Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đời sống chúng ta phải là lời đáp trả tình yêu không loại trừ của Thiên Chúa

§ Lm Jude Siciliano, OP

Chúa Nhật 4 Thường Niên C
Gr1:4-5, 17-19;1 Cr 12:31- 3:13; Luke 4: 21-30

Hôm nay, tiên tri Giê-rê-mi-a và Thánh Lu-ca nhắc nhớ chúng ta rằng nhiệm vụ của các ngôn sứ chẳng dễ dàng chút nào. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã tạo nền cho đoạn tin mừng của chúng ta khi ông thuật lại tiếng Thiên Chúa đã gọi ông, từ khi ông còn trong lòng mẹ! “Trước khi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đã đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”. Thật đáng thương cho Giê-rê-mi-a, trong vai trò ngôn sứ đôi lúc ông cũng phải đối mặt với mối đe dọa bị nghiền nát. Và ngay cả khi không bị thúc ép thì ông vẫn phải nương tựa vào Chúa ngay từ khi còn trong lòng mẹ để thi hành sứ vụ.

Nhiệm vụ của Giê-rê-mi-a quả thật là khó khăn! Ông buộc phải chống lại chính dân mình, phải đương đầu với các vua của Giu-đa, các tư tế và cả dân chúng. Ông sẽ cần điều mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm cho ông: biến ông trở thành “cột sắt tường đồng chống lại cả xứ…” Như Giê-rê-mi-a, chúng ta đã được Thiên Chúa nhào nắn để trở thành một dân ngôn sứ, từ lúc chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Giống như các ngôn sứ, có thể chúng ta cũng muốn tránh khỏi lời mời gọi của Thiên Chúa và không muốn lãnh nhận sứ vụ mà Người trao cho chúng ta (1,6-8), dẫu thế, Thiên Chúa thúc giục chúng ta đến lên tiếng mỗi khi chúng ta gặp phải bất kỳ bất công nào.

Bài đọc hai trích từ thư 1 Cô-rin-tô dường như đã quá quen thuộc với chúng ta. Chúng ta nghe bài đọc này gần như trong mọi lễ hôn phối. Bầu khí của buỗi lễ làm cho bài đọc có vẻ như rất lãng mạn. Thực ra, tình yêu mà thư Cô-rin-tô nói đến là tình yêu mang tính ngôn sứ. Tình yêu ấy không chỉ mời gọi chúng ta yêu những người dễ mến nhưng còn yêu cả những người chống lại chúng ta; không chỉ yêu người hiền lành nhưng cả những kẻ hung dữ; không chỉ yêu những người trí thức và giàu có nhưng còn cả những người thất học và bần cùng; không phải chỉ những người bị áp bức nhưng cả kẻ đàn áp người khác; không chỉ những người đã giúp đỡ chúng ta hoặc những người thân trong gia đình chúng ta mà cả những người quay lưng với chúng ta khi chúng ta cần sự giúp đỡ của họ.

Từ “yêu” thực đã bị lạm dụng trong ngôn ngữ thường ngày của chúng ta. Chẳng hạn: “tôi yêu bánh nhân táo… tôi yêu bản nhạc hot…. tôi yêu cái máy I-pod đang thời trang nhất…” Hạn từ 'yêu' mà Thánh Phao-lô sử dụng nhắm đến một tình yêu cụ thể. Không phải thứ tình yêu bẩm sinh mà chúng ta có đối với những người thân, cũng không phải là cảm giác rung động khi chúng ta bị ai đó hớp hồn, cũng không phải là tình cảm dành cho người bạn thân. Hơn thế nữa, thánh Phao-lô muốn nói đến tình yêu “Agape.” Đó là tình yêu vô điều kiện, chính là cách mà Thiên Chúa yêu chúng ta. Agape nghĩa là chúng ta luôn dành cho người khác một chỗ đặc biệt trong trái tim, dù cho chúng ta có thích họ hay không hoặc họ có đáp trả lại tình yêu đó hay không. Vì chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí của Đức Giê-su nên đây là thứ Tình yêu mà chúng ta hoàn toàn có thể có được. Giống như Đức Giê-su, tình yêu của chúng ta cũng mang tính ngôn sứ vì nó phản chiếu tình yêu không loại trừ của Thiên Chúa dành cho mọi người, không kể việc người đó có đáp lại tình yêu của Người hay không.

Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta chỉ đi vào phần thứ hai của cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và những người đang cầu nguyện trong Hội đường Na-gia-ret. Chúng ta đã nghe phần đầu của đoạn Tin mừng này vào Chúa nhật trước. Sự việc chẳng mấy chốc trở nên căng thẳng, vào cuối đoạn đối thoại người ta đã sẵn sàng giết Đức Giê-su. Người bảo với họ rằng Người đã được Thần Khí của Thiên Chúa xức dầu. Người đọc đoạn trích của tiên tri I-sai-a để mô tả sứ vụ của mình, và nói với họ Người đến để “loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù được sáng mắt, và trả lại tự do cho người bị áp bức.” Rồi Người nói tiếp “ngày hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai quý vị vừa nghe.”

Gần như quý vị nghe được tiếng dân chúng thở phào nhẹ nhõm. Vì họ đã chịu sự đàn áp và ngược đãi của người Ai Cập, At-si-ri và Ba-by-lon quá lâu. Cuối cùng họ đã nghe biết việc Chúa đã đến để giải thoát họ. Rốt cuộc, dân chúng nghĩ Thiên Chúa sẽ chiến thắng và trừng phạt kẻ thù của họ. Họ có cả một chuỗi dài những kêu than chính đáng chống lại sự bất công đến từ phía những kẻ đàn áp họ. Thiên Chúa chỉ là kế sách cuối cùng để giúp đỡ họ. Vì họ là “dân được chọn,” họ đoán trước rằng Thiên Chúa dứt khoát sẽ hành động thay cho họ. Sau cùng, chẳng phải những người chống lại dân của Thiên Chúa cũng là những kẻ thù của Ngài đó sao? Và chúng chẳng lẽ không đáng bị trừng phạt ư? Chẳng phải như thế mới là hợp lý sao?

Nhưng nếu họ thực sự chú ý, họ ắt phải nhận ra rằng khi trích sách của ngôn sứ I-sai-a Đức Giê-su đã bỏ qua một câu; một câu mà họ muốn và chờ đợi để nghe từ một nhân vật có thể giúp họ phá bỏ những gánh nặng của kẻ áp bức. Những gì Đức Giê-su bỏ qua không trích dẫn ám chỉ đến “ngày Đức Chúa báo thù để an ủi tất cả những ai sầu khổ”. Đức Giê-su không hứa rằng Thiên Chúa sẽ báo oán. Ngài cũng không hành động như ý họ muốn. Như Đức Giêsu nói với họ, họ chẳng thể nào đòi hỏi được đặc ân chỉ vì dòng dõi của họ. Người minh họa những điểm này bằng lời và hành động của hai ngôn sứ quen thuộc với họ là hai ông Ê-li-a và Ê-li-sa.

Đức Giê-su kể câu chuyện về bà góa dân ngoại thành Xa-rép-ta đã được tiên tri Ê-li-a giúp đỡ trong một nạn đói. Sự việc trở nên tệ hơn khi Đức Giê-su nói đến một người ngoại giáo khác là Na-a-man, người chỉ huy quân đội, một nhà lãnh đạo quân sự của chính đất nước đang thống trị It-ra-en. Đức Giê-su muốn những người đang lắng nghe biết rằng người ngoại giáo này, một kẻ thù, cũng đã được vị ngôn sứ của họ là Ê-li-sa chữa lành. Lấy các ví dụ từ trong sách ngôn sứ thời xưa, Đức Giê-su muốn nhắc họ hiểu rằng Thiên Chúa của họ quan tâm tới tới tất cả mọi dân nước. Chính dân được chọn trở nên dấu chỉ báo trước về một thế giới được tình yêu bao la của Thiên Chúa bao bọc – ngay cả với kẻ thù của họ. Thế nhưng, những người có mặt trong Hội đường hôm đó đã bỏ lỡ hay quên mất sứ điệp chính yếu được mặc khải cho họ qua các ngôn sứ về tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa.

