động, nối giáo cho giặc.

3. Lý do thứ ba, đó là vì cho rằng những người theo đạo không còn tôn trọng truyền thống cha ông để lại, chẳng hạn trong việc thờ cúng ông bà tổ tiên, hiếu kính đối với cha mẹ…Đây cũng chỉ vì óc thiển cận, không tìm hiểu cho thấu đáo, nên đã gây ra những ngộ nhận, những hiểu lầm đáng tiếc.

Tuy nhiên lý do căn bản nhất vẫn là sự đối kháng giữa tinh thần của Chúa và tinh thần của thế gian. Đối kháng như lửa và nước, như ánh sáng và boqng tối. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã tiên báo: Người ta đã bắt bớ Thầy, thì người ta cũng sẽ bắt bớ các con…Nhưng ai xưng tụng Thầy trước mặt người đời thì Thầy cũng sẽ xưng tụng nó trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự ở trên trời.

Sự bắt bớ, hay nói đúng hơn, sự đối kháng này không phải chỉ xảy ra bên ngoài trên bình diện xã hội, như chúng ta đã thấy, mà còn xảy ra bên trong, trên bình diện nội tâm. Thực vậy, chúng ta luôn cảm thấy một sự giằng co giữa sự thiện và sự ác, để rồi như thánh Phaolô đã diễn tả: Sự thiện tôi muốn thì tôi lại không làm, còn điều ác tôi ghét thì tôi lại làm. Bởi đó, hãy trung thành với Chúa trong những bắt bớ bên trong bằng cách thự hiên điều thiện điều tốt, nhờ đó chúng ta sẽ trung thành với Chúa trong những bắt bớ bên ngoài. Vì ai bền đỗ đến cùng, thì sẽ được cứu thoát.

2. Bách hại

Trong cuộc sống, chúng ta thấy có những viên thuốc đắng, người ta phải bọc đường để cho dễ uống. Thế nhưng qua Tin mừng, Chúa Giêsu đã không hành động như vậy. Trái lại, Ngài đã nói rõ cho các môn đệ biết những khó khăn đang chờ đón các ông. Ngài bảo:

- Thầy sai các con đi như chiên con ở giữa sói rừng. Người ta đã ghét bỏ Thầy, thì rồi họ cũng sẽ ghét bỏ các con. Đầy tớ không trọng hơn chủ. Họ sẽ xua đuổi các con ra khỏi hội đường, sẽ bắt bớ và hãm hại các con. Đã đến giờ những kẻ giết các con tưởng rằng làm như thế là phụng sự Thiên Chúa…

Quả thật là rõ ràng và minh bạch, không dấu diếm, không úp mở và chúng ta cũng chẳng cần phải cắt nghĩa hay thêm bới điều gì nữa.

Kể từ nay, các công sẽ phải mạnh dạn tiến lên với dấu ấn của người môn đệ Đức Kitô. Thế gian sẽ nhìn các ông như những kẻ xa lạ và thù địch, không có cùng một mẫu số chung, không đồng hội đồng thuyền với họ.

Nếu Đức Kitô đã bị đóng đanh vào thập giá như một tên tội phạm về phương diện chính trị, thì các ông cũng vì Ngài mà bị điệu tới vua chúa và chính quyền, bị hành hạ và ngược đãi, để rồi sau cùng đã chết đi cho ánh sáng Tin mừng được chiếu tỏa.

Và sự thật đã xảy ra như thế. Tất cả các ông, ngoại trừ thánh Gioan tông đồ, đều đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho Đức Kitô.

Theo mẫu gương kiêu hùng của các ông, Giáo hội sơ khai cũng đã bị nhuộm thắm bởi dòng máu của hàng ngàn, hàng vạn các tín hữu bị bách hại duới thời các bạo vưong La Mã, đúng như lời Chúa đã báo trước:

- Nếu họ đã bắt bớ Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con.

Tại Hollywood, kinh đô điện ảnh của thế giới, người ta đã dàn dựng những cuốn phim vĩ đại nói về những cuộc bách hại các tín hữu trong những thế kỷ đầu. Hàng ngàn tín hữu đã bị làm mồi cho sư tử tại các hý trường. Với màn ảnh rộng và với màu sắc huy hoàng, người ta đã thực hiện được những cảnh hùng vĩ ấy một các dễ dàng và đã gây được một sự xúc động mạnh mẽ nơi khán giả.

