Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đồng Hội Đồng Thuyền

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

Tin Mừng Chúa Nhật V TN (Năm C)

Trong cương lĩnh của mình, “nous sommes aussi l’Église” (viết tắt là N.S.A.E = chúng tôi cũng là giáo hội), một nhóm Công giáo phát sinh ở Pháp, rồi lan qua Đức, Hà Lan, Đan Mạch và rải rác khắp Châu Âu, khẳng định cái họ muốn “Non pas une autre Église, mais... une Église autre” (không phải một giáo hội khác, nhưng là một giáo hội khác với Giáo Hội Công giáo). Không nói huỵch toẹt ra, nhưng rõ ràng họ muốn thay đổi toàn diện Giáo Hội, ‘lập ra” một giáo hội khác, một giáo phái khác, phải theo ý họ. Không lạ gì khi họ yêu sách bãi bỏ luật độc thân linh mục, bình đẳng giữa mọi tín hữu và bất kể ai cũng có thể tiếp cận thừa tác vụ, thái độ tích cực của Giáo Hội đối với tình dục, tự do tư tưởng, ngôn luận và nghiên cứu thần học,…Vì thế cũng không lạ gì khi thấy tên của Hans Kung trong số những người đi tiên phong,  bắt đầu với cuộc trưng cầu ý dân Giáo Hội (Référendum du peuple de l’Eglise) phát động năm 1995. Vàng thau lẫn lộn. Nhưng vàng vẫn là vàng và đồng thau thì mãi vẫn đồng thau, không chịu được những cuộc ‘thử lửa’ đức tin, và bị rỉ sét mục nát, biến mất theo thời gian. Những tổ chức nào muốn “cũng là giáo hội” thì phải hội đủ các yếu tố sine qua non “duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền”, không thể thiếu một yếu tố nào.

Một mình một con thuyền, ông lão Santiago trong “Ông Già và Biển Cả” của nhà văn Hemingway, quyết ra khơi lập một chiến công rạng rỡ cuối cùng. Trải qua nhiều ngày lênh đênh mặt bể, gian nan, vất vả, ông lão đánh được một con cá lớn chưa từng thấy. Nhưng sau đó, trên đường về, ông bị nhiều đàn cá mập kéo đến vây quanh con cá ông vừa đánh được để ăn thịt. Ông lão đem hết sức tàn chống chọi với lũ cá mập. Nhưng khi đuổi được chúng đi rồi, ông lão nhìn lại con cá của mình, thì thấy nó chỉ còn có bộ xương. Ông lão lại trở về túp lều nghèo nàn của mình. Tủi nhục, đau xót, nhưng trong lòng ông vẫn dâng lên niềm hãnh diện, vì từ trước tới nay chưa ai đánh được một con cá lớn như thế. Cảnh tượng thật bi tráng, nhưng đáng tội nghiệp. Sự cô độc – và cả rất kém khôn ngoan của một con người : liều lĩnh vì hư danh chỉ là dại dột. Cha ông ta vẫn dạy :” thuyền tam, bộ nhị”. Đi biển ít nhất cũng cần có bộ ba và hành trình trên đất liền cũng cần tối thiểu hai người. Biển tượng trưng những gì là bất trắc nhất trong cuộc đời, đến nỗi các ngư phủ hay nói : “Đời người được sinh ra chỉ một lần, nhưng ngư dân chúng tôi mỗi lần trở về đất liền là một lần được sinh ra”. Thuyền là hình ảnh quen thuộc của Giáo Hội giữa biển đời trần gian. Trong bài đọc hôm nay, “Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn” (Lc 5,3).  VÀ ĐÂY LÀ MỘT TUYÊN NGÔN LỚN LAO, CĂN BẢN về tất cả những gì liên quan đến Giáo Hội đang manh nha hình thành: tính chất, sứ mạng và cấu trúc hữu hình và thiêng liêng. Mọi sự của Giáo Hội khởi đầu khi bàn chân Chúa Giêsu bước xuống và đặt lên thuyền của Simon. Đây không phải là tuyên bố tự phong “chúng tôi cũng là giáo hội”, mà là lời dạy của Chúa Giêsu “các con là Giáo Hội”.

