Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự

§ Phaolô Phạm Xuân Khôi

Chú giải Thư Thánh Phaolô, Chúa Nhật 34 TN – A (1 Cr 15, 20-26. 28)

Như chúng ta đã thấy trong những tuần trước, đối với Thánh Phaolô Mầu Nhiệm Phục Sinh là chìa khoá mở cửa cho ơn cứu độ, là lý do của niềm hy vọng của chúng ta (x. 1 Cor 15:12-19). ĐTC Bênêđictô XVI cho rằng biến cố Phục Sinh “là điểm then chốt của Kitô học theo Thánh Phaolô: Mọi sự đều xoay quanh điểm trọng tâm này. Toàn thể giáo huấn của thánh Phaolô khởi hành từ và luôn luôn trở về với mầu nhiệm của Đấng mà Chúa Cha đã cho sống lại từ cõi chết. Biến Cố Phục Sinh là một sự kiện cơ bản, và hầu như là một tiền đề (x. 1 Cor 15:12), dựa vào đó mà Thánh Phaolô có thể đưa ra một công thức loan báo Tin Mừng tổng hợp: Đấng đã Chịu Đóng Đinh, và là Đấng đã biểu lộ tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với loài người, đã sống lại và đang sống giữa chúng ta” (Bài Giáo Lý về Thánh Phaolô 5/11/2008). “Phục Sinh xác nhận tất cả những gì chính Ðức Kitô đã làm và đã dạy. Khi Phục Sinh, Ðức Kitô chứng tỏ Người có thẩm quyền của một vị Thiên Chúa, nên toàn thể các chân lý kể cả những chân lý mà lý trí loài người khó chấp nhận, đều đáng tin” (GLCG 651). Trong Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ, Thánh Phaolô liên kết sự Phục Sinh của Đức Kitô với ngày Chung Phán. Việc Chúa Phục Sinh cho chúng ta niềm hy vọng để chịu đựng tất cả đau khổ trên đời hầu được sống lại với Người trong ngày sau hết này.

Câu 20 - Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc.

Thánh Phaolô gọi Đức Kitô Phục Sinh là hoa quả đầu mùa của những kẻ đã yên giấc vì Người là Đấng đầu tiên đã thật sự sống lại từ cõi chết để không bao giờ phải chết nữa. Trước đó Chúa cho con trai bà góa thành Nain (Lc 7:11-16) và ông Ladarô sống lại (Ga 11:1-43). Trong Cựu Ước, ngôn sứ Êlida cũng đã cho con trai người phụ nữ Sumen sống lại (2 Vua 4:8-37). Nhưng những người này sống lại tạm thời rồi lại chết. Còn Chúa Giêsu thì sống lại vĩnh viễn, sống lại trong vinh quang, trong đời sống siêu nhiên. Vì thế Người trở nên hoa quả đầu mùa của những kẻ đã yên giấc.

Đức Kitô đã được gieo vào lòng đất như hạt giống và chết đi, để rồi sống lại và sinh nhiều hoa trái (x. Ga 12:24). Chính Thân Xác Phục Sinh vinh hiển của Người là hoa quả đầu mùa (x. Lev 2:12-14; Ds 15:21; 28:26) mọc lên từ hạt giống ấy. Người trở thành lý do làm cho chúng ta cũng được sống lại với Người, nếu chúng ta cùng chịu chết và mai táng với Người.

Câu 21 và 22 - Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Đức Kitô như vậy.

Khi viết câu này cũng như câu “vì một người, mà tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian, và sự chết gây ra bởi tội lỗi; như thế, sự chết đã lan tràn tới tất cả mọi người, vì tất cả đều có tội” (Rm 5:12), Thánh Phaolô không có ý quy tội cho Ađam, nhưng nói lên sự tương phản giữa Ađam cũ và Ađam mới, là Đức Kitô. Trong Ađam cũ, toàn thể nhân loại trở nên tội lỗi và phải chết. Trong Ađam mới chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa. “Ðức Kitô chết để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, và phục sinh để mở đường vào cuộc sống mới. Cuộc sống mới này bao hàm trước tiên là sự công chính hóa, nghĩa là đặt chúng ta lại trong ân sủng của Thiên Chúa (x. Rm 4,25), để ‘cũng như Ðức Kitô đã được sống lại từ cõi chết, chúng ta cũng được sống đời sống mới’ (Rm 6,4)” (GLCG 664).

