Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đây là cây Thánh giá nơi treo Đấng cứu độ trần gian!

§ Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Hằng ngày chúng ta làm dấu Thánh giá trước và sau khi đọc kinh cầu nguyện cùng trong thánh Lễ, trước và sau bữa ăn, trước khi đi ngủ lúc ban tối, khi thức dậy lúc ban sáng, và còn trong nhiều hoàn cảnh khác nữa trong đời sống.

Rồi trên nóc các Thánh đường Công Giáo, trong nhà thờ, cũng như ở nhà tư của người Công Giáo, cũng đều dựng treo cây Thánh giá Chúa Giêsu. Đây là dấu hiệu của đức tin vào Chúa Giêsu, Đấng là con Thiên Chúa.

Nơi nghĩa trang trên nấm mồ người Công Giáo cũng có dựng cây Thánh Gía. Dấu hiệu này nói lên đức tin của người đã qua đời ngày xưa lúc còn sống. Và bây giờ họ đã ra người thiên cổ, nhưng Thánh giá Chúa Giêsu vẫn hằng đứng chiếu dọi trên nấm mồ của họ.

Nếp sống đức tin đó ăn sâu thấm nhập vào trong tâm hồn trí khôn người tín hữu Chúa Giêsu Kitô.

Hay đó đây ở nhiều nơi trên những ngọn đỉnh núi cao người ta cũng dựng cây Thánh Gía, như mốc điểm hướng dẫn cho người đi tìm đường leo lên đỉnh núi cao.

Phải chăng dấu Thánh giá là một bùa phép bí hiểm gì? Phải chăng dấu Thánh giá muốn nói lên điều gì về đức tin của người Kitô giáo?

Hình tượng thập giá trong đời sống

Khi nói hay nghĩ đến thánh gía, ta nghĩ hình dung ngay đến hình chữ x hay hình chữ thập +. Có nhiều kiểu hình thức thánh giá từ xưa còn lưu truyền lại như hình bánh xe mặt trời; hình thánh giá chéo như chữ X, quen gọi là thánh giá Thánh Andrê, thánh giá Oxthodox giống như chữ Tau trong mẫu tự chữ Hylạp.

Alfons Rosenberg khi suy tư về thánh giá đã có suy niệm: Thánh giá là dấu hiệu cổ xưa lâu đời nhất về sự cứu rỗi giải thoát của con người. Dấu hiệu biểu trưng này vừa mang tính thần thánh linh thiêng, vừa bao quát tất cả.

Hình tượng thập giá có bốn phía vẽ chỉ phương hướng của gío, của trời đất cũng như của bốn mùa, những khái niệm căn bản về khoa học tự nhiên theo như thời thượng cổ hiểu quan niệm và của bốn Phúc âm.

Hình tượng thập giá như hình bánh xe mặt trời là dấu hiệu của ánh sáng và sự sống, của sáng tạo và hợp nhất; đó cũng là dấu hiệu của con người và của liên đới tương quan với thế giới.

Ý nghĩa nguyên thủy của thập giá vừa vươn lên tới ánh sáng trên nền trời và vừa trải rộng ra tới con người. Hình ảnh này vẽ lên chiều dọc thẳng đứng từ đất lên tới trời cao, và chiều ngang chân trời bằng phẳng và cả hai chiều gặp nhau ở một điểm hội tụ.

Nhưng hình tượng thập gía, theo suy nghĩ về tâm lý, vẽ nói lên điều gì đối chọi với nhau: chiều ngang chân trời tượng trưng cho nữ tính, kiên trì và bao quát; còn chiều thẳng đứng nói về nam tính, ước vọng vươn lên và có tính nóng nảy hung bạo. Cả hai chiều phải gặp nhau hội tụ ở điểm trung tâm, có thế mới giữ thăng bằng được.

