Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đường Dài Mới Biết Ngựa Hay

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng (Năm C)
Lc 21, 25 – 28.34 – 36

Sóng Thần ở Haeundae” [Hải Vân Đài] là bộ phim Hàn Quốc ăn khách nhất năm 2009, được công chiếu ngày 22 tháng 7 (2009) và ra mắt khán giả Việt-Nam từ 25 tháng 9, trên hệ thống rạp Megastar toàn quốc. Hải Vân Đài miêu thuật lại cơn sóng thần kinh hoàng ập đến Busan, thành phố biển du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc. Khác với những bộ phim Mỹ có chung đề tài (chẳng hạn bộ phim “2012”,cũng trình chiếu năm nay), bộ phim Hải Vân Đài không tập trung khắc họa một cá nhân anh hùng trong thảm họa, mà chủ yếu hướng đến tính cách, sự ứng phó của dân chúng khi tai họa ập đến một cách bất ngờ. Toàn bộ phim là câu chuyện sự thay đổi tính cách của con người một cách mạnh mẽ trước và sau khi xảy ra thảm họa.

Chỉ non một tháng nữa, ngày 26 tháng 12 (2009), người dân các nước vùng Ấn Độ Dương sẽ tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân thảm họa sóng thần 2004. Đã năm năm rồi, nỗi kinh hoàng và nỗi đau trong lòng người ở lại vẫn chưa nguôi. Trận sóng thần sau một trận động đất mạnh vào sáng ngày 26-12-2004 đã giết chết khoảng 230.000 người tại 12 quốc gia Ấn Độ Dương. Cách đó gần hai ngàn năm, núi lửa Vésuve ở Ý bùng phát vào năm 19 sau Công nguyên, cũng đã chôn vùi thành phố Pompéi dưới lớp mưa tro than, bùn và nham thạch dày hơn sáu mét. Những thiên tai kinh hoàng vẫn liên tục xảy ra,trong đó phải kể đến những cơn siêu bão như Katrina, tàn phá cả thành phố New Orleans, bang Louisiana, Hoa Kỳ, vào năm 2005; những cơn tâm chấn ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), sóng thần ở Samoa và cả những cơn bão lũ càn quét đất nước Phi-Luật-Tân, gây ra lụt lội khi vào Việt-Nam, tuy ‘chẳng ra gì’,nhưng cũng giết hết hàng trăm sinh mạng và phá hủy vô số nhà cửa, mùa màng. Lụt ở đồng bằng, lụt ở trung du, lụt cả trên núi, lụt do mưa bão, lụt cả do sự ngu ngốc trơ tráo của những người xây đập, khiến dân nghèo thêm lầm than điêu đứng, tạo dịp cho đám mọt dân bòn rút, bớt xén, ăn chận gạo tiền cứu trợ và hân hoan đổ thừa cho thiên tai phá hại những công trình ăn gian làm dối của họ.

Thiên tai là thế, nhưng ‘nhân tai’ còn ghê sợ và đáng sợ hơn nhiều. Hơn ba ngàn người trong hai toà cao ốc Trung Tâm Thưong Mại New York (Hoa Kỳ) không biết hoặc bất lực trước cái chết ập đến trong thời gian ngắn ngủi ngày 11 tháng 9 năm 2001. Chỉ những tay thủ ác điên cuồng khát máu và giáo lý sai lạc được người ta nhồi nhét vào đầu óc điên rồ của chúng, rằng như vậy là tử vì đạo, mới biết. Chỉ những kẻ sống sót sau hai quả bom nguyên tử thả xuống hai thành phố nước Nhật ngày 6 và ngày 9 năm 1945, mới hiểu được sức mạnh hủy diệt kinh hoàng của loại vũ khí lần đầu tiên đem ra dùng nầy: 140.000 người ở Hiroshima và 70.000 người ở Nagasaki đã ‘biến mất’ trong tích tắc, dưới sức công phá và sức nóng khủng khiếp của hai ‘cây nấm’ nguyên tử. Con người dùng tài năng của mình để tiêu diệt đồng loại. Chiến tranh, xung đột sẽ còn mãi, dập tắt nơi này, lại bùng phát nơi khác, vì không có chém giết, thì số vũ khí hàng ngàn tỷ đô-la Mỹ sản xuất hằng năm biết bán cho ai. “Nhân tai” rõ ràng có sức hủy diệt gấp nhiều lần bất cứ thiên tai nào : mỗi năm trên toàn thế giới có hơn 45 triệu vụ nạo phá thai, mà chỉ riêng Việt Nam (hơn 2 triệu), Trung Quốc (hơn 13 triệu) và Nga (4,6 triệu) đã “đóng góp” mỗi năm gần một nửa con số ấy, trong khi con số tử vong trong thế chiến thứ hai do đủ loại vũ khí hiện đại nhất, lan rộng hầu khắp thế giới, trong 6 năm trời, cũng chỉ tương đương! Việt Nam đất nước giàu truyền thống, ”đậm đà bản sắc dân tộc”, lại đứng đầu rất nhiều thứ xấu xa : tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới; số người truy cập sex trên Internet nhiều nhất thế giới, bỏ xa Ấn độ và Nga; số người đen đỏ trên mạng cao nhất thế giới; tuổi phạm tội ác dã man trẻ nhất thế giới! Thiên nhiên xinh đẹp và hào phóng bị bàn tay con người tham lam,vô tâm và vô trách nhiệm phá hủy không thương tiếc, để rồi trái đất hứng chịu hạn hán, lũ lụt, đói khát, đủ thứ đại dịch chưa từng có trong lịch sử loài người. Ngạn ngữ Trung Hoa có câu : Chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu. Trồng dưa cho dưa, trồng đầu cho đậu. Gieo gì, ắt sẽ gặt nấy. Đừng có mà đổ lỗi hoặc than trách Thiên Chúa. Cái lạ nơi nhiều người, là hoàn toàn bị ‘trơ’ trước đau thương mất mát của người khác, ‘chai đá’ trước bao tội lỗi (và cả tội ác) mình phạm, nhưng lại hết sức ‘nhạy bén’ trong việc than trách ‘ông trời’ khi gặp một chút rủi ro, bất hạnh. Họ dễ dàng tìm giải thoát qua cái chết.

