Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đến với muôn dân - Ad Gentes

§ Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Trước khi trở về Trời cùng Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đã nhắn nhủ các Tông đồ, họ là rường cột của Giáo Hội Công giáo: "Anh em sẽ nhận sức mạnh Chúa Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là nhân chứng của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđêa, Samaria và cho đến tận cùng trái đất." (sách Công vụ Tông đồ 1,8).

Bằng lời nhắn nhủ đó, Chúa Giêsu sai các Thánh Tông đồ đi đến với muôn dân.

Nhưng các Thánh Tông đồ và Giáo Hội của Chúa làm sao đây?

Vâng theo sứ vụ Chúa Giêsu đã trao ban, khởi đi từ 12 Thánh Tông Đồ thuở ban đầu, và trong suốt dọc dòng thời gian từ hơn hai ngàn năm nay, Giáo Hội Chúa hằng tiếp tục làm chứng mang rao truyền Lời đến với muôn dân, đến với mọi con người trên địa cầu.

Ở bên Âu châu, nơi Lời Chúa đã được loan truyền từ hàng nghìn năm nay, và nơi này đã trở thành chiếc nôi của nền văn minh Kytô giáo trong lịch sử nhân loại. Những suy tư về thần học, triết học, những phát triển về Phụng vụ lễ nghi, về Kinh sách, những công trình xây cất Thánh đường, những Tu viện đầy nghệ thuật văn hóa với chiều kích đồ sộ nguy nga…là những chứng tích nói lên về điểm này, mà ngày nay vẫn còn đó cho khảo cứu chiêm ngắm.

Từ hơn 350 năm qua, Lời Chúa được mang đến quê hương đất nước Việt Nam loan truyền gieo trồng. Thửa đất xã hội Việt nam là quê hương đã có những phong tục tập quán văn hóa cùng tín ngưỡng Á Châu lâu đời. Nên bước đầu công việc "đến với muôn dân" gieo trồng hạt giống đức tin vào Thiên Chúa gặp nhiều trở ngại khó khăn.

Dẫu thế, các Vị truyền giáo ngay từ lúc đầu, họ đến từ các nước Pháp, Tây ban Nha, Bồ đào nha, Ý, hằng cố gắng hội nhập vào nếp sống văn hóa xã hội Việt Nam theo khả năng có thể.

Công việc đầu tiên của các Vị truyền giáo lúc ban đầu là học hỏi ngôn ngữ tiếng nói của người dân bản xứ. Sau qúa trình nghiên cứu học hỏi, Cha Alexandre de Rhodes, một linh mục người Pháp thuộc Dòng Tên Chúa Giêsu, đã cùng với các nhà truyền giáo anh em đang ở nước Việt nam lúc đó, sáng chế ra Chữ Quốc Ngữ viết theo mẫu tự tiếng Latinh A B C…mục đích giúp cho việc truyền giáo đến với người dân được thuận tiện dễ dàng.

Và như một phép lạ, công trình sáng chế đó theo dòng lịch sử đã trở thành ngôn ngữ chữ viết cho cả nước Việt nam trong nếp sống văn hóa xã hội.

Các nhà truyền giáo của Giáo Hội đã đến với người Việt Nam không chỉ rao truyền Lời Chúa trừu tượng khó hiểu, nhưng họ đã lồng khung Lời Chúa qua hội nhập vào nếp sống văn hóa xã hội.

Ngày 07.12.1965 Giáo Hội Công giáo hoàn vũ, sau khi kiểm điểm nhìn lại sứ mệnh Chúa trao cho, đã xác định vai trò sứ mệnh đến với muôn dân của mình trong thời đại hôm nay:

"Ad gentes divinitus missa ut sit "universale salutis sacramentum" Ecclesia ex intimis propiae catholicitatis exigentiis., mandato sui Fundatoris oboediens, Evangelium omnibus hominibus nuntiare contendit." - Đến với muôn dân được Chúa sai đi, Giáo Hội phải là Bí tích ơn cứu độ tổng quát. Giáo Hội luôn nỗ lực vừa mang tính Công giáo phổ quát riêng, và vừa phải vâng phục Đấng thành lập Giáo Hội đã ủy thác cho, là loan truyền Tin mừng Chúa cho hết mọi con người."(1. Ad Gentes").

Cùng với Giáo Hội Công giáo Việt nam, chúng ta người Công giáo Việt nam ở Âu châu cùng mừng Năm Thánh kỷ niệm 350 truyền giáo thành lập hai Giáo Phận Đàng Trong và Đàng Ngoài năm 1659, và 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm Việt nam từ năm 1960. Đây là kết qủa mùa bội thu của cánh đồng truyền giáo trên quê hương Việt Nam.