Ngay trong thân thể mỗi con người chúng ta cũng mang hình tượng dấu vết của thập giá suốt đời mình. Theo sinh vật học, bộ xương cách trí của con người chúng ta đứng tạo thành hai hình thập gía: phần bên dưới có xương mông và cột xương sống, phần bên trên có xương vai và xương lồng ngực và xương cột cổ họng. Phần xương chữ thập bên dưới tựa như rễ cây ăn sâu xuống đất giữ cho cây đứng vững cùng thẩm hút nhựa sống thức ăn cho cây. Đây là biểu tượng về triển nở phát triển về chín mùi trưởng thành, về sức mạnh dẻo dai chịu đựng. Còn phần xương chữ thập bên trên mềm dẻo di chuyển xoay hướng theo ánh sáng cùng mặt trời. Cả hai phần trên và dưới của chữ thập có cùng một điểm hội tụ gặp nhau liên kết lại thành một.

Thập giá trong luật pháp

Ngày xưa thập giá là một dấu hiệu và dụng cụ để phạt đóng đinh những người bị lên án. Đó là dấu hiệu nói về hình phạt xỉ nhục hạ phẩm giá xuống tận cùng.

Chúa Giêsu như trong thư của Thánh Phaolo đã viết: Người tự hạ mình và vâng lời cho đến chết, chết trên thập gía” ( Philip 2,8)

Nhưng từ khi Chúa Giêsu bị đóng đinh chết thập giá và sống lại, cây thập giá đã biến thành cây thánh gía. Nó không còn là dấu chỉ của thất bại nhục nhã của sự chết, của tối tăm đen tối trong đời sống con người nữa. Nhưng thánh giá đã có một ý nghĩa khác tích cực: đó là ơn cứu chuộc, sự chiến thắng tội lỗi, như trong ngày thứ Sáu tuần thánh, Giáo Hội Công Giáo suy tôn Thánh giá Chúa Giêsu: Đây là cây Thánh giá nơi treo đấng cứu độ trần gian! đã hát ca tụng.

Cây Thánh giá Chúa Giêsu không còn là dấu chỉ sự kinh khiếp hãi hùng của hình phạt sự chết, nhưng đã trở thành cây mang lại sự sống ơn cứu chuộc do Chúa Giêsu mang lại cho con người.

Và Cây Thánh giá Chúa Giêsu trở thành dấu hiệu đức tin của người Kitô giáo. Dấu hiệu đó ẩn hiện trong đời sống con người và cả trong nền văn hóa cùng trong trời đất nữa.

Cây Thánh giá Chúa Giêsu

Ðức Thánh Cha Benedictô thứ 16. khi còn là Hồng Y Giuse Ratzinger đã có suy tư về dấu Thánh giá như sau:

"Dấu Thánh giá của người Kitô hữu trước sau luôn là lời cầu nguyện căn bản trong đời sống. Dấu Thánh giá là cách tuyên xưng tin nhận Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh trên thập giá qua cử chỉ biểu lộ ra bên ngoài trên thân thể.

Lời tuyên xưng và cung cách đó phù hợp với chương trình niềm tin như Thánh Phaolô tuyên tín: " Chúng tôi rao giảng một Chúa Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận được, và người dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Ðấng ấy chính là Chúa Giêsu Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. (1 cor 1,23-24). Và " tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Chúa Giêsu Kitô, Ðấng bị đóng đinh trên thập gía. (1 cor 2,2)

Lấy Dấu Thánh giá làm ấn đóng, là dấu chỉ công khai tuyên xưng ưng thuận với Ðấng đã chịu khổ hình cho con người chúng ta với Ðấng đã sống làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa bằng chính sự sống thân xác đời mình cho tới tận cùng;

với Ðấng cai trị không phải bằng quyền năng sức mạnh hủy diệt, nhưng qua sự khiêm hạ vâng lời chịu đau khổ vì tình yêu. Chính tình yêu đó mạnh hơn tất cả quyền lực trần thế và khôn ngoan hơn mọi sự thông minh của con người.

