Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

ĐTC Bênêđictô XVI trong Thánh Lễ Nửa Đêm: Thiên Chúa là nguồn bình an thật trên thế gian

§ Phaolô Phạm Xuân Khôi

Vatican ngày 25-12-2008 – Trong huấn từ Lễ Nửa Đêm Giáng Sinh năm nay, ĐTC Bênêđictô XVI đã giải thích rằng nơi nào có Thiên Chúa, thì nơi đó “có bình an.” ĐTC nói tiếp, bằng cách sinh ra như một hài nhi. Đức Kitô đã đem tình yêu vào thế gian để những ai đến gần Ngài có thể trở thành những người mang bình an của Ngài.

ĐTC tiếp tục bài huấn từ của ngài bằng cách yêu cầu những người hiện diện cầu nguyện cho những trẻ em của thế giới, đặc biệt là các nạn nhân của bạo lực, lạm dụng hay kỹ nghệ khiêu dâm. “Hài Nhi của Bethlêhem lại một lần nữa triệu tập chúng ta để làm mọi sự trong khả năng của mình mà chấm dứt những đau khổ của các trẻ em này; để làm tất cả những gì có thể được ngõ hầu làm cho ánh sáng của Bethlêhem chạm đến tâm hồn của từng người nam nữ. Chỉ qua việc hoán cải tâm hồn, chỉ qua việc thay đổi tận đáy lòng của chúng ta mà căn nguyên của sự dữ này mới bị đánh bại, chỉ có như thế thì quyền năng của sự dữ mới thất bại. Thế giới chỉ thay đổi khi mà tâm hồn con người thay đổi; và để thay đổi, người ta cần ánh sáng đến từ Thiên Chúa, một ánh sáng đã bước vào đêm đen của chúng ta một cách rất bất ngờ.”

Dưới đây là bản dịch trọn bài Huấn Từ của ĐTC.

Anh chị em thân mến,

“Ai giống Chúa là Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự chốn cao vời, cúi xuống để nhìn các tầng trời và trái đất?” Đó là điều mà dân Israel hát trong một Thánh Vịnh (113[112],5,tt.), để chúc tụng sự cao cả của Thiên Chúa cũng như sự gần gũi yêu thương của Ngài đối với nhân loại. Thiên Chúa ngự chốn cao vời, nhưng cúi mình xuống nhìn chúng ta! Thiên Chúa là Đấng cao trọng vô cùng, và xa, cao xa trên chúng ta. Đó là cảm nghiệm đầu tiên của chúng ta về Ngài. Khoảng cách xem ra vô tận. Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, Đấng điều khiển mọi sự, Đấng rất cao xa đối với chúng ta: hoặc Ngài xem ra như thế từ ban đầu. Nhưng sau đó chúng ta ngạc nhiên nhận ra rằng: Đấng không có gì sánh bằng, Đấng “ngự chốn cao vời”, nhìn xuống chúng ta. Ngài cúi xuống. Ngài nhìn thấy chúng ta, và Ngài nhìn thấy tôi. Việc Thiên Chúa nhìn xuống không chỉ là việc thấy từ trên cao. Cái nhìn của Thiên Chúa là cái nhìn linh hoạt. Sự thật là Ngài thấy tôi, Ngài nhìn vào tôi, biến đổi tôi và thế giới chung quanh tôi. Thánh Vịnh cho chúng ta thấy trong câu tiếp theo: “Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi….” Trong khi nhìn xuống, Ngài kéo tôi lên, lấy tay Ngài mà dịu dàng nâng tôi lên và giúp đỡ tôi – tôi! - được nâng từ vực thẳm lên chốn cao vời. “Thiên Chúa cúi xuống”. Đó là một lời tiên tri. Đêm ấy ở Bethlêhem, lời đó có một nghĩa hoàn toàn mới. Việc Thiên Chúa cúi xuống đã được thành sự thật một cách từ trước đến giờ không ai có thể tưởng tượng được. Ngài hạ mình xuống – Chính Ngài xuống như một con trẻ trong một chuồng bò nghèo hèn, tượng trưng cho cảnh túng thiếu và bị bỏ rơi của toàn thể nhân loại. Thiên Chúa thật sự ngự xuống. Ngài trở thành một Hài Nhi và tự đặt mình vào tình trạng hoàn toàn lệ thuộc như tình trạng đặc thù của một trẻ sơ sinh. Đấng Tạo Hóa cầm mọi sự trên tay, là Đấng mà tất cả chúng ta lệ thuộc vào, làm cho Mình trở thành nhỏ bé và cần tình yêu của con người. Thiên Chúa trong chuồng bò. Trong Cựu Ước, Đền Thờ hầu như được coi là bệ dưới chân Thiên Chúa; hòm bia thánh đã là nơi mà Ngài hiện diện một cách bí nhiệm giữa mọi người nam nữ. Ở bên trên Đền Thờ, được che phủ, có đám mây của vinh quang Thiên Chúa. Giờ đây đám mây này đang ở trên chuồng bò. Thiên Chúa ngự trong đám mây của sự nghèo hèn của một em bé không nhà: một đám mây không thể chiếu qua được, nhưng lại là một đám mây của vinh quang! Quả thực, làm thế nào để tình yêu của Ngài dành cho nhân loại, mối quan tâm của Ngài đối với chúng ta, có thể xuất hiện cách cao cả và tinh tuyền hơn? Đám mây ẩn mình, đám mây nghèo khổ của một Hài Nhi hoàn toàn cần tình yêu, đồng thời cũng là đám mây vinh quang.  Vì không có gì siêu phàm hơn, không có gì cao qúy hơn tình yêu hạ mình xuống như thế, đi xuống, trở thành lệ thuộc. Vinh quang của Thiên Chúa thật sự trở thành hiển nhiên khi cặp mắt của tâm hồn chúng ta mở ra trước hang đá ở Bethlêhem.

