Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ kính Mẹ Thiên Chúa

§ Lm Trần Đức Anh, OP

VATICAN. Ngày 1-1-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền thờ thánh Phêrô để kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cử hành Ngày Hòa Bình quốc tế lần thứ 43 với chủ đề “Nếu bạn muốn hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên”.

100101rome1.jpg

Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ lúc 10 giờ sáng, có 5 vị là ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ĐHY Renato Martino, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, Đức TGM Fernando Filoni, Phụ tá quốc vụ khanh, Đức TGM ngoại trưởng Dominique Mamberti, và sau cùng là Đức Cha Mario Toso, dòng Don Bosco, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Ngoài ra có 2 hồng y Phó tế tháp tùng ĐTC là ĐHY Franc Rodé, dòng thánh Vinh Sơn, Tổng trưởng Bộ các dòng tu, và ĐHY Raffaele Farina, dòng Don Bosco, Thư viện trưởng của Tòa Thánh.

Trong số 9 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ, cũng có đông đảo các vị đại sứ cạnh Tòa Thánh, hàng chục HY và GM. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có ca đoàn Mẹ Giáo Hội ở Roma với 100 ca viên. 65 LM phụ trách việc cho rước lễ được ngồi phía sau bàn thờ chính.

Bài giảng

Trong bài giảng, ĐTC đã dựa vào bài đọc thứ I trích từ sách Dân Số với câu “Xin Chúa làm cho tôn nhan Người chiếu tỏa rạng ngời trên bạn và ban ân phúc cho bạn” (Ds 6,25) và lời Thánh Vịnh 66: “Xin Thiên Chúa đoái thương chúng ta, chúc lành cho chúng ta và làm cho tôn nhan Người chiếu tỏa rạng ngời trên chúng ta, để mọi người nhận biết trên trái đất con đường của Chúa, để ơn cứu độ của Ngài được nhận biết giữa mọi dân nước” (Tv 66/67,2-3). ĐTC nói: “Khuôn mặt là sự biểu lộ tuyệt hảo của con người, là điều làm cho họ được nhận biết và qua đó bộc lộ những tâm tình, tư tưởng, ý hướng trong tâm hồn. Thiên Chúa tự bản chất là vô hình, nhưng Kinh Thánh áp dụng hình ảnh ấy cho Ngài. Tỏ lộ tôn nhan là biểu lộ lòng từ nhân của Ngài, và che khuất tôn nhan có nghĩa là sự thịnh nộ của Chúa”.

Sau khi giải thích sự kiện tôn nhan Thiên Chúa đã nhận lấy hình hài khuôn mặt của con người qua mầu nhiệm nhập thể, để mọi người nhận biết Con Thiên Chúa là con của Đức Trinh Nữ Maria, ĐTC nói với mọi người rằng:

“Anh em trong hàng GM và LM, quí vị đại sứ, các bạn thân mến! Suy niệm về mầu nhiệm tôn nhan Thiên Chúa và con người là một con đường ưu tiên dẫn tới hòa bình. Thực vậy, con đường này bắt đầu bằng một cái nhìn tôn trọng, nhìn nhận nhân vị nơi khuôn mặt người khác, dù màu da, quốc tịch, ngôn ngữ và tôn giáo của họ thế nào đi nữa. Nhưng ai, nếu không phải là Thiên Chúa, có thể bảo đảm “chiều sâu” của khuôn mặt con người như thế? Trong thực tế, chỉ khi nào có Thiên Chúa trong tâm hồn, chúng ta mới có thể nhận ra nơi khuôn mặt của tha nhân một người anh em trong nhân tính, không phải là một phương tiện, nhưng là một mục đích, không phải như một đối thủ hay kẻ thù, nhưng là một bản thân khác của tôi, một khía cạnh của mầu nhiệm vô biên về con người. Nhận thức của chúng ta về thế giới, đặc biệt là về những người đồng loại của chúng ta, chủ yếu tùy thuộc sự hiện diện của Thánh Linh của Thiên Chúa trong chúng ta. Đó là một thứ âm vang: ai có con tim trống rỗng, thì chỉ nhận thức những hình ảnh phẳng lỳ, chẳng có chiều sâu. Trái lại, hễ càng được Thiên Chúa ngự trị nơi mình, thì chúng ta càng nhạy cảm đối với sự hiện diện của Ngài nơi những gì chung quanh chúng ta: nơi tất cả các loài thụ tạo, nhất là nơi những người khác, mặc dù nhiều khi chính khuôn mặt con người mang vết tích của cuộc sống cơ cực và sự ác, có thể là khó thương và khó có thể đón nhận như một biểu thị của Thiên Chúa. Vì thế, để nhìn nhận và tôn trọng nhau như thực tính của chúng ta, nghĩa là như anh chị em của nhau, chúng ta cần tham chiếu khuôn mặt của Cha chung, Đấng yêu thương tất cả chúng ta, mặc dù chúng ta có những giới hạn thiếu sót và lầm lẫn”.

