Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Dụ Ngôn Người Gieo Giống

§ Phaolô Phạm Xuân Khôi

Tin Mừng Chúa Nhật XV Thường Niên A (Mt 13:1-23)

Trong chương này, Thánh Matthêu ghi lại 7 dụ ngôn của Chúa Giêsu mà thường chúng ta gọi là các Dụ Ngôn về Nước Trời. Trước đây phần lớn các học giả Thánh Kinh Công Giáo coi Hội Thánh là hiện thân của Nước Trời nơi trần thế. Ngày nay, có một số học giả không đồng ý với cách giải thích này. Nhưng dù đồng ý hay không thì cũng không thể tách rời Hội Thánh ra khỏi Nước Trời. Công Đồng Vaticanô II dạy: “Chúa Giêsu đã khai sinh Hội Thánh bằng việc rao giảng Phúc Âm rằng Nước Thiên Chúa đã đến như đã hứa trong Thánh Kinh từ ngàn xưa:

‘Thời gian đã trọn, Nước Thiên Chúa gần đến’ (Mc 1,15; x. Mt 4,17). Nước này chiếu sáng trước mặt mọi người qua lời nói, hành động và sự hiện diện của Chúa Kitô. Lời Chúa ví như hạt giống gieo trong ruộng (x. Mc 4,14): ai tin nghe lời Chúa và gia nhập đàn chiên nhỏ của Đức Kitô (x. Lc 12,32), thì đã đón nhận chính Nước Ngài; rồi tự sức mình, hạt giống nẩy mầm và lớn lên cho đến mùa gặt (x. Mc 4,26-29)…. Hội Thánh là mầm mống và khai nguyên Nước ấy trên trần gian” (Lumen Gentium 5).

Như thế các dụ ngôn Chúa nói về Nước Trời cũng là các dụ ngôn về Hội Thánh. Hôm nay, Hội Thánh nhắc nhở chúng ta về dụ ngôn thứ nhất của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Matthêu.

Mt 13:1-2: Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.

Thánh Matthêu mở đẩu chương này bẳng việc Chúa ngồi trên thuyền mà giảng dạy dân chúng. Theo Thánh Hilary (xem Catena Aurae) thì chiếc thuyền này tượng trưng cho Hội Thánh, còn đám đông dân chúng là muôn dân đang mong chờ Tin Mừng. Từ thuyền này Chúa giảng dạy bằng dụ ngôn. Việc Chúa ngồi trong thuyền và giảng dụ ngôn có nghĩa rằng người nghe chỉ có thể hiểu được dụ ngôn Chúa giảng qua Hội Thánh, vì Chúa sẽ trao phó Lời Người cho Hội Thánh, và chỉ có Hội Thánh mới thật sự có quyền dẫn giải Lời Chúa. Ai ở trong thuyền của Hội Thánh thì cũng giống như các môn đệ ở trên thuyền với Chúa. Dụ ngôn theo tiếng Hy Lạp παραβολε có nghĩa là so sánh với nhau, dùng để chỉ sự tương tự giữa một sự vật cụ thể và một vấn đề luân lý hay tinh thần. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để so sánh giữa Chân Lý của Kitô Giáo với các biến cố hàng ngày của đời sống. Dụ ngôn là những chuyện ngắn Chúa dùng để dẫn nhập vào các bài giảng của Người. Qua việc dùng dụ ngôn, Chúa làm cho người nghe chú ý, và hiểu dễ dàng hơn những vấn đề trừu tượng. Dù người nghe có học hay không, nhờ Chúa dùng những gì người nghe quen thuộc nên dễ hấp thụ và nhớ điều Chúa giảng.

Mt 13:3-9: Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất.

Muốn hiểu dụ ngôn này, chúng ta cũng phải hiểu một chút về địa dư và phong tục của người Do Thái. Người Việt Nam khi đọc dụ ngôn Người Gieo Giống này nhiều khi thấy phi lý, vì tại sao không chỉ gieo giống vào ruộng mà lại đi gieo trên đường, trên đá sỏi, trên bụi gai. Ruộng ở đất Do Thái thời đó khác ruộng ở Việt Nam, nhất là ruộng ở châu thổ sông Cửu Long hay sông Hồng Hà. Nếu ai thăm Ðất Thánh và đến vùng đồng bằng ở phiá tây ngạn của Biển Hồ thì sẽ hiểu tại sao Chúa giảng dụ ngôn Người Gieo Giống như thế. Ðồng bằng này có nhiều lối mòn chằng chịt, rải rác những giải đất sỏi đá, với đá nằm ngay dưới mặt đất, đây đó lại có những bụi gai. Có nhiều nhà nghiên cứu Thánh Kinh nói rằng trong thời Chúa Giêsu, người ta gieo giống trước rồi mới cày đất lên để vùi hạt giống xuống. Khi người gieo giống vãi hạt giống xuống đất thì không biết là dưới đất có đá sỏi hay không. Còn lối mòn thì chằng chịt vết chân người, nhiều khi cầy cũng không làm vỡ được đất nên hạt giống vẫn nằm trơ trọi trên những vết chân này và chim trời đến ăn mất. Họ cũng thảy hạt giống trên bụi gai vì sau đó họ cũng sẽ cày cả bụi gai cho bật gốc. Với loại đất như thế thì có những hạt sẽ sinh hoa kết quả nhiều, có hạt ít, và có hạt không sinh hoa quả gì hết.