Câu truyện về Giáng Sinh của Thánh Luca mà chúng ta vừa nghe trong Tin Mừng, cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa vén bức màn che của Ngài trước hết cho những người ở giai cấp rất thấp hèn, những người bị xã hội nói chung khinh thường – cho những mục đồng coi đoàn súc vật trong những cánh đồng chung quanh Bethlêhem. Thánh Luca nói cho chúng ta rằng họ “canh thức”. Cụm từ này nhắc cho chúng ta về một đề tài chính của sứ điệp của Chúa Giêsu, là không ngừng kêu gọi chúng ta tỉnh thức, ngay cả đến lúc Hấp Hối trong Vườn [Cây Dầu] - lệnh tỉnh thức, để nhận ra việc Chúa đến, và để sẵn sàng. Ở đây cách diễn tả này dường như ám chỉ nhiều hơn là chỉ tỉnh thức về thể lý ban đêm. Các mục đồng là những người “tỉnh thức” thật sự, với một cảm giác sống động về Thiên Chúa và sự gần gũi của Ngài. Họ đang chờ đợi Thiên Chúa, mà không bỏ cuộc vì việc xem ra xa cách của Ngài khỏi đời sống thường nhật của họ. Đối với một tâm hồn tỉnh thức, tin vui lớn có thể được loan báo: Đêm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em. Chỉ một tâm hồn tỉnh thức mới có thể tin vào sứ điệp này. Chỉ một tâm hồn tỉnh thức mới có thể có can đảm ra đi tìm Thiên Chúa dưới hình dạng một Hài Nhi trong chuồng bò. Chúng ta hãy xin Chúa giúp cho chúng ta cũng trở thành một dân “tỉnh thức”.

Hơn nữa, Thánh Luca bảo chúng ta rằng các mục đồng được “bao quanh” bởi vinh quang của Thiên Chúa, bởi đám mây ánh sáng. Họ thấy mình được đem vào trong vinh quang chiếu tỏa quanh họ. Được đám mây thánh bao phủ, họ nghe được bài ca chúc tụng của các thiên thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Và ai là những người Chúa thương này nếu không phải là những người nghèo khó, những người tỉnh thức, mong đợi, những người hy vọng vào lòng nhân lành của Thiên Chúa và tìm kiếm Ngài, đi tìm Ngài từ tận phương xa?

