Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Dành chỗ cho Thần Khí Ðức Giêsu Kitô!

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
(Ga 20,19-23)

Qua các bài tường thuật của các bản Phúc Âm, chúng ta đã biết được rằng ngay trong buổi chiều Phục Sinh, Ðức Giêsu đã vội đến với các môn đệ của Người. Vì tất cả họ đều vô cùng hoảng hốt khiếp sợ. Họ đã gài then, đóng chặt cửa nhà lại để không một ai từ bên ngoài có thể vào nhà họ được. Họ hoàn toàn tự cô lập khỏi thế giới đồng loại. Và chính trong hoàn cảnh và tâm trạng đó, họ đã gặp được Ðức Giêsu, Ðấng đã mở ra cho tương lai đời họ, những con người khép kín và nhát sợ, những triển vọng hoàn toàn mới mẻ và bất ngờ.

pentecost8.jpg

Đức Maria và các Tông Đồ lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần trong ngày Hiện Xuống

Tôi nghĩ rằng sự hiện ra của Ðức Giêsu là hoàn toàn do sáng kiến tự nguyện của Người. Vì về phía các môn đệ, xem ra họ không còn mong đợi chuyện đó nữa, mặc dù bà Maria Ma-đa-lê-na đã tường trình cho họ nghe là bà đã gặp lại được Ðấng Phục Sinh rồi. Vâng, họ đã đóng chặt cửa nhà lại, để “nội bất xuất, ngoại bất nhập”! Qua đó thánh sử đã muốn nói lên rằng: Không có bất cứ một hệ thống an ninh nhân loại nào có thể ngăn cản được sự hiện diện của Ðức Giêsu giữa các môn đệ của Người.

Những hình ảnh đánh dấu tình trạng các môn đệ lúc bấy giờ thật đáng ghi nhận: Sợ hãi, nhà cửa đóng kín, một bầu không khí đầy vẻ tang tóc ảm đạm, v.v…mà ngày nay người ta sẽ gọi là tình trạng tâm lý suy sụp, đổ vỡ! Vâng, sau biến cố Ngày Thứ Sáu Khổ Nạn, các môn đệ trở nên sợ hãi và sống khép kín, tâm lý các ngài trở nên bất ổn suy sụp, không chỉ vì sợ người Do-thái, nhưng còn vì quá thất vọng cho suốt ba năm theo chân Thầy, vì bị bạn bè làng xóm mỉa mai chê cười là nhẹ dạ nông nổi và nhất là lo cho tương lai rồi đây không biết sẽ đi về đâu!

Khi tôi đọc và suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, nẩy sinh trong tôi ý tưởng là sự thể về các môn đệ được trình thuật trong bài Tin Mừng có lẽ cũng trùng hợp với tình trạng ngày nay trong Giáo Hội. Người ta có thể so sánh tâm trạng lo sợ, khép kín và suy sụp của các môn đệ xưa với sự lo sợ phải sống đức tin vào Ðức Giêsu một cách triệt để của một số kitô hữu ngày nay; nói cách khác, người ta đâm ra ngại ngùng và cả đến sợ hãi nữa, khi phải bày tỏ công khai niềm tin đầy xác tín của mình. Chẳng hạn, họ cho rằng nếu sống đạ “một cách tuyệt đối quá, nghĩa là thực hành đúng đắn và sít sao tất cả những gì Ðức Giêsu đòi hỏi, có lẽ sẽ gây ra đụng chạm và bất bình nơi nhiều người. Họ sợ bị coi là quá khích hay bất khoan dung, và từ đó sẽ sinh ra bất an trong giáo xứ. Họ sợ có thể đưa tới sự bất cộng tác, và cả thái độ lơ là đối với đời sống đạo nơi một số người trong giáo xứ, hoặc những sự khó khăn rắc rối tương tự khác có thể xảy ra, v.v… Nhưng những suy tư lo lắng như thế là vô căn cứ, nếu không nói là một sự ngụy biện, vì ngược lại, đời sống sinh hoạt của một xứ đạo có đầm ấm, có sống động, nhất là có còn là kitô giáo nữa hay không, là hoàn toàn tùy thuộc đức tin của chúng ta vào Ðức Kitô, nghĩa là thực thi tất cả những giới răn của Người, và tùy thuộc sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Ðó chính là trọng điểm của đại lễ Hiện Xuống mà chúng ta đang cử hành hôm nay: Ðức Giêsu Phục Sinh bỗng nhiên hiện diện giữa các môn đệ của Người, khi cửa đóng then cài; vì Thần Khí Thiên Chúa tác động thế nào, ở đâu và khi nào là tùy Người muốn, chứ không hề bị bất cứ quyền lực thế gian nào ngăn cản.

Một thí dụ điển hình về điều đó là ngày Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII khi bỗng nhiên được linh ứng – theo chính lời ngài nói – đã loan báo triệu tập Công Ðồng chung Vatican II, mà ngài coi là một lễ Hiện Xuống mới! Tôi nghĩ rằng Ðức Giáo Hoàng có lý! Vì từ lúc bấy giờ mọi cửa ra vào và mọi cửa sổ của tòa nhà Giáo Hội đều được mở tung. Mỗi người đều có thể nghe được sứ điệp Kitô giáo bằng ngôn ngữ riêng của mình, đều hiểu được biến cố Hiện Xuống được trình thuật trong Công Vụ Tông Ðồ. Mặc dù phải đối mặt với nhiều chống đối, sau cùng Công Ðồng cũng đã được triệu tập, các vị Giám Mục từng dè dặt cũng đã tham gia, các vị giáo chủ từng nghi ngờ do dự cũng đã cộng tác, và đời sống Giáo Hội đã được cặn kẽ kiểm tra và xem xét lại, một luồng gió mới và mát mẻ đã được thổi vào lòng Giáo Hội, đến nỗi người ta đã nhận ra được ranh giới rõ ràng phân biệt hai giai đoạn trong lịch sử Giáo Hội: Thời tiền Công Ðồng và thời hậu Công Ðồng!

