Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giải đáp phụng vụ: Lời nguyện trên dân chúng có buộc trong Chúa nhật Mùa Chay không?

§ Nguyễn Trọng Đa

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con nhận thấy trong Sách lễ cho các ngày Mùa Chay, có Lời nguyện trên dân chúng sau Lời nguyện Hiệp lễ. Vào các ngày trong tuần, đây là một tùy chọn, theo chữ đỏ. Liệu trong các Chúa Nhật Mùa Chay, linh mục phải đọc Lời nguyện trên dân chúng không, nghĩa là buộc phải đọc không? Con biết rằng sự đổi mới này sẽ được đưa vào trong Sách lễ mới. Nhưng bây giờ con muốn biết sự đổi mới này là như thế nào, muốn chắc chắn rằng con và các linh mục khác đang chuẩn bị sẵn sàng sử dụng nó. Đó là các bản văn đáng yêu dường bao! - E. F., Morristown, New Jersey, Hoa Kỳ.

Đáp: Chúng thực sự là các bản văn đáng yêu, và chính một trực giác cao quý đã khôi phục chúng vào Sách lễ.

Như bạn đọc này đề cập, một lời nguyện tùy chọn trên dân chúng được cung cấp cho mỗi ngày thường. Vào các ngày Chúa Nhật, cũng có một lời nguyện như vậy, nhưng thiếu chữ đỏ “để sử dụng tùy chọn".

Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói như sau về công thức ban phép lành trọng thể và lời nguyện cầu trên dân chúng:

"167. Trong một ít ngày và một ít dịp, được tùy theo chữ đỏ mà dùng một công thức long trọng hơn, hoặc một lời nguyện trên dân chúng, trước lời chúc lành này.

"185. Nếu có công thức ban phép lành trọng thể hay có lời nguyện trên dân chúng, thầy phó tế nói: "Anh chị em hay cúi mình nhận lãnh phép lành". Khi vị tư tế ban phép lành xong, thầy phó tế dùng những lời sau đây mà giải tán dân chúng: "Ite, missa est; Lễ xong, chúc anh chị em ra về bình an" (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Sách lễ cũng có một phần ngay sau Lễ Quy, chứa các công thức long trọng khi ban phép lành và các lời nguyện trên dân chúng, trong các thời điểm và mùa đặc biệt trong năm. Một số lễ và buổi cử hành đặc biệt có các phép lành long trọng riêng. Nguyên tắc chung là rằng “các phép lành này có thể được sử dụng tùy theo quyết định của linh mục vào cuối buổi cử hành Thánh Lễ, hay buổi Phụng Vụ Lời Chúa, hay Giờ Kinh Phụng Vụ, hay sau khi ban Bí Tích".

Cần lưu ý rằng Sách lễ không chứa bất kỳ lời phép lành long trọng nào cho Mùa Chay trong phần có các phép lành long trọng, mặc dù có một phép lành cho "Cuộc Thương Khó của Chúa".

Do đó, tôi có thể nói rằng bởi vì quy luật chung giao việc sử dụng các lời nguyện tùy theo quyết định của linh mục, việc thiếu dấu hiệu, vốn cho thấy rằng lời nguyện là tùy chọn vào ngày Chúa Nhật, không có nghĩa là buộc phải sử dụng chúng.

Tuy nhiên, nó nêu ra một sự khích lệ mạnh mẽ để sử dụng lời nguyện trên dân chúng vào mỗi Chúa Nhật. Tương tự như thế, sự việc rằng chúng được in cho mỗi ngày trong Mùa Chay cũng thúc đẩy việc sử dụng chúng hàng ngày.

Theo các học giả nổi tiếng, truyền thống của các lời nguyện này có nguồn gốc từ thế kỷ III. Lời mời gọi của phó tế cho dân chúng cúi đầu để nhận phép lành cũng là rất cổ, mặc dù công thức Latinh hiện nay không xuất hiện trước năm 800.

Một đặc điểm của các công thức này là rằng đối tượng con người của các phép lành này thường không là "chúng con" mà là "dân của Ngài", "tôi tớ của Ngài", "các tín hữu của Ngài", "những người cúi đầu trước uy danh của Ngài", “những kẻ khẩn cầu Ngài", "những kẻ kêu cầu Ngài”. Một điểm đặc biệt khác là rằng các ơn lành thiêng liêng được tìm kiếm trong lời nguyện không được tìm kiếm một cách chung chung, như các lời nguyện khác, nhưng cho tương lai vô hạn với các cụm từ như "luôn luôn", "sự bảo vệ vĩnh viễn", "liên lỉ", v.v ...

Điều không được hiểu đầy đủ là tại sao các lời nguyện này lại dành cho mùa Chay trong phụng vụ Rôma, bởi vì nhiều nguồn cổ xưa có các lời nguyện tương tự cho tất cả các mùa trong năm. Có lẽ bởi vì Mùa Chay và Tam Nhật Vượt Qua thường giữ lại các truyền thống cổ xưa hơn.

