Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Diễn từ của ĐTC Bênêđictô XVI đọc tại Đại Học Cộng Giáo Hoa Kỳ

§ +GH Benedictô XVI

(Đọc trong buổi gặp gỡ các nhà giáo dục Công Giáo tại Đại Học Công Giáo Mỹ (University of America) ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày Thứ Năm 17 tháng 4, năm 2008)

Kính thưa Quý Hồng Y
Các hiền huynh Giám Mục thân mến,
Các Giáo Sư, các Thầy Giáo và các Nhà Giáo ưu tú,

“Đẹp thay bước chân những người đi gieo Tin Mừng” (Rom 10:15-17). Mượn lời Thánh Phaolô trích dẫn từ ngôn sứ Isaia, tôi nồng nhiệt chào mừng mỗi người trong các bạn - là những người mang sự khôn ngoan – và qua các bạn, đến các nhân viên, sinh viên và gia đình của nhiều học viện khác nhau mà các bạn đại diện. Thật là sung sướng cho tôi được gặp và chia sẻ với các bạn một vài tư tưởng về bản chất và căn tính của việc giáo dục Công Giáo ngày nay. Tôi đặc biệt cám ơn Cha David O’Connell, Viện Trưởng và Giám Đốc của Viện Đại Học Công Giáo Mỹ (Catholic University of America). Tôi cảm tạ những lời chào mừng ân cần của Cha. Làm ơn gửi lời cảm ơn tận đáy lòng tôi đến toàn thể cộng đoàn – ban giảng huấn, nhân viên và sinh viên - của trường Đại Học này.

Giáo dục là thành phần của toàn bộ sứ mạng của Hội Thánh trong việc rao giảng Tin Mừng. Trước hết và trên hết, mỗi cơ quan giáo dục Công Giáo phải là một nơi gặp gỡ Thiên Chúa Hằng Sống, là Đấng tỏ bày tình yêu và chân lý có sức biến đổi cho chúng ta qua Đức Chúa Giêsu Kitô (x. Spe Salvi, 4). Sự liên hệ này nảy sinh một ước muốn được lớn lên trong sự hiểu biết Đức Kitô và giáo huấn của Người. Nhờ cách này mà những ai gặp Người được chính quyền năng của Tin Mừng thu hút để sống một đời sống mới được biểu thị bằng tất cả những gì thiện, mỹ và chân thật; một đời sống của một nhân chứng cho Đức Kitô được nuôi dưỡng và củng cố trong cộng đồng các môn đệ của Chúa chúng ta là Hội Thánh.

Động lực giữa sự gặp gỡ riêng tư, sự hiểu biết và làm chứng cho Đức Kitô là những phần trong toàn bộ của việc phục vụ (diakonia) chân lý mà Hội Thánh thực thi giữa nhân loại. Mặc khải của Thiên Chúa cung cấp cho mọi thế hệ cơ hội để khám ra phá chân lý tuyệt đối về chính đời sống mình và mục đích của lịch sử. Công tác này không bao giờ dễ dàng; nó cần sự hợp tác của toàn thể cộng đồng Kitô hữu và thúc đẩy mỗi thế hệ nhà giáo Kitô, để bảo đảm rằng quyền năng chân lý của Thiên Chúa thấm nhuần mọi bình diện của các học viện mà họ phục vụ. Nhờ thế, Tin Mừng của Đức Kitô có thể bắt tay vào việc, hướng dẫn cả thầy lẫn trò đến chân lý khách quan, vượt trên chân lý riêng và chủ quan, hướng về chân lý vạn năng và tuyệt đối, là chân lý giúp chúng ta có thể vững lòng rao giảng niềm hy vọng không làm chúng ta thất vọng (x. Rom 5:5). Được đặt đối diện với những tranh đấu cá nhân, những mập mờ về luân lý, và mảnh vụn kiến thức, các mục tiêu cao quý của việc học rộng và giáo dục được thiết lập trên tính đồng nhất của chân lý, để phục vụ con người và cộng đồng, đã trở thành một dụng cụ rất mạnh mẽ của hy vọng.

