Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đi Tìm Một Chữ Phúc

§ Lm Anmai, DCCT

Chúa nhật 6 TN C Mùng 1 tết
Ds 6, 22-27; 1 Tx 5, 16-26.28; Mt 5, 1-10

Đi vào những phố của người Hoa, những ngày bình thường và đặc biệt ngày Tết, chúng ta thường thấy người ta hay dán 3 chữ màu đỏ rất đẹp, rất nổi, rất bắt mắt : Phúc - Lộc - Thọ trước nhà và trong nhà của họ. Ngày Tết, không chỉ ở những phố người Hoa mà cả phố không phải là người Hoa người ta cũng nhiều hơn những chữ Phúc - Lộc - Thọ hay những câu đối mang những ý nghĩa hết sức dễ thương ấy. Màu đỏ vốn dĩ tượng trưng cho màu chiến thắng, màu của hạnh phúc. Họ dán như vậy như một lời cầu xin cho gia đình họ, cho họ hàng họ, cho cuộc đời của họ được hưởng Phúc, Lộc và cả Thọ nữa.

Thật sự ra cái mong mỏi về Phúc, về Lộc, về Thọ ấy không riêng gì của người Hoa nhưng là của rất nhiều người. Đã là người thì ai cũng mong cho mình có Phúc, có Lộc và có Thọ. 3 chữ Phúc - Lộc - Thọ, trong đó, chẳng hiểu vô tình hay hữu ý mà chữ Phúc lại đứng đầu mà không phải là Lộc và cũng không phải là Thọ. Phải chăng khi con người có Phúc thì tất nhiên sẽ có Lộc và rồi cũng sẽ có Thọ. Phúc rất cần cho cuộc đời. Và hình như có Phúc là có tất cả.

Vì rất cần cho cuộc sống nên trong các đám cưới, để chúc mừng các đôi tân hôn, họ vẫn thường chúc cho đôi tân hôn được trăm năm hạnh phúc. Trên các xe đưa dâu đón dâu người ta dán chữ Phúc như là lời cầu phúc cho đôi tân hôn. Đầu năm mới người ta vẫn thường chúc cho nhau được lắm phúc nhiều may.

Khi nhìn vào gia đình nào đó, nếu thấy gia đình đó được an vui, được bình an người ta nói rằng gia đình ấy có Phúc. Cái Phúc ấy như dòng nhựa sẽ chuyển lại cho con cháu trong gia đình. Việt Nam thường nói với nhau cái câu thật dễ thương : Con gái nhờ đức cha, con trai nhờ đức mẹ. Nói như vậy để nhắc nhớ người cha, người mẹ trong gia đình liệu liệu làm sao đó ăn ở cho có phúc, có đức một chút để cho con cháu được hưởng, được nhờ.

Nhớ lại ngày xưa, hồi còn bé thuở hai buổi đến trường, thấy người bạn đeo chiếc nhẫn vàng có khắc chữ Phúc về nhà cũng xin Mẹ làm cho chiếc nhẫn có chữ Phúc giống người bạn. Thật ra chỉ là bắt chước nhưng lớn lên một chút lại thấy hay vì lẽ cuộc sống của mình mình cũng cẫn lắm có được chữ Phúc trong cuộc đời. Bây giờ, có “chút tuổi” lại thấy mình cần chữ Phúc hơn bao giờ hết. Cần có chữ Phúc để cuộc đời mình được thanh thản, được bình an.

Có những người đặt tất cả hy vọng và dùng hết sức lực của mình để đạt cho được tự do và hạnh phúc bao lâu còn sống ở đời này: họ chẳng hy vọng gì ở thế giới bên kia. Người khác đã có được niềm tin chắc chắn rằng cuộc sống trần gian chỉ là điểm xuất phát, là một chuyến đi hay là một cuộc tập nghề và cuộc sống ấy sẽ được viên mãn ở thế giới bên kia, sau khi chết. Vì thế không nhất thiết phải khinh chê những vui sướng phàm trần. Họ coi những vui sướng trần gian kia vừa mong manh vừa giới hạn nên chỉ là hình ảnh mờ nhạt tượng trưng cho cái được hứa cho con người. Hầu hết các tôn giáo đều ấp ủ niềm xác tín này.

Ngay từ Cựu ước, Thiên Chúa đã được khẳng định là cội nguồn hạnh phúc đích thực và duy nhất : người công chính là kẻ "bước đi với Chúa". Trong quan niệm cổ xưa của Kinh Thánh, hạnh phúc ấy được thực hiện ngay ở đời này khi Thiên Chúa ban ân huệ cho ngươi trung tín như được sống lâu, đông con nhiều cháu, khỏe mạnh, giàu có...Thế nhưng vẫn có những người công chính phải khốn khổ, bị khinh chê, bị bách hại : những người đó, Thiên Chúa hứa cho họ một sự đền bù mà bản chất thế nào thì còn bị che khuất.

Chính nhờ giáo huấn của Đức Kitô mà ta được biết rõ bản chất của hạnh phúc Thiên Chúa hứa ban cho con người, hạnh phúc của một tình yêu trọn vẹn, tuyệt đối, hoàn hảo : đó cũng chính là tình yêu hiệp nhất của ba Ngôi trong tương quan với nhau.

Thư thứ nhất của thánh Gioan tông đồ, như bị chi phối hoàn toàn bởi một thứ tiếng lòng thổn thức "Thiên Chúa là tình Yêu", thường diễn tả và quảng diễn lời mời gọi này của Thiên Chúa gởi đến cho con người : "Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa là Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống tình yêu cốt ở điều này không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta. Thiên Chúa đã ban sự sống đời đời, và sự sống này ở trong Con của Người ".

