Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giáng Sinh 2009: Này là Người - Con đường làm người

§ Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Các bậc hiền triết trong nhân loại xưa nay đều có chung một khắc khoải đó là kiếm tìm con đường để “thành nhân”. Người ta có thể sử dụng nhiều con đường để đạt thành công trong cuộc sống về các mặt kinh tế, chính trị hay địa vị này kia, nhưng con đường thành nhân thì dường như chỉ có một. Nhiều triết gia thời cổ cho hay rằng một trong những chìa khóa để gặt hái thành công đó là biết mình, biết người. Tri kỷ, tri nhân, bách trận, bách thắng. Tuy nhiên để thành nhân thì không chỉ cần biết những gì mình đang là mà còn phải biết cái mình phải là, tức là điểm đến của hiện hữu con người.

Đâu là hình chuẩn để con người hướng đến hầu phát triển trọn vẹn hiện hữu của mình ? Nhiều nhà hiền triết, nhiều vị sáng lập tôn giáo đã đề ra một vài con đường với nhiều phưong thế, nhưng tựu chung vẫn chỉ là những kiếm tìm mang tính nhân loại vốn bất toàn và hữu hạn, vì đó là những con đường khởi đi từ phía loài thụ tạo. Dù được giác ngộ như Đức Phật mà Ngài đã nhận mình chỉ là “ngón tay chỉ mặt trăng”. Theo niềm tin Kitô giáo, để thực sự là người, nên người hay làm người cách đúng nghĩa thì chắc chắn không có con đường nào khác ngoài con đường mà Đấng Tạo Thành đã vạch ra ngay từ thưở ban đầu. Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Người (x. St 1,27). Đến thế gian, Đức Kitô vốn là hình ảnh Thiên Chúa vô hình đã khai mở cho nhân loại con đường phát triển và hoàn thiện hiện hữu của mình (x.Col 1,15). Chính Chúa Kitô đã mình nhiên tự giới thiệu mình là con đường dẫn đưa nhân loại vào sự thật viên mãn để được sống đời đời (x. Ga 14,6).

“Này Ta báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11). Con đường để làm người đích thật đã mở ra với nhân loại. Đó là Đức Kitô, Đấng hạ sinh trong hang lừa năm xưa được các Thiên Thần loan báo cho các mục tử và đó cũng là Đấng gánh tội nhân trần mà Philatô đã giới thiệu với dân chúng Do Thái: “Này là Người !” (Ga 19,5)

1. Con đường làm người: Này là Người, Đấng hạ sinh trong máng cỏ:

Đấng Sáng Tạo đã tự nguyện vào kiếp được tạo thành. Đây là lời mạc khải căn bản cho nhân loại. Loài người chúng ta là loài được dựng nên chứ không phải tự mình mà có. Vì là loài thụ tạo nên chúng ta chỉ có thể là mình cách đích thực và hoàn hảo khi và chỉ khi biết sống theo ý của Đấng Tạo Thành. Một ví dụ minh họa trong đời thường: chiếc xe máy hiệu Honđa chỉ có thể vận hành tốt và lâu bền khi người chủ phương tiện biết sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất là hãng Honđa.

Vào đời, Đấng Sáng Tạo đã chọn con đường được sinh ra trong một mái gia đình. Một mạc khải thiết yếu nữa dành cho con người. Chúng ta được chào đời, làm người là nhờ tha nhân và với tha nhân. “Con người ở một mình thì không tốt” (St 2,18). Các loài vật nuôi hay thú hoang dã có thể được nuôi và sống một mình mà vẫn lớn lên thành chúng. Nuôi riêng một con chim hay một chú cún thì lớn lên chúng vẫn thành chó, thành chim, biết bay, biết sủa như chúng là. Trái lại nếu ở một mình thì con người khó tồn tại và không thể phát triển thành người. Một vài trường hợp “người rừng”, do trẻ thơ bị lạc trong rừng sâu, được muông thú nuôi, cho chúng ta thấy sự thật này. Họ không có dáng đứng thẳng vá khả năng ngôn ngữ như con người. Từ chân lý rằng con người được chào đời, được tồn tại và phát triển là nhờ ai đó thì sẽ dẫn đến hệ quả kéo theo là sự hiện hữu con người chỉ có ý nghĩa khi biết sống cho tha nhân.

2. Con đường làm người: Này là Người, Đấng tự nguyện nhận lấy khổ hình thập giá để cho thế gian được sống.

Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một để cho thế gian được sống muôn đời (x. Ga 3,16). Khi lập mưu, toan tính sát hại Chúa Giêsu, Thượng Tế Cai Pha đã không ngờ câu “tuyên án” của ông: “Thà một người chết thay cho toàn dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 12,50), đã nên như một lời tuyên sấm nghĩa là nói lên chương trình, ý định của Thiên Chúa. Tin mừng còn thêm: “Chúa Giêsu chết không chỉ thay cho toàn dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52). Chắc hẳn Philatô cũng đâu có ngờ lời giới thiệu của ông năm xưa: “Này là Người !” đã trở thành lời mạc khải hướng dẫn nhân loại biết sống như là con người.