Chúa Giêsu không giải thích dụ ngôn này lúc đó. Thường cách dạy có hiệu quả nhất là gợi ý cho người nghe phải suy nghĩ, tìm hiểu, đồng thời hấp dẫn họ để họ trở lại lần sau. Chúa muốn người nghe phải suy nghĩ xem Chúa muốn nói gì, và chuyện Chúa nói có liên quan gì đến họ không. Nếu ai còn muốn tìm hiểu thì sẽ trở lại với Chúa lần nữa.

Mt 13:10-13: Các môn đệ đến gần thưa Người rằng: "Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?" Người đáp lại: "Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi.

Vương Quốc mà Chúa Giêsu đến để thiết lập hoàn toàn khác với vương quốc mà người Do Thái mong chờ. Dù họ đọc Cựu Ước, họ vẫn không hiểu hay không muốn hiểu về vai trò của Ðấng Kitô. Họ muốn và mong chờ một Ðức Kitô theo ý họ chứ không phải theo ý Thiên Chúa. Chúa dùng dụ ngôn để giúp họ mở mắt ra. Không phải là Thiên Chúa không ban ơn cho họ biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng vì họ bị mù quáng bởi những quan niệm cố chấp của họ nên lòng họ không mở ra để lãnh nhận ơn soi sáng của Thiên Chúa. Còn các môn đệ thì đơn sơ, không có thành kiến gì cả, mà tin vào Chúa nên hiểu được những gì Chúa nói.

Ơn của Thiên Chúa là ơn nhưng không vì Chúa yêu thương mà ban cho chúng ta, chứ không phải vì chúng ta xứng đáng. Nhưng nhận được hay không thì tùy thuộc vào mức độ cộng tác của chúng ta với ơn Chúa. Chúng ta phải dựa vào ba điểm sau đây để hiểu các câu này.

nhiều, bình nào đóng lại thì không lãnh được gì hết. Người ta không nhận được ân sủng Chúa vì không mở lòng ra, chứ không phải tại Chúa không ban.

Ai đã có thì được cho thêm. Người nào nghe và tin vào Chúa cùng đem Lời Chúa ra thực hành, tức là theo Chúa, thì Chúa ban ơn cho mỗi ngày một hiểu biết sâu xa hơn về các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Còn người nào không theo Chúa thì từ từ sẽ quên hết những lời Chúa dạy, và mỗi ngày một ra mù quáng, như là bị lấy đi mất vậy.

Mt 13:14-15: Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: 'Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành'.

Hai câu này được trích ra từ Isaia 6:9,10. Mục đích của lời tiên tri là nói với cho người Do Thái thời ngôn sứ Isaia. Chúa Giêsu dùng lời này cho dân Do Thái ở đây vì họ cũng giống như thế. Tuy nhiên, câu này vẫn có thể áp dụng cho con người thời nay. Họ đang nhắm mắt lại trước Chân Lý của Thiên Chúa, và gạt bỏ giáo huấn của Chúa ra ngoài. Chỉ có những người thiện tâm mới hiểu được ý nghĩa của Lời Chúa. Nghe xuông không đủ, mà phải hiểu và chấp nhận nữa. Chính chúng ta cũng có lúc không nghe được, không hiểu được, và nhất là không mở lòng ra đón nhận Lời và ân sủng của Chúa. Nhất là ngày nay, Chúa không còn trực tiếp dạy chúng ta nữa, mà dạy qua Hội Thánh và các thừa tác viên của Chúa. Nhiều khi vì tự ái, kiêu căng, và thành kiến, chúng ta cũng trở nên đui mù, câm điếc trước những lời mà Chúa dùng miệng người khác để nói với chúng ta. Ngày nay nhiều học giả Kinh Thánh thời danh, nhiều nhà thần học Công Giáo lỗi lạc đã trở nên sai lầm vì họ nghĩ rằng họ giỏi hơn Huấn Quyền. Cho nên muốn hiểu Lời Chúa thì cần ơn Chúa nhiều hơn là cần sự thông minh. Mà ơn Chúa từ trên cao chỉ có thể chảy xuống chỗ thấp. Nếu chúng ta hạ mình xuống thì chúng ta sẽ nhận được ơn hiểu biết Lời Chúa. Nếu chúng ta đưa mình lên thì ơn đó sẽ chảy chung quanh chúng ta đến những người thấp hèn hơn chúng ta.