Vậy con đường mà Người con ấy là Đức Giêsu Kitô đề nghị cho con người để đạt được sự sống và tình yêu sung mãn (sự sống và tình yêu luôn liên kết với nhau) được diễn tả đặc biệt trong đoạn Phúc âm nổi tiếng thường được biết dưới cái tên là bài giảng trên Núi hay đúng hơn, là bài giảng về các mối phúc thật (phúc ở đây là hạnh phúc thật).

Chữ Phúc mà con người cầu chúc cho nhau, chữ Phúc mà con người đi tìm hết sức thực tế, hết sức cần thiết nhưng đó chỉ mới dừng lại cái phúc của trần gian, cái phúc của tạm bợ mà thôi. Là kitô hữu, là những người có Chúa Kitô trong mình và mang Chúa Kitô cho người khác thì bên cạnh cái phúc tạm bợ của kiếp người ấy cần phải đi tìm, cần phải sống cái phúc của Nước Trời như Chúa Giêsu nói ngày hôm nay trong bài giảng trên núi mà chúng ta nghe quá quen thuộc :

"Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ”.

Khi tuyên bố về các mối phúc, Đức Giêsu đã đảo ngược bậc thang truyền thống về các giá trị là đặc biệt làm đảo lộn cả quan niệm về hạnh phúc. Những con người ấy cảm thấy hạnh phúc ngay trong những hoàn cảnh mà ta cho là không có mảy may khả năng nào để mà hạnh phúc và vui sướng được. Vậy mà đó lại là kinh nghiệm và chứng từ của những người nam cũng như nữ chịu để cho Thần Khí tác động và hướng dẫn, đặt niềm tin tưởng vào Người và đi theo con Đường của Người.

Lời hứa ban hạnh phúc bắt đầu được thực hiện ngay từ hôm nay, vì rằng thứ hạnh phúc Chúa ban cho con người đây, tiên vàn không phải là kết quả ở sức riêng của con người, nhưng là sự cởi mở đón nhận ân huệ của Thiên Chúa, ân huệ mà Chúa ban cho hết thảy mỗi người là được hiệp thông sự sống với Người. Sống luân lý theo Kitô giáo là đáp lại ân sủng của Chúa một cách tự do tự nguyện.

Con đường hạnh phúc là một lược đồ gợi ra những thái độ nội tâm phải sống (tâm hồn nghèo khó, dợn sơ, tin tưởng), những cách xử sự đối với tha nhân (lòng thương xót, ý muốn hòa bình), những hoàn cảnh khó khăn phải đối phó (những thử thách về tâm hồn và vật chất, những sự bắt bớ). Tất cả những điều này đều hòa hợp chặt chẽ trong bản thân Đức Giêsu, Đấng được coi như thực hiện trọn vẹn nơi mình khát vọng hạnh phúc. Chính Người đã muốn sống cách hoàn hảo tinh thần của Mối Phúc trong cuộc sống của mình và đến cả trong cái chết của Người nữa.

Nếu như các mối phúc dẫn nhập vào một luân lý chủ trương hạnh phúc, thì không phải vì luân lý ấy có những lời khuyên thực hành rõ rệt, hoặc đòi hỏi phải tự mình cố gắng mới được nhưng luân lý ấy chỉ muốn đưa ra cho người ta một ân huệ nhưng không của Thiên Chúa, ân huệ được hiệp thông trong sự sống và hoan lạc với Người. ân huệ này, người ta sẽ bắt đầu tiếp nhận bằng cách ngày qua ngày sống hai giới luật về tình yêu của Chúa là yêu Chúa và yêu người. Giống như con đường hạnh phúc mà Đức Giêsu đã khởi sự và đi trước vậy.

Với người tín hữu, hãy hành động như Thiên Chúa, luôn sáng tạo và có sáng kiến như Người, biết hiến thân như Đức Kitô, đó là suối nguồn đích thực của tự do và hạnh phúc.

Con người, vẫn luôn luôn bị giằng co, luôn luôn mời gọi để chọn lựa, để nguyện xin, để cầu mong cái phúc. Chuyện quan trọng là mong, là xin cái phúc gì ? Xin, mong cái phúc của trần gian hay là phúc của Thiên Chúa, phúc của Nước Trời.

Bước vào ngày đầu của năm mới, ắt hẳn bên cạnh cái Phúc, cái Lộc, cái Thọ của người bình thường để sống trong cuộc lữ hành trần gian này chúng ta cũng không quên xin Chúa cho ta cái Phúc của Nước Trời.

Muốn có được cái Phúc của Nước Trời, chúng ta hãy nghe lời Thiên Chúa phán với Môsê : Khi chúc lành cho con cái Israel, anh em hãy nói thế này:

Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em!
Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em!
Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!

Và khi chúc lành như thế, như Đức Chúa nói là chúng ta đặt chúng ta dưới quyền bảo trợ của Chúa và Chúa sẽ chúng lành cho chúng ta.

Năm mới này, chúng ta hãy làm như Môsê nói là nguyện xin Đức Chúa chúc lành, tươi nét mặt và ghé mắt nhìn mỗi người chúng ta và đặc biệt ban bình an cho mỗi người chúng ta. Khi có bình an của Chúa thì ta cũng sẽ có hạnh phúc đích thực vì hạnh phúc của Chúa thì hơn hẳn và vượt xa hạnh phúc của thế gian.

Lm Anmai, DCCT

Tags · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 18.02.2010. 09:20