Dấu Thánh giá là lời tuyên xưng đức tin: Tôi tin vào Ðấng đã chịu đau khổ cho tôi và đã sống lại; vào Ðấng đã biến đổi dấu hiệu của sự ô nhục khinh chê thành dấu chỉ niềm hy vọng và thành dấu hiệu tình yêu Thiên Chúa hiện diện giữa con người.

Lời tuyên xưng đức tin đó là lời tuyên xưng niềm hy vọng: Tôi tin Ðấng từ một người yếu đuối thành đấng toàn năng; Ðấng dường như vắng mặt và dường như không có sức mạnh quyền hành gì, nhưng lại có khả năng cứu độ tôi.

Khi chúng ta vẽ Dấu Thánh giá trên thân thể mình là chúng ta đặt mình dưới sự che chở bảo vệ của Thánh gía. Khác nào như một tấm hình hay lá chắn giúp ta trong những lúc gặp khó khăn, và giúp thêm can đảm cố gắng tiến lên về phía trước. Thánh giá là người dẫn đường đi trước trong đời sống: Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo Thầy. (Mc 8,24).

Thánh giá chỉ đường trong đời sống làm môn đệ Chúa Giêsu.

Dấu Thánh giá nối kết chúng ta với niềm tuyên xưng mầu nhiệm Chúa ba ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mỗi khi dùng Nước Thánh làm dấu Thánh là nhớ lại phép Bí tích Rửa tội đã lãnh nhận trong Thánh giá ba ngôi Thiên Chúa.

Thánh giá là dấu hiệu sự khổ hình và đồng thời cũng là dấu hiệu sự sống lại.

Thánh giá cũng là chiếc gậy cứu độ của Chúa nâng đỡ dẫn dắt con người.

Thánh giá là nhịp cầu giúp chúng ta bước qua bờ vực thẳm sự chết, bờ sự đe dọa của tội lỗi. Ðiều này được làm sống lại trong bí tích Rửa tội với Thánh giá Chúa Giêsu Kitô và trong sự sống lại của Người. (Roma 6,1-14).

Nên mỗi khi làm dấu Thánh gía, chúng ta nhắc nhớ làm mới lại bí tích rửa tội của mình, Chúa Giêsu Kitô qua đó kéo chúng ta lại với Người (Ga 12,32), và sống liên kết trong cộng đoàn với Thiên Chúa hằng sống.

Bí tích Rửa tội và dấu Thánh giá liên kết đan bện với nhau là một biến cố của Thiên Chúa: Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu Kitô, Chúa Giêsu Kitô mở cửa đến với Thiên Chúa Cha. Thiên Chúa không còn là người xa lạ nữa, nhưng là một người có tên. Vì thế chúng ta được phép kêu xin nói chuyện với Ngài.

Như thế có thể nói, dấu Thánh giá là lời cầu xin cùng Thiên Chúa Ba ngôi tóm tắt tất cả những gì chính yếu căn bản của niềm tin Kitô giáo…( 152-153)

……………………

Triết gia người Hy Lạp, Platon (v. Chr. 428 – 348) đã dựa theo truyền thống trường phái triết học Pythagor suy luận về vũ trụ được vẽ liên kết trong hình thánh giá (Timaios 34 A/B và 36 B /C) cộng thêm với những truyền thuyết bên vùng Ðông Phương. Suy luận của Platon trước hết về khoa học trong không gian: Hai ngôi sao lớn lưu chuyển trong vũ trụ không gian, như thế giới thiên văn thời ngày xưa biết, kết nên hình bầu dục (bầu trời không gian hình vòng tròn, trên đường vòng đó mặt trời luân chuyển theo) và đường luân chuyển của trái đất. Chúng luân chuyển qua lại cắt ngang nhau và cùng nhau tạo nên chữ Xi ( X) của vần mẫu tự Hy Lạp, vẽ nên hình chữ thập (X).