Các Giáo Phụ cống hiến cho chúng ta một giải thích đáng ghi nhớ về bài hát mà các thiên thần đã hát để đón mừng Đấng Cứu Thế. Các Giáo Phụ nói, cho đến giây phút ấy các Thiên Thần đã biết Thiên Chúa trong sự hùng vĩ của vũ trụ, trong lý lẽ và vẻ đẹp của vũ trụ, là điều đến từ Ngài và phản ảnh Ngài. Có thể nói rằng họ đã nghe bài ca chúc tụng thầm lặng của các tạo vật và đã biến đổi chúng thành điệu nhạc thiên quốc. Nhưng giờ đây có một điều gì mới mẻ vừa xảy ra, điều làm họ kinh ngạc. Đấng mà vũ trụ nói đến, Thiên Chúa Đấng nâng đỡ mọi sự và cầm chúng trên tay – Chính Ngài đã đi vào lịch sử nhân loại, Ngài đã trở thành một người hoạt động và chịu đau khổ trong vòng lịch sử. Trong sự ngạc nhiên vui mừng mà biến cố không thể tưởng tượng này đem lại, từ phương cách mới mẻ và đi xa hơn nữa mà Thiên Chúa dùng để tỏ Mình ra – các Giáo Phụ nói - một bài ca mới đã sinh ra, mà Bài Tin Mừng Giáng Sinh đã giữ lại cho chúng ta một câu của nó: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an cho người dưới thế”. Chúng ta có thể nói rằng theo cách hành văn của thi ca Hippri, hai nửa của câu kép này nói lên cùng một điều, nhưng từ nhãn quan khác nhau. Vinh quang của Thiên Chúa thì ở trên trời cao, nhưng tình trạng cao sang của Ngài giờ đây được tìm thấy trong chuồng bò - điều trước kia là thấp hèn giờ đây trở thành siêu phàm. Vinh quang của Thiên Chúa đang ngự dưới đất, đó là vinh quang của sự khiêm nhường và tình yêu. Còn hơn nữa: vinh quang của Thiên Chúa là bình an. Ngài ở đâu thì ở đó có bình an. Ngài hiện diện ở những nơi mà con người không muốn tự mình biến thế gian thành thiên đàng, nhưng ngược lại, họ lại muốn dùng nó cho bạo lực. Ngài ở với những người có tâm hồn “tỉnh thức”; với những người khiêm nhường và những người gặp Ngài ở “chiều cao” của Ngài, chiều cao của khiêm nhường và tình yêu. Ngài ban bình an của Ngài cho những người này, để qua họ, bình an có thể đi vào thế gian.

Thần học gia thời trung cổ William đệ Saint Thierry đã có lần nói rằng Thiên Chúa - từ thời Ađam – đã thấy vẻ oai nghiêm của Ngài làm cho chúng ta chống đối, vì chúng ta cảm thấy đời sống mình bị giới hạn và tự do bị đe dọa. Cho nên Thiên Chúa chọn một cách mới. Ngài trở thành một hài nhi. Ngài làm cho Mình bị lệ thuộc và yếu đuối, cần tình yêu của chúng ta. Giờ đây – Thiên Chúa này, Đấng trở thành một Hài Nhi nói với chúng ta  - các người không còn phải sợ Ta nữa, mà chỉ còn phải yêu mến Ta thôi.

Bằng những suy tư này, chúng ta đến gần Hài Nhi của Bethlêhem đêm nay - đến gần Thiên Chúa là Đấng đã chọn trở thành một Hài Nhi vì chúng ta. Ở mỗi trẻ nhỏ, chúng ta thấy một điều gì của Hài Nhi ở Bethlêhem. Mọi trẻ nhỏ cầu xin tình yêu của chúng ta. Vậy, đêm nay, chúng ta hãy đặc biệt nghĩ đến các trẻ em đang bị cha mẹ từ chối yêu thương. Hãy nghĩ đến những trẻ bụi đời không được phúc có một mái ấm gia đình, đến những trẻ em đang bị lạm dụng cách tàn nhẫn như những chiến binh trẻ em và làm cho các em trở thành công cụ của bạo lực, thay vì sứ thần của hoà giải và hoà bình. Hãy nhớ đến các trẻ em đang là nạn nhân của kỹ nghệ khiêu dâm và tất cả mọi hình thức lạm dụng kinh hoàng khác, và như vậy đang bị tổn thương trầm trọng tận đáy linh hồn các em. Hài Nhi của Bethlêhem một lần nữa triệu tập chúng ta lại để làm tất cả mọi sự trong khả năng của mình mà chấm dứt  sự đau khổ của các trẻ em này; để làm tất cả những gì có thể được ngõ hầu làm cho ánh sáng của Bethlêhem chạm đến tâm hồn tất cả mọi người nam nữ. Chỉ nhờ việc hoán cải tâm hồn, chỉ qua việc biến đổi tận đáy tâm hồn mình mà chúng ta mới có thể khắc phục được tất cả những sự dữ này, chỉ có như thế chúng ta mới có thể chiến thắng được quyền lực của sự dữ. Chỉ khi nào con người thay đổi thì thế giới sẽ thay đổi; và để thay đổi, người ta cần ánh sáng đến từ Thiên Chúa, một ánh sáng đã đi vào đêm đen của chúng ta một cách rất bất ngờ.

