Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đường Hội thánh là đường loan Tin Vui

§ Gioan Lê Quang Vinh

Từ ngày bắt đầu hiểu được Lời Chúa trong Phụng vụ của Hội Thánh, tôi vẫn chú ý rằng việc sắp xếp các bài đọc thường theo tiêu chí phù hợp với Mùa Phụng vụ, và nếu là trong các ngày Quanh năm thì các Phúc Âm theo thứ tự các sách Tin Mừng (cha giáo sư Phụng vụ G.B. Trần Ngọc Quỳnh sinh thời nói rằng khi không có mùa nào đặc biệt mới gọi là Quanh năm, thế nên gọi “Mùa Quanh năm” là dư thừa). Nghĩa là tôi vẫn nghĩ Lời Chúa không đi theo những biến cố trong cuộc đời dân thánh Chúa. Nhưng càng lớn lên và càng chứng kiến những vui buồn trong đời sống Hội Thánh, tôi nhận ra Lời Chúa đi sát với mọi biến cố cuộc đời và là lời giải cho mọi vấn đề của cuộc sống một cách rất cụ thể và thật gần gũi. Nói cách khác, nếu tinh ý nhận xét, tất cả mọi khía cạnh Lời Chúa đều là kim chỉ nam và đồng thời là sức mạnh cho dân thánh trong mọi tình huống họ gặp phải.

Khi cường quyền đập bỏ Thánh Giá cứu độ, khi đủ loại nhân viên thượng vàng hạ cám đánh dân Chúa đổ máu đào ra, làm cho dân Chúa hoảng loạn, tôi mở Tin Mừng của ngày Chúa Nhật thứ 3 năm C và đọc: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc.4,18-19).

Chính lúc Hội Thánh Việt Nam đau khổ và bối rối, Lời Chúa không phải là lời thúc ép hành động để bảo vệ quyền lợi trước mắt, mà là lời “loan báo Tin Vui”. Việc loan báo Tin Mừng này không phải là công việc phụ thêm, mà là bổn phận chính yếu của mọi người Kytô hữu, không trừ ai. Người loan tin vui đã được Thần Khí Chúa “tấn phong” và “sai đi”. Cách đây ít lâu có một em học viên giáo lý kể với tôi là em đọc thấy có một người nọ đã viết bài cố chứng minh rằng không phải Thần Khi Chúa sai đi mà là Thần Khí đi cùng, và anh ta kết luận bài thánh ca cảm động “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi” là… sai! Thật ra người ấy chỉ viết đúng nửa vời. Phải nói là Thần Khí Chúa sai đi và Ngài cùng đi với họ. Từ “sai đi” (bản văn Hy lạp: ἀποστέλλω, apostello) đã được sử dụng nhiều lần trong Tân Ước, và người được sai đi thì làm theo huấn lệnh của Đấng đã sai họ đi.

Thế nhưng, lệnh truyền loan Tin Mừng không chỉ nhắc đến nội dung loan báo thời gian cứu độ, loan báo mùa hồng ân, mà là việc loan báo ấy còn xác định rõ đối tượng nghe Tin Mừng. Đó là người nghèo hèn, người bị áp bức, người mù loà… Đường Hội Thánh đi như thế đã được Đức Kytô vạch ra ngay từ khi Người bắt đầu rao giảng Tin Mừng. Con đường ấy không phải là đi đến nơi vua chúa ở cung vàng điện ngọc, với những thế lực lăm le thổi phù chú lên dân Chúa. Con đường ấy cũng chẳng phải là đối thoại nhẹ nhàng với những con người thiếu thiện chí. Với bọn Pharisiêu giả hình và bọn đổi bạc trong Đền Thờ, chẳng có gì để đối thoại, lý do là “chúng có mắt mà như mù, có tai mà như điếc”. Chúa Giêsu cũng chẳng đặt vấn đề là có phải lên tiếng hay không, bởi vì sứ mạng người được sai đi là sứ mạng “loan báo”.