“Phục Sinh là khởi điểm của việc loan báo Tin Mừng của Đức Kitô cho mọi dân tộc - mở đầu Nước Đức Kitô, Nước này không biết một quyền năng nào khác ngoài quyền năng của chân lý và tình yêu” (ĐTC Bênêđictô Bài Giáo Lý 5/11/2008). “Cuối cùng, sự phục sinh của Ðức Kitô, cũng như chính Ðức Kitô Phục Sinh, là nguyên lý và nguồn mạch sự sống lại của chúng ta mai sau…‘để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Ðấng đã chết và sống lại vì mình’ (2 Cr 5,15)” (GLCG 655).

Việc Thánh Phaolô nói rằng “mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Đức Kitô như vậy” không có nghĩa là tất cả mọi người đều được cứu độ. Hội Thánh khẳng định rằng: “Mọi người đã chết đều sẽ phục sinh: ‘Ai đã làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống, ai đã làm điều dữ thì sẽ sống lại để bị kết án’ ( Ga 5,29; x. Ðn 12,2)” (GLCG 998). Điều kiện để được sống lại với Đức Kitô là phải cùng chết và mai táng với Người (x. Rm 6:4,8; 2 Tim 2:11), “con người cũ của chúng ta phải chịu đóng đinh vào thập giá với Người, để thân xác tội lỗi bị huỷ diệt, và chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa” (Rm 6:6).

Câu 23 - Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Đức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Đức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế:

Theo Giáo Lý thì “Ðức Kitô đã Phục Sinh với chính thân xác mình…. Nhưng Người không trở về với đời sống trần thế. Cũng vậy, trong Người, ‘mọi người sẽ sống lại với thân xác của mình, thân xác họ đang có bây giờ’ (x. Cđ Latran IV: DS 801), nhưng thân xác đó ‘sẽ biến đổi thành thân xác vinh hiển’ (Pl 3:21), ‘thân xác có thần khí’ (1 Cr 15:44)” (GLCG 999). Theo Thánh Phaolô thì chúng ta sẽ phục sinh theo thứ tự của mình. Không ai biết rõ thứ tự ấy là gì, nhưng có một điều chắc chắn là Đức Kitô đã sống lại trước hết, và sau đó là Đức Mẹ, và nếu chúng ta trung thành với Người thì “Ðức Kitô sẽ cho chúng ta sống lại ‘ngày sau hết’. Nhưng có thể nói, chúng ta đã phục sinh với Ðức Kitô rồi. Thật vậy, nhờ Chúa Thánh Thần, cuộc đời Kitô hữu đã dự phần vào cái chết và sự Phục Sinh của Ðức Kitô ngay từ đời này” (GLCG 1002). “Ðược kết hiệp với Ðức Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy, các tín hữu thật sự tham dự vào đời sống trên trời của Ðức Kitô Phục Sinh (x. Pl 3:20), nhưng sự sống này còn "ẩn tàng với Ðức Kitô trong Thiên Chúa" (Cl 3,3).... Ðược nuôi dưỡng bằng Mình Máu Ðức Kitô, chúng ta đã thuộc về Thân Thể Người. Khi chúng ta được phục sinh vào ngày sau hết, chúng ta sẽ ‘xuất hiện với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang’ (Cl 3:4).” (GLCG 1003).

Câu 24 - rồi đến tận cùng khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực.

"‘Ðức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết’ (Rm 14,9). Ðức Kitô lên trời cùng với cả nhân tính, thông phần vào quyền năng và uy quyền của chính Thiên Chúa. Ðức Giêsu Kitô là Chúa: Người nắm mọi quyền bính trên trời dưới đất. Người ‘vượt trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được’ vì Chúa Cha ‘đã đặt tất cả dưới chân Người’ (Ep 1:20-22). Ðức Kitô là Chúa vũ trụ (x. Ep 4”10; Cr 15:24,27-28) và lịch sử. Nơi Người, lịch sử loài người cũng như toàn thể công trình sáng tạo ‘được thu tóm’ (Ep 1:10) và ‘hoàn tất một cách siêu việt’ (GLCG 668). Đó chính là tận cùng. Khi Mầu Nhiệm Cứu Độ được hoàn tất thì Người trao vương quyền lại cho Chúa Cha như chúng ta vẫn đọc trong Vinh Tụng Ca.

