Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đức Giêsu Chính Là Đền Thờ (Ga 2,18-25)

§ Lm Jude Siciliano, OP

Cn III Chay (Ga 2,18-25)

Thưa quí vị.

Tôi nhớ như in vào những năm 60 của thế kỷ trước, người ta vẽ một bức tranh Chúa Giêsu khác với truyền thống. Bức tranh lập tức trở nên nổi tiếng, nhất là trong giới tuổi trẻ thời ấy. Chúa Giêsu coi phỏng chỉ 25 tuổi, miệng rộng, cười tươi, mái tóc buông dài bồng bềnh trong gió nhẹ. Ngài là một nghệ sĩ lướt sóng giỏi, vừa ra khỏi một đợt sóng to thích thú, vui mừng. Ý hẳn người ta thuê vẽ bức tranh ấy để lôi cuốn giới trẻ.

Thực ra truyền thống đã từng có tranh vẽ Chúa Giêsu với nhiều dáng điệu khác nhau chứ không chỉ duy một Chúa chịu đóng đanh hay sống lại. Thí dụ tranh vẽ suốt trong thời gian Ngài thi hành sứ vụ rao giảng. Nào là tranh Chúa Giêsu mục tử nhân lành, dịu hiền. Nào là tranh Ngài chữa khỏi bệnh tật, xua đuổi ma quỷ. Ngài nhân bánh lên nhiều trên núi hoang vắng, xanh tươi nuôi 5000 người ăn. Ngài ngồi huấn luyện các tông đồ, chúc lành cho các trẻ con. Tuỳ vào tuổi tác và tình huống chúng ta được những bức tranh khác nhau đó khích lệ và sưởi ấm linh hồn. Vô tình hay hữu ý, chúng ta lo tìm kiếm và lưu giữ những tấm tranh đó để thoả mãn nhu cầu tâm linh riêng tư. Ðó là lý do sống còn của các tiệm buôn bán vật dụng tôn giáo. Nhưng tôi thử đặt câu hỏi xem có ai dám thu thập tranh ảnh mô tả Chúa Giêsu giận dữ, cầm roi chạy khắp đền thờ xua đuổi chiên bò và những người đổi chác tiền bạc ? Chắc hẳn là không, lúc này ai mà dám đến gần Chúa ? Nếu cả gan đến gần, ăn roi là điều không tránh khỏi. Xem ra Ngài quá dữ tợn !

Trong Phúc âm của ông, thánh Gioan miêu tả Chúa Giêsu ở nhiều tình huống khác nhau, đa số là Ngài ở vị thế làm chủ được mình và hoàn cảnh, ngay cả khi Ngài chịu treo trên cây thập tự, đau đớn giẫy dụa. Hôm nay là ngoại lệ, Ngài không còn kiểm soát được chính bản thân. Tình thế thì hỗn loạn hết mức. Người chạy ngược, kẻ chạy xuôi, chiên bỏ thả rổng, bàn ghế ngổn ngang, tiền bạc vung vãi lung tung, chim câu bay khắp chốn trong nơi thờ phượng. Những tâm hồn thứ tự, đạo đức đọc đến đoạn Tin mừng này hẳn lấy làm bất mãn. Gương mù đến vậy làm sao chịu nổi ? Hoặc thử tưởng tượng coi, nếu có một du khách vô đạo bước vào thì họ sẽ nghĩ sao ? Nơi tôn nghiêm hay cái chợ đông phiên ? Trước mặt họ là một Chúa Giêsu nổi sùng, không kiềm chế được. Ngài tựa như một đứa con nít tức giận, quậy phá hết cỡ khi cha mẹ có khách đặc biệt phải tiếp vào bữa ăn trưa !

Ðúng thế Tin mừng Gioan mô tả Ngài tức giận điên cuồng. Lòng nhiệt thành việc nhà Ðức Chúa Trời thiêu đốt Ngài trong lời nói và hành động. Cũng chính lòng nhiệt thành ấy nhiều khi khiến chúng ta bồn chồn. Trước nhiều tình huống giả hình, thiếu đạo đức cũng thường làm chúng ta bất mãn. Lịch sử Giáo hội có nhiều cuộc chia rẽ, xét cho cùng cũng có nguyên do tương tự. Nhưng liệu thực tế Chúa Giêsu có dạy chúng ta như vậy không ? Chúng ta bắt chước Ngài đàn áp người khác hay chúng ta phải đàn áp chính bản thân ? Bao nhiêu dục vọng lộn xộn trong linh hồn chúng ta đã hãm dẹp chưa ? Bao nhiêu lợi dụng buôn bán ngũ quan chúng ta đã tẩy trừ ? Chân tay, thân thể, miệng lưỡi, mắt mũi nhiều khi đã cầm cố cho Satan, chúng ta đã chuộc lại ? Chứng kiến lòng nhiệt thành tôn giáo sai đường lạc lối để trở nên các tên khủng bố quốc tế trong những ngày này, người ta phải đề phòng bất cứ hành động tôn giáo quá khích nào! Ngay cả đối với chính mình. Chúng ta đã hiểu Lời Chúa ra sao ? Giải thích Lời Ngài thế nào ? Có đúng Thiên Chúa muốn chúng ta cư xử như vậy không ? Thực sự Ngài muốn điều gì nơi chúng ta ? Xin nhìn kỹ hơn vào Kinh thánh để tìm ra một vài tư tưởng đúng cho biến cố đền thờ Giêrusalem. Nó muốn nói những chi với nhân loại ?

