Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Di sản đức tin

§ Pm. Cao Huy Hoàng

Ông Cụ Chánh, người ta vẫn quen gọi là Ông Cố Chánh, có lẽ vì ông đã gần 90 tuổi rồi. Ông không còn khỏe mạnh lắm, nhưng trí khôn còn minh mẫn, sáng suốt cách lạ lùng.

Ông đang sống với gia đình con trai trưởng, có cả 11 người trong nhà. Ông không đến nhà thờ dự lễ như hai năm trước, nhưng ông ở nhà, đọc kinh, cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, và nhận Mình Thánh Chúa như của ăn đàng.

Đến thăm ông ngày Lễ Giáng Sinh, ông tâm sự:

“Nhà tôi sáu đứa con anh à! Ba trai ba gái. Mỗi đứa con chào đời, là kết quả của bao lời cầu nguyện. Bà nhà tôi sốt sắng lắm. Kinh hôm kinh mai, lễ sáng, chầu chiều… bà không bỏ bữa nào. Còn bảo tôi siêng năng lên chứ, để khi đẻ con ra nó cũng biết Chúa biết Mẹ, biết giữ đạo cho nên chứ. Và quả thật, thật là vui mừng, vì chúng tôi sinh đứa con nào cũng đẹp. Hết mừng con đẹp rồi mừng con khỏe, con lớn, con khôn, mừng lo được cho con ăn học với người, với đời. Mừng vì thấy con siêng năng học Giáo Lý, siêng năng kinh lễ, siêng năng công việc nhà thờ nhà thánh, biết kính mến Chúa, biết yêu thương người, biết sống đẹp lòng Chúa, biết sợ tội. Mừng nữa là thấy con có đôi có bạn đạo đức đàng hoàng…”

“Nay thì các con nó có gia có thất cả rồi. Mà sao lòng tôi cứ buồn hoài, buồn mãi. Nhìn thấy các cháu tôi hôm nay, tôi không sao mà vui được. Mất truyền thống cả rồi.”

Ông muốn nói đến truyền thống gì?

Truyền thống đạo đức. Các cháu có biết là tôi cô đơn đến mức nào mỗi khi đọc kinh tối. Bảo đọc kinh tối, đứa xem ti vi thì tiếc bộ phim tình cảm hàn quốc đến hồi gay cấn, đứa uống rượu thì bảo từ từ thêm xị nữa, đứa chơi game thì đang cắm đầu cắm cổ chát chát bùm bùm gì tôi chẳng hiểu.

Tôi nghe đài Chân Lý nói chuyện thắp nến ở Thái Hà, ở Tòa Khâm sứ, kể cho chúng nghe, bảo chúng nó ra sức cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam, cho Nhà Nước Việt Nam, thì nó nói tôi nhiều chuyện, già rồi nghỉ ngơi cho khỏe, bận tâm làm gì cho mệt sức…

Ôi thôi! Còn đủ chuyện trên đời nữa! Anh xem đó, Cha Mẹ cho con vào đời, đẹp đẻ lắm, khôn ngoan lắm. Chúng có biết là mỗi lần nó xỉn nó say, té lên té xuống móp đầu bể trán, ăn nói bậy bạ, cư xử mất văn hóa, là nó đã làm biến dạng công trình của Cha Mẹ nó không? Nó đang bôi tro trét trấu vào mặt ông nội nó, cha mẹ nó, nó có biết không? Anh thấy đó, Cha Mẹ có đẻ ra thằng khùng đâu, cũng không đẻ ra thằng què, hay thằng chột, càng không dạy cho chúng ăn chơi sa đọa mà. Chúng nó không biết công ơn của Cha Mẹ anh à. Chúng nó làm biến dạng công trình của Cha Mẹ, chúng nó tự làm suy đồi mọi giá trị mà Cha Mẹ nó đã cho nó. Chúng nó phá sản…”

Tôi thầm cảm ơn Cụ Chánh. Và tôi muốn chia sẻ tâm sự nầy để chúng ta cùng có những suy tư trong ngày Lễ Thánh Gia 2008.

Hai từ “phá sản” sao nghe buồn bã quá, bi quan quá! Không biết người trẻ hôm nay khi đọc những tâm sự nầy có tha thứ cho cái suy nghĩ có thể gây xúc phạm của các bậc tiền bối không?

Nhưng, thiết nghĩ, cụ Chánh không quá hàm hồ khi kết luận chua chát “chúng nó phá sản”

Di sản quí giá của Ông Bà Cha Mẹ Việt Nam để lại cho hậu duệ là một Đức Tin được đổi bằng chính những giọt máu qua suốt bốn thế kỷ. Nền tảng Đức tin ấy, được dựng xây trên mỗi gia đình công giáo, như một cộng đồng cơ bản của Giáo Hội Việt Nam.

Trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc bức bách, cha ông vẫn giữ được một truyền thống Đức tin và văn hóa công giáo trên cơ sở thực thi Lời Chúa trong đời sống thường ngày ở các gia đình, họ đạo. Có thể xác quyết rằng, chính Đức tin Công Giáo đóng một vai trò chủ đạo trong việc hình thành các gia đình Việt Nam êm đềm hạnh phúc và bền vững nhờ luật nhất phu nhất phụ của Tin Mừng. Luật nhất phu nhất phụ đã đến Việt Nam trong bối cảnh nếp sống đa thê vẫn còn ứng dụng, chưa được xem là lỗi thời và kém văn hóa. Nhờ luật nhất phu nhất phụ của Công giáo, mà nếp sống đa thê rơi vào tình trạng cổ hủ, và trách nhiệm của Cha Mẹ đối với con cái được thể hiện mỗi lúc một toàn hảo hơn. Từ đó, hạt giống Tin Mừng đâm rễ sâu trong lòng các gia đình và từng thành viên của gia đình, đến nỗi, có thể nói rằng, vi phạm luật hôn nhân gia đình là vi phạm luật Chúa.

Còn nhớ, để bảo đảm cho sự thánh thiện của hôn nhân công giáo và sự bền vững của các gia đình công giáo, những biện pháp chế tài dành cho các đôi bạn “ăn cơm trước kẻng” như tự thú trước cộng đoàn, giảm mức long trọng của thánh lễ ban bí tích hôn phối, hoặc cử hành bí tích hôn phối ngoài thánh lễ… mới ngày nào đây vẫn còn được áp dụng. Hoặc những tội nhân công khai thú ở tòa ngoài rồi mới xưng tội ở tòa trong… Tại sao họ có đủ can đảm chịu mang tiếng đời, để thú tội, để xưng tội, để giữ lấy thai nhi trong khi họ chỉ cần đến một ông thầy lang bốc một nắm thuốc là đủ để che dấu một chuyện đã rồi? Thiết nghĩ, ấy là vì đời sống đức tin vững mạnh, vì cảm thức sâu sắc về tội, biết tội, sợ tội và còn vì trân quí sự sống thân xác và linh hồn Chúa ban như giáo lý công giáo đã dạy.

Một thời đức tin hùng hồn của ông bà cha mẹ đã qua đi.

Niềm vui học hỏi và chu toàn lề luật Chúa, cùng với cảm thức về tội của đời con đời cháu bỗng gần như biến mất, chỉ cần trong vòng 10 năm các em không được học giáo lý, không thường xuyên đến nhà thờ. Cha Mẹ thì tất bật trên rừng trên rẫy kiếm từng cái khoai lang, khoai mì hay củ nần cho con có cái ăn chống đói…không có thời gian cho con. Con cái không được bồi dưỡng về đức tin công giáo là đã chua chát lắm rồi, lại còn bị thấm nhiễm những tư tưởng không cần có sự can thiệp của Thiên Chúa trong đời sống gia đình xã hội, làm thành một thế hệ hậu duệ không cố tình phá sản cũng phải bị mang tiếng là phá sản vì lối sống mới: lối sống tẩy chay Thiên Chúa.

Và khi đức tin bị phá sản, thì một hệ lụy dây chuyền cũng theo nhau tan tác, trong đó, có cả sự thánh thiện của hôn nhân và bền vững của gia đình công giáo. Những chuyện thời sự như sống thử tiền hôn nhân, phá thai, ly dị theo nhau làm thành “chuyện thời sự của thời đại Thiên Chúa bị tẩy chay ra khỏi lòng người, và nhường chỗ cho một mớ vật chất hỗn độn lên ngôi, ngự trị”.

Đã đến lúc các gia đình công giáo Việt Nam khẩn trương chấn chỉnh đời sống đức tin và Giáo dục Đức Tin trong gia đình mình như lời mời gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - không vì xấu hổ với các bậc tiền bối, nhưng vì vận mệnh Nước Trời của con cháu, của hậu dụê. Đức tin công giáo, có thể nói là cái căn cái gốc của hạnh phúc gia đình và của hạnh phúc cả xã hội - vì gia đình là nền tảng của xã hội.

Kính lạy ông bà tiên tổ, đất nước chúng con sẽ đi về đâu, dân tộc chúng con sẽ đi về đâu, khi các gia đình Việt Nam đua nhau ly tan, đua nhau sụp đổ?

Nguyện xin Thánh Gia Thất củng cố đời sống các gia đình Việt Nam chúng con, biết tin nhận và yêu mến Thiên Chúa là nguồn tình yêu thật, là nguồn sống thật, là nguồn hạnh phúc thật vững bền, để chúng con khẩn trương loại trừ những ảo ảnh tình yêu, ảo ảnh sự sống, và ảo ảnh hạnh phúc của ma quỷ ra khỏi gia đình, xã hội và đất nước chúng con.

Pm. Cao Huy Hoàng

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 27.12.2008. 22:11