“Vinh Tụng Ca ‘Vì Vương Quyền, Uy Lực và Vinh Quang là của Chúa đến muôn đời’ lặp lại ba lời nguyện đầu tiên dâng lên Cha trên trời: danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện. Nhưng câu lặp lại này mang hình thức thờ lạy và tạ ơn, như lời cộng đoàn chư thánh trên trời. Xatan là ‘thủ lãnh thế gian này’ đã dối gạt người đời, tự gán cho mình ba tước hiệu: Vua, quyền năng và vinh quang. Ðức Kitô là Ðức Chúa, Người hoàn lại các tước hiệu này về cho Cha của Người cũng là Cha của chúng ta, cho tới ngày Người trao Vương Quốc lại cho Cha, khi mầu nhiệm cứu độ được hoàn tất chung cuộc, khi ‘Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài’” (x. 1Cr 15:24-28 )” (GLCG 2885) ..

Các chữ “mọi đầu mục, quyền năng và thế lực” ở đây đáng lẽ phải được dịch là “mọi quản thần, quyền thần và dũng thần”. Đó là tước hiệu của những đạo binh Thiên Thần. Vì ma quỷ cũng là Thiên Thần, nên sau khi sa ngã, chúng giữ nguyên những khả năng của chúng, nhưng chúng dùng những quyền năng này để chống lại Thiên Chúa và phá công trình của Ngài. Thánh Phaolô thường dùng các từ này để chỉ các quyền lực của Xatan (x. Eph 1:21; 2:2; 6:12; Col 2:15). Trước khi Đức Kitô đến thì chúng tự do hoành hành. Giờ đây chúng chỉ có quyền cám dỗ người ta theo chúng và xúi dục người ta làm điều dữ, nhưng chúng không có quyền trên bất cứ ai, nếu người ấy không tình nguyện làn theo lời xúi dục của chúng.

Câu 25 - Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người.

Trước khi Đức Kitô về trời, Người đã trao cho Thánh Phêrô sứ vụ coi sóc Hội Thánh cùng với các Thánh Tông Đồ (x. Ga 21:15-17). Đồng thời Người truyền cho các ông đi rao giảng cho muôn dân để thiết lập Nước Thiên Chúa khắp nơi (x. Mt 28:18-20; Mc 16:15-16). Hiện thân của Nước Thiên Chúa ấy là Hội Thánh. Thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng trong thời hiện tại, Hội Thánh vẫn còn phải chiến đấu với thế gian và tà thần. Không những thế, Hội Thánh còn là “bí tích” hay “dấu chỉ” của Đức Kitô trên thế gian vì Hội Thánh chính là Nhiệm Thể Đức Kitô. Đức Kitô vẫn còn phải cai trị Hội Thánh cho đến khi tất cả quân thù phải tùng phục Người. Càng gần ngày Chúa chiến thắng thì quân thù càng tấn công Hội Thánh và những người theo Chúa một cách mãnh liệt (x. Kh 12:17).

Ðức Kitô đang hiển trị qua Hội Thánh... vì ‘Ðức Kitô là Chúa và cũng là Ðầu Hội Thánh, Thân Thể của Người’ (x. Ep 1:22). Sau khi chu toàn sứ mạng, Ðức Kitô được đưa lên trời và được tôn vinh, nhưng vẫn lưu lại trần thế trong Hội Thánh. Công trình cứu chuộc là nguồn mạch quyền bính mà Ðức Kitô thực thi trên Hội Thánh bằng sức mạnh Thánh Thần (x.Ep 4:11-13). ‘Triều Ðại của Ðức Kitô hiện diện một cách bí nhiệm trong Hội Thánh’, ‘mầm mống và khởi điểm Nước Trời tại thế’ "(Lumen Gentium 3,5)” (GLCG 669).