Dấu hiệu thánh giá được viết vẽ vào toàn thể vũ trụ. Platon đã dựa theo truyền thuyết cổ xưa để lại, nối kết trong một hình ảnh Thần Thánh: Ðấng Tạo Hóa (Demiurg), Ðấng đã với tay rộng dài đến linh hồn vũ trụ vượt qua mọi không gian.

Justin, vị tử đạo (+ 165) cũng là nhà hiền triết đầu tiên vùng Palestina cùng thời với các Giáo phụ, đã khám phá ra suy luận này của Platon. Ông đã không ngần ngại đem lý thuyết này ra áp dụng diễn giải về Chúa Ba ngôi và về công việc cứu chuộc của Chúa Giêsu.

Ðiều Platon nói về linh hồn vũ trụ, với Justin là lời loan báo sự đến của Ngôi Lời Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, trong trần gian. Vì thế ông có thể nói rằng: Hình tượng của thập giá là dấu hiệu to lớn nhất về Ngôi Lời Thiên Chúa, không có dấu hiệu đó không có sự liên kết tương quan của toàn thể vũ trụ. Thập giá Chúa Giêsu ngày xưa trên đồi Golgotha là hình ảnh của cấu trúc vũ trụ đã được viết sáng tạo trong không gian.

Vũ trụ nói với chúng ta về Thập giá, và thập giá khai mở những bí mật về vũ trụ.Thập giá là chiếc chìa khóa của mọi thực tế xảy ra trong vũ trụ. Lịch sử và vụ trụ gắn liền với nhau. Nếu chúng ta đưa mắt nhìn ra, chúng ta sẽ đọc được sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô qua những dấu chỉ như ngôn ngữ viết sẵn trong không gian, và ngược lại: Chúa Giêsu Kitô trao tặng giúp chúng ta hiểu được sứ điệp trong công trình sáng tạo thiên nhiên.“ (tr. 155-156) (Joseph Kardinal Ratzinger, Der Geist der Liturgie, eine Einführung. Herder, Freiburg i. Br. 6. Auflage 2002, tr. 152- 153 và 155.)

Ngày nay trên lá cờ của nhiều quốc gia khắp thế giới có thêu vẽ hình chữ thập làm biểu trưng cho quốc gia đất nước của họ, như lá cờ nước Thụy Sĩ, nước Đan Mạch, nước Nauy, Vương quốc Anh, nước Thụy điển, nước Hy Lạp, Hội Hồng thập tự.

Dấu hiệu này có thể ngày xưa khi vẽ mẫu làm cờ đã có nghĩ đến nguồn gốc ảnh hưởng phần nào về văn minh Kyto gíao, nhưng không phải hoàn toàn là như thế mãi. Dấu hiệu thập giá trên lá cờ đó gửi đi sứ điệp tích cực của đời sống xã hội con người luôn nằm trong vùng bốn phương trời, trong chiều thẳng đứng vươn lên trời cao và chiều ngang xã hội con người với nhau. Hai chiều đời sống phải gặp gỡ hội tụ lại với nhau ở một điểm. Có thế mới có hài hòa đứng vững được. Và con người trong xã hội không phải chỉ cần cơm ăn áo mặc đời sống vật chất sung túc đầy đủ, nhưng còn cần đời sống tinh thần hướng lên cao nữa.

Thánh giá Chúa Giêsu là dấu chỉ căn bản đức tin của người Công giáo. Dù sống ở đâu, dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, Thánh giá đó luôn ăn rễ sâu trong tâm hồn trái tim họ.

Thánh giá Chúa Giêsu còn là dấu chỉ sự tha thứ làm hòa cùng niềm hy vọng sự sống cho cuộc đời con người hôm qua hôm nay và ngày mai.

Đây là cây Thánhh giá nơi treo Đấng cứu độ trần gian!

Thứ Sáu Tuần Thánh 2010

Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.04.2010. 10:06