Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Dâng Hiên Cuộc Đời Cho Thiên Chúa

§ Phêrô Vũ văn Quí

CN II TNB – Ga 1, 35-42

Khi đọc lại câu đối thoại giữa Chúa Giêsu và hai môn đệ đi theo Người, “Các anh tìm gì thế? Họ đáp: “Thưa Rápbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” (Ga 1, 38), tôi nhờ lại câu chuyện kể về một vị bác sĩ đáng kính ở Sainte-Etienne, Pháp quốc. Ông có đứa con trai mới rước lể vở lòng và tối hôm đó, các phụ huynh tổ chức liên hoan mừng kính ngày trọng đại của các cháu. Ba ngày sau, vị bác sĩ được mời đến khám chữa cho một người bệnh. Trong khi đó, chính ông cũng không còn sức lực gì nữa. Nhưng ông đã cố gắng hết sức để đi tới được người bệnh và cho những thứ thuốc cần thiết. Và ông cũng đã làm một phẫu thuật nhỏ khẩn thiết cho họ. Và khi vừa làm xong công việc hy sinh quên mình nhỏ bé đó, ông ngã xúông và chết bên giường người bệnh mà ông vừa cứu sống.

Hành động dâng hiến cuộc đời cho tha nhân của ông khiến tôi tự hỏi: Ông đã tìm được điều gì cao cả nơi con người yếu đuối kiệt sức kia? Nếu không phải ông đã gặp gỡ được Đức Giêsu Kitô, vì chỉ khi nào theo Người, ở lại với Người, bản thân ông mới hiểu được bí ẩn nơi con người. Và nhờ đó, ông mới khám phá ra kho tàng vô giá cũng như mọi chiều kích nơi sự hiện hữu của con người và rồi từ đó hăng say và thiết tha làm cho cuộc đời trở nên tuyệt tác của ánh sáng và tình yêu.

Hơn nữa, theo cảm nhận của tôi, ông đã cảm nghiệm được Đức Giêsu đã đến Bêlem để tạo dựng một chỗ ở ngay cõi sâu thẳm nơi cung lòng ông và mỗi người trở nên đền thờ của Thiên Chúa hằng sống. Ông tin xác thực rằng nơi Chúa Giêsu sinh ra phải chính là trái tim con người. Cách duy nhất để gặp được Thiên Chúa là phải cầm trí lại cho tới mức ta đạt được, trong sự thinh lặng sâu xa nhất, cái sâu thẳm của cõi lòng. Nhờ đó mà ông đã khám phá ra Thiên Chúa và con người cùng sống một cuộc sống duy nhất và không thể tách rời nhau. Vì vậy, không thể gặp con người mà không khám phá ra Thiên Chúa, cũng như ngược lại là chỉ khi nào gặp gỡ được Thiên Chúa, ta mới khám phá ra con người.

Trong tác phẩm “Thiên Chúa và Trần Thế”, sau khi ký giả Peter Seewald đặt câu hỏi: “Gặp Ngài trong sâu thẳm” phải chăng có nghia là Chúa không lơ lửng đâu đó ngoài vũ trụ, nhưng Ngài ở trong chính ta, ở trong mỗi người chúng ta?, ĐTC Biển Đức XVI đã có câu trả lời:

“Đúng, thánh Phaolô cũng đã nói điều đó với dân Athen nơi tòa án thượng thẩm. Ngài đã trích dẫn câu của một thi sĩ Hy Lạp: Chúng ta chuyển động trong Chúa, chúng ta sống và hiện diện trong Ngài. Chúng ta chuyển động trong Chúa là Đấng Tạo Hóa. Điều này, trước hết và nhìn chung, đã được thể hiện trong đời sống sinh lý của ta. Và điều đó càng đúng, khi ta càng tiến sâu vào cái đặc thù của Chúa. Ta có thể diễn tả điều đó như thế này: Ở đâu một người làm điều tốt cho tha nhân, ở đó đặc biệt có sự gần gũi Chúa. Ở đâu con người mở lòng mình ra với Chúa trong lời nguyện, ở đó đặc biệt có sự gần gũi với Ngài.

Chúa không có độ lớn kiểu không gian vật lý. Ngài không ở cao trên hàng trăm ngàn cây số hay ở xa hàng nhiều năm ánh sáng. Trái lại gần gũi của Ngài mang tính chất một tình trạng sống. Ở đâu khuôn mặt và sự hiện diện của Ngài được thể hiện nhiều nhất, ở đâu có tình yêu và sự thiện, ở đó ta sờ được Đấng Vô Biên một cách đặc biệt.”

Chính sau khi gặp gỡ Đức Kitô trên đường Đamas mà sau này thánh Phaolô đã sống thinh lặng trong sa mạc và rồi đã hăng say ra đi rao giảng và đã nói với các tín hữu Côrintô: “Anh em lại chẳng hay biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em”. (1Cr 6, 19-20)

Lời mời gọi của Chúa Giêsu “Đến mà xem” (Ga 1, 39) đã được ĐTC Gioan Phaolô II lập lại dưới hình thức mới mẻ trong Tông Huấn Giáo Dân số 16 như sau:

“Ơn gọi nên thánh đặt nền tảng trong bí tích Thánh Tẩy và được sinh động nhờ các bí tích khác, chủ yếu là bí tích Thánh Thể: được mặc lấy Đức Kitô và được tràn đầy Thánh Thần, các Kitô hữu là “những vị thánh”; nhờ đấy, họ có khả năng và nỗ lực thể hiện sự thánh thiện của mình trong mọi hoạt động, thánh Phaolô không ngừng khuyên các Kitô hữu sống “xứng đáng là những người trong dân thánh” (Ep 5, 3)

Đời sống trong Thánh Thần, mà hoa trái là sự thánh hóa (Rm 6, 22; Gl 5, 22) khơi lên nơi tất cả và nơi mỗi người đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy niềm khát vọng và sự đòi buộc phải nối gót, noi gương Đức Giêsu Kitô: qua việc đón nhận các mối phúc thật, lắng nghe và suy gẫm lời Chúa, tham dự cách có ý thức và chủ động vào đời sống phụng vụ và bí tích của Giáo Hội, chuyên chăm cầu nguyện riêng trong gia đình và cộng đoàn, khát khao sự công chính, thực hành giới luật yêu thương trong mọi hòan cảnh đời sống và trong việc phục vụ anh em, đặc biệt những người hèn kém, những người nghèo và những người đau khổ.”

Quả thật, hành động hiến dâng cuộc đời cho Thiên Chúa của vị bác sĩ đáng kính trên đã diễn tả thật cao cả và chắc chắn đã thấm nhuần niềm vui như ông Anrê khi gặp em mình là ông Simon và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia (nghĩa là Đấng Kitô)” *(Ga 1, 41)

Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Chúa đã dâng hiến cuộc đời của Ngài cho chúng con và Chúa tha thiết mời gọi chúng con cũng dâng hiến cuộc đời cho Chúa như Chúa đã trăn trối trước khi ra đi là “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”

Xin ở lại với chúng con luôn mãi để “Thầy ở đâu chúng con ở đó với Thầy”. Amen.

Chúa Nhật II TNB, 14/01/2009

Phêrô Vũ văn Quí

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 20.01.2009. 11:31