Này là Người, Giêsu Kitô, Đấng đã tự nguyện liên đới với đoàn em nhân loại đông đúc. Người đã nhận lấy hậu quả tội lỗi của nhân loại vào chính thân thể Người. Trước đó ít giờ Người đã minh nhiên mời gọi các môn đệ hãy cầm lấy mà ăn thân thể Người, tấm thân sẽ bị nộp vì chúng ta (x.Lc 22,19).

Này là Người, Giêsu Kitô, Đấng đã tự nguyện trao ban toàn bộ sự sống của mình để cho thế gian được ơn tha thứ, hầu được sống và sống dồi dào. Này là Máu Thầy đổ ra cho anh em và mọi người được tha tội (x.Mt 26,28). Ngay cả giọt máu, giọt nước cuối cùng từ trái tim mà Người vẫn tuôn ban, để cho nhân loại lãnh nhận hồng ân vô giá là Thánh Thần (x.Ga 19,31-37). Hài nhi Giêsu khi chào đời đã được đặt nằm trong cái máng ăn của súc vật là một dấu hiệu tiên trưng cho sự hiến thân của Người là làm lương thực thần linh cho nhân loại được sống và sống đời đời.

Này là Người ! Khởi đầu là một Hài Nhi mới sinh trong hang đá và kết thúc là một Con Người tự hiến thân làm lễ vật trên thập giá. Con đường làm người đã mở ra đó là con đường liên đới với nhau, với tha nhân trong mọi hoàn cảnh thuận nghịch, nhất là trong tình cảnh tội lỗi của nhau. Con đường ấy cũng là con đường hiến thân để giúp nhau tồn tại, phát triển mọi mặt và nhất để được hưởng hạnh phúc muôn đời Chúa hứa ban.

Xin trích vài dòng nhật ký của một bạn trẻ trong một dịp tham dự Đại Hội Giới Trẻ:

“Métro của Paris nổi tiếng nhanh và đúng giờ. Đến Paris ma không đi Métro thì quả là một thiếu sót, nhất là trong những ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, để có thể nghe tiếng reo mừng hát của cả trăm ngàn con tim giới trẻ cùng yêu một Chúa, cùng một đức tin. .. vang lên từng chặng đường hầm.

Tuy toa tàu nào cũng đầy người, nhưng những người hành khất vẫn có thể chen chân. Có một "cụ Tây trắng mù" cùng với con chó từ cuối toa đi lên, vừa đi vừa chìa đĩa thiếc cũ, xin tiền các bạn giới trẻ. Cùng lúc ấy, từ đầu toa, một cô bé, nhỏ thó, xanh gầy, có lẽ là dân "đi bụi" cũng ngả nón xin bạn trẻ trợ giúp.

Các bạn trẻ hành hương đã rộng tay giúp đỡ cả hai. Khi hai người gặp nhau, cô bé né sang một bên, kính cẩn nhường chỗ cho cụ già hành khất và con chó. Các bạn trẻ trố mắt nhìn, vì không ngờ giữa xã hội bon chen này, lại tìm được một cô bé ăn xin lễ phép, biết kính người già, nhường kẻ tàn tật. nhưng họ lại còn kinh ngạc hơn: "Cô bé bốc một nắm tiền vừa xin được, chia cho cụ già. cả toa bỗng im lặng. .. Ồ, cô bé ăn xin mà cũng biết bố thí !”

Hy vọng rằng nhiều bạn trẻ lúc bấy giờ lại được nghe lời tuyên bố của Philatô năm nào: Này là Người ! Cũng hy vọng rằng chuyện hôm ấy đã tiếp diễn như sau: Này là Người ! Cả toa tàu chợt lặng như tờ, không sấp mình thờ lạy như các nhà Đạo sĩ năm xưa nhưng hầu hết các bạn trẻ đều thầm cảm phục và kính phục “con người nhỏ dáng ấy”. Bỗng một câu ca được cất lên: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời”. Cả toa cùng hòa giọng: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Và trước tấm lòng của “con người xanh gầy ấy”, dù không nói ra lời nhưng tất cả đều nhìn nhận: “Quả thật, người này là con của Thiên Chúa !” (x.Lc 23,47). Cùng với sự nhìn nhận hiện thực xảy ra, cả toa tàu cúi đầu, chân thành đấm ngực (x.Lc 23,48).

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 23.12.2009. 14:22