Không giống như các Phúc âm nhất lãm, thánh Gioan đặt biến cố này vào ngay đầu sách Tin mừng của ông. Như vậy nó giúp độc giả nắm bắt được bối cảnh câu truyện và cũng giúp chúng ta hiểu được con người và sứ vụ của Chúa Giêsu. Nghĩa là Ðấng (Mêsia) đợi trông lâu đời đã đến với dân tộc Do thái. Ngài đang bừng bừng cháy lửa nhiệt thành việc nhà Thượng đế. Ngôn sứ Zacharia đã thấy trước và tiên báo: "Ngày ấy, sẽ không còn lái buôn trong nhà Ðức Chúa các đạo binh nữa." (14,21) và các nhà chú giải đồng nhất với giải thích ý nghĩa của câu này là : Trong Israel mới, mọi sự sẽ được thánh hiến cho Thiên Chúa như sách Ezekiel 40,48 mô tả. Câu trước đó tiên tri Zacharia viết: "Ngày ấy trên lục lạc ngựa sẽ có ghi : Thánh hiến cho Thiên Chúa." (21,20). Ðúng là những lời tiên báo đầy ý nghĩa cho biến cố hôm nay. Zacharia đã được nếm trước sự phục hưng tôn giáo của Chúa Giêsu. Thánh sử Gioan cũng đã hiểu theo ý nghĩa ấy.

Chúa Giêsu thánh hiến cho nhà Ðức Chúa trời được phản ánh trong bài đọc một trích từ sách Xuất hành. Mười giới răn quen thuộc với mọi tín hữu cũng còn được gọi là "Mười nội dung". Không phải Thiên Chúa ưa thích bắt buộc loài người phục tùng mình, lấy sự vâng lời của họ làm điều thích thú. Ngài có mục đích khác. Mười giới răn với ba nội dung mở đầu : "Ta là Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai cập, khỏi cảnh nô lệ" nhấn mạnh đến sự liên hệ độc đáo giữa dân tộc Do thái và Thượng đế. Vào thời ấy các dân tộc chung quanh thờ cúng rất nhiều thần linh. Nhưng dân Israel chỉ có một, đó là Thượng đế hùng mạnh đã chọn họ, bảo vệ họ và đã tụ họp họ thành một dân tộc riêng rẽ cho Ngài. Ba nội dung mở đầu nhắc nhở toàn dân về ý nghĩa này, cho nên để kính thờ Ngài cho phải đạo, họ phải tuân giữ mười giới răn. Tuân giữ giới răn còn là sự thể hiện lòng biết ơn Thượng Ðế về những ân huệ Ngài đã ban cho dân tộc trong suốt dòng lịch sử. Nhờ sự vâng lời này, mà quan hệ tương giao giữa Thiên Chúa với dân tộc Do thái cũng như giữa mọi thành viên trong xã hội được luôn củng cố và bền chặt. Khi có người hỏi : Ông là ai ? Chắc chắn người Israel sẽ trả lời: "Chúng tôi là một dân tộc được Ðức Chúa Trời ban ơn đặc biệt". Và khi hỏi thêm : "Vì lý do gì các ông tuân giữ các giới răn ?" Người Do thái sẵn sàng trả lời : "Chúng tôi tuân giữ chúng không phải vì khiếp sợ Thiên Chúa hoặc Ngài đã truyền lệnh mà chính vì chúng tôi muốn đáp trả những ơn lành Ngài đã ban cho". Ðó là Thiên Chúa của Ðức Giêsu, hôm nay Ngài hành động vì cháy lửa kính mến Ðức Chúa Trời.

