Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đặc trưng của Hội thánh là thánh thiện và truyền giáo

§ Bình Hòa

Bài giảng tại Brindisi 15-6-08

Pope_20080615-01.jpg

Từ chiều thứ 7 vừa rồi, Đức Thánh Cha đã đi thăm viếng hai giáo phận Santa Maria di Leuca và Brindisi, ở cực Nam của nước Ý (có thể so sánh như mũi Cà-mau của Việt Nam). Tại đền thờ đức Mẹ Leuca, ngài đã dâng thánh lễ, rồi vào ban tối ngài đến Brindisi, tại đây ngài đã gặp gỡ các bạn trẻ. Lúc 10 giờ sáng chúa nhựt, đức Bênêđictô XVI đã chủ sự thánh lễ cho cộng đoàn Dân Chúa, kết thúc với kinh Truyền tin kính Đức Mẹ. Vào ban chiều, ngài đã gặp các linh mục tại nhà thờ chính toà, và sau đó đã đáp máy bay về lại Rôma. Bài tường thuật hôm nay chú trọng đến bài giảng Thánh lễ và kinh Truyền tin.

Như thường lệ, bài giảng dựa trên các bài đọc Sách Thánh của Chúa Nhựt thứ XI mùa Thường niên. Bài đọc Một (Xh 19,2-6°) gợi lại cuộc thiết lập giao ước tại núi Sinai. Bài Tin mừng (Mt 9,36-10,8) kể lại việc 12 tông đồ được kêu gọi và sai đi. Chúng ta có thể tìm thấy “hiến pháp” của Hội thánh ở đây: các tín hữu được mời gọi hãy ý thức ơn gọi của mình và lên đường truyền giáo.

Trong Bài Đọc Một, tác giả Sách Thánh thuật lại giao ước giữa Thiên Chúa với ông Môsê và dân Israel trên núi Sinai. Đây là một trong những chặng quan trọng của lịch sử cứu độ, khi Thiên Chúa biểu lộ kế hoạch vĩnh cửu của Ngài vượt lên trên lịch sử của Cựu ước và Tân ước. Kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa là muốn cứu độ muôn dân nhờ sự thánh hoá một dân riêng, mà Chúa đã lựa chọn giữa muôn dân. Vì thế dân đó được mang tên là “dân thánh”, không chỉ theo nghĩa luân lý nhưng nhất là vì tự bản chất họ thuộc về Thiên Chúa. Bản chất của dân ấy từ tỏ lộ dần dần từ Cựu ước sang Tân ước, với sự xuất hiện của Chúa Giêsu.

Đoạn Tin mừng hôm nay kể lại một chặng quyết định trong việc mặc khải đó. Thực vậy, khi kêu gọi 12 tông đồ, Chúa Giêsu muốn gợi lại 12 chi tộc Israel, ra như muốn cho thấy rằng ngài đến để hoàn tất chương trình của Chúa Cha, tuy dù phải chờ đến lê Ngũ tuần thì khuôn mặt của Hội thánh mới được trưng bày trọn vẹn, khi mà các tông đồ loan báo Tin mừng cho hết mọi dân tộc qua các ngôn ngữ của họ (Cv 2,3-4).

Đức Thánh Cha nói tiếp. Lối hành động của Chúa Giêsu thật là độc đáo, bởi vì cho thấy rằng Thiên Chúa thực hiện kế hoạch vĩ đại của ngài qua con đường nghèo khó và khiêm tốn. Quang cảnh hùng vĩ trên núi Sinai trong bài đọc Một đã nhường chỗ cho những cử chỉ đơn sơ kín đáo trong bài Tin mừng, mặc dù hàm chứa rất nhiều tiềm năng đổi mới. Đó là cái lôgic của Nước Chúa, được ví như hạt cải bé nhỏ và trở thành đại thụ (Mt 13,31-32). Việc thiết lập giao ước trên núi Sinai kèm theo những hiện tượng kinh hoàng làm cho dân Israel khiếp sợ. Còn buổi khai trương Hội thánh ở Galilê thì không có những hiện tượng đó, bởi vì nó phản ánh lòng hiền hậu thương xót của trái tim Chúa Giêsu, lòng thương xót báo trước một cuộc đấu tranh chống lại quyền lực sự dữ. Thực vậy, khi phái 12 tông đồ đi giảng Tin mừng, Chúa Giêsu đã trao cho các ông quyền năng bài trừ các thần dữ, chữa lành các bệnh tật (Mt 10,1). Các tông đồ phải hợp tác với Chúa Giêsu trong việc thiết lập Nước Trời, nghĩa là quyền bá chủ của Thiên Chúa, mang lại sự sống cho nhân loại. Nói khác đi, cũng giống như Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu, Hội thánh mang một sứ mạng thiết lập vương quyền của sự sống, và bài trừ quyền thống trị của sự chết, ngõ hầu sự sống của Thiên Chúa ngự trị trong thế giới.

