Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Được nhưng không – Cho nhưng không

§ Anmai, DCCT

Ba bài đọc trong Thánh lễ hôm nay gợi lên cho chúng ta ân huệ của Thiên Chúa ban nhưng không cho con người.

Bài đọc thứ nhất trích sách Xuất hành chúng ta vừa nghe, Đức Chúa nói với Môsê: “Ngươi sẽ nói với nhà Giacob, sẽ thông báo cho con cái Israel thế này: các ngươi thấy Ta đã xử với Ai cập thế nào, và đã mang các ngươi trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta … Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân Thánh” (Xh 19,3b.4.6a).

Thiên Chúa không hề bỏ mặc dân Người. Nhóm người đã được Người chọn, đã từng có liên lạc với Người, dù chỉ một lần thôi, Thiên Chúa không ngơi canh phòng coi sóc. Dân có tội, dân sẽ chịu lấy hậu quả. Một hậu quả như tất nhiên. Cái hậu quả ấy, nói được rằng Thiên Chúa tìm cách giảm đi, dường như giơ tay cản người ta tự huỷ hoại chính mình. Vì lý do nền tảng sự lựa chọn và dẫn đưa Israel là chính lòng mến của Thiên Chúa. Lòng mến ấy không phải là một cảm tình tách rời được với Thiên Chúa, nhưng là chính bản lĩnh tuyệt đối và thánh thiện của Thiên Chúa. Yavê không thể bỏ rơi lòng mến của Người, cũng như không thể rời bỏ thần tính của Người. Thiên Chúa luôn hoạt động trong lòng lân mẫn và thương xót. Thiên Chúa đã yêu thương dân Người, Người không dứt hẳn tình thương của Người.

Nhìn lại lịch sử cứu độ qua các trang sách Thánh, quả thật, Thiên Chúa là một Thiên Chúa hằng luôn trung tín với con người. Thế nhưng con người cứ mang trong mình cái bất trắc, cái tráo trở của phận người để rồi không ít lần Thiên Chúa đã giận dữ và Thiên Chúa đã ví con cái Israel như là một con điếm.

- Thiên Chúa bao bọc chở che, yêu thương nhưng con người không nhận ra đã đi đúc con bò vàng lên thờ.
- Thờ Thiên Chúa không chịu, con người lại đi thờ các thần ngoại bang …

Tóm lại, ta thấy Thiên Chúa trong thời Cựu Ước là một Thiên Chúa luôn luôn thi ân giáng phúc cho con người.

Qua thời Tân Ước thì sao. Trong các thư của Thánh Phaolô, đặc biệt với con người cũng rất đặc biệt như Phaolô, Ngài luôn luôn cảm nhận cuộc đời Ngài là cuộc đời đón nhận ân sủng từ Thiên Chúa dẫu rằng Ngài là con người yếu đuối, tội lỗi, bắt bớ đạo, bắt bớ Chúa. Và qua bài đọc thứ hai Thánh Phaolô cho chúng ta biết một ơn rất quan trọng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta đó là: “Ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà chúng ta được hoà giải với Người” (Rm 5,10b)

Thánh Phaolô một lần nữa xác tín cho chúng ta một điều rằng Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi Chúa đã cho con của Người xuống thế gian và chết cho con người để con người được sống. Thế nhưng nhiều lần nhiều lúc trong các cộng đoàn mà thánh nhân đi rao giảng đã sống ngược lại với Tin mừng, ngược lại với những lời giáo huấn của các tông đồ để lại nên thánh nhân đã có lần phát khóc lên mà nói với cộng đoàn của Ngài: “Chúa của anh em là cái bụng !”. Hoặc là chúng ta khư khư giữ lấy ơn ban tự nơi Chúa hoặc là chúng ta tự hào tự đắc tất cả những gì chúng ta có là do chúng ta làm nên.

Tức lắm, Thánh Phaolô mới nói như vậy nhưng rồi có mấy ai nhận ra tất cả là ân sủng, là ơn ban của Chúa để con người sống đúng mực với cái ân ban đã lãnh nhận. Con người thời các tông đồ, thời hội thánh tiên khởi cũng thế, đã không trân trọng ơn Thiên Chúa ban để rồi nhiều lần nhiều lúc đã phá vỡ ân ban Thiên Chúa đã ban cho một cách nhưng không.

Vấn đề ở chỗ là con người Cựu Ước, thời hội thánh sơ khai hay hội thánh bây giờ cũng thế. Chúng ta, phải nhìn nhận với nhau rằng, dẫu mang trong mình dấu ấn của kitô hữu, nghĩa là người có Chúa Kitô nhưng chúng ta sống không đúng với danh mà chúng ta lãnh nhận. Có Chúa, có tình yêu của Chúa nhưng chúng ta chưa biết chia sẻ với anh chị em đồng loại, chúng ta đã khư khư nhận lấy ơn mà Chúa ban cho chúng ta chứ chúng ta đã đánh mất dần tấm lòng chia sẻ cho người khác.

