Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đoàn chiên thuộc về một Chúa Chiên

§ Lm Phêrô Hồng Phúc

Ngày lễ Chúa Chiên Lành nhắc chúng ta một mối tương quan giữa Chúa chiên với đoàn chiên. Để hiểu mối tương quan này, chúng ta tìm hiểu phong tục của người dân Do Thái, một dân tộc được gọi là dân du mục lấy việc chăn chiên làm sản nghiệp. Họ đi từ cánh đồng này qua cánh đồng kia để có cỏ non cho chiên ăn, và như vậy, cuộc sống của họ có thể nói là cuộc sống phụ thuộc vào đoàn chiên. Đoàn chiên lớn mạnh là gia sản của họ lớn, đoàn chiên gầy yếu và chết yểu là gia sản của họ bị khánh kiệt. Bắt đầu từ mối tương quan quan trọng giữa chủ chiên với đoàn chiên này chúng ta thấy một mối tương quan khác quan trọng hơn nảy sinh.

Chúng ta còn nhớ câu chuyện của gia đình Giacop khi vào đất nước Ai Cập (St 46, 1-34. 47, 1-26) Giuse, người con trong gia đình đã trở thành thủ tướng của Ai Cập. Một địa vị lớn lao như vậy, gia đình Giacob xin vua Pharaon ở đâu mà chẳng được, nhưng cả gia đình Giacob đã xin được ở vùng đất Gosen vì ở đó màu mỡ và có thể chăn chiên. Họ gắn bó và hòa quyện mảnh đất mới, họ từ bỏ nhung lụa để gắn bó với đoàn chiên. Như vậy, việc gắn bó với đoàn chiên không phải chỉ vì cuộc sống và còn là vì niềm vui và hạnh phúc. Để đáp lại, chiên không chỉ cho họ thịt, cho họ len mà chiên còn cho họ niềm vui vì mối tương quan giữa người mục tử với đoàn chiên đã trở nên sâu sắc và thân thiết. Phương ngôn Việt Nam: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” Đối với chiên của người Do Thái sự gắn bó ấy còn hơn nhiều. Chính vì vậy, mối tương quan giữa người Mục Tử với đoàn chiên là một mối tương quan không chỉ là mang tính chất của nghề nghiệp mà còn mang tính chất sinh hoạt, thân thiết trong đời thường. Người chủ chiên gắn bó với đoàn chiên thì ngược lại, chiên đi sát theo chủ từng bước. Chúng ta hiểu lý do tại sao người chăn chiên cầm gậy đi trước là để sẵn sàng đánh chó sói bảo vệ cho đoàn chiên. Theo lẽ thường người ta nuôi chiên để giết chiên ăn thịt, để lấy lông chiên làm chăn làm áo, bảo vệ cho cuộc sống của con người, vì mạng sống con người thì quan trọng hơn tất cả. Nếu gặp chó sói hay thú dữ đến ăn thịt chiên, người chăn chiên có nguy cơ cũng bị thú dữ ăn thịt, cho nên họ có quyền bỏ chạy để bảo vệ mạng sống của mình. Nhưng đó là sự khác biệt nhau giữa người chăn thuê với người chăn chiên đích thực dám hiến mạng sống vì chiên.

Có một người ký kết một hợp đồng mang thai thuê với số tiền khá lớn. Nhưng ngay sau khi sinh, bỗng chị tự ý phá hợp đồng đã ký kết. Chị không nhận một đồng xu nào để chính thức trở thành mẹ của trẻ sơ sinh. Bên A đã kiện chị ra toà án, nhưng phần thắng đã thuộc về chị vì đứa con đã được sinh ra từ lòng chị phát sinh tình mẫu tử ruột thịt không thể phủ nhận.

Có một khoảng cách quá lớn giữa hợp đồng thuê với người mẹ là như vậy để ta hiểu rõ hơn giữa người chăn chiên thuê với chủ chiên đích thực.

Trong sách Samuel quyển thứ nhất có đoạn David nói với vua Saun rằng: “Tôi tuy chỉ là người chăn chiên, nhưng khi có thú dữ đến, tôi sẽ sẵn sàng đánh thú dữ để bảo vệ đoàn chiên” ( x.1Sm 17, 34-58). Và chính trong trận chiến đánh bại tên Philitinh chỉ với dây phóng và hòn đá đã cho thấy David, một người đi từ vai trò chăn chiên giỏi, dùng tiếng đàn tiếng nhạc đến nỗi mỗi khi anh cất lên tiếng đàn là chiên có thể nghe theo hiệu lệnh của tiếng đàn tiếng nhạc ấy nay đã trở thành một người giỏi dùng binh và David đã sử dụng tất cả những khả năng đó để trở nên một vị vua anh minh cho dân tộc Do Thái.