Mt 13:16-17: Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe.

Lịch sử dân Do Thái là lịch sử của một cuộc sửa soạn và mong đợi sự xuất hiện của Ðấng Kitô. Các tổ phụ, các ngôn sứ và dân chúng đã mòn mỏi đợi chờ. Họ đã chết đi mà không được thấy Người. Ông Simêon là người đại diện cho họ, và khi được thấy Hài Nhi Giêsu rồi thì ông hoàn toàn thỏa mãn để nhắm mắt lià đời (Lk 2:28-30). Các môn đệ thật diễm phúc, không những các ông được thấy Chúa, được nghe Lời Chúa, mà còn được thành bạn hữu Chúa, và được làm nhân chứng cho Chúa. Hồng ân các ông lãnh được không phải vì các ông xứng đáng, nhưng vì Chúa đã gọi và chọn các ông. Nhưng muốn được diễm phúc đó, các ông cũng phải đáp lại lời mời gọi của Chúa, cùng bỏ mọi sự mà theo Người.

Ngày nay Chúa cũng nói với chúng ta rằng “phúc cho mắt các con vì chúng thấy được, và cho tai các con, vì chúng nghe được.” Chúng ta thấy và nghe được gì? Bằng con mắt đức tin, chúng ta thấy được sự hiện diện của Chúa trong đời chúng ta, trong những người chung quanh chúng ta, và nhất là thấy được Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, cùng trong Hội Thánh Công Giáo của Chúa. Chúng ta nghe được Lời Chúa trong Thánh Kinh, qua sự giảng dạy của Hội Thánh, và nhất là lời “Nhân danh Ðức Kitô, tôi tha tội cho anh/chị” trong Bí Tích Hòa Giải, qua vị linh mục thay mặt Ðức Kitô mà nói với chúng ta như ngày xưa Chúa nói “Tội con đã được tha, hãy ra về bình an.” Có biết bao nhiêu người tự nhận mình là Kitô hữu mà đâu có được hồng phúc đó. Còn bao nhiêu người nữa chưa biết Ðức Kitô, và chưa tìm ra chân lý. Vậy hãy cảm tạ Chúa và sống thế nào để qua chúng ta, người khác nhận ra sự hiện diện của Ðức Kitô trong trần gian này.

Mt 13:18-19: Vậy, các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường.

Chúa bắt đầu giải thích dụ ngôn Người Gieo Giống.

Người nào tìm hiểu đủ mọi thứ, mà không phân biệt được cái gì là hay cái gì là giở, thì như miếng đất hay như lối mòn ai đạp lên cũng được. Khi vui tai thì nghe Lời Chúa, nhưng không hiểu, và không yêu mến Lời Chúa hơn những lời khác. Vì không yêu mến Lời Chúa nên tà thần đến tận lòng họ để giựt lấy Lời như chim trời giựt mất hạt giống trên lối mòn.

Mt 13:20-21: Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó, đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã.

Ngày nay có nhiều người Công Giáo bỏ qua Tin Lành vì các mục sư giảng hay hơn các Cha. Tôi biết có những người Công Giáo cuối tuần nào cũng nghe mục sư Joel Osteen của Lakewood Church giảng vì ông mục sư này giảng rất hay. Họ cho biết là ông không bao giờ nói điều gì chướng tai họ cả. Có lẽ Chúa Giêsu ví những người này như đất đá sỏi, thích nghe Lời Chúa vì vui tai mà không đem ra thực hành, nên chỉ biết cách hời hợt bên ngoài. Vì không thấm nhuần Lời Chúa ở trong lòng như cây lúa không mọc rễ sâu, nên dễ chán nản, bỏ nhà thờ này sang nhà thờ khác khi cha sở hay vị mục sư giảng những lời khó nghe, hoặc mất đức tin khi bị thử thách.

Mt 13:22: Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết nghẹt mà không sinh hoa kết quả được.

