Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đói và cứu đói

§ Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải, DCCT

Chủ nhật 18 Thường niên A

Trong cuốn sách Têrêxa-Biểu tượng của tình thương kể rằng: Lần kia Mẹ Têrêxa đi thăm một gia đình Ấn giáo đã bị nhịn đói nhiều ngày. Mẹ mang theo ít gạo cho gia đình ấy. Không chút lưỡng lự, người phụ nữ trong gia đình ấy đã chia số gạo ra làm hai phần. Rồi bà đem một nửa cho gia đình Hồi giáo bên cạnh. Mẹ Têrêxa hỏi người phụ nữ kia: “Bà còn lại được bao nhiêu? Liệu có đủ cho gia đình bà không? Người phụ nữ trả lời: Nhưng họ cũng đã bị nhịn đói nhiều ngày rồi!”

Hoá ra trong cảnh cùng quẫn, nhiều khi, lòng chạnh thương của con người vẫn toả sáng bằng những hành động hy sinh, chia sẻ cao thượng, khiến ngay người có trái tim vàng như Mẹ Têrêxa cũng phải kinh ngạc.

Hơn ai hết Chúa Giêsu là người có lòng chạnh thương con người. Nhất là những người khốn khổ. Vì chạnh lòng thương cho nên, khi đứng trước những đau khổ, bệnh tật của người khác, Chúa không hỏi tại sao, nhưng ngài đã ra tay chữa lành. Vì chạnh thương cho nên khi thấy dân chúng đói khát tâm linh, vất vưởng như đàn chiên không người chăn dắt, Chúa đã dạy dỗ họ, hướng dẫn họ không quản ngày đêm. Sau nữa, cũng vì chạnh thương mà ngài đã hoá bánh ra nhiều cho họ được ăn no nê khi họ đói khát cơm bánh vật chất.

Chúa muốn chúng ta cũng phải có lòng chạnh thương và biết chia sẻ như thế. Bài TM cho thấy: Trước cảnh đường xa, trời chiều, dân chúng mệt mỏi, bụng đói, các môn đệ muốn giải tán dân, thì Chúa nói với các ông: Họ không cần phải đi đâu cả. Chính anh em hãy cho họ ăn đi. Đấy không phải là lúc giải tán. Đấy là lúc mới ăn. Tất nhiên, Chúa làm phần Chúa. Nhưng Chúa muốn người phải làm phần người. Làm tức khắc. Làm ở đây. Làm lúc này. Làm cho những người này. Không cần phải đi đâu cả!

Đấy cũng là điều Chúa kêu gọi mỗi chúng ta hôm nay. Vì những người quanh ta và ngay chính bản thân chúng ta cũng đói khát lắm rồi!

Đói vật chất. Trên thế giới người giàu vẫn ít hơn người nghèo. Đất nước chúng ta có phát triển khá hơn trong những năm gần đây, nhưng vẫn là một nước nghèo. Để mắt nhìn quanh, thấy còn nhiều người vẫn đói ăn, thiếu mặc, thiếu phương tiện để lao động sản xuất, thiếu ruộng vườn, thiếu công ăn việc làm.

Đói tình cảm nữa. Cái đói này phổ biến hơn là đói cơm bánh. Cái đói này không trừ ai. bất luận giầu nghèo, sang hèn, giỏi dốt. Bao nhiêu người mẹ đang cần một lời cám ơn. Bao nhiêu người cha đang cần một cử chỉ yêu thương. Bao nhiêu người vợ đang cần một lời động viên, khuyến khích. Bao nhiêu người con đang cần được chăm sóc cụ thể. Bao nhiêu đồng nghiệp đang cần một nụ cười thông cảm, một cái nhìn trìu mến. Bao nhiêu? Xã hội ta sống đang khô héo vì thiếu tình yêu và thừa bạo lực.

Trên hết là cái đói khát tâm linh. Cơn đói này là dữ dội nhất trên đất nước chủ trương vô thần và ngăn cản tự do tôn giáo lâu năm như đất nước Việt Nam chúng ta. Một lần đi Sơn La, khi chúng tôi ngồi uống nước ở một nhà ven đường, những người trong nhà biết chúng tôi là linh mục, một thanh niên đã xông ra nói với chúng tôi rằng: “Xin các cha ban cho chúng con một thánh lễ. Bao nhiêu năm rồi ở đây không có lễ. Chúng con khát lắm rồi. Lưỡi chúng con nứt nẻ như đồi núi khô hạn lâu năm rồi. Chỉ cần một thánh lễ thôi. Một thánh lễ như một giọt nước làm cho chúng con mát lưỡi” Anh vừa nói vừa ngửa cổ, há miệng, chỉ tay vào lưỡi, khiến chúng tôi hôm ấy không ai xót xa và cảm động.