Bà góa kia đã làm gì để xứng đáng được Thiên Chúa thi ân giáng phúc? Chẳng gì cả! Na-a-man đã làm gì để được Thiên Chúa chữa lành bệnh hủi cho? Chẳng gì cả! Sứ điệp của Đức Giê-su nói về một Thiên Chúa quan tâm cả đến những người dân ngoại. Thậm chí, Đức Giê-su còn khen ngợi những người dân ngoại biết mở lòng ra đón nhận sự trợ giúp của Thiên Chúa. Quyền thừa kế và đặc quyền chẳng thể làm được gì.

Đức Giê-su đang nói với những người trong Hội đường, với những người sùng đạo như chúng ta. Ngài không chỉ trích họ nhưng mời gọi họ và cả chúng ta nữa nhận ra tình yêu hải hà của Thiên Chúa và để tán dương chứ không phải để bình phẩm tình yêu ấy. Trong lời nguyện Thánh Thể hôm nay, chúng ta sẽ nghe biết sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho con người thật lớn lao biết bao! không phải vì chúng ta chúng ta xứng đáng, nhưng vì Thiên Chúa đã quyết định thi ân cho chúng ta trong Đức Giê-su, là dấu chỉ báo trước tình yêu của Người. Thánh Phao-lô đã cảm nghiệm được tình yêu đó trên đường Đa-mát và chính tình yêu ấy đã biến đổi cuộc đời của ngài. Đó là lý do thánh Phao-lô khuyên giáo đoàn Cô-rin-tô hãy diễn tả tình yêu mà họ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa qua việc yêu thương người khác bằng một “tình yêu Agape” – “tình yêu cho đi.”

Những người trong hội đường có thể cũng đã đoán được một sự biệt đãi dành cho họ khi hỏi: “Người này chẳng phải là con ông Giu-se sao?” Thánh Lu-ca cho biết họ đã “tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra.” Vì Đức Giê-su là “người cùng làng” nên họ chờ đặc ân được ban cho họ nghĩa là được chia sẻ vinh quang với Người, vì họ là những hàng xóm láng giềng, đồng hương với Người. Chẳng phải họ là những người đầu tiên sẽ nhận được ân sủng của Thiên Chúa nhân lành như Ngài đã hứa với dân It-ra-en sao? Nếu thầy thuốc có được phương dược chữa lành, chẳng phải hàng xóm của Đức Giê-su sẽ là những người trước tiên được nhận sao?

Điều trớ trêu trong bài Tin Mừng hôm nay là chính những người muốn đẩy Đức Giê-su xuống vực thẳm lại là những người đạo đức. Họ là những người vẫn đang giữ ngày Sa-bat. Điều này khiến chúng ta thắc mắc: làm thế nào chúng ta có thể chịu đựng và sống được Tin mừng mà chúng ta đã tuyên xưng các đàng hoàng? Chúng ta có tự nhận mình là những con người đặc biệt và được hưởng những ân huệ từ Thiên Chúa nhờ những thực hành tôn giáo hay không? Hoặc, chúng ta có đáp trả món quà tình yêu nhưng không của Thiên Chúa bằng việc tìm cách chia sẻ cho người khác ngay khi chúng ta gặp phải những kháng cự từ những người chung quanh hay không? Với những hình ảnh của Kinh thánh hôm nay thì: Đâu là bà góa thành Xa-rép-ta, hoặc ai là Na-a-man - người phong hủi và ngoại giáo, những người nằm ngoài phạm vi quan tâm thông thường của chúng ta, mà chúng ta được mời gọi để yêu thương họ?

Lm Jude Siciliano, OP
Học Viện Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 30.01.2010. 00:28