Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Duy hiệu năng

§ Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Chúa Nhật I Mùa Chay C

Cần khẳng định với nhau rằng câu chuyện Chúa Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang mạc mà ba Tin mừng Mừng Matthêu. Maccô và Luca đều tường thuật là một kinh nghiệm riêng của Đấng Cứu Thế phải là do chính Người chia sẻ. Khi nghe nói rằng Chúa Giêssu chịu cám dỗ để làm gương cho nhân loại chúng ta thì rất dễ bị hiểu lầm. Người không làm gương trong việc bị cám dỗ. Việc mà Người làm gương đó là chiến đấu với ma quỷ và qua đó vạch trần mưu mô thâm độc, xảo quyệt của nó. Thánh sử Luca ghi rằng việc Chúa Giêsu vào hoang mạc là do Thánh Thần thúc đẩy. Dĩ nhiên mục đích mà Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang mạc là để chiến đấu với ma quỷ, và việc bị cám dỗ chỉ là mặt trái của việc chiến đấu.

Cám dỗ ai đó làm điều xấu thì rất dễ bị lộ diện, trái lại cám dỗ người ta làm điều tốt bằng những phương thế không chính đáng thì quả là quỷ quyệt. Ma quỷ đã dùng diệu kế này để cám dỗ Chúa Cứu Thế. Và chúng ta có thể gọi tên cái diệu kế ma quỷ dùng đó là “duy hiệu năng”. Khi khởi đầu hay bắt tay vào công việc gì đó, ai cũng muốn thành công, đạt kết quả tốt đẹp. Ma quỷ thừa biết Chúa Kitô đến thế gian là để thực hiện công trình cứu độ. Và nó chỉ tìm cách cám dỗ Người cứu độ con người bằng những phương thế trái với thánh ý Chúa Cha mà thôi. Dù biết rằng “mục đích không thể biện minh cho phương tiện”, thế nhưng để chiến đấu với chước mưu cám dỗ này không phải là dễ, nếu không muốn nói ngược lại là rất cam go. Qua các chước cám dỗ mà Chúa Giêsu chịu trong hoang mạc, chúng ta cùng nhận diện ý đồ của thần dữ:

1. Cứu độ con người cách phiếm diện:

Ma quỷ không cám dỗ Chúa Cứu Thế không yêu thương nhân loại, nhưng nó cám dỗ Người yêu thương cách phiếm diện. Nếu chỉ lo cho con người về vật chất, cơm áo gạo tiền hay sức khỏe phần xác mà thôi thì chưa thể gọi là yêu thương. Trái lại chỉ lo cho phần linh hồn mà thôi cũng chưa hẳn là yêu thương con người. Chúng ta đừng quên chân lý này: con người là một thực thể duy nhất xác hồn. Khi Chúa Giêsu trả lời với thần dữ rằng “con người không nguyên chỉ sống bằng cơm bánh mà còn bằng mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”, thì Người cũng hàm ý rằng con người không nguyên chỉ sống bằng lương thực thiêng liêng mà còn bằng cơm bánh cùng với hoàn cảnh xã hội, môi sinh, với các cơ chế luật lệ…

Quả thật đoàn tín hữu Chúa từ chủ chăn đến con chiên vẫn mãi bị thần dữ cám dỗ yêu thương đồng loại cách phiếm diện. Có lúc thì chúng ta thể hiện tình yêu bằng những giúp đỡ của cải, vật chất và lại có khi chúng ta chỉ biết chăm chăm lo việc linh hồn. Ngay cả thời kỳ sơ khai, chước cám dỗ này đã xuất hiện và thánh Giacôbê cũng đã từng cảnh báo (x.Gia 2,14-16).

2. Cứu độ con người bằng sự thỏa hiệp với thần dữ, với các mãnh lực đen tối, xấu xa:

Để đạt hiệu năng, nghĩa là được thành quả như mong muốn, người ta cũng dễ nghiêng chiều việc bắt tay, thỏa hiệp với thần dữ và những người theo nó cách nào đó. Chúa Kitô đã phản ứng cách cương quyết với chước cám dỗ này khi quát nạt thần dữ: “Hãy xéo đi!”(Mt 4,10).