Các bạn thân mến, lịch sử dân tộc này có nhiều trường hợp điển hình về quyết tâm của Hội Thánh đối với công tác giáo dục. Thực ra, cộng đồng Công Giáo ở đây đã đặt việc giáo dục lên hàng đầu. Gánh vác trọng trách này không thể xảy ra nếu không có những hy sinh lớn lao. Các nhân vật vĩ đại như Thánh Elizabeth Ann Seton và các Đấng sáng lập nam nữ, với tính hết sức kiên trì và nhìn xa, đã đặt những nền móng cho những hệ thống trường Công Giáo đáng kể ngày nay, góp phần vào sự an mạnh thiêng liêng của Hội Thánh và của quốc gia. Có những vị như Thánh Katharine Drexel, đã hiến trọn đời để giáo dục những người bị người khác bỏ rơi – trong trường hợp Thánh nữ, đó là những người Mỹ gốc Phi Châu và người Mỹ Bản Xứ (Da Đỏ). Qa các trường Công Giáo, không biết bao nhiêu các Nữ Tu, các Thầy Dòng, và Linh Mục cùng với những phụ huynh vị tha đã giúp đỡ những thế hệ dân di cư thoát ra khỏi cảnh nghèo đói để có một thế đứng trong xã hội chính.

Sự hy sinh này vẫn được tiếp tục hôm nay. Đó là một việc tông đồ nổi bật của hy vọng, trong việc tìm cách đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần và tâm linh của trên ba triệu trẻ em, học sinh và sinh viên. Nó cũng cung ứng những dịp đáng khích lệ cho toàn thể cộng đồng Công Giáo để đóng góp cách đại lượng vào nhu cầu tài chánh của các cơ sở giáo dục của chúng ta. Cần phải đảm bảo sự tồn tại của các cơ sở này. Thật ra, phải làm tất cả mọi cách để, với sự hợp tác của cộng đồng rộng lớn hơn, có thể đảm bảo rằng mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội và kinh tế có thể theo học được ở các trường này. Không một trẻ em nào có thể bị khước từ quyền giáo dục về Đức Tin, và chính việc giáo dục này sẽ nuôi dưỡng linh hồn của quốc gia.

Một ít người ngày nay thắc mắc về việc can thiệp vào vấn đề giáo dục của Hội Thánh, và cho rằng tốt hơn Hội Thánh nên dùng tài nguyên vào việc khác. Chắc chắn rằng với một nước như nước này thì quốc gia có thể cung cấp dư thừa những cơ hội cho việc giáo dục và thu hút được nhiều người dấn thân vào nghề cao quý này. Như vậy thật là đúng lúc để suy tư về những gì đặc thù của các học viện Công Giáo. Các học viện này đóng góp thế nào vào lợi ích của xã hội qua sứ vụ chính là truyền giáo của Hội Thánh?

Tất cả mọi hoạt động của Hội Thánh được phát sinh từ việc Hội Thánh ý thức rằng mình là cơ quan mang một sứ điệp phát nguồn từ Chính Thiên Chúa: trong sự tốt lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã chọn để bày tỏ Chính Ngài và cho người ta biết mục đích thầm kín của Thánh Ý Ngài (x. Eph 1:9; Dei Verbum, 2). Thiên Chúa muốn tỏ Mình ra cho chúng ta, và ao ước bẩm sinh của tất cả mọi người là biết chân lý, vì thế mà con người đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Cuộc gặp gỡ đặc biệt này được đứng vững trong cộng đồng Kitô hữu của chúng ta: người đi tìm chân lý là người sống nhờ Đức Tin (x. Fides et Ratio, 31). Điều đó có thể được diễn tả như là một sự di chuyển từ “Tôi” đến “Chúng Tôi”, đưa người ta vào số của những người Dân Thiên Chúa.