ĐTC nói thêm rằng: “Điều quan trọng là ngay từ nhỏ, con người cần được giáo dục về sự tôn trọng tha nhân, cả khi họ khác biệt chúng ta. Ngày nay càng ngày càng có kinh nghiệm chung về những lớp học gồm các trẻ em thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, nhưng cả khi điều đó không xảy ra, thì khuôn mặt của họ cũng là một lời tiên tri của nhân loại, theo đó chúng ta được kêu gọi họp thành một gia đình của các gia đình và các dân tộc. Hễ các em bé ấy càng nhỏ, thì càng dễ khơi dậy nơi chúng ta sự dịu dàng và vui mừng vì sự ngây thơ trong trắng và tình huynh đệ mà chúng ta thấy là hiển nhiên: mặc dù các em khác nhau, nhưng các em đều khóc, đều cười giống nhau, có cùng những nhu cầu, bộc lộ một cách tự nhiên, chơi đùa cùng nhau.. Những khuôn mặt của các em như phản ánh cái nhìn của Thiên Chúa đối với thế giới. Vậy tại sao lại dập tắt nụ cười của các em? Tại sao lại làm ô nhiễm con tim của các em? Rất tiếc là hình ảnh của Mẹ Thiên Chúa về sự dịu dàng gặp phải một điều trái ngược nơi những hình ảnh đau thương của bao nhiêu trẻ em và mẹ của các em trong cảnh chiến tranh và bạo lực: những người di tản, tị nạn, và người di dân bị cưỡng bách. Những khuôn mặt gầy guộc vì đói ăn và bệnh tật, những khuôn mặt bị méo mó vì đau khổ và tuyệt vọng. Những khuôn mặt của các trẻ em vô tội là một lời kêu gọi âm thầm đối với trách nhiệm của chúng ta: đứng trước thân phận vô phương thế của họ, tất cả những biện minh giả dối về chiến tranh và bạo lực đều sụp đổ. Chúng ta phải hoán cải theo những dự phóng hòa bình, từ bỏ mọi loại khí giới và cùng nhau dấn thân xây dựng một thế giới xứng đáng với con người hơn.

Ngày Hòa Bình thế giới

Đề cập đến Ngày Hòa Bình thế giới, ĐTC nói rằng: “Sứ điệp của tôi nhân ngày Hòa bình thế giới lần thứ 43 hôm nay “Nếu bạn muốn vun trồng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên” được đặt trong viễn tượng tôn nhan Thiên Chúa và những khuôn mặt của con người. Thực vậy, chúng ta có thể quả quyết rằng con người có khả năng tôn trọng các thụ tạo theo mức độ họ mang trong tâm ý một ý thức đầy đủ về sự sống, nếu không họ sẽ bị đưa đẩy tới chỗ khinh rẻ chính mình và những gì xung quanh mình, không tôn trọng môi sinh trong đó họ sinh sống, không tôn trọng thiên nhiên. Ai biết nhận ra trong vũ trụ những phản ánh tôn nhan vô hình của Đấng Tạo Hóa, thì họ cũng được thúc đẩy có lòng yêu mến hơn đối với các loài thụ tạo, nhạy cảm hơn đối với giá trị biểu tượng của chúng. Đặc biệt sách Thánh Vịnh có nhiều chứng từ về cách thức con người quan hệ với thiên nhiên: với bầu trời, biển khơi, núi đồi, sông ngòi và động vật.. Tác giả Thánh Vịnh thốt lên “Lạy Chúa, công trình của Chúa phong phú dường nào! Chúa đã tạo dựng chúng trong sự khôn ngoan, trái đất đầy thụ tạo của Chúa” (Tv 104/103, 24).

ĐTC cũng nhắc đến quan hệ giữa sự tôn trọng môi sinh nhân sự và môi sinh thiên nhiên, giữa sự tôn trọng con người và bảo tồn thiên nhiên. Nếu con người bị suy thoái thì môi sinh nơi họ sinh sống cũng bị thoái hóa; nếu nền văn hóa hướng về chủ thuyết hư vô, lý thuyết cũng như thực hành, thì thế nào thiên nhiên cũng phải gánh chịu hậu quả vì thái độ như thế. Và ĐTC nhấn mạnh rằng:

“Bởi thế, tôi lập lại lời kêu gọi hãy đầu tư vào việc giáo dục, theo đuổi mục đích, ngoài việc thông truyền các kiến thức kỹ thuật khoa học cần thiết, còn gây ý thức sâu rộng hơn về trách nhiệm đối với môi sinh, dựa trên sự tôn trọng con người, các quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của con người. Chỉ như thế, sự dấn thân bảo vệ môi sinh mới có thể trở thành một sự giáo dục đích thực về hòa bình và xây dựng hòa bình”.

