Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đấng Phục Sinh, Đấng đang sống là Đấng đã chết

§ Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Chúa Nhật Thứ 2 Mùa Phục Sinh, Năm C

Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời…”(Kh 1,17-19).

Thân xác Phục Sinh của Đức Kitô đã có sự biến đổi. Xét về mặt vật lý thì nó không còn lệ thuộc các điều kiện thời gian và không gian như trước đây. Xét về hình thức biểu lộ thì thân xác Phục sinh của Chúa Kitô cũng có cái gì đó khác xưa khiến một Mađalêna, người vốn gắn bó rất thiết thân mà cũng không nhận ra và lầm tưởng là người giữ vườn, khi Người hiện ra với bà sáng sớm ngày đầu tuần (x.Ga 20,15). Ngay đến hai môn đệ trên đường đi Emmau, cả quảng đường mười một cây số bên nhau mà hai ngài vẫn không nhận ra Thầy chí thánh (x.Lc 24,13-27). Những lần hiện ra với các môn đệ thì tin mừng tường thuật rằng các ngài thường hoài nghi hoặc tưởng là ma. Khi hiện ra với Phêrô và các bạn trên bờ hồ Tibêria thì các ngài cũng không nhận ra Thầy cho đến khi được một mẽ cá lạ lùng (xGa 21,1-14).

Tin mừng Luca và Gioan tường thuật khi Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra Người thường cho các môn đệ xem tay chân và cạnh sườn Người (x.Lc 24,39; Ga 20,20;27). Các tin mừng ấy đều nói rằng việc Chúa Kitô cho xem chân tay và cạnh sườn là để củng cố niềm tin của các môn đệ. Thậm chí tông đồ Tôma còn thách thức các bạn rằng nếu không trực tiếp xỏ ngón tay vào các lỗ đinh ở tay chân Thầy, không đặt bàn tay vào cạnh sườn Thầy thì ông không tin (Ga 20,25).

Khi tỏ cho thấy chân tay và cạnh sườn của mình, Đấng Phục sinh như muốn khẳng định với các môn đệ rằng chính Người là Đấng đã chịu khổ hình. Nhiều nét nơi thân thể Người có đổi thay nhưng các vết tích là các lỗ đinh nơi tay chân, vết giáo đâm nơi cạnh sườn vẫn luôn còn đó. Đấng Phục sinh là Đấng đã tử nạn. Đấng vốn có từ nguyên thủy và sống đến muôn thuở muôn đời là Đấng luôn mang các dấu tích tình yêu nơi cái thân xác đã nhận lấy khi vào đời. Như thế Đấng đang sống là Đấng mãi yêu thương nhân loại chúng ta cho đến cùng.

Khi phủ phục tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”, ngài Tôma đã cảm nhận cái tình của Thầy chí thánh. Thầy biết rõ mình, biết đòi hỏi của mình và Thầy sẵn sàng thỏa mãn yêu sách cũng như sự thách thức của mình. Khi đưa ra yêu sách, Tôma muốn có một kiểm chứng vật lý bằng giác quan, mắt thấy, tay sờ, nhưng khi diện kiến Thầy ông lại nhận được một điều khác đó là tình yêu của Thầy mình. Tình yêu là thực tại người ta nhận biết nhờ cảm nghiệm hơn là nhờ nghe, thấy hay chạm sờ và dĩ nhiên là nếu có thấy, nghe hay chạm sờ thì phải vượt qua cái khả giác để đến với điều khả niệm và khả nghiệm.

Lich sử ghi nhận hiện tượng này: không ít người đã đã thấy, đã chứng kiến, có khi là tường tận những sự kiện lạ thường vốn được gọi là do Thiên Chúa, Mẹ Maria hay các thánh thực hiện. Thế nhưng có thể nói là số người thay đổi cuộc đời, nên tốt hơn, thánh thiện hơn, quảng đại hơn thì không nhiều. Trái lại, những người cảm nhận nơi bản thân ân tình của Thiên Chúa, của Mẹ Maria hay các thánh, qua một sự che chở, chữa lành hay cứu giúp thì dường như cuộc đời của họ thay đổi hẳn, dù rằng nhiều khi bản thân họ không thấy Chúa hay Mẹ hiện ra hay thấy các sự kiện lạ thường bên ngoài.

“Phúc cho những ai không thấy mà tin!” Nội hàm của lời chúc phúc không nói đến công trạng mà chỉ tuyên bố một tình trạng, tình trạng may mắn. Chúng ta có thể hiểu điều này nơi các mối phúc thật. Phúc cho các ngươi là những người nghèo (theo Luca) hay phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó (theo Matthêu)… Người nghèo hay người có tinh thần khó nghèo được phúc không phải vì công trạng của họ nhưng chủ yếu là vì Thiên Chúa đã thương yêu đứng về phía họ, ưu ái họ. Đã có lần Chúa Kitô nói các môn đệ được phúc vì đã được nghe và xem thấy những gì mà cha ông họ hằng mong muốn mà không được nghe hay không được xem thấy (x.Lc 10,23-24; Mt 13,16-17).

Như thế Kitô hữu chúng ta hôm nay là những người có phúc, nghĩa là được may mắn hơn tông đồ Tôma xưa, vì dù chúng ta không được trực tiếp nhìn thấy Đấng Cứu độ, nhưng chúng ta vẫn có thể tin Người đã phục sinh, tin Người đang sống và mãi yêu thường ta đến cùng. Niềm tin của chúng ta đặt trên điều khả niệm và khả nghiệm là lời chứng của các tông đồ và dòng lịch sử Giáo hội gần hai ngàn năm qua. Một tập thể kém học vấn, ít nhân đức, khả năng hạn chế, lại còn dẫy đầy tham sân si, thế mà phút chốc đã đổi thay hoàn toàn kiểu như không tưởng và nói không ngoa ngôn chút nào, là đã bắt đầu làm đổi thay cả thế giới. Dĩ nhiên chúng ta không thể bỏ qua nguyên nhân chính đó là ân sủng và tình yêu mà Đấng Cứu độ tuôn đổ xuống lòng mỗi người bằng Thánh Thần Người ban tặng.

Đấng Phục sinh là Đấng đã chết. Đấng đã chết là Đấng đã vì yêu mà hiến thân cho đến cùng. Thân xác Đấng Phục Sinh dù có đổi thay nhưng các dấu tích trên tay chân và cạnh sườn Người không hề thay đổi. Điều này minh chứng rằng Đấng Cứu độ đang sống cùng đồng hành với chúng ta và yêu thương chúng ta đến cùng. Ước gì chúng ta được một lần trong đời cảm nhận ân tình của Đấng Cứu độ cách sâu xa. Và đây là một trong những mảnh đất tốt để cây đức tin nẩy mầm, phát triển, sinh trái đơm hoa hồng ân cứu độ cho bản thân và cho tha nhân.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 10.04.2010. 00:35