Cũng động lực này của căn tính cộng đồng – tôi thuộc về ai? – làm cho nét đặc thù của các học viện Công Giáo của chúng ta trở nên có sinh khí. Căn tính của một đại học hay một trường học Công Giáo không đơn thuần chỉ là vấn đề số lượng sinh viên học sinh Công Giáo. Nhưng là vấn đề xác tín – chúng ta có thực sự tin rằng chỉ có trong mầu nhiệm Ngôi Lời làm người mà chúng ta thật sự hiểu rõ mầu nhiệm về loài người không (Gaudium et Spes, 22)? Chúng ta có sẵn sáng hiến toàn thể con người chúng ta – trí thông minh và ý chí, trí khôn và linh hồn – cho Thiên Chúa không? Chúng ta có chấp nhận chân lý mà Đức Kitô mặc khải không? Đức tin có hiển hiện trong các trường đại học hay trường học của chúng ta không? Đức tin ấy có được diễn tả cách mãnh liệt qua Phụng Vụ, bí tích, cầu nguyện, các việc bác ái, quan tâm đến công lý, và tôn trọng các tạo vật của Thiên Chúa không? Chỉ bằng cách này mà chúng ta mới thật sự làm chứng cho ý nghĩa của việc chúng ta là ai và xác tín gì.

Từ viễn cảnh này một người có thể nhận ra rằng “cuộc khủng hoảng chân lý” bắt nguồn từ “cuộc khủng hoảng Đức Tin.” Chỉ nhờ Đức Tin chúng ta mới tự do tán đồng chứng từ của Thiên Chúa và thừa nhận Ngài như là Đấng bảo đảm siêu việt cho chân lý mà Ngài mặc khải. Một lần nữa, chúng ta thấy tại sao nuôi dưỡng sự liên hệ mật thiết với Đức Chúa Giêsu Kitô và làm chứng cho chân lý yêu thương của Người cách cộng đồng là điều tối cần thiết trong những học viện Công Giáo. Nhưng tất cả chúng ta đều biết, và quan sát với lo ngại, sự khó khăn hay ngần ngại mà nhiều người ngày nay gặp phải trong việc phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. Đó là một hiện tượng phức tạp mà cũng là điều làm tôi suy nghĩ hoài. Trong khi chúng ta chuyên cần tìm cách tác động trí thông minh của người trẻ thì chúng ta lại bỏ bê ý chí của các em. Hậu quả là chúng ta đau buồn mà quan sát rằng khái niệm về tự do bị méo mó. Tự do không phải là chọn bất hợp tác, nhưng là chọn cộng tác với Chính Đầng Hữu Thể. Vì thế, người ta không bao giờ đạt được tự do chân chính bằng cách chối từ Thiên Chúa. Chọn lựa như thế là tuyệt đối không đếm xỉa gì đến chính chân lý mà chúng ta cần để hiểu chính mình. Cho nên trách nhiệm đặc biệt của mỗi người trong các bạn, và đồng nghiệp của các bạn, là gợi lên giữa những người trẻ ao ước hành động Đức Tin, khuyến khích các em dấn thân vào đời sống Hội Thánh theo niềm tin này. Chính ở đây sự tự do đạt được sự chắc chắn của chân lý. Bằng cách chọn sống theo chân lý này, chúng ta nắm chắc được sự sung mãn của đời sống Đức Tin mà Chúa ban cho chúng ta trong Hội Thánh.

Như thế, rõ ràng là căn tính Công Giáo không lệ thuộc vào thống kê. Căn tính này cũng không thể chỉ được đặt ngang hàng với sự chính thống của nôi dung các môn học. Nó đòi hỏi và gây cảm hứng nhiều hơn nữa: nghĩa là mỗi và mọi bình diện của cộng đồng học hỏi của các bạn phải phản ảnh trong đời sống Đức Tin của Hội Thánh. Chỉ trong Đức Tin mà chân lý mới có thể nhập thể và lý trí mới thật sự là của con người, có thể hướng dẫn ý chí theo đường tự do (x. Spe Salvi, 23). Bằng cách này các học viện của chúng ta có thể đóng góp hữu hiệu vào sứ mạng của Hội Thánh và thực sự phục vụ xã hội. Chúng trở thành những nơi mà ở đó người ta nhận ra sự hiện hữu cách chủ động của Thiên Chúa trong các công việc của con người, và ở đó mỗi người trẻ khám phá ra niềm vui được tham gia vào “việc sống cho tha nhân” của Đức Kitô (x. Spe Salvi, 28).