Dầu vậy, đó vẫn chỉ là những cảnh giả tạo. Ống kính không thể thu được cái thực tại sống động và cay đắng mà các môn đệ cũng như các tín hưu sơ khai đã phải trải qua:

- Thầy sai các con đi như chiên con ởi giữa sói rừng.

Kinh nghiệm đau thương ấy vẫn luôn xảy ra ơ mọi nơi và trong mọi lúc. Ngay như Giáo hội Việt Nam cũng vậy. Với hơn ba trăm năm cấm cách, trải dài từ thời Hậu Lê cho đến thời nhà Nguyễn, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, hàng trăm ngàn người đã phải rời bỏ nơi quê cha đất tổ, sống lẩn trốn nơi rừng thiêng nước độc như các tín hữu vùng La Vang Quảng Trị.

Hàng ngàn tín hữu đã ngã gục duới những cực hình dã man để trở thành những chứng nhân bất khuất cho Tin Mừng, trong số đó, 117 vị đã được Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II tôn lên bậc hiển thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988 tại Rôma.

Từ những sự kiện trên, chúng ta thấy tinh thần Kitô giáo luôn là một cái gì trái ngược với tinh thần thế gian. Chẳng hạn khi Đức Thánh Cha lên tiếng trình bày quan điểm của Giáo hội trước những vấn đề thời sự nóng bỏng trên thế giới, thì người ta lập tức mổ xẻ, phê bình và không ngần ngại chỉ trích và phản đối. Họ muốn giới hạn tôn giáo vào những hoạt động mang tính cách riêng tư, chứ không để cho tôn giáo ảnh hưởng đến đời sống của xã hội cũng nhu đến những sinh hoạt trong lãnh vực kinh tế, chính trị…

Làm như vậy là đi ngược lại với sứ mạng của Kitô giáo. Đúng thế, Kitô giáo không phải là một hòn đảo biệt lập, hay là một pháo đài cho chúng ta ẩn náu an tòan, cũng không phải là một cái vỏ ốc cho chúng ta thu mình vào đó. Trái lại, Kitô giáo phải là một con đường dẫn chúng ta đến với người khác để rồi cùng với họ chúng ta sẽ gặp gỡ Thiên Chúa.

Vì thế mỗi người Kitô hưu đều có bổn phậnph trở nên như muối ướp cho trần gian khỏi ươn thối, phải trở nên như ánh sáng chiếu soi trong đêm tối.

Chúng ta không phép được che dấu tinh thần của Đức Kitô, trái lại phải làm cho nó thấm sâu vào môi trường chúng ta đang sống.

Chúng ta không được phép để mặc cho thế gian chìm vào bóng đêm, dù có gặp phải những gian nan và thử thách.

Như các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta phải lấy làm vinh dự vì đã bị thế gian ghét bỏ, chúng ta phải lấy làm hãnh diện vì được trở nên những chứng nhân cho Đức Kitô.

3. Sống đạo tốt

Có lẽ chúng ta đều thuộc lòng hay ít nhất cũng đã nghe nói nhiều lần một câu nói nổi tiếng của Tetulianô: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống tốt sinh ra người Công giáo”. Nếu vậy chúng ta cứ xin Chúa làm cho nhiều quyền lực thế gian ra tay bắt bớ đạo, thẳng tay cấm cách đạo, hầu tạo điều kiện cho có nhiều vị tử đạo, và hy vọng khi máu tử đạo tăng lên thì số hạt giống đức tin càng tăng lên, sinh ra nhiều người Công giáo và mở rộng cánh đồng đức tin.

Chúng ta nói như vậy là để nói mà thôi, chứ chẳng ai trong chúng ta lại xin Chúa điều đó, vì lời xin như vậy không hợp lý. Chúng ta phải nhìn nhận rằng: thực đúng là máu các thánh tử đạo có khả năng làm hạt giống sinh ra người tín hữu. Nhưng theo Kinh Thánh, thực chất làm cho một người, một việc trở thành hạt giống đức tin, đó là Lời Chúa và những kẻ sống lời Chúa, vâng theo lời Chúa như Chúa đã phán: “Lời Ta là lời ban sự sống”. Nếu máu các thánh tử đạo có hạt giống tốt sinh ra người Công giáo, thì chính vì những giọt máu ấy đã đổ ra do những người sống lời Chúa. Lời Chúa mới là hạt giống tốt sinh ra người Công giáo.