“Tuy đã hiện diện trong Hội Thánh, nhưng triều đại của Ðức Kitô chưa được hoàn tất ‘một cách đầy quyền năng và vinh hiển’ (Lc 21:27) ( x.Mt 25:31), vì Người chưa ngự giá mây trời mà đến. Triều đại này còn bị các thế lực sự dữ tấn công (x. 2 Th 2:7), cho dù cơ bản chúng đã bị chính Ðức Kitô đánh bại. Cho đến khi muôn loài qui phục Người (x.1Cr 15:28), ‘cho tới khi có trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị, Hội Thánh lữ hành mang khuôn mặt chóng qua của đời này, qua các bí tích và định chế là những điều thuộc thời đại này. Và Hội Thánh vẫn sống giữa các thụ tạo tới nay còn rên siết và quằn quại trong cơn đau đớn lúc sinh nở, và mong đợi con cái Thiên Chúa xuất hiện’ (LG 48).Vì vậy, các tín hữu cầu xin Ðức Kitô mau trở lại (2Pr:11-12) nhất là trong cử hành Thánh Thể (1Cr 11:26): ‘Lạy Chúa, xin ngự đến!’ (1 Cr 16:22; Kh 22:17-20)” (GLCG 671)

Câu 26 - Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết.

Sự chết sẽ tiếp tục cai trị thế gian và thân xác con người, kể cả các Thánh cho đến ngày Quang Lâm của Chúa. Khi ấy Người sẽ cho tất cả mọi người sống lại và tiêu diệt sự chết. Sự chết là kẻ thù cuối cùng của chúng ta. Kẻ thù đầu tiên của Đức Kitô và chúng ta là ma quỷ như đã đề cập đến ở trên. Kẻ thù thứ hai là tội lỗi mà chúng ta có thể chiến thắng nhờ ân sủng Chúa ban. Kẻ thù cuối cùng là sự chết sẽ bị Chúa đánh bại trong ngày Người trở lại. Trong ngày ấy, những ai sống lại trong ân sủng sẽ được hưởng phúc đời đời, còn những ai sống lại trong tội sẽ chịu chung số phận với ma quỷ. Vì Chúa đã toàn thắng nên chúng sẽ bị kiềm toả vĩnh viễn (Kh 20:10), và tất cả những ai theo chúng đều phải chịu cùng một số phận như chúng (Kh 20:15).

Câu 28 - Khi mọi sự đã suy phục Người, bấy giờ chính Con cũng sẽ suy phục Đấng đã bắt mọi sự suy phục mình, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự.

“Đức Kitô đã vâng lời cho đến chết, và vì thế Người được Chúa Cha tôn vinh (x. Ph 2:8-9), và đã vào trong vinh quang nước Người. Mọi vật đều suy phục Người, cho đến khi Người cùng với mọi tạo vật suy phục Chúa Cha, để Thiên Chúa nên tất cả mọi sự (x. 1Cor 15:27-28). Người cũng thông ban cho các môn đệ quyền bính đó để họ được hưởng sự tự do vương giả, và chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi họ, bằng một đời sống từ bỏ và thánh thiện (x. Rm 6:12), hơn nữa để, khi phụng sự Đức Kitô nơi tha nhân, họ khiêm nhường và kiên nhẫn dẫn đưa anh em mình đến cùng Ðức Vua, Ðấng mà phụng sự Người là thống trị. Thực thế, Chúa cũng muốn nhờ cả giáo dân để mở rộng nước Người, nước của chân lý và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hòa bình; trong nước này, chính tạo vật cũng được hưởng tự do rạng ngời của con cái Thiên Chúa (x. Rm 8:21). Lời Chúa hứa thật trọng đại và lệnh Người truyền cho các môn đệ thật lớn lao: ‘Thực vậy, tất cả mọi sự đều thuộc về anh em, còn anh em thuộc về Đức Kitô và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa’ (1Cor 3:23)” (Lumen Gentium, 36).

Đức Kitô tuy là Thiên Chúa, có cùng quyền năng như Đức Chúa Cha. Nhưng Người đã tự nguyện suy phục Đức Chúa Cha để giao hoà chúng ta lại với Thiên Chúa. Khi mặc lấy nhân tính, Người đã tự đồng hóa Mình với nhân loại. Không những thế, Người nhận Hội Thánh là Nhiệm Thể Người và chúng ta là những phần tử của Nhiệm Thể ấy. Đến ngày sau hết, Người kéo toàn thể Nhiệm Thể Người lên cùng Chúa Cha. Khi ấy Người suy phục Đức Chúa Cha không phải với vai trò Thiên Chúa của Người mà với vai trò Đầu Hội Thánh. Người sẽ suy phục và hiến dâng Chính Mình Người với tất cả Hội Thánh để muôn đời chúc tụng Thiên Chúa, và dự phần vào sự tốt lành, quyền năng và vinh quang của Ngài.