Kế hoạch của Thiên Chúa là như thế đó: bành trướng ra khắp thế giới tình yêu phát sinh sự sống. Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn thực hiện chương trình đó trong sự tôn trọng tự do của chúng ta, bởi vì tình yêu đòi hỏi sự chấp nhận tự nguyện, chứ không thể áp đặt. Từ đó, Hội thánh trở nên nơi đón nhận và chuyển thông của Thiên Chúa. Trong bối cảnh này, ta thấy rằng hai đặc tính thánh thiện và truyền giáo gắn liền với nhau. Vì là thánh thiện, nghĩa là được tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa, Hội thánh có khả năng chu toàn sứ mạng của mình. Đối lại, Thiên Chúa đã kêu gọi và thánh hoá Hội thánh là để thực hiện sứ mạng đó. Dù sao cũng nên biết rằng, các thánh tông đồ chưa phải là những người hoàn hảo; họ được lựa chọn không phải vì đời sống của họ đức độ trọn lành. Họ nhiệt thành đấy, nhưng cũng mang nhiều khiếm khuyết, đôi khi trầm trọng. Chúa Giêsu không kêu gọi những người đã thánh thiện rồi, nhưng là để làm cho họ nên thánh. Trong bài đọc Hai, thánh Phaolô viết như sau: “Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của ngài đối với chúng ta, bởi vì khi còn là tội nhân, Đức Kitô đã chét cho chúng ta” (Rm 5,8). Hội thánh là cộng đoàn những tội nhân, những người tin tưởng vào tình thương của Chúa, và để cho Thiên Chúa cải biến, nhờ thế mà họ nên thánh.

Trong phần cuối của bài giảng, ĐTC nhắn nhủ các tín hữu Brindisi hãy mang ra thực hiện kế hoạch mà công nghị giáo phận đã biểu quyết, đó là thực hiện “lòng trắc ẩn”, theo gương của Chúa Giêsu đã động lòng trắc ẩn đứng trước nỗi khổ của những người túng quẫn, lưu lạc. Lòng trắc ẩn không có nghĩa là mủi lòng bố thí, nhưng là liên đới chia sẻ, nuôi dưỡng niềm hy vọng.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giỡ rưỡi. Sau lời nguyện tạ lễ, Đức Bênêđictô đã đọc bài huấn dự dẫn vào kinh Truyền tin, dựa theo hình ảnh của hải cảng, nơi tàu cập bến và nơi tàu ra khơi. Ngài nói như sau:

Chỗ mà chúng ta đang đứng đây – hải cảng – mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Mỗi hải cảng nói đến sự đón tiếp, sửa chữa, trú ngụ; nói đến sự dừng chân sau thời kỳ phiêu du, dài dẵng và gian nan. Nhưng hải cảng cũng gợi lên tư tưởng lên đường, mơ uớc, tương lai. Cách riêng hải cảng Brindisi mang một tầm quan trọng trong việc thông thương hướng ra Địa Trung hải và về Mạn Đông, vì thế đã Liên hợp quốc đã đặt một căn cứ quan trọng cho các kế hoạch nhân đạo.

Pope_20080615-06.jpg

Từ nơi này, tôi muốn lặp lại sứ điệp Kitô giáo kêu gọi hợp tác và hoà bìinh giữa các dân tộc, cách riêng là giữa các dân tộc miền Trung đông và Cận đông. Từ mỏm đất hướng ra Địa trung hải, nằm giữa Tây phương và Đông phương, chúng ta hãy hướng đến Đức Maria, người mẹ chỉ đường, theo như tước hiệu quen thuộc của các Giáo hội Đông Phương (Odegitria), bởi vì Mẹ đã ban cho chúng ta Đức Giêsu, là con đường dẫn đến hoà bình. Chúng ta xin Mẹ hãy trở nên hải cảng cứu độ cho mỗi người và cho toàn nhân loại, Xin Mẹ hãy che chở cho thành phố này, cho nước Italia, cho châu Âu và toàn thế giới, khỏi những cơn bão tố đang đe doạ đức tin và các giá trị chân chính; xin Mẹ hãy cho các thế hệ trẻ biết ra khơi, không ngại đương đầu với những thách đố, nhờ niềm hy vọng Kitô giáo, Lạy Mẹ Maria, là hải cảng cứu độ, xin cầu cho chúng con.

Đang khi Đức Thánh Cha đọc kinh Truyền tin, thì một đoàn chim câu được tung lên trời, như biểu lộ lòng nguyện ước hòa bình.

Bình Hòa, 15/06/2008

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 15.06.2008. 15:27