Qua dòng lịch sử và ngay cả hôm nay, chúng ta, Kitô hữu, nhất là những người lãnh đạo rất dễ nghiêng chiều chước cám dỗ này. Để được việc, để khỏi bị gây khó dễ, để có thể hành đạo, để mở mang nước Chúa (!).., thì có thể đã có người đã bắt tay với thần dữ, với thuộc hạ của nó. Cộng tác cách tích cực thì hình như rất ít, nhưng chúng ta rất có thể thỏa hiệp với chúng bằng sự thinh lặng. Thinh lặng trước nạn bất công, trước sự độc quyền, không lên tiếng khi công ích, nhất là khi lợi ích của người nghèo bị xâm phạm… là một hình thức thỏa hiệp không hơn không kém. Phải khẳng định với nhau rằng dù với bất cứ mục đích tốt nào đi nữa cho dù đó là để cho giáo hội được phát triển, cho công việc mục vụ được thuận lợi thì đều phải tuân thủ quy tắc luân lý“mục đích vẫn không thể biện minh cho phương tiện”. Hối lộ luôn là một phương thế xấu. Thế mà chuyện “chạy chọt” để được lập xứ, họ, để được phép xây Nhà Thờ, thậm chí “để được chịu chức”…không phải là chuyện hy hữu của một thời đã qua. Và chúng ta có thể bị cám dỗ dùng chính Lời Chúa để biện minh rằng mình chỉ “dùng tiền của bất chính để mua lấy bạn hữu” (!).

3. Đạt kết quả bằng cách giao khoán hoàn toàn:

Khi ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu gieo mình xuống từ nóc đền thờ Giêrusalem là nó cám dỗ Người ỷ lại vào tình yêu của Chúa Cha hoặc bắt Chúa Cha phải làm theo ý riêng mình. Cũng tương tự việc quá ỷ lại vào tình thương của Chúa, khi chúng ta một cách nào đó buộc Chúa phải làm theo ý riêng mình là một hình thức lỗi đức trông cậy. Xin chớ quên rằng ngay từ đầu buổi sáng tạo, Thiên Chúa đã trao phó cho con người, là hình ảnh của Người niềm vinh dự và cũng là bổn phận cộng tác vào chương trình tạo dựng của Người (x.St 1,27-28).

Khoanh tay ngồi chờ cách thụ động và chỉ biết kêu xin mẹ cha ra tay nâng đỡ thì chưa phải là người con ngoan. Ngay cả người đời cũng đã thầm hiểu chân lý“Aide toi, le ciel t’aidera”, đó là hãy nỗ lực gắng sức rồi trời sẽ phù trợ chúng ta. Muốn đạt đến kết quả bằng con đường giao khoán hoàn toàn cho Thiên Chúa là một phương thế không hợp đạo và cũng chẳng phải lẽ chút nào.

Bước vào Chúa Nhật đầu Mùa Chay thánh, bài Tin mừng giáo hội cho trích đọc cả ba năm A, B,C đều tương thật sự kiện Chúa Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang mạc. Mùa Chay còn được gọi là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Và đối thủ của chúng ta chính là ma quỷ. Nhận diện được chiến thuật của ma quỷ ắt sẽ giúp chúng ta cảnh giác, canh phòng. Xin hãy nhớ chước cám dỗ “duy hiệu năng” là chước cám dỗ thật khó lường mức độ nguy hiểm lẫn sự tác hại. Chúa Kitô không chỉ làm gương cho chúng ta cách thế chống trả chước cám dỗ của thần dữ mà còn giúp chúng ta nhận ra chiến thuật tinh quái của nó.

Không dám to gan khẳng định những ai đã thua chước cám dỗ, nhưng có thể khẳng định rằng ma quỷ không chừa một ai mà không cám dỗ. Cám dỗ duy hiệu năng luôn có đó. Môn đệ không trọng hơn thầy. Ma quỷ đã từng cám dỗ Chúa Giêsu thì các môn đệ của Người là Giáo hoàng, Hồng y, Giám mục, Linh mục hay Tu sĩ thì nó cũng chẳng chừa. “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ !” Thiên Chúa không hề cám dỗ ai và chắc chắn Người không bao giờ muốn bất cứ một ai phải sa chước cám dỗ. Như thế cầu nguyện là để ý thức tình trạng đang bị cám dỗ của mình cũng như tình trạng đã sa chước cám dỗ của mình để rồi nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta biết chỗi dậy hoặc biết chiến đấu với chước cám dỗ cách hữu hiệu như Chúa Kitô đã chiến đấu và đã chiến thắng.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 25.02.2010. 22:33