Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đau Khổ (Chúa Nhật Lễ Lá)

§ Thanh Thanh

Con người ngại nói đến đau khổ, càng không muốn gặp phải đau khổ. Con người có chấp nhận hay không thì đau khổ vẫn có. Không ai phủ nhận được sự thật này. Và đứng trước đau khổ, có nhiều quan niệm khác nhau.

Quan niệm về đau khổ

- Phật giáo. Đau khổ liên hệ với thay đổi vô thường.

Đức Phật tìm ra nguyên nhân của đau khổ là: sinh, lão, bệnh, tử. Ngài đã giác ngộ và giúp cho chúng sinh giải thoát khỏi đau khổ. Ngài nói: sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, cái gì không ưa mà phải hợp là khổ, cái gì muốn mà không được là khổ”. (kinh Mahavagga, bản dịch của Phạm Quỳnh, Phật giáo đại quan, Nam phong tùng thư, tr 47).

Mọi thứ đều có nhân có quả. Quả trở thành nhân, rồi nhân lại thành quả. Cái vòng luân hồi vô tận diễn ra trong đau khổ bởi ước muốn và đam mê trong cuộc sống.

- Ấn giáo. Đau khổ không thể tách rời khỏi năng lực gắn liền với bản chất tự nhiên.

Câu truyện kể về việc sáng tạo như sau: Vishnou, Đấng tối cao giao cho thần Brahma tạo dựng vũ trụ. Thần này bắt đầu bằng việc tạo nên thân thể riêng mình, nơi tập trung mọi nguồn lực của khả năng tiềm tàng. Và thế giới được tạo ra cùng một lúc bởi ánh sáng và bóng tối. Rồi từ thân thể này, Brahma tạo nên hữu thể, mà tất cả tự bản chất đều cùng một lúc cả về điều thiện lẫn điều ác, cả thói xấu lẫn đức hạnh. Thiện và ác liên hệ chặt chẽ với nhau trong mọi tạo vật, cho dù là thần thiêng, con người, thú vật hay thảo mộc…Vì thế, không có sự ác thì sự thiện cũng không thể hiện hữu.

- Tư tưởng Trung Hoa. Tiến trình năng lượng vũ trụ sản sinh ra điều mới thì tự bản thân nó là tốt. Nó không tạo ra đau khổ. Cái gì tự nhiên thì đẹp. Nhưng đó là điều cổ xưa, đã hết thời.

Có một thứ phục thù, suy đồi chống lại sự xuất hiện của cái mới. Nó không đi theo trật tự của sự vật. Như sự ác và đau khổ xuất hiện thì, khi vì kích kỷ, khi vì ý riêng mà con người chống lại sự thay đổi, chống lại cái luật tự nhiên sâu sa của thế giới và lịch sử.

- Do thái giáo. Đó là sự xáo trộn tự bên trong trật tự mà Thiên Chúa muốn tạo ra. Vì thế sự ác và đau khổ là hoàn toàn khác.

Sự xáo trộn này, liên quan đến thánh kinh, là Chúa tạo dựng thế giới không phải từ hư vô, mà từ hỗn mang nguyên thuỷ. Vì thế, cái hỗn mang không do Chúa tạo nên này lại tiếp tục sinh ra con cái chúng trong vũ trụ do Chúa dựng nên. Nhiệm vụ của Chúa vừa giữ lại sự vô trật tự ác nghiệt sinh ra do hỗn mang, vừa tạo dựng và duy trì trật tự do chính Ngài tạo ra.

Theo thánh kinh, đau khổ có lẽ được xem như một thử thách đối với người tín hữu, để trắc nghiệm đức tin và lòng cậy trông vào Chúa của họ. Thử thách sẽ thanh luyện để họ mạnh mẽ hơn. Vì thế, đau khổ có ý nghĩa đào tạo.

- Phái Khắc kỷ. Họ coi đời như không có đau khổ, và nếu phải đau khổ thì cứ cắn răng mà chịu, không hề kêu ca, than khóc hay phản kháng. Người theo phái này đều là những con người dạn dầy với đau khổ, họ không để cho đau khổ chi phối họ, và ngược lại, họ còn muốn chi phối đau khổ.

- Người đời. Cách chung con người không phủ nhận đau khổ và cũng cảm thấy khiếp sợ đau khổ, không muốn chịu nhưng lại coi đau khổ là phương tiện cần thiết để đạt tới đích cao vời.

- Kitô giáo. Thông thường Kitô giáo nghĩ đau khổ là hậu quả của tội, chứ không phải biểu hiện của một sự ác gắn liền với hoạt động của vũ trụ và với biểu hiện của sự sống nói chung. Điều này sẽ khó hiểu, vì cây cối, thú vật, và chính trái đất cũng phải đau đớn theo cách của chúng, dù chúng không chịu tội nguyên tổ.

Thánh Tôma Aquinô nói, sự ác cho thấy cách biệt giữa sự vật như nó phải là và điều nó thực sự là. Như thế sự ác tạo ra đau khổ chỉ là biểu hiện của một thiếu hụt và thiếu thốn. Theo ngài, vì vũ trụ được tạo thành tốt đẹp, là so với toàn thể thế giới, chứ không phải so với mỗi phần của thế giới.