Trong khi nói đến Hài Nhi ở Bethlêhem, chúng ta hãy nghĩ đến một nơi tên là Bethlêhem, vùng đất mà  Chúa Giêsu đã sống, và Ngài quý mến vô cùng. Chúng ta hãy cầu nguyện để hoà bình được thiết lập ở đó, để thù hằn và bạo lực chấm dứt. Chúng ta hãy cầu xin cho sự hiểu biết lẫn nhau, cho các tâm hồn được rộng mở, để các biên giới cũng được mở ra. Chúng ta hãy cầu xin để bình an ngự xuống đó, bình an mà các Thiên Thần ca hát đêm nay.

Trong Thánh Vịnh 96 [95], dân Israel và Hội Thánh, ca ngợi sự hùng vĩ được bày tỏ trong các tạo vật. Tất cả mọi tạo vật được mời gọi để tham dự vào bài hát ca ngợi này, và như vậy bài Thánh Vịnh cũng chứa đựng lời mời gọi: “Hỡi cây cối rừng xanh, hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa, vì Người ngự đến” (c 12tt.). Hội Thánh đọc bài Thánh Vịnh này như một lời tiên tri và cũng như một nhiệm vụ. Việc Thiên Chúa đến Bethlêhem đã xảy ra trong im lặng. Chỉ có các mục đồng canh thức là được bao phủ bởi ánh sáng của sự hiện diện của Ngài trong giây lát, và có thể nghe thấy một điều gì của bài ca mới ấy, là bài hát được phát sinh bởi sự kinh ngạc và vui mừng của các Thiên Thần vì việc Thiên Chúa ngự đến. Sự im lặng của việc vinh quang Thiên Chúa ngự đến đang được tiếp tục qua các kỷ nguyên. Nơi nào có Đức Tin thì nơi ấy Lời Ngài được rao giảng và được nghe, ở nơi đó Thiên Chúa tập họp dân chúng lại và ban chính Mình cho họ qua Mình Ngài; Ngài làm cho họ trở thành Thân Thể Ngài. Thiên Chúa “đến”. Và bằng cách này tâm hồn chúng ta được thức tỉnh. Bài ca mới của các thiên thần trở thành bài ca của tất cả những người, qua mọi kỷ nguyên, hát một cách luôn mới mẻ, chúc tụng Thiên Chúa ngự đến như một Hài Nhi – và vui mừng tận đáy lòng họ. Các cây cối rừng xanh cũng đi ra đón Ngài và reo mừng. Cây ở Quảng Trường Thánh Phêrô nói về Ngài, nó muốn phản chiếu vẻ huy hoàng của Ngài và nói rằng: Vâng, Ngài đã đến, và các cây cối rừng xanh tung hô Ngài. Các cây trong các thành phố và trong các căn nhà của chúng ta phải là cái gì hơn là một phong tục ngày lễ: chúng hướng về Một Đấng là lý do của niềm vui của chúng ta – Thiên Chúa đã trở thành một Hài Nhi vì chúng ta. Cuối cùng, ở mức độ sâu thẳm nhất, bài ca chúc tụng này nói về Ngài, Đấng chính là Cây của Sự Sống Mới. Nhờ Đức Tin vào Ngài, chúng ta nhận được sự sống. Trong Bí Tích Thánh Thể, Ngài ban chính Mình cho chúng ta – Ngài ban cho chúng ta một sự sống vươn tới cõi vĩnh hằng. Trong giờ phút này, chúng ta cùng hát bài ca chúc tụng của tạo vật, và lời chúc tụng của chúng ta, đồng thời cũng là một lời cầu nguyện: “Vâng, Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhìn thấy một điều gì của vẻ huy hoàng của vinh quang Chúa. Và xin Chúa ban bình an trên thế gian. Xin Chúa làm cho chúng con trở thành những người nam nữ của sự bình an của Chúa. Amen.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 26.12.2008. 16:58