Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Danh dự đích thật

§ Lm Phêrô Hồng Phúc

Thời Chúa Giêsu cũng như ở mọi thời đại, tư tưởng làm lớn đã ăn sâu vào tiềm thức của con người, chỉ cần cơ hội bùng lên thành danh vọng. Nhất là trong các đình đám theo phong tục Đông phương vốn trọng lễ giáo gia phong thì việc thứ tự cao thấp trở thành quan trọng hơn nội dung dự tiệc. Chúa Giêsu đã nhìn thấu suốt sự việc nên trong một buổi dự tiệc Ngài đã nhân cơ hội dạy bài học về thái độ khiêm tốn: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà ngồi xuống chỗ cuối” (Lc 14, 8-9)

Thực tế cũng đã có những người tự chọn ngồi xuống chỗ cuối, nhưng đợi mãi không thấy người ta mời lên trên thì tự ái và kêu trách. Thái độ này cũng chẳng khác gì thái độ chọn cỗ nhất. Bởi vì khi đã chọn danh vọng, địa vị thì hưởng thụ phải là yếu tố tất yếu gắn liền !

Vậy thái độ khiêm nhường chọn chỗ cuối phải là tinh thần của dấn thân và phục vụ. Thông thường trong đám tiệc, chủ nhà là người phục vụ và không những ngồi chỗ cuối mà còn ăn cuối cùng, sau khi thực khách đã hài lòng ra về. Thái độ này là tư cách “người làm lớn” đích thực theo tinh thần của Chúa Giêsu: “ Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,26) Hy sinh danh dự là hy sinh bản thân, có hy sinh như thế mới theo gương Chúa Giêsu “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20, 28).

Phần thưởng của tinh thần phục vụ này là: “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14, 11b). Cũng trong chiều hướng ấy, Chúa Giêsu muốn phục vụ người nghèo vô vị lợi. “Hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ và như thế mới thật có phúc.” (Lc 14, 13)

Từ cử chỉ nhỏ nhoi chọn chỗ ngồi trong đám tiệc, nhưng đã toát yếu lên tính cách của một con người. Hơn nữa, với Chúa Giêsu, đó còn là thái độ lựa chọn giữa lối sống dấn thân hay ích kỷ. Người ích kỷ chọn danh vọng sẽ thu hái kết quả như thánh Phêrô diễn tả: “ Vì mọi phàm nhân đều như cỏ và tất cả vinh quang của họ cũng đều như hoa cỏ; cỏ thì khô, hoa thì rụng.” (1Pr 1,24) Người dấn thân phục vụ thì được đền đáp: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sồng vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” (Mt 16,25) Đó là sự sống mà theo thư Do thái diễn tả: “Anh em đã tới núi Xi-on, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời” (Dt 12, 22-23)

Biết nhường chỗ hơn cho người khác, còn là khía cạnh của đức ái chân thành. Đừng ai nghĩ tôi phận hèn cuối chót chẳng có gì nhường cho ai. Không ! có quá nhiều điều ta đã không nhường nhau: một lời nói, một bảo lưu ý kiến, một lần nhẫn nhịn, một lời xin lỗi, một câu tha thứ, một ánh nhìn thông cảm…

“Một người ăn xin gõ cửa nhà kia. Chỉ có một em bé coi nhà. Em bé đi ra, đi vào vẻ lúng túng. Sau cùng nó đứng trước người ăn xin và nói:
-Cụ ơi, cháu chẳng có gì để giúp cụ cả, cụ vui lòng đi xin nhà khác nhé.

Cụ già vội chớp lời:
- Cháu vừa nói gì thế, hãy nói lại đi cháu.

Em bé nhắc lại:
- Cụ ạ, cháu chẳng có gì giúp cụ, cụ vui lòng đi nơi khác nhé.

Cụ già sung sướng thốt lên:
-Không, cháu ơi, cháu cho ta nhiều nhất rồi, đây là lần đầu tiên ta được nghe có người gọi ta bằng cụ. Cám ơn cháu đã cho già này niềm vui sống.

Và cụ già sung sướng bước đi.”

Câu chuyện cho thấy, chúng ta còn có quá nhiều kho tàng phong phú để dấn thân phục vụ và chia sẻ tình bác ái cho người khác.

Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho chúng con biết lựa chọn giá trị của cuộc sống.
Biết nhường cơm xẻ áo cho người nghèo,
biết dấn thân phục vụ như Chúa đã hiến mình phục vụ.
Đừng để con làm mất đi những cơ hội nhường nhịn:
Một lời nói, một cử chỉ, một việc làm.
Xin giúp con sáng suốt nhận ra:
Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.
Để con sống khiêm nhường và thực thi bác ái,
hầu đạt tới phần thưởng cao quý Nước Trời
Chúa dành cho người bé mọn. Amen.

Lm Phêrô Hồng Phúc

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 28.08.2010. 21:45