Trở lại với sự lộn xộn trong đền thờ Giêrusalem, việc đổi tiền và buôn bán súc vật xem ra là ngu xuẩn. Nơi thánh thiêng không bao giờ cho phép làm như vậy. Ngày nay trên khắp thế giới những trung tâm hành hương đều đầy dẫy những lạm dụng tương tự. Người ta cạnh tranh buôn bán các mặt hàng kỷ niệm, ồn ào, huyên náo cả một góc đất thánh, giống như người Do Thái thời Chúa Giêsu và cũng chẳng thấy một ai lưu tâm. Tuy nhiên vào thời đó, việc buôn bán có mục tiêu tôn giáo rất cụ thể, và những lái buôn lễ vật dâng cúng giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt tôn giáo hàng ngày. Chủ thuyết Do Thái không cho phép in hình loài người trên những đồng tiền dâng tiến Thiên Chúa, lại càng không thể chấp nhận đồng tiền La mã có in hình hoàng đế Cesar. Vì thế, các khách hành hương từ nơi xa về phải đổi tiền ngoại bang lấy đồng tiền do đền thờ phát hành. Hơn nữa họ không thể mang theo súc vật dùng cho các lễ hiến tế. Do đó họ phải mua chúng tại chỗ. Quyền bính đền thờ đã chỉ định một nơi dành riêng để điều hành việc này, ngay trong đại sảnh thánh đường. Sự lạm dụng đã làm đền thờ ra ô uế.

Có lẽ việc lạm dụng đã tồn tại khá lâu, trước cả thời Zacharia, cho nên ông đã có ước muốn thanh tẩy nhà Ðức Chúa Trời và tiên báo về một thời buổi mà hiến tế kiểu hiện tại không cần thiết nữa. Hành động của Chúa Giêsu đúng là có tính ngôn sứ. Nó loan tin thời đại Thiên sai đã xuất hiện. Ngài sẽ tẩy sạch tâm trí loài người khỏi những điều ô uế, sai lầm và làm tròn các điều Thiên Chúa hứa cho nhân loại. Thân xác Chúa Giêsu sẽ là nơi thánh thiêng để con cái loài người gặp gỡ Thượng đế. Khi thân thể này bị tội lỗi phá hủy, Ngài sẽ trỗi dậy trong ba ngày. Chính thân xác Ngài là của lễ hy sinh dâng lên Ðức Chúa trời, không cần súc vật tiền bạc nữa và cũng chẳng cần các nhân viên đổi tiền hoặc buôn bán lễ vật nữa. Trong Chúa Giêsu nhân loại sẽ thờ phượng Thiên Chúa xứng đáng và thích hợp nhất. Một phương thức phụng vụ trong sạch nhất cho nhân loại. Hành động tẩy uế đền thờ của Ngài mang lại ý nghĩ đích thực cho ngôi nhà Thiên Chúa, nơi cầu nguyện, ngợi khen Thượng đế bằng lòng yêu mến, tôn thờ. Nơi thiêng liêng Thiên Chúa gặp gỡ loài người và ngược lại loài người hội họp cùng Thiên Chúa.

Mùa chay là thời thuận tiện để xem xét lại cách thức chúng ta tiến bước vào thánh đường giáo xứ. Có đúng như Chúa Giêsu ao ước hơn hai ngàn năm qua không ? Ngài vẫn luôn xua đuổi, quét sạch những nhơ nhớp, ngu xuẩn, hình thức trong linh hồn mỗi tín hữu và giữa lòng Hội thánh toàn cầu. Chúng ta đồng quan điểm đồng ý với Ngài hay chồng chất thêm nhơ bẩn, uế tạp cả về vật chất lẫn tinh thần ? Chúng ta chỉ có thể bày tỏ ước vọng đổi mới và thanh sạch hoá bằng cách dấn thân nhiều hơn cho lời nguyện cầu, thánh ca và thánh vịnh. Lòng nhiệt thành nhân loại suông không đủ, nó chẳng giúp ích gì cho việc canh tân tâm hồn, phải nhờ ơn thánh.

Vậy lời nguyện cầu khẩn thiết nhất của chúng ta phải là xin hơi thở của Ðức Chúa trời, Ðấng làm sống lại tinh thần bại liệt của nhân loại bấy lâu trong việc thờ phượng Thượng đế tối cao. Hôm nay Ngài bước vào "đền thờ" và quyết định tẩy sạch mọi nhơ uế, bẩn thỉu làm cho nó nên trong sạch và đổi mới tinh thần tôn giáo nơi mỗi tín hữu trong cộng đồng nhân loại. Thiên Chúa của mười điều răn luôn dùng lời lẽ trong sách Xuất hành nhắc nhở chúng ta : Ta là Ðức Chúa, thượng đế của ngươi, Ðấng đã đưa ngươi ra khỏi Ai cập lầm than, ngươi chớ có "thần" nào khác đối nghịch với Ta. Amen.

Lm Jude Siciliano, OP

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 14.03.2009. 23:26