Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giúp đỡ Tha Nhân là Hoa Trái Dâng Chúa

§ Lm Jude Siciliano, OP

CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY
Gr 31: 31-34; Tv 51; Dt: 5: 7-9; Gioan 12: 20-33

Anh chị em thân mến,

Tôi vừa giảng xong tuần tĩnh tâm ở một giáo xứ. Trong lúc trao đổi với giáo dân sở tại, tôi được nghe và thấy nhiều mẫu gương hy sinh đáng khâm phục: Một phụ nữ chăm sóc cho mẹ già tật nguyền đến khi mẹ mất, rồi bây giờ lại phải săn sóc người anh đang gần chết. Trong khi chăm sóc, người phụ nữ đó vẫn vui tươi. Chuyện một người sắp chết vì ung thư lại luôn an ủi những người đến thăm ông. Có người nói: "Ông ta không bao giờ than trách Chúa về nỗi bất hạnh của mình". Và ông luôn có vợ ở bên cạnh săn sóc. Môt bà cụ lớn tuổi nhờ người đưa bà đến viện dưỡng lão để bà có thể giúp đẩy xe lăn cho những người trong viện, trong số đó có người còn trẻ hơn bà. Một phụ nữ trong giáo xứ tình nguyện làm người bênh vực cho những bệnh nhân bị bệnh tâm thần. Bà nói, những bệnh nhân đó khi nhập viện bị người ta cho thuốc quá nhiều, rồi lại gởi trả về nhà nên: "tôi bênh vực quyền lợi cho những bệnh nhân đó, vì không ai làm việc này cả".

Cũng như anh chị em, tôi thấy khâm phục những hy sinh cao cả ấy, hy sinh thời giờ, sức lực và tiềm năng của họ. Ngay cả những người đau yếu, họ vẫn chọn được cách sống phục vụ như họ muốn. Họ đã quyết định là sẽ vượt qua sự đau yếu như thế nào, nhờ vậy họ trở nên gương sáng cho kẻ khác. Tất cả những người tôi gặp không nghĩ những việc họ làm là điều quan trọng. Một người bảo: "Tôi không nghĩ đó là sự hy sinh. Mà chỉ là cách sống của tôi". Tuy thế, cũng có lúc những người nầy cảm thấy chán nản, mệt mỏi, và tuyệt vọng.

Tôi và anh chị em hẳn đã có lúc chúng ta gặp những người này, việc làm của họ như một sợi chỉ vàng vắt qua đời sống. Và họ cảm thấy được vinh dự, vui sướng khi làm những việc đó. Không chỉ là nụ cười thoáng qua "ha,ha,ha..", nhưng là cả một nỗi vui sướng tràn đầy ý nghĩa. Và lời Chúa Giêsu trong Phúc âm rền vang trong tâm trí chúng ta: "hạt lúa gieo vào lòng đất, phải chết đi mới sinh được nhiều hoa trái" cho người khác và cho chính chúng ta nữa.

Có những tấm gương khác về gia đình: Như một người cha hay mẹ không muốn thăng tiến thêm trong việc làm ăn để cho gia đình khỏi phải di dời chổ ở. Có đôi vợ chồng kia điều là cán sự xã hội, quyết định dọn nhà từ ngoại ô vào sống gần xóm lao động nghèo mà họ đang phục vụ. Người khác đứng ra bênh vực quyền lợi của một đồng nghiệp bị áp bức, làm bản thân bị mất dịp được tăng lương. Một giáo chức nhận mức lương thấp hơn để dạy ở trường công giáo của một giáo xứ có nhiều người di cư nghèo, v.v..

Nhìn thoáng qua những câu chuyện trên, chúng ta thấy chỉ là những trường hợp ít gian nan thử thách và không là những hy sinh cao cả. Tuy nhiên, chính hy sinh ấy đem lại hiệu quả như Chúa Giêsu nói "nhiều hoa trái", và giúp cho những người đó có được "sự sống đời đời". Trong Phúc âm thánh Gioan, thành ngữ "sự sống đời đời" không có ý nghĩa là sự sống đời sau, nhưng là sự sống đời này. Sự hy sinh đó hàm ý là chúng ta múc lấy nước từ nguồn sâu thẳm của sự sống và nhờ đó chúng ta cảm thấy niềm vui sướng khôn tả mà tự sức chúng ta không hề có được. Hạt lúa giống chết đi và sinh nhiều hoa quả. Nếu chỉ nghe qua lời Chúa Giêsu, chúng ta không thể hiểu được. Nhưng, những ai thực hiện được lời dạy đó thì mới hiểu trọn được ý nghĩa của lời Chúa.