Ngày 13 tháng 11 vừa qua, cơ quan Nasa Hoa Kỳ đã tạo ra một vụ nỗ lớn trên mặt trăng và khám phá ra một lượng băng mà họ tin là không nhỏ trong bề dày mặt trăng. Với những nhà khoa học chân chính, khám phá ấy càng cho thấy quyền năng và trí khôn vô biên của Đấng Tạo Hoá, giống như lần đầu phi hành gia Sheppard bay vào qủy đạo và chỉ biết xướng lên kinh Tin Kính (Credo) vì quá ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của muôn vàn tinh tú, khác với thái độ “ếch ngồi đáy giếng” đáng thương hại của người Nga cộng sản vô thần Gagarine trước đóả 23 ngày (12.04.1961). Khi được phóng lên qủy đạo, mắt anh ta chỉ liến láo nhìn tứ bề và mau chóng ‘gọi’ về “trái đất’, cho những đồng bào cũng ngốc nghếch đáng thưong chẳng kém anh, rằng anh ta đã nhìn rất kỹ, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy Đức Chúa Trời đâu hết! Tin tức có nước trên mặt trăng khiến người ta hy vọng một ngày không xa sẽ có thể sinh sống bên ngoài hành tinh ngày càng tỏ ra chật hẹp và đầy đe doạ này, nhưng cũng làm cho những kẻ vô thần hí hửng, vì nghĩ rằng sẽ có thể ‘ăn nói’ với Giáo Hội Công giáo, về tạo dựng, về nguồn gốc con người, về nguyên tội, về Chúa Kitô và mầu nhiệm cứu chuộc, về sự sống đời sau : theo họ, toàn là những điều bịa đặt dối trá. Với họ, có nước là có sự sống, quên mất rằng sự sống nầy tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng phức tạp và sẽ cần 13, 5 tỷ năm nữa để nước trên mặt trăng – theo cách họ nghĩ – hình thành một ‘thứ như con người”, chưa kể vô vàn điều kiện, yếu tố đan xen phức tạp ngoài mọi dự liệu.

Những con người cầu nguyện theo Thánh Vịnh (Tv 8) và theo Chúa Giêsu (Mt 11,25 – 30) chỉ cần ngước mắt lên trời, nhìn xem đại vũ trụ và trật tự an bài; nhìn xem tiểu vũ trụ (con người) và những kỳ công nơi từng bộ phận trong ngoài cơ thể, cũng quá đủ để sấp mình cảm tạ và thờ lạy Thiên Chúa, không chỉ vì sự cao cả, toàn năng và thánh thiện của Người, mà chủ yếu vì tình yêu thương vô biên của Người đối với loài người tội lỗi, đối với thân phận tro bụi bất xứng của mỗi chúng ta. Chỉ có người điên mới suy nghĩ như những kẻ vô thần. Chỉ có người si mê nhân loại và mỗi con người đến điên cuồng, mới hành xử như Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao con người đặt trọn tin cậy và hy vọng nơi Chúa .Tên gọi khác của niềm tin và hy vọng là “tỉnh thức và cầu nguyện”: tỉnh thức để luôn giữ lòng tin cậy; cầu nguyện để hy vọng lớn lên và đơm bông kết trái. Khi tin cậy vững vàng, con người không còn sợ bất cứ biến động gì trên trần gian, trái lại qua đó ‘đọc’ được thánh ý Chúa. Khi hy vọng, môn đệ của Chúa sẽ đứng vững trước mọi thử thách, cám dỗ của ma qủy, vì ‘luôn có Chúa ở cùng chúng ta - Emmanuel”. Và đó là ý nghĩa của Mùa Vọng mà Giáo Hội mời gọi chúng ta sống.

