Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giải thoát trong Tình Yêu

§ Lm Hồng Phúc

Một lần người ta hỏi Michel Angelo, một nhà điêu khắc người Ý nổi tiếng số một thế giới, rằng: “Ông làm gì với viên đá này?”. Michel Angelo trả lời: “Tôi đang giải thoát một Thiên thần đang ở trong viên đá này”. Và đúng là ít lâu sau, một Thiên thần tuyệt tác đã được xuất hiện, được giải thoát từ viên đá ấy.

Có nghĩa là, với mắt nhìn của mọi người, đó chỉ là một viên đá. Nhưng với cái nhìn của nhà điêu khắc số một thế giới thì trong viên đá đó đã ẩn chứa một Thiên thần mà với đôi tay vàng của Michel Angelo đã cho Thiên thần ấy xuất hiện trên thế giới. Với cách nói giải thoát một Thiên thần trong viên đá này, Michel Angelo đã làm cho chúng ta liên tưởng tới Tin Mừng kể về Đức Giêsu Kitô trong khởi đầu sứ mạng của Ngài: Ngài vào trong Hội đường, cầm lấy sách tiên tri Isaia, Ngài mở sách ra và đọc: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, Ngài sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, giải thoát những ai bị giam cầm, trả tự do cho người bị áp bức, cho người mù được sáng. Công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18).

Giải thoát cho những kẻ bị giam cầm là sứ mạng của Đức Giêsu. Bởi lẽ, nhân loại chúng ta bị chìm đắm trong tội lỗi, trong vòng cương tỏa của sự dữ. Đức Giêsu có sứ mạng đến để giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của sự dữ, khỏi những vòng cương tỏa của ma quỷ. Và như vậy, cuộc giải thoát của Đức Giêsu đến với mỗi người chúng ta là vô cùng quan trọng. Nhớ lại trong Cựu Ước, khi dân Do Thái được giải thoát khỏi Ai Cập, băng qua sa mạc để tiến về miền Đất hứa. Đấy cũng là một cuộc giải thoát vĩ đại, cuộc giải thoát cho họ khỏi ách nô lệ của Pharaon - nước Ai Cập, để trở thành một Dân tộc tự do và có quyền tiến vào Đất hứa nơi đượm sữa và mật mà Chúa đã hứa với Abraham, tổ phụ của dân Do Thái. Nhưng người dân Do Thái đã nhìn nhận theo một góc độ khác. Họ hiểu sự giải thoát như là một cuộc giải phóng, để họ có quyền tự do và họ có thể lập nên một nước riêng. Với một nhận thức như vậy, người Do Thái không thể chấp nhận được hành trình đi bốn mươi năm trong rừng vắng, thiếu thức ăn, thiếu nước uống, nhiều lần họ phản bội và định quay trở lại ách nô lệ, nhớ hành nhớ tỏi, nhớ thịt bên Ai Cập.

Như vậy, từ giải thoát với giải phóng, hai từ có nghĩa giống nhau nhưng lại có những tương phản rất khác nhau. Sự giải thoát không mang ý nghĩa chính trị nhưng từ giải phóng thì mang đầy ý nghĩa chính trị. Chính vì hiểu theo nghĩa giải phóng mà nhiều Tông đồ đã hiểu sai cả chương trình cứu độ của Đức Kitô. Các ông tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất, bởi vì các ông đã hỏi: “Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy thu phục nước Israel chăng?” Các ông nghĩ rằng, Thầy đang tiến tới một vương quốc chính trị và các ông tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất trong vương quốc này. Thậm chí Giacôbê và Gioan hai Tông đồ được Chúa tín nhiệm, mà cũng xin với Chúa là cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả trong vinh quang của Nước Thầy. Một sự hiểu lầm tai hại như thế cũng đã giết chết cả con người của Giuđa, khi Giuđa nghĩ rằng, Thầy sẽ khôi phục lại nước Israel và bằng hình thức bán Chúa Giêsu cho các Thượng tế, Giuđa nghĩ rằng, ông đã làm một công cuộc bức bách Đức Giêsu sớm giải phóng nước Israel trở thành một dân tộc tự do như thủa nào dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, và như vậy Thầy phải làm phép lạ tự cứu gỡ mình và sớm lập nước Israel. Thế nhưng Giuda đã thất vọng hoàn toàn đi tới sụp đổ và tuyệt vọng khi thấy Đức Giêsu: “Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng” (Is 53,7). Cho nên Giuđa đã ra đi thắt cổ tự tử.

Tất cả những người suy nghĩ Đức Giêsu là một vị giải phóng mang đầy tính chính trị, lập một vương quốc ở trần gian đều thất bại, đều sụp đổ. Cả một dân tộc Do Thái đã sụp đổ trong rừng vắng khi mà Chúa không cho thế hệ kêu trách Chúa được vào Đất hứa. Phải là một một thế hệ thứ hai do Josuê dẫn vào, lúc ấy họ mới đạt tới Đất hứa. Giuda, cũng là một cách nào đó diễn tả lại một vết xe đổ của Cựu Ước khi vẫn hiểu Đức Giêsu như là một vị giải phóng chính trị. Như vậy, thì cuộc giải thoát mà chúng ta nói tới ở đây là một sự giải thoát cho con người khỏi ách nô lệ ma quỷ; cho con người thoát khỏi ách nô lệ bởi chính xác thịt mình, vì Đức Giêsu đã dạy: “Tinh thần thì nhanh nhẹn, xác thịt nặng nề yếu đuối” (Mc 14,38).