Tinh thần canh tân đã làm cho Công Ðồng mang đầy ý nghĩa. Nhiều đổi mới của Công Ðồng mà mấy thập niên về trước còn được coi là “phá rào” hay “cách mạng”, thì ngày nay đã trở thành những điều đương nhiên. Trong nhiều cách và dưới nhiều hình thức, các thành viên của giáo xứ ngày nay đã cùng cộng tác vào việc tổ chức đời sống giáo xứ, cả trong những lãnh vực, mà trước kia hoàn toàn chỉ dành cho một mình cha quản xứ. Cách đây khoảng 30, 40 năm về trước, thật là một điều không thể tưởng tượng được, là các bậc phụ huynh tự đảm nhiệm - hay cùng với cha xứ và các giáo lý viên - công việc giúp các con em và thanh thiếu niên trong xứ dọn mình xưng tội rước lễ lần đầu hay chịu phép thêm sức, hoặc những người giáo dân giúp cho rước lễ, v.v… Và còn biết bao nhiêu thí dụ khác trong đời sống Giáo Hội. Tất cả cho phép chúng ta đưa ra được một kết luận chung: Người kitô hữu hôm nay đã ý thức được rằng mình là Giáo Hội, là thành phần Dân Chúa và góp phần xây dựng cộng đồng giáo xứ theo khả năng và cách thức của mình. Cũng như xưa kia, trước hết tất cả mọi người – đàn ông, đàn bà, trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành, ông già bà cả và tầng lớp trung niên, v.v…- đều được kêu mời hãy dấn thân vào cuộc sống của cộng đồng giáo xứ với tất cả lòng nhiệt thành và hăng hái của mình, hầu cho qua đó Thần Khí Ðức Giêsu có thể tự do hoạt động trong giáo xứ!

Dĩ nhiên, đó là một điều dễ nói nhưng không dễ thực hiện. Rất có thể sẽ xảy ra tình trạng là Thần Khí của Ðức Giêsu xuất hiện như một niềm vui mừng trọng đại và hoàn toàn bất ngờ cho con người, nhưng cũng có thể những tác động của Người không được đón nhận hay bị phản đối. Ông Wilhelm Stählin đã nói về điều đó như sau: “Chúng ta không nên cầu xin Ðức Chúa Thánh Thần đến ngự giữa chúng ta như một điều tất nhiên, bởi vì Ðức Chúa Thánh Thần ngự ở đâu và chọn nơi nào làm chốn Người ngự, thì không những Người mang đến “ơn sủng”, nhưng đồng thời Người cũng là Thần Khí của những đòi hỏi gắt gao, vâng, Thần Khí làm đảo lộn … Chính Chúa Thánh Thần, Ðấng mà chúng ta hằng sốt sắng kêu cầu và đồng thời cũng là sức mạnh làm đảo lộn tất cả những sự tự tín quá khích vào khả năng riêng mình nơi từng cá nhân hay nơi các cộng đoàn tôn giáo; Người là sự công kích của Thiên Chúa vào tất cả tính ù lì bất động và sự tự mãn của chúng ta; Người không hề kiêng nể trước bất cứ định chế sẵn có nào, trước bất cứ trật tự nào, nếu như định chế hay trật tự đó đã trở thành mục đích, chứ không còn là phương tiện nữa… Ai tin vào Chúa Thánh Thần như là sức mạnh sáng tạo của Thiên Chúa và trong niềm tin đó cầu xin Người ngự đến, người đó phải biết rằng anh đã kêu xin sức mạnh làm đảo lộn của Thiên Chúa và hãy sẵn sàng chấp nhận để cho Thiên Chúa đảo lộn nơi con người anh tính tham chức quyền của cải, những thói quen và cả trong những cách thức tư duy của anh, nếu như tất cả chúng không xứng đáng làm chiếc bình chứa đựng sự xáo động có tính cách cải tiến và sự thật đầy năng động. Vậy, ai cầu xin: “Nguyện Chúa Thánh Thần, xin ngự đến”, thì cũng phải cầu xin: Nguyện xin Ngài hãy đến và làm đảo lộn nơi con những chỗ nào con cần phải được đảo lộn!“

Dành chỗ cho Thần Khí Ðức Giêsu trong tâm hồn mỗi người chúng ta và trong cộng đồng giáo xứ là một điều minh nhiên! Nhưng nhiều người đã lập tức nêu lên câu hỏi: Dựa vào đâu để tôi có thể biết được rằng tôi - với tư cách là cá nhân hay cộng đồng - thực sự sống và hành động bởi Thần Khí Ðức Giêsu? Thánh Phaolô đã mau mắn trả lời thay cho chúng ta: Thánh Thần luôn hiện diện ở đâu có bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ, v.v… như là hoa quả cũng những hành động của chúng ta (x. Gl 5,22).

“Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến. Lạy Ðấng ban sự sống, xin tuôn đổ trên chúng con sức mạnh của Chúa!” Amen

Lm Nguyễn Hữu Thy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 08.05.2008. 15:16