Người xưa có câu : “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”. Con người biết được ngày tháng mình sinh ra trên cõi đời nầy, nào ai biết được khi nào mình sẽ rời bỏ nó. Vì thế người khôn ngoan phải nhận chân cùng đích đời mình và để đạt được nó,thì phải chuẩn bị cách tỉnh thức và sẵn sàng. Đường xa mới biết ngựa hay. Linh hồn, thân xác chúng ta phải là con ngựa thuần chủng, ngựa hay, ngựa được tập luyện, để không thành ngựa chứng phản chủ, không bỏ cuộc nửa vời, không sợ hãi trước tiếng gầm thét, súng đạn, chết chóc, hy sinh trong cuộc chiến đức tin. Làm gì có thiên-lý-mã (mỗi ngày chạy ngàn dặm) nơi những Kitô hữu không dám tuyên xưng Danh Chúa Kitô giữa những người khác. Làm gì có hãn huyết mã (chạy xa chỉ ra mồ hôi màu máu) nơi những Kitô hữu ươn ái ,bỏ bê việc đạo đức và cứ tự an ủi, đắm mình trong thú vui chè chén, dâm ô và biện hộ rằng “đạo tại tâm”. Sai phạm ,theo họ, vốn dĩ là tính con người. Làm gì có ngựa hay nơi các Kitô hữu không biết chia sẻ cho người nghèo và người bất hạnh. Làm sao có được ‘ngựa hay’ (chứ không chỉ ‘ngựa tốt’) nơi các tín hữu – linh mục, tu sĩ, giáo dân – không hiệp nhất và vâng phục, thậm chí còn chỉ trích bêu rếu Đức Thánh Cha, hoặc gieo ‘nọc độc’ sai lầm giáo lý cho anh em .

Trong cuốn Zarathoustra đã nói như vậy của triết gia triết lý ‘Siêu Nhân’ Nietzsche, nhân vật Zarathoustra,- sau 10 năm tu luyện trên núi, đã tìm ra chân lý và đi vào các đô thị để truyền bá tư tưởng của mình, - cho rằng Thiên Chúa đã chế ngự thế giới mấy ngàn năm rồi và giờ đây con người phải tự giải thoát lấy và để tái tạo thế giới, con người phải là những đứa bé, những vị thần và. Ông khuyên mọi người hãy sống trong hiểm nguy, sống sát núi lửa Vésuve, sống trong chiến tranh và sống với quả đất nầy. Phải chăng trong những mâu thuẫn về suy diễn các công thức, sự thất bại về tình cảm, sự nhu nhược ốm yếu của cơ thể, sự bất mãn với tôn giáo, thái độ cá nhân chủ nghĩa, đối kháng với quần chúng (của nhân vật Zarathoustra), những suy nghĩ của Nietzsche nhắc cho chúng ta một điểm cần thiết : in hac lacrimarum valle (trong thung lũng nước mắt nầy. Kinh Salve Regina), phải tỉnh thức và cầu nguyện.

Ai bền đỗ tới cùng, sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22)

Hãy Hát Lời Tình Yêu - Thánh Vịnh 25

“Xin anh em cầu nguyện cho chúng tôi. Đã hẳn, chúng tôi tin chắc mình có lương tâm ngay lành, vì đã quyết tâm sống tử tế trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, tôi tha thiết xin anh em cứ làm như thế [cầu nguyện cho chúng tôi]”. Đó là lời Thánh Tông Đồ viết trong thư gửi tín hữu Do Thái (Dt 13,18 – 19). Ở nơi khác,Thánh Phaolô cũng tuyên bố như vậy :”Quả thật tôi không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính. Đấng xét xử tôi, chính là Chúa (I Cor 4,4). Thật hạnh phúc khi đọc lại những đoạn văn nầy trước khi cầu nguyện với Thánh Vịnh 25, mà linh mục đọc lúc rửa tay (lavabo) mỗi khi dâng Thánh Lễ. Đây là một lời cầu nguyện thiện chí. Và chúng ta ý thức được điều đó. Và chúng ta phải bày tỏ với Chúa. Mọi sự tự kiêu và tự mãn sẽ làm chúng ta mất đi điều đó. Chúng ta thưa với Chúa những gì chúng ta nhìn thầy bên trong con người chúng ta và biết rằng đó là công trình của Người. Kế đến,trong Giáo Hội,có những kẻ, dưới đất cũng như trên trời, làm điều đó tốt đẹp hơn chúng ta. Khi xướng lên những lời nầy, chúng ta hoà lời kinh ca tụng của mình lên Chúa với các thánh và các kẻ lành, vì họ là huynh đệ của chúng ta và là con cái của Chúa.

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 27.11.2009. 11:42