Palestina có tới hai biển hồ... hai biển hồ này hoàn toàn khác nhau. Một biển hổ thường được gọi là biển hồ Galilêa. Đây là một biển hồ rộng lớn với nước trong xanh mà người ta có thể uống và cá cũng chó thể sống trong đó. Xung quanh hồ này là những vườn cây và thảm cỏ xanh tươi. Nhà cửa cũng mọc lên rất nhiều xung quanh biển hồ này... Chúa Giêsu đã gặp gỡ với những người môn đệ đầu tiên của Ngài tại đây và Ngài cũng nhiều lần đi thuyền xuyên qua biển hổ này.

Biển hồ thứ hai tại Palestina là biển Chết. Đúng như tên gọi của nó, không có sự sống nào trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước mặn đến nỗi cá không sống nổi mà người cũng có thể trở thành bệnh hoạn nếu uống phải.Mùi hôi thối từ biển Chết xông lên khiến không ai muốn sống gần đó.

Có điều kỳ lạ là hai biển hồ này đều nhận nước từ cùng một nguồn là sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển hồ Galilêa rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch khác. Hồ Galilêa nhận lãnh để rồi chia sẻ cho những hồ nhỏ khác, nhờ đó nước của nó luôn trong sạch và mang lại sức sống cho cây cỏ, muôn thú cũng như con người.

Biển Chết cũng nhận nước từ sông Jordan, nhưng nó giữ lấy riêng cho nó do đó nước của nó trở thành mặn chát và hôi thối.

Thánh Phaolô đã ghi lại lời vàng ngọc của Chúa Giêsu như sau: “Cho thì có phúc hơn nhận lãnh”. Thật ra, càng trao ban, người ta càng nhận lãnh trở lại nhiều hơn.

Một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa toả lan. Một vết dầu thả lỏng là một vết dầu loang. Đôi môi có hé mở mới thu nhận được nhiều nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng.

Càng trao ban, càng được nhận lãnh: đó là một định luật sống của con người trong mọi lãnh vực. Tất cả con người chúng ta, tất cả sự sống của chúng ta, tất cả tài năng của chúng ta, tất cả những gì chúng ta có: tất cả đều do Chúa ban tặng. Thiên Chúa ban tặng tất cả cho chúng ta để chúng ta trao ban cho người khác và như vậy, chúng t mới cảm nhận được hạnh phúc đích thực... Cũng như biển hồ Galilêa tiếp nhận nước từ dòng sông Jordan để rồi ban tặng cho những sông lạch xung quanh và nhờ đó,trở thành trong xanh tươi tốt, cũng thế, sự sông chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa chỉ trở thành tươi tốt nếu nó được chia sẻ và trao ban cho ngời khác. Càng giữ lấy riêng cho mình, sự sống trong chúng ta sẽ héo tàn và chết dần chết mòn.

Trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe, Chúa nói với chúng ta nhiều điều nhưng chỉ xin gợi lên một câu câu làm đánh động lòng ta: “Các ngươi nhận được nhưng không thì cũng phải cho nhưng không vậy “Mt 10,8”.

Xét cho cùng, kitô hữu sống trong trần thế này nên đã bị thói đời làm lu mờ đi căn tính của người Kitô hữu.

Ngày hôm nay, nhìn vào cuộc sống, chúng ta thấy rằng một tín hiệu đáng mừng đó là cuộc sống ngày càng phát triển, số người giàu tăng lên. Thế nhưng, chưa vội mừng vì lẽ số người giàu tăng lên thì ít còn số người nghèo thì lại tăng lên, chiếm đa phần trong xã hội.

- Một nữ doanh nhân kinh doanh bất động sản đã bỏ ra vài chục tỷ để mua cho mình một con xe đời mới tận hãng.
- Một cậu thanh niên ngót nghét 30 tuổi đã sở hữu trong tay vài chiếc xe giá cũng trên chục tỷ đồng một chiếc.
- Một đại gia kinh doanh vừa mới làm một cú “sốc” rất đẹp vì đại gia ấy đã bỏ ra gần 120 tỷ đồng để sở hữu cho mình một chiếc máy bay.

Đương nhiên là họ làm ra tiền họ có quyền hưởng thụ vì đó là tự do của con người. Thế nhưng, xét cho cùng thì tỷ lệ giàu nghèo ngày càng có khoảng cách.

Nhìn rộng ra một chút thì cũng thế, có những quốc gia quá giàu và ngược lại còn nhiều quốc gia cứ phải ngửa hay bàn tay ra xin viện trợ.