Ngoài ra, việc bách hại đạo Chúa là một việc xấu, mà việc xấu thì chẳng bao giờ Chúa khuyến khích, và cầu xin như thế cũng chẳng đẹp ý Chúa. Nếu chúng ta nhận định như thế thì chúng ta sẽ thấy rằng: trong ngày lễ kính các thánh tử đạo Việt Nam, ngoài việc chúng ta phải cảm tạ Chúa, vì đã ban ơn tử đạo cho các bậc tổ tiên của chúng ta và ban các thánh Việt Nam cho Giáo Hội chúng ta, chúng ta còn cần phải xin Chúa, vì công nghiệp các thánh ban cho chúng ta, cho mọi người Công giáo chúng ta, cho Giáo Hội Việt Nam chúng ta, biết cách nào thích hợp nhất, có hiệu quả nhất, để diễn tả đức tin, để truyền bá đức tin trong thời buổi hôm nay.

Bởi vì mỗi thời có cách diễn tả đức tin và truyền bá đức tin theo thời của nó. Nội dung đức tin trước sau vẫn là một nhưng cách diễn tả đức tin, cách truyền bá đức tin, phải thay đổi tùy nơi, tùy thời, hợp với tâm lý của con người, hợp với trình độ tiến hoá của từng nơi. Có nơi, nhất là những nơi bị bách hại, thì cách tốt nhất để diễn tả đức tin và truyền bá đức tin là chấp nhận đổ máu mình ra, chết cho đức tin. Có nơi, có thời không bị bách hại, có nhiều tự do, thì cách tốt nhất để diễn tả đức tin, để truyền bá đức tin là sống đạo cho tốt. Mình sống đạo cho tốt, con cái mình sẽ bắt chước. Mình sống đạo cho tốt, người ngoại giáo thấy sẽ có cảm tình với đạo.

Thế nào là sống đạo tốt? Đó là thực thi bác ái. Đức ái là điều kiện căn bản của giáo lý Phúc âm. Chúa Giêsu đã nói: “Giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất, đó là yêu thương kẻ khác như chính mình”. Chúng ta ai cũng yêu mình, ai cũng muốn điều hay, điều tốt cho mình, ai cũng thích được người khác thông cảm, dễ dãi, nhân từ với mình. Chúng ta yêu mình như thế, nên Chúa bảo chúng ta hãy yêu thương người khác như vậy. Nhưng thực tế ít người thực hành đúng như vậy. Yêu mình hơn người thì có, yêu người như mình thì ít, và yêu người thua mình thì nhiều. Như thế là chúng ta chưa sống đạo tốt rồi, và chưa sống đạo tốt thì cũng là chưa diễn tả đức tin và truyền bá đức tin. Tóm lại, để sống đạo tốt trong thời buổi này, mỗi người chúng ta cần phải có chất lượng. Chất lượng đó là bác ái đối với tha nhân.

Đây là cách làm chứng tốt nhất cho Chúa, cho đạo, đây cũng là cách tốt nhất để sống đạo và truyền đạo. Chung quanh chúng ta, những đồng bào không Công giáo cũng đã quan tâm rất nhiều đến sự bác ái yêu thương đối với nhau và đối với kẻ khác: những việc làm xoá đói giảm nghèo, những ngôi nhà tình nghĩa, những lớp học tình thương, những chia sẻ cho những anh em bị bão lụt, những người bệnh tật, neo đơn… Chúng ta có quan tâm đến những việc đó hay những việc tương tự khác không? Chúng ta cũng nên tự hỏi: cách sống đạo của chúng ta có thực sự tuyên xưng Chúa, tuyên xưng đức tin không? Ngoài việc tuyên xưng Chúa, tuyên xưng đức tin trong những nghi lễ của chúng ta, trong nhà thờ của chúng ta, chúng ta còn phải tuyên xưng bằng những việc từ thiện bác ái, bằng cách sống chân thành, cởi mở, yêu thương với những người chung quanh nữa. Nói tóm lại, chúng ta cần phải thuyết phục những người chưa có đạo, những người không hiểu về chính nghĩa của đạo chúng ta bằng sự chúng ta sống trọn vẹn, quyết liệt, dứt khoát tinh thần bác ái yêu thương đối với nhau và đối với những người chung quanh.

Xin Chúa Thánh Thần là tình yêu Thiên Chúa ban ơn thêm sức cho chúng ta, đặc biệt là ban ơn bác ái yêu thương, để chúng ta thêm tình mến Chúa yêu người một cách đơn sơ trung thành, một cách bền vững và một cách quảng đại, bởi vì chỉ có tình yêu là cách sống đạo tốt nhất và làm chứng cho Chúa, cho đạo hữu hiệu nhất.

Lm Phạm Văn Phượng

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 24.11.2008. 11:41