Sứ điệp của Kitô giáo không phải là một thuyết thần học cố gắng nhìn nhận thế giới như nó là. Cũng không đưa ra lời giải thích về sự ác và đau khổ. Nhưng trước tiên là lời hứa cứu độ ở ngoài đau khổ và sự ác.

Khi Đức Giêsu nhập thể trong hình hài con người và mang lấy sự khốn khổ của loài người, Chúa muốn cứu thoát và đưa về lại tương giao mất thiết với Người.

Mục đích của đau khổ

Chúng ta phải khẳng định rằng đau khổ không phải là cứu cánh mà chỉ là phương tiện để đi tới mục đích, cũng như học hành vất vả là điều kiện để thi đỗ, để thành người thông thái; hoặc muốn được nhiều hoa trái thì buộc phải cắt tỉa. Việc cắt tỉa không phải là mục đích nhưng chỉ là phương tiện để cây sinh được nhiều hoa trái.

Đau khổ còn là một mầu nhiệm. Đau khổ được đức tin đặt vào trong ý định của Thiên Chúa, trở thành một thử thách cao quí, Thiên Chúa dành cho những tôi tớ Ngài tín nhiệm. Đức Giêsu nói: “Nếu hạt lúa rơi xuống đất không mục đi thì cứ trơ trơ một mình, nhưng nếu mục đi, nó sẽ sinh ra nhiều hạt”.(Ga 12,24). Như thế đau khổ có ý nghĩa cao qúi của nó, giúp ta gắn bó với Chúa và giúp ta lập nhiều công phúc.

Ba loại đau khổ

Vì yêu thương con người, Chúa Giêsu đã phải chịu ba loại đau khổ:

1. Đau khổ tinh thần. Chúa Giêsu chịu đau khổ này trong vườn Cây Dầu, Người đổ mồ hôi máu khi nghĩ đến thử thách trước mặt, đồng thời Người rất đau khổ khi các môn đệ phản bội và bỏ Người chạy trốn hết.

2. Đau khổ nơi thể xác. Người bị đánh đập, bị đội mão gai, bị vác thập giá, bị đóng đinh.

3. Đau đớn về tâm linh. Trên thập giá, dường như chính Chúa Cha cũng đã ruồng bỏ Người. Chúa Giêsu cầu xin: “Lạy Chúa con, lạy Chúa con, sao Ngài lại bỏ rơi con".

Thái độ trước đau khổ

- Tiêu cực. Nhiều người khiếp sợ, tìm cách trốn tránh. Nhưng thực tế không trốn được, đau khổ đi theo con người như hình với bóng. Nếu ta cong lưng chạy trốn, chúng càng chặn lối ta đi. Nếu ta làm mặt hiền hòa, bình tĩnh đón nhận, chúng nó sẽ mất hết sức mạnh làm hại ta.

- Tích cực. Tình yêu làm cho đau khổ mất hết vẻ dữ tợn của nó. Tình yêu cũng làm cho đau khổ thành nguồn an ủi và sức mạnh.

Như những giọt mồ hôi làm thức tỉnh sỏi đá để biến thành hạt cơm, thì vì tình yêu, ta hãy sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh đau khổ trong cuộc sống, hãy biến những đau khổ ấy thành những hạt ngọc dâng lên Thiên Chúa. Không có một hy sinh nào trở nên vô ích nếu trong đó có tình yêu.

Hình ảnh hạt cát thật hay. Nếu rơi vào mắt, ta tìm cách phủi đi ngay vì nó làm ta đau khổ. Nhưng nếu rơi vào miệng con sò, thì lại biến thành ngọc trai.

Thiên Chúa không tạo ra đau khổ để hành hạ con người. Cũng không phải mọi tai hoạ, đau khổ đều do Chúa, mà do chính con người độc ác tạo ra cho nhau. Người ta phân tích nguyên nhân gây ra đau khổ, kết quả như sau:

. 85% đau khổ là do người làm khổ người.
. 5% là do thiên tai như mưa, gió, lũ lụt, động đất…
. 10% là do ngẫu nhiên.

Nếu con người biết yêu người như chính mình ta vậy, thì 85% đau khổ sẽ không còn.
Nếu con người biết sẻ chia cho nhau 15% đau khổ còn lại, thì mỗi người chịu chẳng đáng là bao.

Tình yêu đích thực không có quyền tìm tư lợi chi chính mình, mà tìm hạnh phúc cho người mình yêu, sẵn sàng nhận phần thiệt, phần đau khổ về mình. Chúa Giêsu là một ví dụ.

Tình yêu mạnh hơn sự chết. Cái chết không ngăn cản người ta đến với nhau. Cái chết không làm cho sợ hãi hay thất vọng. Nguời ta sẵn sàng đổi mạng, chấp nhận cái chết, miễn là người yêu được an toàn, hạnh phúc.

Muốn thoát khỏi đau khổ, cách duy nhất là phải đi xuyên qua nó. Đức Đức Giêsu thử nghiệm, đã trải qua tốt đẹp, và Ngài cho biết, đây là con đường duy nhất để đạt tới vinh quang.

Nhìn vào thập giá, ta mới biết thế nào là sức mạnh của tình yêu. Một tình yêu tròn đầy. Hy sinh tất cả, chịu đựng tất cả, cho đi tất cả, cứu thoát tất cả, rồi lại ban phát tất cả. Tình yêu đích thật này chỉ có nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta mà thôi.

Thanh Thanh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 27.03.2010. 09:14