Chúng ta có cảm nhận được hoa quả những hy sinh của cha mẹ, ông bà, bạn hữu và láng giềng chúng ta không? Những người làm việc miệt mài để giúp chúng ta có nơi trú ngụ, những người đã hy sinh thời giờ để giúp khi chúng ta cần đến họ?

Khi những người Hy-lạp tìm đến xin gặp Chúa Giêsu, Ngài đáp "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh" (Ga.12:23). "Giờ" trong Phúc âm thánh Gioan là giờ Chúa chịu khổ hình và được vinh quang. Để có thể hiểu được ý nghĩa từ "giờ" trong Phúc âm này, chúng ta hãy xét lại trong kinh nghiệm của mỗi chúng ta. Khi một người nói: "giờ" của ông đã đến chính là lúc ông ta bị mất việc khi ông báo cáo lên cấp trên việc lừa dối khách hàng của hãng bảo hiểm mà ông đã khám phá được. Một thiếu niên nói em không muốn bắt chước thói quen say sưa của các bạn. Kết quả: em đó mất bạn. Giờ ở đây không có nghĩa là sáu mươi phút. Giờ chúng ta đến, có nghĩa là khi việc chúng ta làm đến lúc được tiết lộ, khi chúng ta cần phải hy sinh, hay cần quyết định một việc gì khó khăn. "Giờ" thường chỉ lúc chúng ta không gặp may với người khác, và chúng ta phải quyết định đứng dậy hay chịu chết vì điều chúng ta tin tưởng.

Những người Hy-lạp tìm gặp Chúa Giêsu, có lẽ họ muốn biết về những điều họ nghe được. Phúc âm không nói rõ những người Hy-lạp đó là ai, họ là người Hy-lạp hay là người Do-Thái nói tiếng Hy-lạp? Họ có phải là những người đến tham quan, có thiện cảm với đạo Do-Thái, hay đến tham dự lễ hội của thành phố? Họ chính là chúng ta trong thế giới người ngoài, tìm đến Chúa Giêsu. Họ và chúng ta sẽ được gặp Chúa Giêsu trong "giờ" Ngài chịu khổ hình và vinh quang. Họ sẽ thấy Ngài không rút lui, nhưng Ngài tiến đến "giờ" của Ngài một cách tự do.

Ngay cả sự sợ hãi cũng không khuất phục được Ngài. Trong Phúc âm thánh Gioan, Chúa Giêsu kiên định mọi việc. Không có chuyện Ngài hấp hối trong vườn Giêt-sê-ma-ni. Nhưng tâm hồn Ngài có “xao xuyến" xúc động khi sự chết đến gần. Chúa Giêsu đang nhìn thẳng vào "giờ" vinh quang của Ngài, không phải là không biết sợ. Nhưng Ngài vẫn dấn bước theo đường Ngài đang đi, và "bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống..." xác nhận sự lựa chọn của Ngài. Chúng ta thừa hưởng việc vui lòng chọn "giờ" của Chúa Giêsu. Ngài sẽ đi vào và đi qua "giờ" hoàn toàn theo thánh ý Thiên Chúa và như người phục vụ cho chúng ta. Thế nên Ngài nói "Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi".

Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài không giảng dạy cho những người Hy-lạp tìm gặp Ngài. Họ tự tìm đến Ngài. Vậy việc gì đã lôi kéo họ đến với Ngài? Chúng ta cũng như những người đó được Chúa lôi kéo nên giờ này trở nên là tôi tớ trung thành của Thiên Chúa. Một Đấng rất khoáng đạt, sẳn sàng ban tặng mọi sự cho chúng ta mà không giữ lại một tí gì cho mình. Ngài còn cho chúng ta thấy những phần thưởng ẩn sau những thất bại và ngay cả sự chết, khi chúng ta đến hồi sau hết và mất cả niềm tin. Ngài cho chúng ta hy vọng, ngay cả khi các cửa đều khép kín, khiến chúng ta muốn xuôi tay vì thất vọng và sẵn sàng theo vào cõi chết trong nấm mồ.

Lm Jude Siciliano, OP

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 28.03.2009. 00:39