Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ðức Tin của người Phụ Nữ Canaan

§ Phaolô Phạm Xuân Khôi

Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XX Thường Niên A (Mt 15:21-28)

Tuần trước Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ biết rằng Người là Thiên Chúa có quyền trên biển cả bằng cách đi bộ trên biển và làm cho sóng gió lặng yên. Còn các môn đệ thì tưởng Người là ma. Thánh Phêrô, tuy có tin, nhưng lòng tin vẫn còn yếu kém đến nỗi bị chìm xuống nước và kêu lên: “Lạy Chúa, xin cứu con.”

Hôm nay Chúa cho chúng ta thấy đức tin mạnh mẽ của một người phụ nữ ngoại đạo. Dù bị Chúa từ chối đến ba lần, bà vẫn một mực tin vào Chúa và kêu xin Người cứu giúp. Sau cùng không những Chúa đã nhận lời bà, mà còn đề cao đức tin của bà trước mặt dân Do Thái và chúng ta.

Mt 15:21 - Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon,

Thành Tia và Siđon xưa kia là hai thành của Dân Phênicia, là những thành cũng đầy tội lỗi chẳng kém gì thành Sôđôma (Is 23:1-18; Ede 26:4-5; Ede 26:28). Hai thành này đã bị người Babylon tàn phá trong thời lưu đầy, nhưng đến thời Chúa Giêsu thì đã được xây cất lại và trở nên phồn thịnh. Sau cùng người Rôma cũng giày xéo chúng. Hầu hết dân chúng ở đây là Dân Ngoại.

Mt 15:22 - thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: "Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm"

Thánh Matthêu gọi người phụ nữ này là một người đàn bà Canaan , vì đây là vùng đất mà người Do Thái chiếm của người Canaan khi vào Ðất Hứa (x. Tl 1:30). Thánh Marcô gọi người phụ nữ này là người “gốc Phênicia thuộc Syria ” (Syro-Phoenician). Cả hai Tin Mừng đều viết rằng bà ta là Dân Ngoại. Theo Lề Luật Do Thái thì Chúa Giêsu không được phép tiếp xúc với Dân Ngoại.

Tuy là Dân Ngoại nhưng bà cũng nhận ra Chúa Giêsu là Ðức Kitô, nên bà mới gọi Người là “Con Vua Ðavid.” Thật là ngược đời khi người Do Thái mong đợi Đấng Mêsia cả mấy ngàn năm, mà khi Người đến họ lại không nhận ra Người. Còn người phụ nữ ngoại giáo này thì công khai tuyên xưng Người là “Con Vua Đavid” tức là Đấng Mêsia trước mặt dân Do Thái. Nếu hiểu rằng đức tin là một quà tặng của Thiên Chúa, chẳng lẽ Chúa không ban đức tin cho dân Do Thái mà lại ban đức tin cho người phụ nữ ngoại đạo này sao?

Chúng ta thấy rằng khi còn ở dương thế, Chúa Giêsu khi đó đặt trọng tâm, dù công tác mục vụ của vào dân Do Thái, chứ không phải Dân Ngoại. Phần lớn người Do Thái không tin vào Chúa vì họ không mở lòng ra, chứ không phải vì Thiên Chúa không ban đức tin cho họ. Tuy nhiên Thiên Chúa ban đức tin cho tất cả những ai tìm gặp Đức Kitô dù người ấy là Dân Ngoại, miễn là tâm hồn họ rộng mở để đón nhận hồng ân này. Vì người phụ nữ Canaan này khiêm nhường, tin tưởng, kiên tâm và thành khẩn cầu xin nên Chúa đã chữa con bà.

Thái độ của người phụ nữ này tượng trưng cho những tâm hồn biết thống hối. Bà biết rõ tình trạng con bà là “bị quỷ ám khốn cực lắm.” Chúa đến để cứu những người tội lỗi. Giờ đây người mẹ này đến để xin Chúa cứu con mình khỏi quỷ ám. Làm sao mà Chúa không động lòng. Ngày nay có nhiều cha mẹ thấy con cái mình hư đốn, thay vì chạy đến với Chúa để xin Người cứu chữa, thì họ chỉ biết che đậy cho con. Thực ra giới trẻ ngày nay bị quỷ ám nhiều hơn xưa, nhưng người ta không biết vì không tin rằng có ma quỷ.

Mt 15:23 - Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: "Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi"

Nhiều người không có đức tin đã dùng thái độ lạnh nhạt và khinh khi của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ Canaan trong câu này để chứng minh rằng Người là một kẻ kiêu ngạo và tầm thường không đáng cho chúng ta kinh phục. Nếu chỉ đọc câu này cách đơn độc mà không đọc theo tinh thần của Tin Mừng thì nhiều người Công Giáo cũng bối rối không biết phải giải thích ra sao về thái độ lạ lùng của Chúa. Khắp nơi trong Thánh Kinh, Thiên Chúa luôn luôn lắng nghe những người bị áp bức. Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại không thèm nghe những lời kêu van của người phụ nữ này? Chính các môn đệ cũng phải thắc mắc và can thiệp vào chuyện ấy.