Sứ vụ chính của Hội Thánh là truyền giáo, mà trong đó các cơ quan giáo dục đóng vai trò chủ yếu, phù hợp với ước vọng của quốc gia là phát triển một xã hội thực sự xứng đáng với nhân phẩm. Đôi khi người ta thắc mắc về giá trị của sự đóng góp của Hội Thánh vào diễn đàn công cộng. Cho nên cần phải nhắc lại rằng chân lý Đức Tin và lý trí không bao giờ đối nghịch nhau (x. CĐ Vaticanô I, Hiến Chương Dei Filius, IV; DS 3017; Th. Augustinô, Contra Academicos, III., 20, 43). Thực ra, sứ vụ của Hội Thánh là phải đóng góp vào cuộc chiến đấu của nhân loại để đi đến chân lý. Bằng cách phát biểu rõ ràng chân lý được mặc khải, Hội Thánh phục vụ tất cả mọi phần tử của xã hội qua việc thanh luyện lý trí, để bảo đảm rằng nó vẫn mở rộng để suy nghĩ về những chân lý tuyệt đối. Rút ra từ sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Hội Thánh soi sáng vào nền tảng của luân lý và đạo đức của nhân loại, và nhắc nhở cho tất cả mọi nhóm người trong xã hội rằng không phải tục lệ (praxis) tạo ra chân lý mà phải dùng chân lý làm nền tảng cho tục lệ. Thay vì hạ giá tính khoan dung của sự đa dạng hợp lý, đóng góp như thế tỏa sáng chính chân lý giúp người ta dễ đạt đến thỏa thuận, và giúp cho những cuộc tranh luận công cộng được hợp lý, trung thực, và có trách nhiệm. Cũng thế, Hội Thánh không bao giờ mệt mỏi trong việc duy trì những phạm trù luân lý đúng và sai, nếu không làm như vậy, hy vọng sẽ chỉ còn cách úa tàn, nhường chỗ cho những toan tính vị lợi thực dụng lạnh nhạt, là điều coi con người không hơn gì con tốt trên một bàn cờ tư tưởng nào đó.

Đối với diễn đàn giáo dục, việc phục vụ (diakonia) chân lý có một ý nghĩa cao vời hơn trong một xã hội mà tư tưởng thế tục đang xẻ đôi chân lý và Đức Tin. Sự chia cắt này đưa đến một khuynh hướng coi chân lý ngang hàng với kiến thức, và theo một não trạng thực chứng, trong đó người ta loại bỏ siêu hình học, chối từ nền tảng của Đức Tin và tẩy chay sự cần thiết của một quan điểm luân lý. Chân lý còn có ý nghĩa hơn kiến thức: hiểu biết chân lý đưa chúng ta đến việc khám phá ra sự tốt lành. Chân lý nói với từng cá nhân trong trạng thái toàn vẹn của cá nhân ấy, mời gọi chúng ta đáp trả hết mình. Người ta tìm thấy cái nhìn lạc quan này trong Đức Tin Kitô giáo của chúng ta bởi vì Thiên Chúa đã ban cho một Đức Tin như thế cái nhìn của Ngôi Lời, là Lý Trí sáng tạo của Thiên Chúa, trong việc Nhập Thể, đã được mặc khải như là chính Sự Tốt Lành. Còn hơn là việc chỉ truyền thông những sự kiện có thực – “cung cấp kiến thức” – chân lý đáng yêu của Tin Mừng thì có tính sáng tạo và đổi đời – “làm thể hiện” (x. Spe Salvi, 2). Với niềm tự tin, các nhà giáo dục Kitô giáo có thể giải phóng người trẻ khỏi sự hạn chế của chủ nghĩa thực chứng và đánh thức khả năng đón nhận chân lý, Thiên Chúa và sự tốt lành của Ngài. Bằng cách này các bạn cũng sẽ giúp đào luyện lương tâm của các em, là lương tâm một khi được Đức Tin làm cho phong phú, sẽ mở một con đường chắc chắn cho bình an trong tâm hồn và tôn trọng người khác.