Cơn đói khát tâm linh có khi thể hiện hiện ra bằng cách thánh thiện như thế. Nhưng cũng có khi nó lại hiện hình trong những thói ăn chơi trác táng, ngông cuồng. Chúng ta thấy ở Hà Nội này có những thanh niên “yêu xe hơn con, quý xe hơn bố” trong khi đó lại “đổi bồ nhanh hơn đổi xe”. Họ sống không lý tưởng. Không định hướng. Nếu có thì cũng là lý tưởng viển vông. Định hướng sai lầm.

Khi người ta không còn mối tương giao với Chúa Trời thì người ta nào biết trên đầu mình có ai! Khi chỉ còn biết đặt tất cả cuộc đời vào sự vật của thế giới này thì có bao giờ ngừời ta biết no đủ thật là gì. Tất cả những biểu hiện ngông cuồng và trách táng trong lối sống cho thấy một lỗ hổng tinh thần to lớn đang làm hỏng bao nhiêu con người, nhất là người trẻ.

Trước cảnh đói khát của con người, Chúa nói với chúng ta rằng: “Họ không phải đi đâu cả. Anh em hãy cho họ ăn đi”. Thánh Phaolô cũng nói: “Mỗi người trong anh em hãy cho đi, hãy chia sẻ với nhau tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, miễn cưỡng”. Cho nên, chúng ta cần phải biết cho. Không cho nhiều thì cho ít. Người xung quanh ta nhiều khi chẳng mong gì nhiều đâu. Chỉ mong một ít thôi. Có khi chỉ mong được một miếng bánh vụn vật chất, tình cảm và tâm linh thôi. Mong một cái nhìn thông cảm, một nụ cười khuyến khích, một lời khen tặng, một cành hoa, một món quà, một lá thư, một cuộc điên thoại, một chuyến viếng thăm, một lời cầu nguyện, etc. Một chút thôi cũng đủ mát lòng. Có khi đủ cứu mạng người và dẫn người bước vào một đời sống mới tốt đẹp hơn và ý vị hơn.

“Chúng ta ai cũng có gì đó để chia sẻ. Chúng ta không ai nghèo đến nỗi không có gì để cho”. Mẹ Têrêxa bảo vậy. Chúng ta cũng nhận ra rằng tự mình chúng ta đầy đủ. Ai trong chúng ta cũng thiếu thốn một cái gì đấy. Vì vậy, chúng ta cần đến nhau. Trời muốn chúng ta xoá đói giảm nghèo cho nhau. Muốn lắm! Bây giờ chúng ta có no đủ hay không là tuỳ ở chúng ta. Chúa dựng nên con nguời không cần hỏi ý kiến con người. Nhưng cứu độ con người thì cần sự cộng tác của con người. Thánh Augustino nói vậy. Mưu sự tại thiên, thành sự tại nhân. Thành sự tại nhân nhé! Thành hay không là ở người đấy thôi. Chúng ta có xoá đói giảm nghèo cho nhau được hay không là tuỳ ở thái độ và hành động bác ái của chúng ta.

Mỗi lần đi thăm chùa Trần Quốc bên Hồ Tây, nhìn những tháp mộ cổ kính trong vườn, tôi tưởng nhớ đến những vị sư đã từng ở đây. Ai đạo cao đức trọng, đắc đạo tột đỉnh, khi viên tịch, tháp mộ được xây chín tầng. Số chín là số viên mãn và đẹp nhất. Mỗi tầng tháp mộ còn được gọi là một bậc phù đồ. Nhớ lại truyện thơ Quan Âm Thị Kính dân mình nói rằng: “Dù xây chín bậc phù đồ. Không bằng làm phúc giúp cho một người”. Biết giúp đỡ cho một người, một người thôi, cũng đủ làm cho chúng ta đắc đạo. Đắc đạo hơn cả vị sư tu đắc đạo nhất.

Kinh thưa cộng đoàn. Ai đó nói rằng, “chúng ta không thể làm được mọi sự. Nhưng chúng ta hãy làm những gì có thể trong tầm tay”. Còn thánh Phaolô nói “Bác ái là chu toàn lề luật”. Xin Chúa cho chúng ta được chu toàn lề luật và đắc đạo nhờ biết cứu giúp người khác xoá đói giảm nghèo. Amen.

Nhà thờ Sainte Marie Hà Nội

Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải, DCCT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 02.08.2008. 12:36