Cũng không thể biện minh rằng nguyên sự hiện diện cũng là loan báo. Giữa một thế giới có quá nhiều âm thanh náo loạn và quá nhiều sự hiện diện của những khuôn mặt thù nghịch với Thánh Giá Đức Kytô, thì người loan báo không thể chỉ đến rồi đi, mà là lên tiếng, thậm chí còn phải gây tranh cãi gay gắt nữa, bởi vì sự hiện diện và loan báo công lý có thể gây bất hoà giữa cộng đoàn vì ở đâu cũng có người chống lại Lời hằng sống và công lý (xem Mt. 10,34-36).

Những vấn đề con người đặt ra hôm nay để im hơi lặng tiếng không hề và không bao giờ là vấn nạn của Tin Mừng. Chúa Giêsu kiện toàn lề luật, và luật ấy là thế này: Hãy ra đi, loan báo Tin Vui, và loan cho người nghèo đói khốn khổ bệnh tật và bị áp bức. Có chín từ trong mệnh lệnh tối cao này: “Được Sai Đi – Loan Tin Vui – Cho Người Nghèo”. Không thể có sự giải thích nào khác.

Ở đây cũng xin mở ngoặc nói thêm, sở dĩ Sứ điệp của Công Hội Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam (12/6/2009) được dân Chúa vui mừng đón nhận và hiệp thông, là bởi vì quyết định có vẻ mới mẻ bứt phá ấy lại bắt nguồn sâu xa từ đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay đây, và đi đúng từng lời của Tin Mừng, “dấn thân mạnh mẽ hơn nữa trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cho người nghèo” (số 4).

Người môn đệ đích thực không chứng minh “có được sai hay không”, “loan báo cho ai”, “nói hay không nói”. Những lý luận ấy không phát xuất từ Thần Khí, mà phát xuất từ những động lực khác, danh tiếng hay sự bình an cho riêng mình, sự bình an mà thế gian có thể ban tặng cho họ, thứ bình an “bề ngoài thơn thớt nói cười”. Còn bình an của người được sai đi là “bình an mà thế gian không ban cho được”. Khi người ta ráng tìm bình an của thế gian bằng cách biện minh “tại sao tôi không nói”, lập tức họ thấy bất an vì mặc cảm và vì đủ thứ áp lực chung quanh. Còn những con người dám loan tin vui, xin được lấy ví dụ các linh mục tu sĩ và giáo dân lâm nạn ở Đồng Chiêm, thì họ được bình an thật, vì họ là những người thiện tâm dưới thế.

Hội Thánh đón nhận mệnh lệnh loan Tin Vui ngay từ ngày Chúa Giêsu khởi sự chọn bốn môn đệ đầu tiên, trong ngày Phục Sinh và ngày Người lên Trời. Và Hội Thánh thực sự ra đi muôn phương theo lệnh truyền Đức Kytô từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống trên những thành viên đầu tiên trong Hội Thánh. Cùng với công cuộc loan Tin Vui, có những vu cáo, bách hại, đau khổ và cái chết nữa. Tin Vui là tin Phục Sinh cứu độ, và đau thương chính là đường thập giá gắn liền với sứ mạng Đấng Thiên Sai và môn đệ của Người.

Đức Giêsu gấp sách lại trong Hội đường Do thái, và Người mở ra con đường mới cho môn đệ Người. Xin đừng in lặng nữa, xin đừng đứng lại một chỗ, xin đừng giấu biệt Tin Mừng và xin đừng bỏ rơi người nghèo khổ, người bị áp bức. Không có một dòng tu, một vị trí hay một con người nào trong Hội Thánh dành riêng truyền giáo cho giai cấp cao sang, cho người học thức hay cho người có quyền hành. Tất cả phải dành cho người nghèo hèn, người bị áp bức. Và người cao sang, người quyền thế, người có học thức, phải tự nhận ra cái nghèo hèn thiếu thốn của mình với lòng khiêm hạ thì mới có khả năng đón nhận được Tin Mừng.

Lạy Mẹ là Đấng đã đem Tin Vui đến cho bà Elizabeth, đem Tin Vui cho các mục đồng và rồi cho toàn thể nhân loại, xin Mẹ giúp Hội Thánh Việt Nam chúng con cất cao lời loan báo Tin Vui, vì Chúa đã làm cho Mẹ và cho chúng con biết bao điều cao trọng. Amen.

Gioan Lê Quang Vinh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 21.01.2010. 16:37