Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giá trị của thể xác trước mặt Thiên Chúa

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

Chúa Nhật XVIII Mùa Thường Niên/A

(Mt 14,13-21)

Ðâu là ý nghĩa cụ thể của phép lạ "Bánh hóa nhiều"?

Thánh sử Mát-thêu viết: "Ðức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương" (Mt 14,14). Vâng, tình thương và lòng nhân từ của Chúa Cứu Thế đối với loài người thật vô cùng. Người đã đến trong thế gian để cứu vớt tất cả mọi người và để làm hòa họ lại với Chúa Cha. Và tình yêu của Ðức Giêsu đối với chúng ta rất thực tiễn và cụ thể. Người không chỉ là vị giảng thuyết luân lý bằng lời nói suông, nhưng với những hành động cụ thể. Người đã đến trong thế gian và đã thực sự chia sẻ nỗi đau khổ, sự bần cùng của con người. Người đã hoàn toàn dấn thân để kiến tạo một thế giới nhân bản hơn. Mục đích của sứ mệnh mà Chúa Cha đã giao phó cho Người là con người toàn diện và cụ thể, tức con người bằng xương bằng thịt như bạn và tôi, con người với linh hồn và thể xác.

Vâng, không chỉ linh hồn mà thôi, nhưng cả linh hồn và thể xác. Ðức Giêsu không phải là đồ đệ của học thuyết Duy lý thuần túy Platon hay của phái Nhị nguyên Manichäus, nhưng là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, là Ðấng Cứu Thế trần gian. Qua Người, Thiên Chúa Cha đã dựng nên chúng ta gồm có xác và hồn (x. Ga 1,3). Vì thế, thánh Phaolô đã có lý khi viết cho giáo dân ở Cô-rin-thô: "Thân thể anh chị em là thành phần của Ðức Kitô, là đền thờ của Chúa Thánh Thần" (1Cr 6,15-19).

Chỉ loài người chúng ta là những tạo vật duy nhất gồm hai phần, vừa có hồn và vừa có xác. Cả hai đều quan trọng trước mặt Thiên Chúa, mặc dù mỗi phần mang một giá trị riêng, chứ không ngang bằng nhau. Qua bài Tin Mừng hôm nay chúng ta nhận ra được một cách rõ ràng thái độ và cách cư xử của Ðức Giêsu: Sau khi đã loan báo cho dân chúng về Nước Trời và niềm hy vọng vào sự cứu rỗi, Người đã chữa lành các bệnh nhân và làm phép lạ cho bánh hóa nhiều để đám đông dân chúng ăn no nê trước khi Người giải tán họ và cho họ ra về. Chắc hẳn thái độ đầy nhân bản đó là nền tảng cơ bản và mục đích cho những hoạt động xã hội và bác ái của Giáo Hội. Nhưng điều đó cũng muốn nói rằng thân thể hay thể xác chúng ta mang một giá trị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa. Thân thể chúng ta là một ân huệ quý báu Thiên Chúa ban và là đền thờ của Chúa Thánh Thần (x. 1Cr 6,15.19). Vì thế, mỗi người phải thực sự tôn trọng thân thể mình cũng như thân thể của kẻ khác như đền thờ của Thiên Chúa vậy. Nếu không, chúng ta sẽ phải đối mặt với lời cảnh cáo nghiêm trọng của tác giả lá thư gửi Cô-rin-thô: "Ai phá hủy đền thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ phá hủy kẻ ấy. Vì đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh em!"( 1Cr 3,17).

Một điểm quan trọng khác chúng ta cũng phải ghi nhận ở đây là Ðức Giêsu đã không làm phép lạ cho bánh hóa nhiều từ không khí, nhưng từ năm tấm bánh và hai con cá đã có sẵn. Vâng, Thiên Chúa đã dựng nên trời đất và muôn loài không cần sự cộng tác của con người, nhưng khi Người muốn cho con người có cơm ăn áo mặc, Người lại cần đến sự cộng tác của con người. Thiên Chúa luôn luôn mở rộng vòng tay để ban cho chúng ta mọi ơn phúc, nhưng Người không ban cho chúng ta điều gì mà lại không cần đến sự cộng tác của chúng ta. Ðúng vậy, ngoài lời cầu nguyện của mình, chúng ta còn phải thành tâm cộng tác với Chúa theo khả năng cho phép, hầu Người có thể làm thỏa mãn được những lời khẩn cầu chính đáng của chúng ta và để giải thoát chúng ta khỏi sự khốn cùng của mình. Ðó cũng là ý nghĩa lời thánh Augustinô: "Ðể dựng nên con, Chúa không cần có con, nhưng để thánh hóa con, Chúa cần có con." Vậy, sự cộng tác của chúng ta là điều kiện tất yếu cho lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng sự cộng tác của chúng ta trong lời cầu nguyện không phải là điều kiện tất yếu để Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta. Vì Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta là do tình thương và lòng nhân hậu bô biên của Người, chứ không do bất cứ sự ràng buộc hay điều kiện nào về phía nhân loại.

Nói tóm lại, chúng ta hãy đầy lòng tin tưởng chạy đến cùng Thiên Chúa với tất cả những gì chúng ta có, với toàn diện con người thật của mình, với mọi ưu khuyết điểm của nó! Chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Linh tự do hành động trong chúng ta, hầu mỗi người thực sự xứng đáng trở thành ngôi đền thờ cho Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị.

class="author">Lm Nguyễn Hữu Thy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.08.2008. 18:15