Như đã nói ở trên, theo Lề Luật, người Do Thái không được phép tiếp xúc với Dân Ngoại. Sở dĩ Chúa Giêsu đã phớt lờ đi mà không trả lời người phụ nữ này để cho mọi người thấy sự phi lý của việc giữ Luật theo hình thức mà không theo tinh thần. Đồng thời Chúa cũng muốn thử và chứng tỏ lòng tin của người bà để khích động lòng tin của dân Do Thái làm cho đồng bào của Người phân bì, hầu cứu rỗi được ít người trong họ (x. Rom 11:14).

Mt 15:24 - Người trả lời: "Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel "

Chúa Giêsu giải thích lý do Người im lặng vì Người “chỉ được sai đến cùng chiên lạc của nhà Israel .” Thực ra Chúa đến để cứu tất cả mọi người, nhưng sứ vụ trước tiên của Người là rao giảng cho dân Israel . Sau Người sống lại từ cõi chết, Người mới sai các môn đệ đi rao giảng cho muôn dân. Thái độ của Chúa ở câu này không những để thử lòng tin của người phụ nữ Canaan một lần nữa, mà còn để cho chúng ta, là các môn đệ của Người, thấy cần phải có lòng tin đó mạnh mẽ như thế nào khi cầu nguyện. Nhiều khi chúng ta cầu nguyện, và chúng ta thấy Chúa đối xử với chúng ta chẳng khác gì với người phụ nữ này, nên đâm ra chán nản mà kêu trách Chúa.

Mt 15:25 Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi"

Người phụ nữ này đã không vì bị khước từ mà chán nản bỏ cuộc. Càng bị Chúa khước từ bà càng bám chặt lấy Chúa. Tình trạng bị Chúa khước từ của bà cũng giống như tình trạng cảm thếy khô khan trong khi cầu nguyện. Càng yêu mến Chúa nhiều, càng được thử thách nhiều như tình trạng không cảm thấy tình yêu và sự an ủi của Thiên Chúa mà Mẹ Têrêxa thành Calcuta phải chịu nhiều năm. Đó là lý do tại sao các Thánh dạy chúng ta rằng khi cầu nguyện mà thấy khô khan thì lại càng phải kiên tâm cầu nguyện nhiều hơn. Trong những lúc cảm thấy khô khan, chúng ta hãy nhớ lại gương của người phụ nữ này mà tiếp tục khiêm nhường, kiên tâm, và thành khẩn cầu xin. Dù Chúa hầu như gián tiếp từ chối, bà vẫn tiếp tục thờ lạy Người và kêu xin. Bà thờ lạy Người vì bà tin rằng Người là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa. Bà kêu xin Người vì bà tin rằng Người có thể làm được mọi sự.

Ở đây người phụ nữ Canaan đã làm hai việc:

(1) đến lạy Người - thực ra phải dịch là thờ lạy Người. Chữ προσεκυνει có nghĩa là “đã thờ lạy” như một người thờ kính một vị thần minh, chứ không chỉ lạy như một người xin xỏ điều gì. Việc làm này đi đôi với lời tuyên xưng Chúa Giêsu là “Con Vua Đavid”, chứng tỏ rằng người phụ nữ ngoại giáo này xác tín rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia.

(2) “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi” - Câu κυριε βοηθει μοι nên dịch là “Lạy Chúa, xin cứu giúp con” cho phù hợp với việc thờ lạy ở trên.

Mt 15:26 - Người đáp: "Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó"

"Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó" - là một thành ngữ của người Do Thái. Họ cho rằng chỉ có một mình họ là con cái Thiên Chúa, nên họ tất cả Dân Ngoại như con chó. Con chó của Do Thái không phải là loại chó được nuông chiều hôn hít như ở Hoa Kỳ, nhưng là loài súc vật nuôi để giữ nhà và ăn những gì thừa thãi. Sứ vụ của Chúa Giêsu lúc này là cứu chữa người Do Thái, nên việc cứu chữa Dân Ngoại chẳng khác gì lấy bánh của con cái mà cho chó ăn.

Một lần nữa Chúa Giêsu muốn tỏ cho người Do Thái biết rằng đức tin của người Dân Ngoại này mạnh mẽ ra sao. Chúa dùng thành ngữ của Do Thái để nói với người Do Thái chứ không có ý khinh khi bà ta. Chúa muốn cho người nghe thấy rằng một người họ coi là “con chó” mà có đức tin mạnh như thế, thì họ là “con cái” mà tại sao lại cứng lòng tin.