Như vậy chúng ta không ngạc nhiên rằng không những chỉ những cộng đồng Hội Thánh của chúng ta, mà cách chung cả xã hội đang kỳ vọng rất nhiều vào các nhà giáo dục Kitô giáo. Điều này đặt trên các bạn một nhiệm vụ và cho các bạn một cơ hội. Càng ngày càng nhiều người - đặc biệt là các phụ huynh - nhận ra sự cần thiết của sở trường trong việc đào luyện nhân bản cho con cái họ. Như Mẹ và Thầy (Mater et Magistra), Hội Thánh cùng chia sẻ quan tâm này. Khi không có gì vượt trên cá nhân được nhìn nhận là dứt khoát, thì điều kiện tiên quyết của phán đoán trở thành ‘cái tôi’ và việc làm thoả mãn những ước muốn nhất thời của cá nhân. Người ta có thể đánh mất tính khách quan và triển vọng, là những gì chỉ có được nhờ công nhận chiều kích siêu việt cần thiết của con người. Trong một chân trời tương đối như vậy thì không tránh khỏi việc cắt xén mục tiêu của giáo dục. Dần dần, việc hạ thấp các tiêu chuẩn xảy ra. Ngày nay chúng ta nhận thấy có một sự nhát đảm trước phạm trù của điều tốt, và một sự theo đuổi vu vơ điều mới lạ được diễn tả như là việc thể hiện tự do. Chúng ta chúng kiến một sự thừa nhận rằng mọi thí nghiệm đều có giá trị như nhau và một sự miễn cưỡng thú nhận sự bất toàn và sai lầm. Và đáng lo ngại nhất là việc hạ giá phạm vi giáo dục về phái tính xuống thành những cách thế tránh “rủi ro” mà không còn nhắc đến vẻ đẹp của tình yêu hôn nhân.

Các nhà giáo dục Kitô giáo phải trả lời thế nào? Những sự phát triển độc hại này chỉ cho chúng ta thấy một sự cấp bách đặc biệt mà chúng ta có thể gọi là “bác ái trí thức.” Bình diện bác ái này mời gọi các nhà giáo dục nhận ra rằng trách nhiệm nặng nề trong việc dẫn đưa người trẻ đến chân lý không có gì khác hơn là một việc làm bác ái. Thật ra, chân giá trị của việc giáo dục hệ tại việc nuôi dưỡng sự hoàn hảo và hạnh phúc thật sự của những người được giáo dục. Trên thực hành, “bác ái trí thức” mắm vững được sự hợp nhất chính yếu của kiến thức trái ngươc với việc phân hóa là điều phải xảy ra khi người ta tách rời lý trý ra khỏi việc theo đuổi chân lý. Nó hướng dẫn người trẻ đến một thỏa mãn sâu xa trong việc thực hành sự tự do trong tương quan với chân lý, và nó cố gắng giải thích cách rõ ràng liên quan giữa Đức Tin với tất cả các bình diện của đời sống gia đình và công dân. Một khi lòng mê say tìm kiếm sự đầy đủ và hợp nhất của chân lý đã được đánh thức, người trẻ chắc chắn sẽ thích thú khi khám phá ra rằng thắc mắc về điều mà các em có thể biết sẽ mở ra cuộc mạo hiểm rộng lớn về điều các em phải làm. Ở đây các em sẽ cảm nghiệm được rằng các em có thể hy vọng “vào cái gì” và “trong ai”, và sẽ được khích lệ để đóng góp vào xã hội một cách có thể tạo nên hy vọng nơi tha nhân.

Các bạn thân mến, tôi muốn kết luận bằng cách đặc biệt kéo chú ý của chúng ta vào điều quan trọng hết sức của tính cách nhà nghề và việc làm nhân chứng của chính các bạn trong các đại học và các trường Công Giáo. Trước hết, tôi xin cám ơn các bạn về sự tận tâm và đại lượng của các bạn. Tôi biết từ những ngày chính tôi còn là một giáo sư, và tôi đã được nghe từ các Giám Mục của quý bạn, và các nhân viên của Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, rằng các học viện giáo dục Công Giáo ở nước này được nổi danh phần lớn nhờ các bạn và những người đi trước các bạn. Những đóng góp vô vị lợi - từ việc nghiên cứu xuất sắc đến sự tận tâm của những người làm việc trong những trường trong nội vi thành phố - phục vụ cả quốc gia lẫn Hội Thánh. Vì thế tôi xin chân thành cảm ơn tận đáy lòng.