Chúa Giêsu đã không lên thuyền của ai khác, ngoài thuyền của Phêrô. Mối liên hệ đó khởi đầu cho sự gắn bó cho đến tận thế, tin cậy yêu mến và trao phó những gì quan trọng nhất cho Phêrô. Không ai khác ngoài Simon, duy nhất, bấy giờ và mãi mãi. Tính chất Công Giáo đã được nêu bật ngay từ lúc nầy, khi mà Chúa Giêsu giảng dạy đám đông : một cử toạ không hề chọn lọc, không hề phân biệt tốt lành hay tội lỗi, là người Do Thái hay dân ngoại. Đó là tương lai của Giáo Hội. Và nếu tính chất thánh thiện của Giáo Hội nằm ngay ở hành vi Simon thay mặt cả Gaío Hội sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!" (Lc 5,8), nhìn nhận Chúa Giêsu, Đầu Hội Thánh, là Đấng Thánh, thì tính chất tông truyền của Giáo Hội lại được chính Chúa Giêsu khẳng định : “từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”(Lc 5,10). Sau nầy, trong suốt ba năm giảng dạy, Chúa Giêsu khẳng định, xác nhận, củng cố và thêm da thêm thịt cho bốn yếu tố vừa là căn tính vừa là bản chất của Giáo Hội.

Qua hơn hai ngàn năm, đã xảy ra rất  nhiều vụ “đồng hội mà không đồng thuyền”. Satan đã thò bàn tay bẩn thỉu vào phá rối tình bác ái vô song, mà Kitô hữu nguyên thủy đã chứng tỏ cho thấy và gây nghi kỵ chia rẻ, dẫn đến những dị giáo, những cuộc ly giáo, mà đau đớn và làm tan nát Nhiệm Thể Chúa Kitô nhất, là cuộc Đại ly giáo năm 1054, phân chia Công giáo Rôma khỏi Chính Thống giáo Đông phương và sự ra đời của đạo Tin Lành vào đầu thế kỷ 16 với Martin Luther và Jean Calvin. Chỉ cần một người và một thời gian ngắn, đủ để xé nát Giáo Hội, gây gương mù gương xấu, làm suy yếu và kìm hãm việc rao truyền Tin Mừng, nghĩa là đi ngược với lời dạy và ý muốn của Chúa Giêsu. Thế rồi trong Giáo Hội Công giáo vẫn có những cá nhân,những nhóm người “đồng sàng dị mộng”, bị tự ái và kiêu căng làm mù quáng, gây ra và chất chồng thêm gánh nặng và đau khổ cho toàn Giáo Hội, cho Đấng kế vị Simon-Phêrô. Xa rời ‘gốc’ Phêrô, người ta tự loại mình ra khỏi tính duy nhất, sự thánh thiện và tất nhiên là tính tông truyền của Giáo Hội, ban đầu có thể bào chữa là do vô tình, nhưng dần dà trở thành cố chấp và tự biến mình thành kẻ thù Giáo Hội.

Đau biết mấy khi hằng ngày nghe nơi nầy nơi kia có những linh mục, tu sĩ không chỉ sa ngã về xác thịt, mà còn phạm tội ác lạm dụng tình dục trẻ em., bôi tro trét trấu lên khuôn mặt thánh thiện của Giáo Hội, trơ trẻn tự biện hộ rằng “vì con cũng là con người” (ngựa chứng tu viện) hoặc “errare humanum est” (lầm lỗi là bản chất con người), quên rằng việc “đào ngũ” không chỉ làm hại họ, mà còn làm cho bao người mất đức tin vì xấu hổ lây, vì gương xấu, vì sự nhơ nhớp, vô trách nhiệm, đem đổ sông đổ biển bao công trình, công trạng và hy sinh của biết bao Kitô hữu. Tất cả đều không khó phòng ngừa,chống trả, nếu như những người ấy bớt thờ cái bụng, đừng viện hết lý do nầy đến lý do nọ để tìm tiện nghi, xa hoa và nhất là gắn bó với Thánh Thể và trung thành với chuỗi hạt mai khôi. Cái sảy nẩy cái ung: sự ươn ái và mất cảnh giác đã đẩy một số không ít linh mục, tu sĩ rơi tự do xuống hố sâu tội lỗi và kéo bao người rơi theo.

