Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đức Tin Trong Máu Tử Đạo

§ Lm Phêrô Hồng Phúc

Trong sách Khải Huyền của thánh Gioan, có đoạn viết:

“Tôi đã thấy một trăm bốn mươi bốn ngàn người
gồm đủ các chi tộc, quốc gia, mọi ngôn ngữ.
Họ từ đau khổ lớn lao mà đến,
họ giặt áo và tẩy áo trong máu Con Chiên” (x. Kh 7,4 và Kh 7,9).
117-martyrs-vn2.jpg

Con số một trăm bốn mươi bốn ngàn người tượng trưng cho số các thánh đông đảo không thể đếm được trên trời. Nhưng điều quan trọng nhất là họ tẩy áo và giặt áo mình trong máu của Con Chiên. Hình ảnh đó thật đẹp, thực xứng đáng dành ưu tiên cho các thánh tử đạo. Giáo Hội của chúng ta đã khai sinh như thế trong suốt ba thế kỷ đầu. Máu đào của các vị tử đạo, của các thánh tử đạo đã đổ ra tại Roma, để xây nên một Giáo Hội trên nền của máu đào tử đạo các thánh suốt ba trăm năm.

Vinh dự cho Giáo Hội Việt Nam của chúng ta. Khởi đầu từ năm 1586 với hai cha Thừa sai Luis de Fonseca (Bồ Đào Nha) và Grégoire de la Motte (Pháp). Hai ngài, một cha bị chém chết tại bàn thờ, một cha trên đường trở về thì bị chết dọc đường. Các ngài đã mở đầu cho cuộc bách hại tử đạo suốt từ thế kỷ thứ XVI cho đến thế kỷ XIX cũng suốt ba trăm năm như Giáo Hội Roma. Và vì thế, Giáo Hội Việt Nam đã sản sinh hơn 100.000 các vị tử đạo, trong số đó, vinh dự cho Giáo Hội Việt Nam có 117 vị được nâng lên hàng hiển thánh. Trong số 117 vị thánh Tử Đạo Việt Nam thì có

- 96 vị là người Việt Nam; gồm có: 37 Linh mục, 44 giáo dân, 14 thầy giảng và 1 chủng sinh
- Ngoại quốc gồm Pháp, có 2 Giám mục và 8 Linh mục;
- Tây Ban Nha gồm có 6 Giám mục và 5 Linh mục.

Như vậy, con số mà Giáo Hội Việt Nam đã sản sinh ra những vị hiển thánh là con số đã làm cho Giáo Hội Việt Nam, sau khi phong số vị hiển thánh, đã khiến cho Giáo Hội Việt Nam vẻ vang đứng vào hàng thứ 6 trong số các nước có đông các thánh trên thế giới.

Nếu chúng ta tìm hiểu kỹ hơn, thì trong số 117 vị thánh tử đạo, các ngài đã chịu nhiều hình phạt tra tấn và tử hình một cách khác nhau:

-    6 vị bị thiêu sống;
-    9 vị chết rũ tù;
-    75 người bị xử trảm;
-    22 người bị xử giảo (dây thừng thắt cổ cho chết dần);
-    5 vị bị lăng trì (xẻo toàn thân) rồi vứt xuống sông.

Một điều chúng ta cảm phục sâu sắc, tất cả những gì là hình thức tra tấn cũng như tử hình càng nghiệt ngã bao nhiêu thì những lời ca tiếng hát, đặc biệt là Alleluia và Tedeum được vang vọng nơi pháp trường bấy nhiêu. Đó là những tiếng của Chúa Thánh Thần vì lời Chúa dạy: "Khi người ta điệu anh em đi nộp, thì anh em đừng lo trước phải nói gì, nhưng trong giờ đó, Thiên Chúa cho anh em biết điều gì, thì hãy nói điều ấy : thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thánh Thần nói. (Mc 13,11). Đúng là Chúa Thánh Thần đã nói bằng ngôn ngữ của tình yêu, những lời Kinh Tedeum và Alleluia vang lên ở pháp trường là những tiếng yêu thương của Chúa Thánh Thần. Còn có một tiếng của Chúa Thánh Thần mà chúng ta cảm nghiệm sâu sắc đó là tiếng nói từ trong sâu thẳm của tâm hồn khiến cho tâm hồn được chinh phục.

Mở đầu cuộc bách hại chỉ có 5.000 tín hữu, vậy mà sau 300 năm hơn 100.000 vị tử đạo mà con số còn lại vẫn còn 500.000 người. Như vậy, một sinh trăm, một sinh nghìn. Đúng như Tertullian (160-225) đã nói: “Máu các thánh Tử đạo là hạt giống sinh ra kẻ có Đạo”. Bí quyết trên là tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Một người ngã xuống, tiếng Thánh Thần vang lên khiến cho mười người từ đáy lòng thao thức được chinh phục và công khai tuyên xưng đạo. Tiếng nói của Chúa Thánh Thần là tiếng nói của sức mạnh, của sự hiệp nhất và tiếng nói của tình yêu bất diệt. Vì vậy, khi mà ngôn ngữ còn bất cập, khi mà giáo lý còn chưa in ấn thì tiếng của Chúa Thánh Thần vẫn nói mọi thứ tiếng trong mọi dân tộc. Ai cũng có thể hiểu được tiếng đó và tiếng đó mạnh mẽ đến nỗi ngấm vào máu, khi máu đổ ra ngấm vào đất, và từ mặt đất lại trổ sinh các Kitô hữu. Như vậy, dòng máu các thánh tử đạo Việt Nam đã viết lên những trang sử hào hùng trong Giáo hội. Các ngài đã gieo trồng Hội Thánh Việt Nam bằng máu đào tử đạo.