Về các thành phần ban giảng huấn ở các trường cao đằng và đại học, tôi muốn tái xác nhận giá trị lớn lao của sự tự do nghiên cứu học hỏi. Vì sự tự do này mà các bạn được mời gọi để tìm kiếm chân lý ở bất cứ nơi nào mà bằng chứng đưa các bạn đến. Nhưng cũng có trường hợp nại vào nguyên tắc tự do nghiên cứu học hỏi mà việc biện minh cho những chủ trương ngược lại với Đức Tin và giáo huấn của Hội Thánh sẽ cản trở hay phản lại căn tính và sứ vụ của đại học; một sứ vụ ở trọng tâm của munus docendi (nhiệm vụ giáo huấn) của Hội Thánh, chứ không một cách nào đó tự trị hay độc lập với nhiệm vụ ấy.

Các thầy cô và những người điều hành, dù ở các đại học hay các trường học, có nhiệm vụ và đặc quyền để đảm bảo rằng các sinh viên học sinh nhận được giáo huấn trong giáo lý và thực hành Công Giáo. Điều này đòi hỏi việc làm chứng cho cách sống của Đức Kitô nơi công cộng, như được tìm thấy trong Tin Mừng và xác nhận bởi Huấn Quyền Hội Thánh, hình thành tất cả các bình diện của đời sống học viện, cả trong lẫn ngoài lớp học. Đi sai cái nhìn này là làm yếu đi căn tính Công Giáo và thay vì thăng tiến tự do, nó không tránh khỏi đem lại nhầm lẫn về luân lý, hiểu biết hay tâm linh.

Tôi cũng muốn nói lên một lơì khuyến khích đặc biệt với các thầy cô dạy Giáo Lý cả giáo dân lẫn tu sĩ là những người đang cố gắng để đảm bảo rằng các người trẻ càng ngày càng trở nên quý mến hồng ân Đức Tin hơn. Giáo dục về tôn giáo là một việc tông đồ đầy thách đố, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy nhiều người trẻ ao ước được học về Đức Tin và thực hành Đức Tin ấy một cách mãnh liệt. Nếu sự tỉnh ngộ này được lan rộng, các thầy cô cần phải hiểu biết cách rõ ràng và chính xác bản chất và vai trò đặc biệt của giáo dục Công Giáo. Họ cũng phải dẫn đầu quyết tâm của toàn thể cộng đồng nhà trường để giúp đỡ những người trẻ của chúng ta, và gia đình các em, để họ cảm nghiệm được sự hòa hợp giữa Đức Tin, đời sống và văn hóa.

Ở đây tôi đặc biệt nài xin các Thầy tu, các Sơ và các Linh Mục: đừng bỏ việc tông đồ trường học; thật ra, hãy tái xác quyết tâm phục vụ các trường học của các bạn, nhất là các trường ở những vủng nghèo. Ở những nơi có quá nhiều lời hứa xuông, đưa đẩy ngưòi trẻ xa rời con đường chân lý và tự do chân chính, việc làm chứng cho các lời khuyên Phúc Âm của những người đã được thánh hiến là một món quà không thể thay thế được. Tôi khuyến khích sự có mặt của các tu sĩ để đem lại một nhiệt tình được đổi mới trong việc cổ võ ơn thiên triệu. Hãy biết rằng việc làm chứng của các bạn về ý tưởng thánh hiến và truyền giáo giữa những người trẻ chính là một nguồn cảm hứng lờn lao về đức tin cho các em và gia đình các em.

Cùng tất cả các bạn tôi xin thưa: hãy làm chứng cho hy vọng. Nuôi nấng việc làm nhân chứng của các bạn bằng cầu nguyện. Trả lời về lý do của niềm hy vọng biểu thị đời sống của các bạn (x. 1 Phr 3:15) bằng cách sống chân lý mà các bạn đề ra cho học sinh của các bạn. Giúp các em biết và yêu mến Đấng mà các bạn đã gặp, mà chân lý và sự tốt lành của Người các bạn đã cảm nghiệm được trong vui mừng. Cùng với Thánh Augustinô, chúng ta hãy nói: “chúng tôi là người nói và các bạn là người nghe, chúng ta cùng coi mình như môn đệ của một Vị Thầy” (Sermons, 23:2). Với những tâm tình hiệp thông này, tôi hân hạnh gửi đến các bạn, các đồng nghiệp và sinh viên học sinh của các bạn, cùng gia đình các bạn Phép Lành Toà Thánh của tôi.

+ĐTC Bênêđictô XVI

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 19.04.2008. 08:14