Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Điều quý giá nhất đối với Thiên Chúa

§ Lm Giuse Trương Đình Hiền

CHÚA NHẬT XXX (TN C)

Dẫn nhập đầu lễ :

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Gần như để tiếp nối và khai triển chủ đề về lòng khoan dung và yêu thương của Thiên Chúa dành cho những tâm hồn khiêm hạ, khó nghèo (như “mười người phung cùi được chữa lành” trong CN XXVIII, “Bà góa nghèo được minh oan” trong CN XXIX), sứ điệp Phụng vụ hôm nay muốn nhấn mạnh tới thái độ của loài người chúng ta trước tình yêu Thiên Chúa. Đó chính là lòng khiêm hạ sám hối của “người thu thuế” đối lập với thái độ tự mãn kiêu căng của người biệt phái mà Chúa Giêsu đã minh họa rõ nét trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay.

Đây cũng chính là tâm tình và thái độ sám hối cần thiết trong lúc nầy để chúng ta xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.

Giảng lễ :

Một đêm giáng sinh nọ, Thánh Giêrônimô đang quỳ bên máng cỏ để suy niệm về mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người thì bỗng Chúa Hài Đồng hiện ra trong vầng sáng chói loà. Ngài hỏi thánh nhân :

• Giêrônimô, con có gì làm quà cho Ta trong ngày Ta giáng sinh không ?

• Lạy Chúa Hài Đồng, thánh nhân đáp, con xin dâng Chúa trái tim của con.

• Được lắm, nhưng còn gì khác nữa không ?

• Lạy Chúa, con xin dâng Chúa tất cả những gì con có và tất cả những gì con có thể.

• Con còn điều gì khác nữa không ?

• Con có điều gì khác để dâng Chúa nữa đâu. Thánh nhân khẩn khoản thưa.

Chúa Hài Đồng bảo :

• Này Giêrônimô, hãy dâng cho ta cả những tội lỗi của con nữa.

• Ô lạy Chúa, Thánh nhân hốt hoảng hỏi lại, làm sao con dâng cho Chúa tội lỗi của con được ?

• Được chứ ! Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con để Ta có thể tha thứ cho con. Đó là điều Ta rất mong đợi.

Nghe thế, thánh nhân bật khóc vì sung sướng. (Trích ”Món quà giáng sinh”)

1. Kính thưa ông bà và anh chị em : dĩ nhiên câu chuyện của Thánh Giêrônimô vừa rồi không phải với chủ đích “bao che cho tội lỗi”, nhưng chính là nhấn mạnh đến lòng khoan dung, tha thứ của Thiên Chúa, cũng như thái độ khiêm nhu, sám hối của con người.

Đó cũng là chủ đề xuyên suốt của toàn bộ Thánh Kinh mà chủ yếu chính là lời giáo huấn của Thiên Chúa nhằm dạy cho con người hiểu và xác tín rằng : Thiên Chúa, “Đấng chậm bất bình và rất mực yêu thương”, Ngài luôn yêu thích những tâm hồn khiêm nhu bé nhỏ thật thà và chân tình sám hối ăn năn, mà lời đáp vịnh ca chúng ta vừa ca lên hôm nay như một lời nhắc nhở thân thương, dịu dàng :

Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ,
Cứu những tâm thần thất vọng ê chề.
Chúa cứu mạng những người tôi tớ,
Ai ẩn thân bên Chúa không bị phạt bao giờ
(TV 33)

Chính Đức Kitô, “Con Một của Thiên Chúa” đã cảm nhận chân lý ấy một cách sâu đậm và xác tín đến độ đã xuất thần với lời nguyện hân hoan, hạnh phúc :

“Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lạI mặc khải cho những người bé mọn, vầng, lạy Cha, vì đó điều đẹp ý Cha” (Mt 11,25-26).

“Người bé mọn” đó chính là người “con hoang đứng dậy trở về nhà cha”, là người chọn đi trên con đường “Tám mối Phúc Thật”, là kẻ can đảm chấp nhận “con đường hẹp”, là biết không ngừng “trở nên như em bé”. “Người bé mọn” đó cũng chính là Maria Mađalêna đong đầy những giọt nước mắt sám hối, là Gia-kê với nổi vui ngút ngàn sẵn sàng đổi thay cuộc sống khi Chúa bất thần đến viếng thăm nhà, là Phêrô với lời đáp trả ngập ngừng của con tim đầy hối hận ăn năn nhưng cùng ắp đầy lửa mến vào buổi sáng Phục sinh trên biển hồ Tiberiat : “Lạy Thầy, Thầy biết hết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”.; “người bé mọn” đó cũng chính là người thu thuế trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay với thái độ và lời cầu nguyện khiêm cung của một tâm hồn khiêm cung đầy lòng sám hối : “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”...

Một cách nào đó, chúng ta có thể nói được rằng : thái độ khiêm cung, sám hối chính là cái quý giá nhất mà Thiên Chúa cần nơi chúng ta, và cũng là điều cần thiết nhất mà nhân loại hôm nay cần có để có thể có được một “mùa xuân an bình và hạnh phúc cho đời thường cuộc sống”. Nội dung câu chuyện ngụ ngôn của các anh chị em Hồi Giáo sau đây có thể minh họa cho chân lý nầy cách cụ thể :

Ngày kia Đức Ala truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời. Sứ thần đáp xuống ngay một chiến trường nơi máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng. Sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Ala. Nhưng xem ra Đức Ala không hài lòng mấy. Ngài bảo : “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian.”

Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giàu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc vừa xông hương để tỏ lòng biết ơn đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm mang về trời. Lần này Đức Ala mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng, Ngài nói : “Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều hiếm có và tốt đẹp nơi trần gian. Nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn.”

Lại một lần nữa sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp 4 phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường, Ngài bỗng thấy một người đang khóc sướt mướt. Trước những câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần, người ấy giải thích : “Tôi đã chìu theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi”. Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức Ala chăm chú nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói : “Thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu. (Trích ”Món quà giáng sinh”)

2. Và một khi đã học biết được mối thiện cảm của Thiên Chúa dành cho mình, thì làm sao chúng ta lại đang tâm tỏ thái độ kết án và khinh miệt những người anh chị em chung quanh với thái độ kiêu căng, tự mãn như người biệt phái trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay :

Người pharisêu đứng riêng một mình cầu nguyện rằng : Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, bì con không giống như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia” (Lc 18,11)...

Nếu có như vậy phải chăng tôi cũng chính là người pharisêu đáng trách, chỉ nhìn thấy công trạng của mình trong khi ném về phía anh em sự xúc phạm và kết án.

Chúng ta đừng quên lời cầu nguyện của Thánh Vương Đavít khi Ngài ăn năn sám hối :

“Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm
Con có thượng tiến lễ toàn thiêu,
Ngài cũng không chấp nhận.
Lạy Thiên Chúa,
Tế phẩm dâng Ngài là tấm lòng tan nát,
Một tấm lòng tan nát dày vò,
Ngài sẽ chẳng khinh chê...”

Chúa chằng cần công trạng nhưng cần tấm lòng khiêm cung của tôi. Chính vì thế, ngay từ đầu thánh lễ, chúng ta đã đồng thanh cử hành nghi thức sám hối : “Tôi thú nhận...”

Chúng ta hãy xác tín rằng, chút nữa đây tan lễ, “khi bước trở về nhà, thì tất cả chúng ta được nên công chính”, như người thu thuế trong Tin Mừng hôm nay. Bởi vì chúng ta đã cùng nhau khiêm cung đến trước Chúa trong tâm tình và thái độ ăn năn sám hối.

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 28.10.2007. 15:13