Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đạo Thực Dụng!

§ Lm Anmai, DCCT

Chúa Nhật 17 TN B
2 V 4,42-44; Ep 4, 1-6; Ga 6, 1-15

Hôm ấy, Đức Giê-su ở lại với dân Sa-ma-ri-a hai ngày. Sau đó, Người về Ga-li-lê. Tại Ca-phác-na-um, Người chữa con của một sĩ quan (4,46-54). Theo Ga 5,1 thì Đức Giê-su lại quật lên Giê-su-sa-lem. Nhưng, như đã nói ở phần Nhập đề, có lẽ phải đọc chương VI trước chương V. Như vậy, sau khi chữa con của sĩ quan, Đức Giê-su “sang bên kia biển hồ” và làm phép lạ “bánh hóa nhiều” (Ga 6,1-15).

Trong sách Tin mừng thứ tư, đoạn văn Ga 6,1-15 này mở màn cho diễn từ về Bánh ban sự sống. Mục đích tác giả nhằm khi lấy lại những nét chính của 2 V 4,42-44 mà chúng ta vừa nghe. Đoạn sách ấy minh chứng rằng Đức Giê-su là vị Ngôn sứ lớn hơn ngôn sứ Ê-li-sa. Ngôn sứ Ê-li-sa dùng 20 chiếc bánh nuôi 100 người, còn Đức Giê-su dùng chỉ 5 chiếc bánh mà nuôi đến 5.000 người. Điều này tác giả nói rõ ở câu kết: thấy dấu lạ ấy, dân chúng nhận ra Đức Giê-su là Vị Ngôn sứ viết hoa, Đấng phải đến thế gian theo Đnl 18,18 tiên báo.

Phép lạ “hóa bánh ra nhiều” là phép lạ thứ tư trong bảy phép lạ thánh Gio-an tường thuật. Trình thuật ấy đóng vai trò quan trọng đối với thế hệ đầu tiên của Ki-tô giáo (Mc 6,35-44 ; 8,1-9 ; Mt 14,13-21 ; 15,32-38 ; Lc 9,10-17 ; 2 V 4,42-44). Với phép lạ này, Đức Giê-su chấm dứt sứ vụ của mình tại Ga-li-lê và dân Do-thái dứt khoát lựa chọn giữa tin và không tin. Có lẽ vì thế mà bốn sách Tin Mừng đều ghi lại và khá song song.

Người ta sống là nhờ bánh. Thì, cũng vậy, trên bình diện thiêng liêng, người ta sống là nhờ Lời của Đức Giê-su, và Mình Máu của Người. Điều đáng buồn là khi thấy Người quyền năng, dân chúng chỉ ước mong Người thực hiện những khát vọng trần thế. Nhưng cứu độ loài người không phải chỉ là phục hồi quốc gia hoặc tôn giáo của Ít-ra-en hoặc, nói chung, không bao giờ chỉ là vấn đề chính trị. Vì vậy Đức Giê-su không chịu đóng vai trò Vị Mê-si-a chính trị, để giải phóng quốc gia theo như dân Ít-ra-en ước muốn.

Vấn đề là con người không biết là vô tình hay hữu ý mà cứ lẫn lộn với việc Thiên Chúa cứu độ con người chứ không phải làm cho con người thoả mãn lòng muốn của họ. Thiên Chúa thì muốn cứu độ còn con người thì thực dụng. Với phép lạ hoá Bánh, bên dưới việc nhân bánh ấy chính là một sứ điệp Thiên Chúa muốn nói với con người rằng con người sống và được cứu nhờ vào Lời và Bánh ban sự sống. Vì ý Thiên Chúa khác ý của con người. Thiên Chúa đi xa hơn suy nghĩ thực dụng của con người.

Chúa Giêsu ngày hôm nay làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, bên dưới cái bánh ấy đó chính là lương thực nuôi hồn chứ không phải chỉ là nuôi cái xác nặng mấy chục cân của con người. Thoạt đầu, vì thấy dân chúng đói, Chúa Giêsu đã cho họ ăn để họ có thể vững bước tiếp trên con đường lữ thứ trần gian nhưng không ngờ. Chúa Giêsu biết tận cõi lòng sâu thẳm của họ nên Ngài đã lánh mặt sau khi họ muốn tôn vinh Chúa Giêsu lên làm vua. Thực chất, họ chẳng phải tôn vinh một vị Con Thiên Chúa Hằng Sống, họ chỉ tôn vinh những ai bảo đảm cuộc sống cho họ, họ chỉ tôn vinh những ai làm lợi cho họ mà thôi.

Tưởng chừng chuyện đây là chuyện ngày xưa nhưng ngày nay vẫn có.

Ở một vùng truyền giáo nọ, cha sở đau đầu nhức óc với chuyện “đạo gạo”. Ban đầu, khi đặt chân đến với cái vùng truyền giáo nghèo, Cha sở cũng như Chúa Giêsu vậy, Cha sở đã cố gắng hết sức của Ngài để nâng đỡ đời sống vật chất cho người nghèo. Thế nhưng, công cuộc truyền giáo của Ngài không đơn giản như Ngài nghĩ. Ngài thật đơn sơ, phải nói là có thể chua thêm một tí là đạo đức thánh thiện nữa vì lẽ ai đến với Ngài, Ngài cũng mở lòng ra như Chúa Giêsu ngày xưa mở lòng ra với đám đông đi theo Ngài đang đói vậy.