Câu này có lẽ Chúa nói với chúng ta, nhất là những người sống tại Âu Mỹ. Hầu hết người Công Giáo Việt Nam đi lễ ngày Chủ Nhật vì bị bắt buộc cách này hay cách khác. Chưa đến nhà thờ thì đã bồn chồn trong lòng về việc làm ăn dang dở. Có cầu nguyện thì cũng xin Chúa ích lợi phần xác nhiều hơn ích lợi phần hồn. Vì lo lắng như thế nên đâu có thì giờ mà suy niệm Lời Chúa, mà để cho Lời thấm nhập tâm hồn mình, và ảnh hưởng đến cuộc sống mình. Cho nên Lời Chúa bị những lo lắng khác làm cho chết ngạt.

Mt 13:23: Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi".

Ðất tốt là đất được cầy bừa, vun sới cẩn thận. Ðất tốt thấm nhuần nước mưa, phân bón và sương sa. Muốn cho đất tốt thì phải cầy lên, bới tìm các gồc rễ cỏ lồng vực và sỏi đá mà quẳng đi, có nghĩa là phải biết hy sinh, hãm minh, chấp nhận đau khổ. Phải năng xét mình để tìm ra tội lỗi mà tiêu trừ qua Bí Tích Hòa Giải. Phải năng lãnh các ân sủng của Thiên Chúa qua việc đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, lãnh nhận các Phép Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể cách thường xuyên. Như đất nhận mưa, sương sa và phân bón thường xuyên, chúng ta cũng phải nhận được những ân sủng của Chúa Thánh Thần, để nhờ đó có thể sinh những “hoa quả của Chúa Thánh Thần là bác ái, vui mừng, bình an, kiên nhẫn, nhân hậu, hào hiệp, trung tín, hòa nhã, tiết độ” (Gal 5:22). Nếu không lòng trí chúng ta cũng trở nên đất đá khô cằn, ơn Chúa không thể thấm nhuần được, và Lời Chúa không thể mọc lên được.

Câu Hỏi Ðể Suy Nghĩ Và Thảo Luận

1. Dụ ngôn là gì? Tại sao Chúa lại dùng dụ ngôn để giảng dạy?

2. Bốn loại đất mà Chúa Giêsu nói đến ở dụ ngôn Người Gieo Giống là gì? Ðặc tính của mỗi loại ra sao? Việc gì xảy ra cho hạt giống rơi vào mỗi loại đất này?

3. Việc gì một dụ ngôn có thể giải thích được mà những lời lẽ thông thường không giải thích được?

4. Làm sao mà lời thách thức của Chúa Giêsu ở câu 9 có thể giúp chúng ta hiểu được câu 11 và 12? Làm thế nào đức tin có thể mở lòng bạn để nhận ra những ý nghĩa tâm linh của Lời Chúa?

5. Những đức tính nào cần thiết để bạn có thể hấp thụ Lời Chúa?

6. Việc Chúa dẫn chứng lời ngôn sứ Isaia trong câu 14-15 có giúp bạn hiểu tại sao mà người ta không hiểu được dụ ngôn không? Tại sao?

7. Trong câu 16-17, Chúa Giêsu đưa ra một Phúc Thật mới. Các môn đệ đã thấy và nghe được những gì mà các ngôn sứ mong được nghe và thấy mà không được?

8. Bạn có thể nghe thấy Lời Chúa và chứng kiến công trình của Chúa trong thế giới hôm nay không? Bạn có nghĩ rằng mình cũng có phúc hơn các ngôn sứ không? Bạn đã và sẽ làm gì để xứng đáng với phúc này?

9. Lời Chúa Giêsu giải thích về dụ ngôn Người Gieo Giống trong câu 18-23 tỏ cho bạn thấy gì về hạt giống? Về các loại đất? Về hoa trái? Và về người chủ ruộng? Bạn tự cho mình là loại đất nào?

10. Làm sao bạn giải thích dụ ngôn này với những trẻ em sống ở thành thị, chưa bao giờ biết đồng ruộng là gì? Bạn có thể tìm ra những gì tương tự để dùng không? Hãy kể ra vài ví dụ cụ thể.

11. Tại sao mà có quá nhiều người hiểu sai ý nghĩa của các lời trong Kinh Thánh?

12. Cái gì là rễ sâu để giúp các tín hữu khỏi sa ngã? Rễ của bạn là gì? Nó sâu chừng nào?

13. Những lo lắng nào có thể làm việc lớn lên trong Ðức Kitô của bạn bị chết nghẹt? Bạn sẽ làm gì để thoát khỏi “bụi gai” đó?

14. Chúa Giêsu muốn các tín hữu sinh hoa kết quả thế nào? Bạn có thể làm gì để gia tăng công xuất của bạn?

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 10.07.2008. 10:06