Giáo phận Phát Diệm chúng ta vui mừng và vinh dự đóng góp năm vị thánh. Trong đó có Cha Thánh Khoan quê ở Bồng Hải; Cha Thánh Đạt quê ở Hảo Nho còn gọi là Thần Phù – khi đó là Cửa biển được mang tên Thần Phù:

Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.

Và Cửa Thần Phù khi ấy đã vinh dự được cha Alexander de Rhodes đặt chân lên, ngài chờ đợi thời gian mấy tháng vì chúa Trịnh đem quân vào dẹp Đàng Trong của chúa Nguyễn, khi trở về qua, cha Alexander de Rhodes mới theo chân chúa Trịnh xin được rao giảng Tin Mừng tại miền Bắc. Trong mấy tháng chờ đợi ấy, ngài đã cắm một cây thánh giá trên mỏm núi và ngày nay, đương nhiên là cây thánh giá gỗ đó không còn, nhưng cây thánh giá bằng cimang đã được dựng nên thay thế. Hy vọng đến năm 2027 những thế hệ hậu sinh sẽ tha thiết với lịch sử, khi về với Cửa Bạng (Ba Làng - Thanh Hoá) họ cũng sẽ hành hương về Thần Phù - Hảo Nho để kỷ niệm tròn 400 năm Tin Mừng đã được loan truyền trên mảnh đất Bắc kỳ và chứng kiến mảnh đất Thần Phù đã được cắm cây Thánh Giá đầu tiên.

Chúng ta trở lại với ba vị thánh nữa của Phát Diệm là Thầy Thánh Thanh quê ở Nộn Khê. Nộn Khê là tên các cụ đặt cho tên làng, “Khê” là con suối, “Nộn” là non trẻ. Một con suối tràn đầy sức sống, một con suối tràn trề mạch nước. Đó là sự thể hiện mảnh đất mà ngày nay trở thành làng Văn hoá như là những dòng văn chương lai láng tràn tuôn. Giáo họ đã giữ lại chữ “Khê” và thay thêm một chữ nữa, đổi là “Nuốn Khê” một giáo họ thuộc xứ Quảng Phúc, giáo phận Phát Diệm ngày nay. Thầy Thánh Thanh quê họ Nuốn Khê và Thầy Thánh Tự quê ở Bình Hoà.

Đặc biệt, trong 117 vị thánh Tử Đạo thì có một vị duy nhất là phụ nữ đó là bà thánh Đê quê ở Phúc Nhạc. Chính bà quê ở Bái Điền – Thanh Hoá, nhưng khi lấy chồng thì ra Phúc Nhạc. Người con cả tên là Đê, theo thói quen địa phuương thì khi con cái đã trưởng thành, bố mẹ gọi theo tên con, cho nên người dân gọi là bà thánh Đê. Bà đã cho các cha Thừa Sai ẩn ở mương cạn sau vườn. Khi bị chỉ điểm, lính bắt được, bắt luôn cả oa gia tức là gia chủ dám trái pháp luật giấu ẩn những người bị truy nã. Bà bị bắt tù, tra tấn máu đào thấm đẫm cả áo đến nỗi con cái vào thấy mẹ, thương quá, khóc lên. Bà nói:

- “Con ơi, đây là hoa hồng Chúa ban cho mẹ, tại sao con lại khóc.”

Bà chết rũ tù, nhưng đúng là người phụ nữ “liễu yếu đào tơ” lại có thể chiến thắng những gông cùm, sự chết. Như vậy, chúng ta có 5 vị Tử Đạo, góp phần làm nên những trang sử hào hùng cho Giáo Hội Việt Nam.

Cha Thánh Khoan là người khi ra trước quan toà. Quan rất cảm phục, lại thấy ngài có tuổi nên muốn tha, khuyên cha hãy quá khoá nghĩa là bước qua Thánh Giá thì sẽ được tha. Nhưng ngài đã nói:

- “Tôi đã suy nghĩ rất kỹ, và càng suy nghĩ, tôi càng thấm thía cuộc đời đức tin của chúng tôi dù chết cũng không có bao giờ hết được.”

Quan lại hỏi:

- “Thế cụ không muốn cho mình sống nữa ư?”