Hình ảnh tương quan giữa người chủ chiên với đoàn chiên là một cuộc đấu tranh sinh tồn không chỉ cho mạng sống của họ mà còn cho mạng sống của đoàn chiên nữa. Họ trở nên dám xông pha mạo hiểm, dám dấn thân vì đoàn chiên, trong khi xét về lý thì không đòi hỏi như vậy. Cả đoàn chiên phải nuôi họ, đâu cần họ phải hiến mạng mình vì đoàn chiên. Và người tuyên bố điều này là chính Đức Giêsu Kitô: “Ta là Mục Tử tốt lành, dám hiến mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11). Từ đó, ta hiểu thêm về Lời Chúa: “ Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hiến mạng vì người mình yêu” (Ga 15,13)

Ngày lễ Chúa Chiên Lành hôm nay không có ý để chúng ta phân tích kỹ về “Mục Tử tốt lành” cho bằng phải là “đoàn chiên của Ta biết Ta” (Ga 10,14), nhắc chúng ta biết rằng chúng ta đang thuộc về vị Mục Tử tốt lành, dám hiến mạng vì chiên thì chúng ta có nhận ra tiếng của chủ chiên hay không. Người chăn chiên đi trước, cầm gậy bảo vệ cho đoàn chiên. Nhưng vẫn có những con chiên lạc vì nhiều lý do khác nhau. Người chăn chiên đích thực sẵn sàng bỏ chín mươi chín con chiên để đi tìm một con chiên lạc (Lc 15, 4-7). Đó là sự gắn bó đến từng con chiên và người chăn chiên dám hiến mạng vì chiên nhắc chúng ta hãy thuộc về Chủ chiên thánh thiện của chúng ta, đồng thời nhắc nhớ cho mỗi người chúng ta hãy sống làm sao để luôn sống trong cùng một đàn. Người Việt Nam khuyên nhau “Khôn ngoan đấm đá người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Đàn gà không thể so sánh được với đàn chiên, nhưng dù sao người ta cũng lấy hình ảnh đàn gà để cùng nhắc tình người sống với nhau có tình thương yêu liên kết. Một đoàn chiên sống trong tình thương yêu của người Mục Tử nhưng lại cũng có sự liên kết với nhau để tình yêu thương nảy sinh giữa Chúa chiên với đoàn chiên và giữa từng con chiên với nhau. Con chiên đã trở nên thân thiết, như chúng ta đã dùng những hình ảnh con chiên bổn đạo để nói về mối liên hệ hiệp thông giữa chúng ta với Thiên Chúa và chính ở đây, Đức Giêsu đã dạy chúng ta học được bài học của đức hiền lành, khiêm nhường, của tình yêu lớn nhất dám hiến mạng vì người mình yêu. Khi nào chúng ta đạt đến sự hiệp thông trọn vẹn giữa Thiên Chúa với con người, giữa con người với con người, chúng ta tạo nên không chỉ là một đại gia đình mà còn là một thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô. Trong một thân mình, mọi bộ phận – thánh Phaolô nói – đều ăn khớp với nhau “Mắt không thể bảo tay: Tao không cần đến mày “, “Đầu cũng không thể nói với hai chân: Tao không cần chúng mày” (1Cr 12,21). Một cái kim hay một cái gai mà chúng ta đạp phải, nó làm ta đau lên tới tận đỉnh đầu. Cơ thể con người là một khối thống nhất, biết cảm thông với nhau, biết chia sẻ cho nhau. Một gánh nặng trên vai sẽ dồn lực đến tận gót chân; một cái mụn nhọt có thể theo máu vào tận tim làm cho tim cũng bị suy yếu.

Trong ngày lễ Chúa Chiên Lành hôm nay, hình ảnh một thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô, hơn bao giờ hết phải được hiểu gắn bó hữu cơ, và khi chúng ta nói về Chúa Chiên Lành thì chúng ta ý thức về mối liên kết khăng khít trở nên thân mình mầu nhiêm của Chúa, để trong mối tương quan Chúa chiên và đoàn chiên, chúng ta còn thấy thân thiết hơn nữa: Chúa chiên đã hiến mạng sống vì đoàn chiên.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Chúa là Mục Tử tốt lành đã hiến mạng sống vì đoàn chiên.
Ngày hôm nay chúng con được nhắc nhở
hãy sống xứng đáng là đoàn chiên thuộc về Chúa.
“Còn nhiều đàn khác chưa thuộc đàn này
Ta cũng phải đưa chúng về
để chỉ có một đàn chiên
dưới quyền một Đấng chăn chiên duy nhất” (Ga 10,16)
Lời Chúa nói với người Do Thái nhắc chúng con
về sứ mệnh truyền giáo,
về sự hiệp thông với Giáo Hội,
về sự gắn kết với Chúa
để ngay từ hôm nay,
chúng con biết sống tinh thần quảng đại, dấn thân,
yêu thương, khiêm tốn và đón nhận nhau.
Xin cho chúng con nên một đoàn chiên
thuộc về Chúa chiên nhân lành và thánh thiện
để chúng con được nghỉ ngơi bên bờ suối của ơn phúc
và được Chúa chăn nuôi trong đồng cỏ màu mỡ của Nước Trời. Amen.

Lm Phêrô Hồng Phúc

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 25.04.2010. 15:26