Giải thoát chúng ta khỏi sự yếu đuối của xác thịt là đưa chúng ta vào làm con cái của Thiên Chúa. Điều đó quan trọng vô cùng. Chính Vì thế Đức Giêsu chấp nhận đến tận cùng, đến cả cái chết để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ, khỏi sự chết. Bí tích Thánh Thể chính là đỉnh điểm của Tình yêu đó. Đức Giêsu chấp nhận sự chết để giải thoát chúng ta khỏi chết; chấp nhận đổ máu đến tận cùng để giải thoát chúng ta khỏi xác thịt nặng nề. Cho nên, trước Bí tích Thánh Thể, chúng ta chỉ có một tấm lòng rộng mở và khiêm nhường để nhận ra tình Chúa cao vời. Nếu chúng ta sống bằng lý luận, rơi vào não trạng tưởng chừng như Đức Giêsu là một vị giải phóng dân tộc, rơi vào chính trị, rơi vào khoa học, rơi vào những cách thức của trần tục thì người ta sẽ không chấp nhận một Bí tích Tình yêu trong Bí tích Thánh Thể.

Tại sao con người lại quỳ gối trước một hình bánh mỏng mảnh; tại sao một tấm bánh mỏng manh gió to có thể thổi bay, mà người Kitô hữu lại tôn coi trọng và coi là Chúa mình. Kể cả linh mục, trong lịch sử cũng đã có một trường hợp, xảy ra khi cử hành Thánh lễ, sau lời truyền phép, bánh biến thành thịt và rượu biến thành máu thật ở thế kỷ thứ VIII là khởi sự từ một sự nghi ngờ của một linh mục. Linh mục này thuộc dòng Basiliô, khi dâng Thánh lễ, vị linh mục đã nghi ngờ: Tại sao hình bánh này lại có thể biến thành Mình Thánh Chúa?; Tại sao rượu nho này lại có thể biến thành Máu Thánh Chúa?. Và ngay sau khi truyền phép Mình Máu Thánh thì bánh này biến thành Mình Thánh Chúa và rượu nho này biến thành Máu Thánh Chúa. Suốt từ thế kỷ thứ VIII cho đến nay Thịt ấy, Máu ấy đã được bảo toàn. Năm 1971, khoa học hiện đại đã xác minh đó chính là thịt cơ tim và máu người thuộc nhóm máu AB. Như vậy suốt trong 12 thế kỷ, không phải những gì là thuốc hay ướp lạnh, vẫn để tôn thờ kính yêu tự nhiên mà thịt trong cơ tim ấy, máu trong nhóm AB của người khoẻ mạnh ấy không hề hư nát - cũng lại là một phép lạ về khoa học xảy ra nữa - để trả lời cho những ai nghi ngờ về Bí tích Thánh Thể.

Vì vậy, mỗi khi chúng ta tôn thờ, yêu mến Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể thì điều duy nhất đòi hỏi là chúng ta phải nhìn nhận đây là một Bí tích Tình yêu. Thiên Chúa chấp nhận sự chết để giải thoát chúng ta khỏi sự chết; Thiên Chúa chấp nhận liệt vào hàng nô lệ, trộm cướp để giải thoát chúng ta khỏi nô lệ ma quỷ, thế gian, xác thịt. Việc thứ hai, chúng ta nhìn nhận sự sống tiềm ẩn trong sự chết. Bởi lẽ, Chúa Giêsu chấp nhận sự chết nhưng sự sống tiềm ẩn trong Bí tích Thánh Thể để khi chúng ta đến với Đức Giêsu không phải tôn thờ một người đã chết đau khổ trên Thập giá. Như người ta nói:

Chúng ta trả lời rằng: Thưa, vì sự sống tiềm ẩn trong cái chết của tình yêu ấy.

Máu đổ ra, có nhiều quan niệm về máu: Nợ máu phải trả bằng máu – khác; Uống máu ăn thề - khác; Hiến máu nhân đạo lại càng khác nữa. Cũng là máu đổ ra, nhưng nợ máu phải trả bằng máu thì đầy sự hận thù; còn hiến máu nhân đạo thì lại đầy tình yêu thương. Cũng vì vậy, nhìn vào sự chết của Đức Giêsu trên Thập giá, chúng ta thấy sự sống tiềm ẩn và tình yêu được toát lên. Và để cho chúng ta thấy rõ được sự sống thật thì Tình yêu ấy đã làm nên Bí tích Thánh Thể để dưới hình Bánh là biểu hiện của sự sống, như thư của Thánh Phaolo đã diễn tả: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17).

Ước gì mỗi người chúng ta luôn luôn biết tôn thờ, yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, biết chúng ta đang nằm trong bóng của sự chết, của sự tối tăm cần có tình yêu của Chúa đến giải thoát chúng ta. Qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta nhận thấy:

Có hai trạng thái im lìm,
Một là ánh sáng xuyên tìm không gian,
Một luôn đứng lặng hoàn toàn,
Thâm u sự chết, nhập đoàn bóng đêm.
Chúa là ánh sáng dịu êm,
Tỏa từ Thánh Thể êm đềm lửa yêu.
Địa cầu tăm tối bao nhiêu
Chúa càng mong lửa tình yêu cháy bùng.
(Lc 12,49)

Xin cho lửa tình yêu ấy, xin cho sự sống tiềm ẩn dưới hình bánh mỏng mảnh ấy trở nên sức sống đời đời cho mỗi người Kitô hữu chúng con hôm nay khi chúng con tôn thờ, yêu mến và đón nhận Bí tích Thánh Thể trong tâm hồn. Amen.

Lm Hồng Phúc

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 29.05.2008. 13:19