Cha Thánh Khoan bình tĩnh trả lời:

- Đã là con người thì ai trả quý trọng mạng sống. Thế nhưng, người Kitô hữu nhìn nhận rằng: khi chết vì danh Chúa Kitô, họ sẽ lại được sống vĩnh viễn trên Thiên Đàng.

Quan ngắt lời:

- Nhưng ai khẳng định điều đó được?

Ngài giải thích cho quan:

- Đó là đạo luật suy thì càng thấy thôi. Vua trần thế còn biết ban thưởng cho bề tôi. Chẳng lẽ Vua Vũ trụ này lại không ban thưởng cho người Kitô hữu tín trung hay sao?

Quan hỏi tiếp:

- Thế nhưng ai đã dạy cụ rằng có Chúa Trời đất để mà tin?

Cha Thánh Khoan trả lời:

- Thưa quan, nhìn vào vũ trụ này là cuốn sách mở để dạy cho ta trăm nghìn lời khuyên. Một công trình kỳ diệu thiên nhiên dạy cho ta biết có Chúa tạo thành và Ngài tốt lành. Chúng tôi thờ kính, chúng tôi tuyên xưng danh Ngài.

Biết không thể đối lý và cũng không thể đổi ý được Cha Thánh Khoan cho nên quan đưa án vào Kinh, song sau ba năm trùng trình thì án đã khép tử hình. Cha bước ra pháp trường với lời hát Tedeum vang lên như là thánh lễ trọng, mà đó đúng là một thánh lễ trọng bởi lẽ thánh lễ ấy là thánh lễ cha dâng mình cùng với Đức Giêsu Kitô, hy tế đời đời trên Thập giá.

Chúng ta hôm nay nhắc lại những trang Tin Mừng của các thánh Tử đạo Việt Nam cũng là để nhắc nhở chúng ta sống sao xứng đáng những ân huệ từ trời và sống sao không hổ ngươi với những di sản đức tin bằng máu đào, bằng mạng sống mà cha ông chúng ta đã đổ ra. Hãy nói như thánh Augustine: “Ông nọ bà kia làm thánh được, tại sao tôi không làm thánh được?”.

- Nên thánh không phải là một cao vọng hay là một ước muốn xuông;
- Nên thánh là luật buộc của Đức Kitô: “Các con hãy nên thánh vì cha các con là Đấng Thánh”;

 Chúng ta có thể
- nên thánh bằng tử đạo khi chúng ta có điều kiện để hy sinh, để hiến dâng mạng sống. Nhưng không phải thời đại nào cũng có và ai cũng được, song từng giọt máu, ngày mỗi ngày đổ ra là những hy sinh chúng ta có thể đạt tới một cuộc tử đạo xuyên suốt cuộc đời. Hoặc là chúng ta
-nên thánh bằng những chứng tá đời sống Tin Mừng giữa thời đại mới của chúng ta.

Ông cha chúng ta đã gieo cho chúng ta máu đào tử đạo để ngày hôm nay, Giáo Hội Việt Nam sau khi trải qua rất nhiều thăng trầm, tiếng nói của Thánh Thần, tiếng nói của Tình yêu, tiếng nói của chứng nhân Tin Mừng vẫn vang vọng và chiến thắng để cho chúng ta có được một bức tranh sinh hoạt như hôm nay. Chúng ta có được những thành quả máu đào các thánh tử đạo, vậy chúng ta tiếp tục gieo gì cho thế hệ tương lai. Phải chăng là một đời sống duy kinh tế, duy vật chất, duy thực nghiệm, hưởng thụ như giới trẻ ngày nay nhiều người, nhiều nơi đã mắc phải. Hãy nhìn vào các thánh Tử Đạo Việt Nam để nhắc nhủ mình rằng: Tôi đã được gặt hái máu đào của các thánh tử đạo thì ngày hôm nay, tôi cũng phải gieo gì cho thế hệ tương lai. Và ngước nhìn lên các thánh Tử Đạo Việt Nam chúng ta hãy cầu nguyện:

Đoàn con thành kính hỷ hoan
Mừng thánh Tử đạo Việt Nam sáng ngời
Xin cầu ơn Đức Chúa Trời
Cho toàn Giáo hội sống đời đức tin.
Tìm về cõi phúc trường sinh
Bằng đời hiến lễ hy sinh mỗi ngày.
Khổ đau, Thập giá đời nay
Trở thành quà tặng sau này lĩnh công
Qua đêm tới ánh hừng đông
Vượt qua sự chết cậy trông Thiên đàng
Máu đào Tử đạo vẻ vang
Xin tô đậm nét chữ vàng tin yêu.
Tin trong mỗi sáng, mỗi chiều
Yêu trong cuộc sống dẫu nhiều gian nan.
Nhờ Thập giá tới vinh quang
Xứng danh con cháu Việt Nam Lạc Hồng.
Đời này vững dạ cậy trông
“Nở hoa mến Chúa đơm bông yêu người”
(Thánh thi PV)
Đời sau hưởng phúc Nước Trời
Hiệp cùng các thánh muôn đời. Amen.

Lm Phêrô Hồng Phúc

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 23.11.2008. 15:27