Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đêm Phục Sinh: Hãy đi tới Ga-li-lê-a của đời mình!

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

(Mt 28,1-10)

Chỉ trong đoạn Tin Mừng ngắn ngủi mà chúng ta vừa nghe, đã được nhắc lại tới hai lần “Ði đến Ga-li-lê-a”.

Vâng, con đường của Ðấng Phục Sinh không chỉ theo hướng “đi lên cao”! Ðức Giêsu, Ðấng đã chiến thắng tử thần lại đi về hướng Ga-li-lê-a, một nơi Người đã trải qua nhiều thời gian nhất khi còn sinh thời. Người trở lại miền đất mà Người và các môn đệ đã từng mỏi gót rảo bước, một nơi Người thường không được nồng hậu đón tiếp, mệt mỏi và kiệt sức.

Nói cách khác: Sau khi sống lại, Ðức Giêsu đã trở lại cuộc sống hằng ngày của Người và của các môn đệ. Ga-li-lê-a là nơi có nhiều người nghèo đói và nhiều người bị xã hội ruồng bỏ sinh sống, là nơi thực tại phũ phàng của cuộc sống hằng ngày ngự trị, chính nơi đó Ðức Giêsu đã tỏ mình ra cho các môn đệ. Thật ra, sự Sống Lại là một thực tại hoàn toàn mới mẻ. Nó vượt khỏi những kinh nghiệm bình thường của con người. Nó công bố một thế giới mới mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Nhưng nó không phải là Thiên đàng, không phải là động tiên, cũng không phải là một thực tại xa lạ với cuộc sống của chúng ta, ngược lại: Sự Phục Sinh trước hết có liên quan chặt chẽ với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Vì thế, sau khi sống lại, Ðức Giêsu đã dấn thân nhiều và một cách đặc biệt cho cuộc sống chúng ta. Từ trong kẻ chết sống lại, Người không muốn ngự trị trên Thiên tòa, nhưng là sống giữa chúng ta, muốn giải cứu thế giới bé nhỏ và nghèo nàn của chúng ta bằng sự hiện diện của Người. Vì thế, Ðấng Phục Sinh đã không vội tìm hướng về một khung trời xa xăm, nhưng là nhắm hướng trở lại “Ga-li-lê-a”, trở lại cuộc sống hằng ngày của chúng ta, trở lại cuộc sống thực tế. “Ở Ga-li-lê-a các ngươi sẽ được xem thấy Người“!

Ðàng khác, không những Ðức Giêsu đi tới Ga-li-lê-a để tỏ mình ra cho các môn đệ ngay giữa môi trường sống của những người nghèo khổ, những người cùng đinh sống ngoài lề xã hội, nhưng cả các môn đệ cũng “phải đi tới Ga-li-lê-a” (Mt 28,10).

Nhờ sự sống lại của Ðức Giêsu, các môn đệ đã trở nên những người mới và sống trong một thực tại mới.Vâng, nhờ Ðấng đã phục sinh, họ đã có thể:

• nhìn vào thực tại hằng ngày bằng những con mắt mới,

• đến với những người đơn sơ bé nhỏ và loan báo cho họ rằng từ nay, với sự Phục Sinh của Ðức Giêsu, sự cùng khổ và sự chết sẽ bị tiêu diệt,

• trở thành những người mang niềm hy vọng đến trong một thế giới của bất công và của đàn áp, và qua đó họ đã đổi mới bộ mặt trái đất.

Và như con đường dẫn các môn đệ đến Ga-li-lê-a để họ cảm nhận được đời sống phục sinh mới, cũng vậy, con đường của chúng ta cũng sẽ dẫn đi tới “Ga-li-lê-a” của chúng ta, tới cuộc sống hằng ngày của chúng ta, tới cuộc sống cụ thể của chúng ta, một cuộc sống mà mọi sự thường khác hẳn, chứ không phải “chốn thiên thai” hạ giới. Cả hôm nay nữa, nếu ai muốn tìm gặp được Ðức Giêsu, nhất thiết phải đi tới những người nghèo khổ và những người bị bỏ rơi, đi tới những người đang sống trong cảnh tang tóc sầu khổ, những người vô gia cư và đến với những người đau ốm bệnh tật và thất nghiệp.

Ðức Giêsu không sống lại từ cõi chết để muôn đời được sống trong vinh quang bất diệt và không phải đối mặt với những đau khổ thử thách nữa. Nhưng Người muốn thắng vượt được sự khổ đau và ngay ở những nơi mà mãi tới ngày nay sự khổ đau vẫn còn là một thách đố to lớn cho cuộc sống con người. Ai nhờ đức tin và phép rửa đã được sống lại với Ðức Giêsu, người đó sẽ không còn đi tìm kiếm chỗ cho mình trong những ngôi biệt thự của Giê-ru-sa-lem, hay ở bàn ăn của những nhà trọc phú, nhưng là lên đường đì tìm kiếm Ðức Giêsu ở một nơi duy nhất, mà cả đến hôm nay người ta chỉ có thể gặp được Người: đó là cuộc sống hằng ngày với bao lo lắng và cơ cực của nó!

Mệnh lệnh của Ðấng Phục Sinh là “hãy đi tới” những người mà Ðức Giêsu vô cùng thương mến, đến nỗi Người đã tự đồng hóa với họ (x. Mt 25, 40b+45b).

Vâng, qua phép rửa chúng ta đã chết cho những hành động bất công, cho những tư cách sống lệch lạc, hầu chúng ta có thể sống cho một thế giới mới và một nhân loại mới. Phép rửa nối kết chúng ta lại với nhau trong cùng một đức tin và làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa, trở thành một dân tộc thánh.

Lm Nguyễn Hữu Thy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 21.03.2008. 08:40