Mt 15:27 - Bà ấy đáp lại: "Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống"

Câu trả lời của người phụ nữ này thật là chí lý. Đúng là ăn miếng trả miếng như cách đối đáp của người Do Thái. Trước hết bà không tự ái, nhưng khiêm nhường nhận mình là con chó. Bà đồng ý với Chúa Giêsu rằng bà là chó, nhưng nhấn mạnh đến sự tương tự giữa một con chó con trong nhà của chủ và mẹ con bà. Bà không dám so sánh mình với những người Do Thái, mà chỉ so sánh với những con chó của họ. Bà chỉ xin Chúa cho bà những gì mà người Do Thái chê bỏ, không thèm ăn, nhưng vất xuống gầm bàn. Mà điều chính người Do Thái chê bỏ chính là Chúa Giêsu, Đấng Mêsia của họ. Vậy đây bà xin nhận Chúa làm Chúa của bà.

Ðể hiểu câu chuyện này, chúng ta nên biết thêm về cách ăn uống của người Do Thái hồi đó. Khi ăn họ có thể ngồi hay nằm, họ không dùng khăn lau tay, nhưng lau tay bằng những mẩu bánh mì. Lau xong họ vất xuống gầm bàn hay ra ngoài cho chó ăn. Chó thời đó vừa dùng để coi nhà, vừa để thanh toán những đồ ăn này để họ khỏi phải thu dọn chúng. Thật còn gì khiêm nhường hơn cho người phụ nữ này khi nhận mình là con chó!

Mt 15:28 - Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: "Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy". Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành

Chúa khen đức tin của bà trước mặt mọi người. Có thể nói rằng “giờ của Chúa chưa đến” (x. Ga 2:4), nhưng Chúa đã làm phép lạ này vì thấy lòng tin mạnh mẽ của bà, như khi thấy lòng tin mạnh mẽ của Mẹ Người tại tiệc cưới Cana. Việc người phụ nữ tin vào Chúa Giêsu là một dấu chỉ cho thấy là đã đến lúc Dân Ngoại được nghe Tin Mừng. Khi ban cho người phụ nữ này một đức tin mạnh mẽ như thế, Chúa Cha cũng cho phép Chúa Giêsu chữa lành cho con bà, dù bà là Dân Ngoại.

Kết Luận

Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo dạy rằng cầu nguyện là một hồng ân của Thiên Chúa và là một câu trả lời dứt khoát. Cầu nguyện luôn đòi phải cố gắng vì là một cuộc chiến đấu với chính mình và các mưu chước ma quỷ cám dỗ. Người ta cầu nguyện thế nào thì cũng sống như vậy, vì chúng ta sống như chúng ta cầu nguyện. Nếu chúng ta không muốn có thói quen làm theo Thần Khí của Ðức Kitô, thì chúng ta không thể có thói quen cầu nguyện nhân danh Người. Cuộc "chiến đấu thiêng liêng" để Kitô hữu sống đời sống mới, không thể tách rời cuộc chiến cầu nguyện. Có rất nhiều trở ngại trong khi cầu nguyện. Muốn thắng những trở ngại này, chúng ta phải chiến đấu để biết khiêm nhường, tín thác và kiên trì (x. GLCG 2726-2745).

Thái độ của người phụ nữ Canaan hôm nay đã chứng tỏ cho chúng ta thấy cách cầu nguyện của bà. Bà đã khiêm nhường, kiên trì và tin tường mãnh liệt vào Chúa dù bị chính Chúa khước từ bà đến ba lần. Và sau cùng bà đã được toại nguyện.

Lạy Chúa xin thêm đức tin cho con vì con chưa có một đức tin mạnh mẽ và kiên trì như người phụ nữ Canaan trong bài Tin Mừng hôm nay. Xin cho con lúc nào cũng biết khiêm nhường nhận chân được tình trạng yếu hèn của con để luôn luôn biết lệ thuộc và tín thác vào Chúa đồng thời không coi thường anh chị em con, đặc biệt là những người cô thế. Amen

Câu hỏi đểu suy nghĩ và thảo luận

1. Điều gì bạn cho là hay nhất và làm cho bạn chú ý nhất trong câu chuyện này?

2. Có bốn nhân vật chính trong câu chuyện: Chúa Giêsu, người phụ nữ, con gái bà và các môn đệ. Vai trò nào thích hợp với bạn nhất? Tại sao?

3. Người phụ nữ Canaan là một người ngoại giáo làm sao bà biết mà gọi Ðức Chúa Giêsu là “Con Vua Ðavid”?

4. Tại sao Chúa lại gọi bà này là con chó? Nếu Chúa đối xử với bạn như thế, bạn có tiếp tục nài xin như bà này, hay sẽ bỏ về vì tự ái?

5. Bạn học được những gì về Người phụ nữ này? Về Chúa Giêsu? Và về thái độ của Chúa đối với những người không phải là Do Thái?

6. Khi phải chạm trán với những người xa lạ, người ngoài, bạn có thái độ giống Chúa Giêsu hay giống các môn đệ?

7. Thiên Chúa đã đi bao xa để đến cứu chữa bạn? Bạn sẽ đi được bao xa để đến giúp đỡ tha nhân?

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 16.08.2008. 13:46