Các ý nguyện và kinh Truyền Tin

Trong phần lời nguyện phổ quát, có 5 ý nguyện bằng 5 thứ tiếng Bồ đào nha, Hoa, Ba Lan, Pháp và Đức được xướng lên, lần lượt cầu nguyện cho ĐTC và các vị chủ chăn của Giáo Hội luôn được ơn thánh nâng đỡ để mang lại cho thế giới ánh sáng đức tin, cậy, mến; cầu cho các vị lãnh đạo các dân nước luôn tìm kiếm hồng ân hòa bình trong một thế giới bị thương tổn, dấn thân bảo vệ sự sống và gia đình, cỗ võ trách nhiệm đối với các hồng ân của sự sáng tạo; cầu cho các gia đình và cộng đoàn, khi đón nhận Thiên Chúa trở nên hài nhi, biết thực hiện kiểu mẫu nhân loại được hòa giải trong tình thương và chiếu tỏa quanh mình Tin Mừng an bình và sự sống; cầu cho những người đang chịu đau khổ trong thân xác và tinh thần, sau cùng là cho những người đang an nghỉ trong Chúa, để sau khi được thanh tẩy tội lỗi, họ có thể bước vào vinh quang của các thánh và được hưởng an bình vĩnh cửu Chúa hứa cho các tôi tớ trung tín của Ngài.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 50 và 12 giờ 5 phút trưa, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để cùng với 70 ngàn tín hữu tụ tập ở Quảng trường Thành Phêrô để đọc kinh Truyền Tin, dưới bầu trời nhiều mây.

Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC gửi lời chúc mừng đầu năm mới được bình an và mọi điều tốt lành tới tất cả các tín hữu hiện diện và những người theo dõi buổi đọc kinh qua các phương tiện truyền thông. Ngài nói tiếp về chủ đề Ngày Hòa Bình thế giới và khẳng định rằng:

“Một mục tiêu được mọi người đồng ý, một điều kiện không thể thiếu được để có hòa bình, đó là quản lý các tài nguyên thiên nhiên của trái đất một cách công bằng và khôn ngoan. “Nếu bạn muốn vun trồng hòa bình thì hãy bảo tồn thiên nhiên”, tôi dã dành Sứ điệp nhân ngày Hòa bình thế giới lần thứ 43 hôm nay cho đề tài ấy. Trong lúc sứ điệp này được công bố, thì các vị nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ nhóm họp Hội nghị thượng đỉnh tại Copenhagen về khí hậu, tại đó người ta càng thấy rõ cần cấp thiết có những hướng đi được đồng thuận trên bình diện hoàn cầu. Nhưng lúc này đây, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của những chọn lựa cá nhân gia đình và các chính quyền địa phương trong việc bảo vệ môi sinh. “Ngày nay điều tối quan trọng là có sự thay đổi não trạng, dẫn đưa tất cả mọi người chấp nhận những lối sống mới” (Sứ điệp, n. 11). Thực vậy, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc thiên nhiên. Vì thế, cả trong lãnh vực này, điều căn bản là giáo dục: để học cách tôn trọng thiên nhiên, ngày càng hướng đến sự kiến tạo hòa bình, đi từ những chọn lựa bao quát, trên bình diện bản thân, gia đình, cộng đoàn và chính trị” (Ibid.).

“Nếu chúng ta phải chăm sóc thiên nhiên quanh chúng ta, thì chúng ta càng phải trân trọng hơn đối với những con người, anh chị em chúng ta! Chúng ta càng phải tôn trọng sự sống con người dường nào! Trong ngày đầu năm tôi muốn kêu gọi lương tâm của tất cả những người thuộc các nhóm võ trang, thuộc bất kỳ loại nào: Với tất cả và từng người tôi nói rằng: “Các bạn hãy ngưng lại, hãy suy nghĩ và từ bỏ con đường bạo lực! Ngay lúc này đây, quyết định ấy có thể các bạn thấy là không thể thực hiện được, nhưng nếu các bạn có can đảm thực hiện, thì Thiên Chúa sẽ giúp đỡ các bạn, và các bạn sẽ cảm thấy niềm vui an bình trở lại trong tâm hồn các bạn, an bình mà có lẽ các bạn đã quên lãng từ lâu. Tôi phó thác lời kêu gọi ấy cho sự chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ chí thánh của Thiên Chúa.”

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC đặc biệt gửi lời chúc mừng Tổng thống và toàn dân Italia trong năm mới. Ngài cũng thân ái gửi lời chào đến các tham dự viên cuộc tuần hành với tên là “Hòa bình trên toàn trái đất” do Cộng đồng thánh Egidio đề xướng tại Roma và nhiều nước khác trên thế giới. ĐTC nói: “Tôi cũng bày tỏ sự gần gũi tinh thần với nhiều sáng kiến hòa bình do các Giáo Hội địa phương, các phong trào và hội đoàn của Giáo Hội tổ chức, và đặc biệt tôi nghĩ đến sáng kiến hòa bình có tính cách quốc gia diễn ra hôm 31-12-2009 tại thành phố Terni và L'Aquila ở Italia.

100101rome3.jpg

Lm Trần Đức Anh, OP

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.01.2010. 14:12