Ngày hôm nay, kitô hữu chúng ta đang bị chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa hưởng thụ vây bủa để rồi cái chủ nghĩa “mackeno” nó xâm nhập vào trong con người ta mà ta không hề hay biết. Chúng ta dần dần có cái thói quen “sống chết mặc ai”, miễn sao tôi sống là được rồi, tôi làm tôi hưởng mắc mớ gì đến ai ? Quan niệm như thế thì cũng chẳng sai chút nào cả, hoàn toàn đúng. Nhưng, thực sự tất cả những gì chúng ta đang có trong tầm tay từ sức khoẻ, tri thức cho đến tiền bạc … thử hỏi tất cả những thứ ấy từ đâu đến ? có phải tự ơn trên, tự Thiên Chúa hay do tài cán của chúng ta ?

"Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh" (1Cr 4,7). Có một điều trừ. Một điều duy nhất chúng ta không nhận lãnh từ Thiên Chúa, một điều hoàn toàn là của ta. Đó là tội. Tôi biết và cảm thấy rằng tội là từ tôi, có nguồn gốc nơi tôi, hoặc ít nhất nơi con người và thế giới, chứ không phải nơi Thiên Chúa. Còn tất cả những cái khác, kể cả việc tôi biết tội là do tôi, tôi đều nhận lãnh từ Thiên Chúa. Ngài lại còn nhắc: Hiện tôi có là gì, là bởi ơn Thiên Chúa (1 Cr 15,10).

Chúng ta dừng chân lại để chúng ta nhìn lại cuộc đời chúng ta xem, có phải là tất cả là do chúng ta hay là do bởi ơn Chúa ? Nếu bởi ơn Chúa tại sao chúng ta nhiều lần nhiều lúc làm ngơ trước sự đau khổ, sự nghèo khó của người khác ?

Chúng ta thường rơi vào hai thái cực:

- Thường thì khi ban phát cho ai điều gì đó, chúng ta lại rơi vào thái cực là muốn cho người khác biết rằng mình là người ban ơn cho người thấp kém hơn chúng ta. Đôi lúc chúng ta làm ra cái vẻ như chúng ta là người ban ơn nhưng thực chất chúng ta là người thụ ơn của Chúa mà chúng ta lờ đi hay chúng ta cố quên đó thôi.

- Hoặc là chúng ta rơi vào thái cực dửng dưng với những người kém may mắn hơn chúng ta. Thật ra trong cuộc đời này, chẳng ai mong mình phải rơi vào hoàn cảnh nghèo túng về vật chất lẫn tinh thần. Chúng ta may mắn hơn thì chúng ta phải biết chia sẻ chứ chúng ta đừng thờ ơ với anh chị em đồng loại của chúng ta.

Khi nhìn đến vấn đề chia sẻ, trao ban này, chúng ta đừng đi tìm ở đâu xa xôi cả, chúng ta cần dừng lại và nhìn lại ngay trong chính gia đình, họ hàng của chúng ta. Đôi khi người thân trong gia đình là cha, là mẹ, là ông, là bà, là con cái, là anh, là chị của chúng ta sống rất gần với chúng ta. Đôi khi họ không thiếu vật chất mà họ thiếu tinh thần, thiếu tình thương. Chúa cũng chẳng cần gì to tát nơi mỗi người chúng ta, Chúa mời gọi, Chúa nhắc nhớ chúng ta là khi chúng ta nhận lãnh được nhưng không từ vật chất đến tinh thần, chúng ta cũng phải biết chia sẻ cho anh chị em chúng ta.

Thánh Thi kinh sách tuần II thứ năm nhắc chúng ta:

Ôi lạy Chúa, mở cho con đôi mắt,
Thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi.
Con mù loà, bên vệ đường hành khất,
Xin chữa con để nhìn thấy mặt Ngài
Cúi lạy Ngài, cho tai con nghe rõ,
Tiếng tha nhân cầu khẩn lượng hải hà,
Họ khổ đau, họ kêu gào than thở
Đừng để con cứ giả điếc làm ngơ
Cúi lạy Ngài, xin mở rộng tay con,
Luôn nắm lại giữ khư khư tất cả,
Trước cửa nhà có người nghèo đói lả,
Xin dạy con biết chia sẻ vui lòng.

Nếu chúng ta ý thức tất cả những ân ban mà chúng ta nhận lãnh nhưng không từ Thiên Chúa thì chúng ta cũng chia sẻ ân ban đó một cách mau mắn, dễ dàng.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa mở cho chúng con đôi mắt để chúng con thấy tình yêu Chúa ban trên cuộc đời chúng con thật là kỳ diệu và xin Chúa đến mở rộng đôi tay để chúng con chia sẻ những ơn ban của Chúa cho những anh chị em kém may mắn hơn chúng con. Amen.

Anmai, DCCT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 13.06.2008. 12:42