Đáng tiếc thay là thời gian sau đó, những ai thực dụng để đi theo đạo Chúa Kitô đã lòi ra. Những ai thành tâm tìm Chúa thật sự thì họ sống khác với những người thực dụng. Ban đầu, Cha sở ấy rất vui vẻ trong việc chia sẻ của ăn của nhiều tấm lòng thơm thảo nhưng giờ đây Ngài đã hiểu. Chuyện là sau những ngày dài lo lắng cho những người nghèo nhưng rồi số người tham dự Thánh Lễ cứ thưa dần và thưa dần. Đến một hôm, một người thường xuyên hay lui tới nhà thờ đã cho Ngài biết cái “tin dữ”. Cái “tin dữ” ấy là một số người trước đây vẫn thường xuyên lui tới nhà thờ vì có quà cáp từ tay cha sở nay lại không đi nữa. Họ nói thẳng là trước đây có nhận được quà nhưng nay thì không có qùa. Vì lý do không có quà thì họ không đi nữa.

Nghe đến đấy, lòng cha sở cũng như bổn đạo nhiệt thành cảm thấy nhoi nhói làm sao đấy. Hoá ra là sự chia sẻ của ăn, tấm lòng với người nghèo nay đã bị lạm dụng.

Còn nữa, chuyện là cha trước đây phục vụ ở giáo xứ kia nay đã chuyển đi phục vụ giáo xứ khác nhưng nhiều người vẫn còn nhắc về Ngài. Tưởng là nhắc chuyện gì kinh hoàng ghê gớm, nào ngờ là nhắc đến chuyện cha sở ấy đã “cho con cái này, cho con cái kia” !?!?!?

Mỗi khi vào gặp cha sở mới, họ đều “chặn họng” cha sở mới là : “Hồi trước cha … lo cho gia đình con, mỗi khi có quà đều nhớ đến gia đình con …” ! Nghe xong, cha sở đương nhiệm đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì lẽ nói ra thì đụng đến con chiên và đụng cả cha sở tiền nhiệm. Dù không nói ra nhưng trong lòng cha sở hiện tại nghĩ bụng : nếu được con chiên ấy chuyển về ở giáo xứ cha sở cũ cho xong chuyện vì lẽ cha sở cũ có khả năng lo cho con chiên ấy !

Đành biết là vì nghèo nên họ nại đến lòng thương xót của các vị chủ chăn. Thế nhưng, sự nại ấy vẫn còn phải chừa chỗ cho sự tế nhị và tình thương với chủ chăn chứ ! Họ quên rằng, cha sở cũng phải đi “gõ cửa” những tấm lòng quãng đại thì mới có thể chia sẻ cho họ được và họ cũng quên rằng đâu phải lúc nào cha sở cũng gặp được những tấm lòng thơm thảo. Đôi khi gặp những tấm lòng thơm thảo thích phô trương thì cha sở rất khổ với khoản tiền có được để về chia cho người nghèo. Họ cho một mà họ đi nói hai, ba, thậm chí mười … nhưng vì con cái của mình, cha sở nghèo đành phải chấp nhận để chia sẻ cho con cái.

Hình ảnh của một số “con chiên thực dụng” ấy chính là những người trong Tin mừng hôm nay. Ngày hôm nay, khi họ được no nê, họ tôn vinh Chúa Giêsu lên làm Vua nhưng rồi đến cái ngày chịu khổ hình thập giá trên núi Sọ ấy còn được ai ? Còn mấy người trong cái đoàn người được Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều hôm nay theo Chúa đến cuối cuộc đời ? Rõ ràng, những người ấy là những người theo Chúa một cách thực dụng, họ theo và họ tôn vinh khi Chúa cho họ được no nê cơm bánh, no nê thể xác. Thế nhưng, người theo Chúa thật và người mà Chúa cần thật đó là những người yêu và theo Chúa vô vị lợi, theo và yêu một cách dám liều mất mạng của mình.

Hình ảnh của những người theo đạo thực dụng ấy chắc có lẽ vẫn còn. Có thể người ấy chính là chúng ta chăng ? Thử kiểm điểm lại chúng ta đang theo Chúa ở mức độ nào ? Theo Chúa có thật lòng, thật con tim hay cũng chỉ lại lợi dụng và thực dụng. Nếu Chúa ban ơn lành cho ta, nếu Chúa cho ta gặp nhiều may mắn thì tin và tung hô to lắm và thậm chí còn bắt Chúa Giêsu làm vua nữa. Thế nhưng, mỗi khi cuộc đời ta gặp gian nan thử thách, ta có còn dám tôn vinh Chúa làm vua nữa hay không ?

Theo Chúa – theo đạo thật hay thực dụng hệ tại vào cõi lòng, hệ tại vào sự đáp trả của mỗi người chúng ta.

Lm Anmai, DCCT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 24.07.2009. 02:08