Nhiều người cho rằng trong người chúng ta đã có sẵn bản tính Thiên Chúa vì chúng ta là một phần tử nhỏ của Thiên Chúa. Nếu tu luyện đến nơi đến chốn thì chúng ta sẽ trở về làm một với Thiên Chúa, như một giọt nước trở về với biển nước mênh mông. Họ cho rằng bản chất của chúng ta là Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong chúng ta theo nghĩa ấy. Đây là một sai lầm của nhiều người, nhất là những người bị ảnh hưởng của Ấn Độ Giáo và Phật Giáo. Thực ra Thiên Chúa là Thiên Chúa, và loài người là loài người. Trừ Đức Kitô ra thì không ai có thể thành Thiên Chúa cả, dù có tu luyện đến đâu đi nữa. Qua Đức Kitô, chúng ta được thông phần vào bản tính Thiên Chúa, nhưng chúng ta vẫn là loài người. Thiên Chúa ở trong chúng ta qua ân sủng, là chính sự sống của Ngài. Và hồng ân này là ân huệ của Thiên Chúa chứ không phải do công lao tự mình tuy tuyện của chúng ta.

Thiên Chúa sẽ có quyền năng trên mọi sự, và Ngài là tất cả đối với những ai được tuyển chọn. Ngài là sự sống, ơn cứu độ, quyền năng, sự sung mãn, vinh quang, bình an và tất cả mọi sự, và là cùng đích và sự thỏa mãn mọi ước vọng của chúng ta. Cho nên cuối cùng Thiên Chúa sẽ cai trị mọi sự và trong mọi sự.

Kết Luận

Hôm nay Hội Thánh nhắc cho chúng ta về ngày sau hết. Chúng ta không biết khi nào ngày ấy sẽ đến. Nhưng là Kitô hữu, chúng ta biết rằng “trong khi chờ đợi ngày ấy, xác và hồn của tín hữu đã được vinh dự ‘thuộc về Ðức Kitô’. Vì thế, phải tôn trọng thân xác của mình cũng như của kẻ khác, nhất là khi thân xác phải chịu đau đớn: ‘Thân xác là để phụng sự Thiên Chúa vì Chúa là chủ thân xác. Thiên Chúa đã làm cho Ðức Kitô sống lại, cũng sẽ cho chúng ta sống lại. Nào anh em chẳng biết thân xác anh em là chi thể của Ðức Kitô sao ? ... Anh em đâu còn thuộc về mình nữa ... Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em’” (x. 1 Cr 6:13-15, 19-20). (GLCG 1004). Đến ngày ấy, Chúa sẽ cho chúng ta sống lại, nhưng để được hường phúc trường sinh hay để bị luận phạt muôn đời là tùy theo cách chúng ta đối xử với thân xác của chúng ta và của anh chị em chúng ta ngày hôm nay (x. Mt 25:31-46).

Lạy Chúa, xin dạy cho con biết khiêm nhường vâng phục Thánh Ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của đời con để lúc nào Chúa cũng là mọi sự trong mọi sự của con. Amen.

Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận:

1. Nếu không tin rằng có sự sống lại thì bạn sẽ sống ra sao?

2. Bạn liên kết Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô với đời sống hằng ngày của bạn thế nào?

3. Nếu biết rằng hôm nay là ngày tận thế thì bạn nghĩ bạn đang làm gì? Tại sao?

4. Điều gì là điều an ủi nhất cho bạn khi nghĩ về cái chết? Tại sao?

5. Trong đời sống hằng ngày, bạn thấy mình hành động giống ông Ađam hay giống Đức Kitô? Hai cách hành động khác nhau thế nào?

6. Bạn muốn mọi người sống lại với tình trạng thể lý của họ khi họ chết hay với tình trạng được biến đổi trong Đức Kitô? Theo bạn thì hai tình trạng ấy khác nhau thế nào?

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 22.11.2008. 10:18