Khi ấn bản đầu tiên của Sách lễ sửa đổi được xuất bản vào năm 1970, nó khôi phục khả năng của các lời nguyện trên dân chúng trong suốt năm, như được chứng kiến bởi các nguồn đầu tiên của nghi lễ Rôma. Nhưng Sách lễ đã làm như vậy trong một phụ lục, và với cái giá loại bỏ truyền thống của các lời nguyện cụ thể hàng ngày cho Mùa Chay.

Ấn bản mẫu thứ ba đã khôi phục một cách hân hoan các lời nguyện hàng ngày Mùa Chay, trong khi vẫn cung cấp nhiều lựa chọn cho các mùa phụng vụ khác.

Tôi tin rằng đây là một thí dụ mà ở đó sự quay trở lại truyền thống đã chứng tỏ là lợi ích cho phụng vụ trong hình thức hiện tại của nó.

Sau khi chúng tôi trả lời ngày 7-2 về việc cử hành Thánh lễ Chúa Nhật vào chiều thứ Bảy, một bạn đọc từ Malta hỏi: "Xin cha hãy nhắc lại luật buộc tín hữu tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, và làm thế nào thánh hóa ngày Chúa Nhật. Vợ tôi và con gái làm y tá trên cơ sở thay đổi theo ca, và vào một số Chúa Nhật, họ buộc phải làm việc. Tôi chắc chắn rằng họ được miễn cho bổn phận tham dự lễ Chúa Nhật. Khó khăn của tôi là như sau. Tại sao Sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo không đề cập đến tình hình của các người phải làm việc vào Chúa Nhật, ít nhất là trong phần mà cha đã đề cập đến trong thư trả lời của cha?".

Đáp: Tôi đã không đề cập đến khía cạnh này trong câu trả lời của tôi, vì phần chính của câu hỏi trước đây là ở nơi khác. Các câu hỏi được bạn đọc ấy nêu ra được giải quyết trong Điều 1247 và 1248 của Bộ Giáo luật.

Điều 1247 quy định tín hữu buộc tham dự lễ ngày Chúa Nhật, trong khi điều 1248 (2) nói rằng “Nếu không có tác viên thánh hay vì lý do quan trọng khác khiến cho việc tham dự Thánh Lễ không thể thực hiện được, thì phải hết sức khuyên nhủ giáo dân tham dự phụng vụ Lời Chúa, nếu được cử hành trong nhà thờ xứ hay tại một nơi thánh khác theo như chỉ thị của Giám Mục giáo phận” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Nghĩa của giáo luật là rõ ràng. Sự tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật là bắt buộc, ngoại trừ một "lý do quan trọng". Việc sử dụng cụm từ "lý do quan trọng" cho thấy rằng việc buộc là rất quan trọng. Đối với các luật buộc thừa nhận dễ dàng hơn cho các trường hợp ngoại lệ, giáo luật thường sử dụng các cụm từ như "một lý do chính đáng".

Các quy tắc này áp dụng nguyên tắc giáo luật và luân lý "ad impossibilia nemo tenetur" (không ai bị buộc phải làm điều không thể): Khi có một sự bất khả thi khách quan, thì luật buộc liên quan biến mất. Vì lý do này, Hội Thánh khuyến cáo, nhưng không bắt buộc, rằng người Công Giáo nên thánh hóa ngày Chúa Nhật theo một cách khác, chẳng hạn như tham dự buổi cử hành Rước lễ, theo dõi một Thánh lễ truyền hình, hoặc cầu nguyện ở nhà.

Một sự bất khả thi khách quan không phải lúc nào cũng là một tình huống nguy kịch. Thí dụ về khả năng bất khả thi khách quan có thể là tuổi già, bệnh tật, nhu cầu chăm sóc một người bệnh, hoặc các biến đổi theo mùa làm cho việc rời khỏi nhà trở nên nguy hiểm. Người Công Giáo nào tham gia vào các công việc cần thiết trong ngày Chúa Nhật, như cảnh sát, nhân viên y tế và tiếp viên hàng không cũng được miễn luật buộc, khi làm nhiệm vụ.

Không phải lúc nào cũng dễ dàng đánh giá cái gì là khách quan, vì điều kiện là khác nhau giữa người này với người khác. Tuy nhiên, người Công Giáo không nên quá dễ dàng trong việc đánh giá các khó khăn của họ, và nên muốn có các sự hy sinh hợp lý để tham dự Thánh lễ.

Do đó, trong trường hợp của vợ và con gái của bạn đọc trên đây, bất cứ khi nào họ phải trực vào ngày Chúa Nhật tại bệnh viện, họ có thể được coi là miễn dự lễ Chúa Nhật, nếu ca làm việc cản trở một cách khách quan việc tham dự Thánh lễ Chúa Nhật.

Họ nên, nếu có thể được, tham dự thánh lễ vào chiều tối thứ bảy, hoặc ít nhất là cố gắng thánh hóa ngày Chúa Nhật theo một cách khác. (Zenit.org 27-2-2018)

Nguyễn Trọng Đa

Đọc nhiều nhất Bản in 28.02.2018 17:08