Ngày hôm nay, sau gần 4 thế kỷ truyền đạo đến với dân tộc Việt nam, đạo Công giáo đã có chỗ đứng bén rễ sâu trong lòng xã hội đất nước. Nhưng số người tin theo đức tin Công giáo cũng còn là con số nhỏ với hơn 07 triệu tín hữu Công giáo trong tổng số hơn 80 triệu người Việt Nam.

Đức tin vào Chúa, vào Giáo Hội của Chúa không hệ tại ở con số to nhỏ, nhưng ở nội dung phẩm chất. Chính nội dung phẩm chất của cung cách nếp sống đức tin của người Công giáo có sức mạnh thu hút gây chú ý cho nhiều đồng bào khác, cùng tạo thiện cảm ảnh hưởng tốt nơi họ.

Đó là nếp sống đức tin vào Chúa theo con đường hội nhập không quên cội nguồn tổ tiên, đất nước cùng văn hóa của mình.

Đó là cung cách gìn giữ tập tục lòng biết ơn, lòng hiếu thảo từ trong gia đình ra ngoài xã hội.

Lẽ tất nhiên chưa phải mọi sự đã hoàn thành tốt đẹp. Trái lại còn nhiều điều phải cố công tìm hiểu và kiện toàn nữa. Có thể nói, công trình đi đến với muôn dân làm chứng rao truyền tin mừng nước Chúa luôn luôn phải bắt đầu mới lại. Bước đi ngày hôm qua là bước khởi đầu cho ngày hôm nay và ngày mai.

Xin tạ ơn Thiên Chúa, cùng mừng vui với Giáo Hội quê nhà Việt nam, và cũng cùng với Giáo Hội nhìn về phía trước tìm hiểu ý nghĩa Chúa Giêsu nhắn nhủ"đến tận cùng trái đất".

"Tận cùng trái đất là các ranh giới tận cùng về địa lý, các vùng sâu xa, các vùng biên giới.

Tận cùng trái đất là các ranh giới tận cùng về thời gian, cho đến tận cùng ngày, tận cùng tháng, tận cùng năm, tận cùng thế kỷ.

Tận cùng trái đất là ranh giới tận cùng về thân phận con người, như các lớp người cùng khổ nhất, cô đơn nhất, bị nhục nhã nhất, bị thiệt thòi nhất.

Tận cùng trái đất còn là ranh giới tận cùng của các lớp tâm sinh lý sâu thẳm làm nên bản thân mỗi người như tính tình, tiềm thức, vô thức…" (+ Gm. Bùi Tuần, Bài giảng lễ phong chức hai tân Giám Mục Giuse Kiệt và Giuse Tiếu, Lx 29.06.1999).

Và ngày 14 tháng 5. 2010 tại thành phố Porto nước Bồ đào Nha, Đức giáo hoàng Benedicto 16. nói với các tín hữu rằng nhiệm vụ của họ trong vai trò mộn đệ của Chúa Kitô đến với muôn d ân trong mọi môi trường của xã hội.

"Chúng ta phải thắng cơn cám dỗ chỉ muốn giới hạn chính mình ở những gì chúng ta đang có được, hoặc tưởng là chúng ta có, củng cố an toàn cho riêng mình: làm như thế sẽ là một cái chết từ từ chậm chạp của giáo hội không còn hiện diện giữa lòng thế giới.”

Ngài nói rằng để hoạt động hữu hiệu hơn, phải thay đổi tư tưởng truyền thống về rao giảng Tin Mừng của giáo hội. Trong những xã hội không ngừng trở thành đa văn hóa như hiện nay, Giáo hội cần phải có khả năng kết hợp đối thoại với rao truyền và làm chứng nhân cho đức tin. Bản đồ truyền giáo của giáo hội không còn hạn chế về địa lý nữa.

Những người chờ đợi sứ điệp của Tin Mừng không chỉ là những dân tộc ngoài Kitô giáo ở những vùng đất xa xăm, mà còn là toàn bộ các khu vực xã hội và văn hóa xuyên suốt những biên giới các quốc gia, các châu lục: Hãy làm chứng nhân trước mọi người về niềm vui tạo nên bởi sự hiện diện tuy mạnh mẽ nhưng êm ái của Chúa, bắt đầu với những người đồng thời với quý vị. Hãy nói cho họ hay rằng trở thành bạn hữu với Chúa Giêsu là một điều tốt đẹp và đi theo Người là điều rất đáng làm.”.

Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống 2010

Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 22.05.2010. 09:46