Ngoài ra, trong Giáo Hội không thiếu những cảnh “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, và  “vạch áo cho người xem lưng”. Có những hạng tự xưng mình là ‘yêu nước’, chẳng khác nào chửi vào mặt các tín hữu Công giáo, từ giám mục, linh mục cho đến giáo dân, là “không yêu nước”, “phản động”. Không lạ gì khi họ đòi nghiêm trị đồng đạo đang bị áp bức, bách hại của họ. Họ được nhà nước ca ngợi và được những người vô thần tôn vinh. Còn chút may mắn là thế lực họ chưa đủ mạnh và thái độ của tuyệt đại đa số giáo dân Việt Nam ghê tởm cuộc sống và hành động chẳng khác “Giudà” của họ, bằng không, lại phân rẻ giám mục “chui” và giám mục “công khai”, những người do họ chọn hoặc phê duyệt, không cần hoặc bất chấp sự đồng ý của Toà Thánh, như trường hợp của Giáo Hội ở Trung Quốc. Song nếu các giám mục cắn răn chịu đựng, để mặc đám người nầy tự tung tự tác thao túng, thì ngày ấy cũng chẳng còn xa. Khi đám “yêu nước” nầy mặc nhiên tự phong "chúng tôi cũng là giáo hội”, thì với sẵn quyền thế được người vô thần cho họ, Giáo Hội Chúa còn phải chịu vô vàn đau khổ, hy sinh.

Một linh mục trẻ hay đi làm việc tông đồ cuối tuần, đã mô tả hành trang người tông đồ hôm nay, là “ba lô - xô - cá khô”: ba lô một chiếc, xô một cái, cá khô một ký và nhẹ nhàng lên đường. Nhẹ nhàng và an tâm lên đường ư? Chỉ một lúc sau, mớ hành trang nầy rõ ràng không bảo đảm cho sinh hoạt của một người làm việc. Vị linh mục trẻ kết luận - không mạch lạc lắm - , rằng cuộc sống dù của ai, ở hoàn cảnh nào, cũng cần đến tiền bạc vật chất (ít nhất giáo dân cũng được nghe ngài nói thêm : “miễn là không gắn bó với nó”). Sao không thấy những hành trang vô cùng cần thiết, là ơn Thần Khí, là sức mạnh Thánh Thể, là chuỗi hạt mai khôi và lòng yêu mến thiết tha đem Chúa cho anh em? Giáo Hội không phải là những con robot : nhận lệnh của Chúa Giêsu rồi truyền đi, như thể người ta chuyển giao công nghệ. Lệnh của Chúa có nghĩa là sứ mệnh gắn vào xương thịt môn đệ, phải sống chết vì nó, nhưng để đem Tin Mừng, đem Chúa đến cho đồng loại, thì phải có trái tim yêu thương, con tim bằng thịt, mới có thể được gặp những con tim bằng thịt. Không có bác ái, Giáo Hội sẽ chỉ là tập hợp những người “đồng hội không đồng thuyền”, hoặc “đồng thuyền không đồng hội”.  Con thuyền Giáo Hội vì thế mà còn phải chao đảo,lắc lư lâu dài.

Hãy Hát Lời Tình Yêu - Thánh Vịnh 35:

Cảnh tượng tội nhân lòng chai dạ đá, thâm căn cố đế, bề ngoài tỏ ra có vẻ tự tin và cho tin vào sự im lặng của Thiên Chúa, là một trong những cảnh tượng đáng đáng sợ và là một trong những cái có khả năng thử thách đức tin nhất. Ánh mắt dừng lại trên khuôn mặt những ‘kẻ đáng nguyền rủa” nầy, những kẻ xa lạ với lòng úy kính Thiên Chúa, nơi họ dường như đã tắt ngấm vĩnh viễn mọi ngọn lửa lương tâm cắn rứt, không mảy may âu lo và họ thật sự là những người chết ngay khi còn sống dưới mắt của kẻ tin. Theo bản năng, người ta lãng tránh nhìn họ : họ làm cho người ta sợ hãi. Và người ta thuật lại với Thiên Chúa  tất cả những gì những người nầy từ chối, tất cả những gì chúng ta muốn cho họ được chia sẻ và họ đã khinh thị loại bỏ: lòng tin, lòng cậy, lòng mến của chúng ta. Dường như Thiên Chúa thực hiện lời hứa của Người :” Nếu ở đó không có ai đón nhận lời chúc bình an của các con, thì bình an sẽ được đổ xuống lại trên các con” (Lc 10,16). Thánh vịnh nầy đầy dẫy những từ ngữ mạnh mẽ và dịu dàng,mà chúng ta phải được nuôi dưỡng và giúp chúng ta luôn cảm thấy được ở gần bên Thiên Chúa.

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 09.02.2010. 23:34